Chỉ thị số 13/2007/CT-UBND ngày 28/02/2007 Về tăng cường thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2007 do tỉnh Quảng Nam ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 13/2007/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Quảng Nam
- Ngày ban hành: 28-02-2007
- Ngày có hiệu lực: 10-03-2007
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 11-04-2012
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1859 ngày (5 năm 1 tháng 4 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 11-04-2012
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 13/2007/CT-UBND | Tam Kỳ, ngày 28 tháng 02 năm 2007 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG NĂM 2007
Năm 2006, mặc dầu các cấp, các ngành và các địa phương đã có nhiều biện pháp tích cực trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), tuy nhiên trên địa bàn tỉnh vẫn để xảy ra 3 vụ cháy rừng, gây thiệt hại 19,5 ha diện tích rừng trồng. Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, năm 2007 khả năng sẽ xuất hiện hiện tượng Elnino, nắng nóng khô hanh kéo dài, nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Để đối phó với tình hình thời tiết khô hạn sắp đến, tăng cường các biện pháp nhằm hạn chế thấp nhất việc xảy ra cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành liên quan, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị, thành phố, Ban chỉ huy PCCCR các cấp và các chủ rừng thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị định số 09/2006/NĐ-CP ngày 16/01/2006 của Chính phủ Quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng; Chỉ thị số 21/2002/CT-TTg ngày 12/12/2002 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 3148/BNN-KL ngày 27/11/2006 của Bộ Nông nghiệp & PTNT về tăng cường thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2006-2007. Thực hiện các biện pháp PCCCR theo phương châm: Phòng cháy là chủ đạo; phát hiện sớm, thông tin và tổ chức cứu chữa, ứng cứu kịp thời khi xảy ra cháy rừng.
2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền thường xuyên, liên tục để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương, các chủ rừng và nhân dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Đài Phát thanh-TH tỉnh, Báo Quảng Nam dành thời lượng để tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng, PCCCR.
Chi cục Kiểm lâm phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tổ chức đưa tin cảnh báo sớm nguy cơ cháy rừng để các địa phương, các chủ rừng và nhân dân biết chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng.
3. Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm tổ chức ký cam kết với các hộ dân sống trong, ven và gần rừng về công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Kiểm lâm địa bàn có trách nhiệm tham mưu cho Chủ tịch UBND xã tổ chức lực lượng tăng cường tuần tra và quản lý chặt chẽ việc sử dụng lửa trong rừng, ven rừng, canh tác nương rẫy của nhân dân suốt các tháng mùa khô.
4. Sở Nông nghiệp & PTNT chỉ đạo các chủ rừng, các Ban quản lý rừng phòng hộ, Công ty Lâm nghiệp, Nông trường xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng và tổ chức thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng trong lâm phận được giao. Khi xây dựng các dự án trồng rừng và thiết kế trồng rừng tập trung phải thiết kế các công trình PCCCR và được cơ quan kiểm lâm tham gia thẩm định trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các cấp có thẩm quyền chỉ phê duyệt dự án trồng rừng và thiết kế trồng rừng tập trung khi có thiết kế các công trình PCCCR.
5. Các ngành đường Bộ, đường Sắt, Điện, Bưu điện và các đơn vị Quân đội có công trình ở địa bàn gần rừng, trong rừng hoặc đi ngang qua rừng cần có phương án PCCCR và phối hợp với các chủ rừng, các địa phương tổ chức thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
6. Củng cố và tăng cường hoạt động của Ban chỉ huy phòng cháy chữa cháy rừng từ cấp tỉnh đến huyện, thị và xã có rừng. Ban chỉ huy tham mưu UBND cùng cấp xây dựng phương án và tổ chức kiểm tra, đôn đốc thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng của các đơn vị, chủ rừng trên địa bàn quản lý.
7. Các lực lượng Công an, Quân đội, Kiểm lâm và lực lượng quản lý bảo vệ rừng của các chủ rừng tổ chức duy tu bảo dưỡng các công trình đã có; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, dụng cụ, thiết bị đảm bảo sẵn sàng phục vụ chữa cháy rừng. Các địa phương, đơn vị và cá nhân phải tuyệt đối chấp hành khi được cấp có thẩm quyền điều động lực lượng, phương tiện của mình phục vụ cho chữa cháy rừng.
8. Sở Tài chính phối hợp với Chi cục Kiểm lâm đề xuất nguồn kinh phí để trang bị phương tiện, dụng cụ cần thiết cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
9. Khi phát hiện lửa rừng, các địa phương, đơn vị và các chủ rừng phải huy động ngay lực lượng, phương tiện tại chỗ để chữa cháy kịp thời, triệt để và phải đảm bảo an toàn tính mạng cho người tham gia chữa cháy; sau khi dập tắt lửa rừng UBND các cấp, cơ quan Kiểm lâm và Công an cùng cấp tiến hành điều tra, tìm ra nguyên nhân và xử lý đối tượng gây ra cháy rừng; khen thưởng kịp thời những cá nhân, đơn vị có nhiều thành tích trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành liên quan, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị, thành phố, các cơ quan và các chủ rừng nghiêm túc thực hiện nội dung Chỉ thị này; Thường trực Ban chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng tỉnh có trách nhiệm thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp và báo cáo tình hình phòng cháy, chữa cháy rừng về Uỷ ban nhân dân tỉnh để theo dõi chỉ đạo./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |