cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 07/2007/CT-UBND ngày 26/02/2007 Tăng cường thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ do tỉnh Bình Dương ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 07/2007/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Bình Dương
  • Ngày ban hành: 26-02-2007
  • Ngày có hiệu lực: 08-03-2007
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 19-10-2008
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 591 ngày (1 năm 7 tháng 16 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 19-10-2008
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 19-10-2008, Chỉ thị số 07/2007/CT-UBND ngày 26/02/2007 Tăng cường thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ do tỉnh Bình Dương ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Chỉ thị số 11/2008/CT-UBND ngày 09/10/2008 Về tăng cường thực hiện công tác bảo hộ lao động, an toàn lao động trên địa bàn tỉnh Bình Dương do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/2007/CT-UBND

Thủ Dầu Một, ngày 26 tháng 02 năm 2007

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÔNG TÁC AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG, PHÒNG CHỐNG CHÁY NỔ

Trong thời gian qua, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đóng trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã quan tâm thực hiện khá tốt một số quy định của pháp luật về công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Bình Dương vẫn còn xảy ra các trường hợp tai nạn lao động nghiêm trọng, bệnh nghề nghiệp và các vụ cháy lớn đã gây thiệt hại về người và tài sản, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Các trường hợp tai nạn lao động, cháy nổ xảy ra do một số doanh nghiệp không chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật lao động, Luật Phòng cháy chữa cháy như: Huấn luyện về an toàn lao động cho người lao động, trang bị các phương tiện bảo vệ cá nhân, điều kiện làm việc và môi trường làm việc không an toàn, không kiểm định và đăng ký sử dụng thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; công tác tự kiểm tra, giám sát về an toàn vệ sinh lao động, trang bị các phương tiện chữa cháy, bố trí sắp xếp nguyên vật liệu chưa phù hợp.

Để nâng cao hơn nữa nhận thức và trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động và các cấp, các ngành đối với công tác an toàn vệ sinh lao động phòng chống cháy nổ (AT-VSLĐ-PCCN); đẩy mạnh các hoạt động cải thiện điều kiện tại nơi làm việc, hướng tới “Xây dựng và phát triển văn hóa an toàn trong lao động”, góp phần đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội bền vững; đồng thời để chuẩn bị tốt việc tổ chức Tuần lễ Quốc gia về AT-VSLĐ-PCCN lần thứ 9 năm 2007 của cả nước tại tỉnh Bình Dương; Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành và các doanh nghiệp thực hiện một số nội dung sau:

1. Các sở, ngành, các Ban Quản lí khu công nghiệp, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã:

a) Tổ chức triển khai các văn bản pháp luật cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lí, thực hiện tốt công tác tuyên truyền thông qua việc phát hành tờ rơi, tranh ảnh áp phích, các phóng sự tin bài về công tác AT-VSLĐ-PCCN.

b) Tăng cường công tác kiểm tra chỉ đạo việc thực hiện các quy định của Nhà nước về AT-VSLĐ-PCCN ở tất cả các cơ sở thuộc các thành phần kinh tế. Cần lưu ý đến các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và các lĩnh vực: Xây dựng; lắp đặt, sửa chữa và sử dụng điện; khai thác khoáng sản và khai thác đá; gia công chế biến gỗ, các đơn vị có sử dụng các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Kiên quyết xử lí nghiêm minh, kịp thời đối với các hành vi vi phạm pháp luật lao động, Luật Phòng cháy chữa cháy.

c) Đôn đốc các doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe định kỳ và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động, tổ chức đo đạc môi trường lao động và có các biện pháp tích cực cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, tổ chức huấn luyện trang bị kiến thức phòng tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và kiến thức về sơ cấp cứu ban đầu người bị nạn.

d) Chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền quản lí của mình thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước về AT-VSLĐ-PCCN. Yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đã xảy ra tai nạn lao động tổ chức thăm hỏi động viên và tặng quà cho nạn nhân và các gia đình nạn nhân.

đ) Phát động đợt tổng vệ sinh ở khu vực sản xuất, văn phòng và công sở. Đôn đốc các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh treo băng rol, khẩu hiệu hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia về AT-VSLĐ-PCCN từ ngày 01/3/2007 đến ngày 31/3/2007; cử lực lượng tham gia lễ phát động Tuần lễ Quốc gia lần thứ 9 với quy mô cả nước tại nhà hát Khu công nghiệp Mỹ phước II, huyện Bến Cát.

Đối với huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền trên Đài Truyền thanh, xe thông tin lưu động về mục đích, ý nghĩa của việc tổ chức Tuần lễ Quốc gia về AT-VSLĐ-PCCN.

Các nhiệm vụ trọng tâm tổ chức Tuần lễ Quốc gia về AT-VSLĐ-PCCN:

- Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp cùng với Cục An toàn lao động Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Văn hoá - Thông tin xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện lễ phát động Tuần lễ Quốc gia về AT-VSLĐ-PCCN và các hoạt động mang tính quốc gia tại tỉnh.

- Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với Sở Văn hoá - Thông tin tổ chức triển lãm về công tác AT-VSLĐ-PCCN.

- Công an tỉnh tổ chức diễn tập phương án phối hợp nhiều lực lượng về công tác phòng cháy - chữa cháy.

- Sở Y tế tổ chức diễn tập xử lí tình huống khi xảy ra ngộ độc do hóa chất với nhiều người mắc (hơn 10 người); tổ chức Hội thảo tăng cường quản lí sức khỏe người lao động và bệnh nghề nghiệp.

2. Các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh:

a) Tổ chức huấn luyện lần đầu, định kỳ, chuyển làm công việc khác về an toàn vệ sinh lao động, cách sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân, các biện pháp bảo đảm AT-VSLĐ-PCCN, quyền và nghĩa vụ cho người lao động; huấn luyện về công tác phòng cháy chữa cháy.

b) Cải thiện điều kiện làm việc, giảm ô nhiễm môi trường lao động, ngăn ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; có biện pháp khắc phục ngay khi các điều kiện không đảm bảo an toàn cho người lao động; trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân; thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật tại chỗ cho người lao động làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

c) Chăm sóc sức khỏe cho người lao động; tổ chức khám sức khỏe định kỳ và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động làm việc ở nơi có yếu tố độc hại và tổ chức kiểm tra, đánh giá môi trường lao động, đưa ra giải pháp khắc phục.

d) Tổ chức hoạt động của Hội đồng bảo hộ lao động, phân công cán bộ phụ trách về bảo hộ lao động, xây dựng mạng lưới an toàn vệ sinh; tổ chức tự kiểm tra tình trạng an toàn, vệ sinh của thiết bị, máy móc, nhà xưởng và việc chấp hành các quy định của chế độ bảo hộ lao động, quy trình biện pháp làm việc an toàn, vệ sinh lao động. Kiểm định và đăng ký sử dụng cho các loại thiết bị máy móc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.

đ) Tổ chức lễ phát động công nhân lao động trong đơn vị, doanh nghiệp hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia về AT-VSLĐ-PCCN do tỉnh phát động (từ ngày 18/3/2007 đến ngày 24/3/2007) và chương trình hành động của đơn vị, doanh nghiệp bằng kế hoạch cụ thể phù hợp với tình hình và điều kiện của đơn vị, doanh nghiệp. Treo băng rol, khẩu hiệu tuyên truyền, áp phích ở nơi làm việc.

Ban chỉ đạo Tuần lễ Quốc gia về AT-VSLĐ-PCCN của tỉnh, các sở, ngành có liên quan, Ban Quản lí khu công nghiệp, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc triển khai các nội dung của Chỉ thị này. Các doanh nghiệp trong các thành phần kinh tế nghiêm túc thực hiện Chỉ thị này và chấp hành đúng các quy định của pháp luật AT-VSLĐ-PCCN./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Hoàng Sơn