cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 55/2007/QĐ-UBND ngày 09/08/2007 Về Quy định quản lý, khai thác, bảo dưỡng và sửa chữa công trình cơ sở hạ tầng nông thôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 55/2007/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Lào Cai
  • Ngày ban hành: 09-08-2007
  • Ngày có hiệu lực: 19-08-2007
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 07-01-2013
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1968 ngày (5 năm 4 tháng 23 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 07-01-2013
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 07-01-2013, Quyết định số 55/2007/QĐ-UBND ngày 09/08/2007 Về Quy định quản lý, khai thác, bảo dưỡng và sửa chữa công trình cơ sở hạ tầng nông thôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 70/2012/QĐ-UBND ngày 28/12/2012 Về Quy định tổ chức quản lý, khai thác và mức hỗ trợ bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên công trình kết cấu hạ tầng do cấp xã quản lý trên địa bàn tỉnh Lào Cai (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 55/2007/QĐ-UBND

Lào Cai, ngày 09 tháng 8 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ, KHAI THÁC, BẢO DƯỠNG VÀ SỬA CHỮA CÁC CÔNG TRÌNH CƠ SỞ HẠ TẦNG NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Pháp lệnh về khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi ngày 04 tháng 4 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi;

Căn cứ Nghị định số 186/2004/NĐ-CP ngày 05/11/2004 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Căn cứ Nghị quyết số 05/2007/NQ-HĐND ngày 16/7/2007 của HĐND tỉnh Lào Cai phê chuẩn quy định về quản lý, khai thác, bảo dưỡng và sửa chữa các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lào Cai,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định về quản lý, khai thác, bảo dưỡng và sửa chữa các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 74/2006/QĐ-UBND ngày 11/8/2006 của UBND tỉnh về phân cấp quản lý, khai thác, bảo dưỡng và sửa chữa các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn trên địa bàn tỉnh và Quyết định số: 837/2004/QĐ-UBND ngày 29/12/2004 của UBND tỉnh về việc bàn hành quy định tổ chức quản lý, khai thác, bảo vệ công trình thuỷ lợi, công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn và thu, sử dụng thuỷ lợi phí, tiền nước từ các công trình thuỷ lợi, cấp nước nông thôn tỉnh Lào Cai.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn, các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Vạn

 

QUY ĐỊNH

QUẢN LÝ, KHAI THÁC, BẢO DƯỠNG VÀ SỬA CHỮA CÁC CÔNG TRÌNH CƠ SỞ HẠ TẦNG NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI.
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 55/2007/QĐ-UBND ngày 09/8/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục tiêu

Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và mọi tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong công tác quản lý khai thác và bảo vệ các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn; tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cán bộ, nhân dân về phát huy tự lực, tự cường, khai thác tối đa nguồn lực trong nhân dân, góp phần sử dụng hiệu quả các cơ sở hạ tầng thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông thôn.

Điều 2. Phạm vi, đối tượng áp dụng

1. Quy định này được áp dụng để quản lý, khai thác, bảo dưỡng và sửa chữa các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh do Nhà nước quản lý hoặc Nhà nước giao cho tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác, sử dụng gồm:

a) Công trình thuỷ lợi và công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn;

b) Hệ thống đường giao thông liên thôn;

c) Công trình cấp điện nông thôn do cấp xã quản lý;

d) Công trình trường học;

e) Công trình trạm y tế cấp xã;

g) Công trình trụ sở HĐND và UBND cấp xã;

h) Các công trình công cộng khác của xã hoặc thôn, bản;

2. Đối tượng thực hiện: Các tổ chức, cá nhân được giao trách nhiệm quản lý, khai thác, bảo vệ công trình cơ sở hạ tầng nông thôn.

Điều 3. Nguyên tắc

1. Tất cả công trình cơ sở hạ tầng nông thôn sau khi xây dựng xong, Chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao cho UBND cấp xã tiếp nhận và tổ chức quản lý, khai thác, bảo vệ công trình theo địa bàn (trừ công trình do tổ chức, cá nhân đầu tư và tự tổ chức quản lý). Hồ sơ bàn giao công trình gồm bộ hồ sơ thiết kế dự toán được duyệt, bản vẽ hoàn công, các quyết định phê duyệt thiết kế dự toán, quyết toán công trình của cấp có thẩm quyền.

2. Mỗi công trình, được giao cho một tổ chức, cá nhân cụ thể chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý, khai thác, bảo dưỡng và sửa chữa; đồng thời xây dựng quy chế quản lý, khai thác, bảo dưỡng và sửa chữa công trình được mọi người hưởng lợi thông qua.

3. Nguồn kinh phí được cân đối: Huy động đóng góp tự nguyện của người hưởng lợi; nguồn thu phí sử dụng theo quy định của pháp luật cho từng loại công trình; nguồn hỗ trợ của Nhà nước và kinh phí chi hoạt động thường xuyên của cơ quan sử dụng công trình; Trường hợp công trình hư hỏng lớn mà nguồn chi thường xuyên không đủ chi phí thì báo cáo UBND xã lập kế hoạch đề nghị cấp trên hỗ trợ.

4. Tất cả các nguồn thu phí theo quy định đối với từng loại công trình, thu huy động đóng góp được sử dụng 100% cho công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên và bảo vệ công trình cơ sở hạ tầng. Phải mở sổ sách theo dõi hạch toán tài sản và các khoản thu, chi công tác quản lý, khai thác, bảo dưỡng, sửa chữa các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn trên địa bàn và kết thúc năm lập báo cáo quyết toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Quản lý các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn

1. Công trình thuỷ lợi, cấp nước sinh hoạt nông thôn:

a. UBND cấp xã thành lập Ban quản lý các công trình thuỷ lợi và cấp nước sinh hoạt nông thôn giúp UBND xã chỉ đạo thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thuỷ lợi, cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn. Ban quản lý do UBND xã quyết định thành lập gồm 01 lãnh đạo xã kiêm trưởng ban, 01 cán bộ chuyên môn phụ trách kế hoạch kỹ thuật tổng hợp và kế toán ngân sách xã theo dõi quản lý tài sản và thu chi phục vụ quản lý công trình; chịu sự chỉ đạo chuyên môn của Phòng Kinh tế huyện, thành phố. Ban quản lý hoạt động kiêm nhiệm, được ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí do UBND tỉnh quyết định; được sử dụng con dấu của UBND xã để giao dịch trong các quan hệ liên quan đến nhiệm vụ của Ban quản lý.

b. Tuỳ theo quy mô, tính chất công trình và sự nhất trí của cộng đồng người hưởng lợi mà áp dụng các mô hình tổ chức trực tiếp quản lý như sau:

- Công trình thuỷ lợi, cấp nước sinh hoạt nông thôn quy mô nhỏ phục vụ hộ, nhóm hộ từ 05 hộ trở xuống, kể cả công trình do tổ chức cá nhân tự đầu tư giao cho hộ, nhóm hộ hoặc chủ đầu tư tự quản lý;

- Công trình thuỷ lợi nơi có hợp tác xã (HTX) nông nghiệp hoạt động thì có thể giao cho HTX nông nghiệp trực tiếp quản lý; công trình thuỷ lợi trên địa bàn không có HTX nông nghiệp và các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn phục vụ từ 06 hộ trở lên thì giao cho Tổ hợp tác trực tiếp quản lý;

- Công trình thuỷ lợi tưới tiêu liên xã thì mỗi xã giao cho tổ chức hợp tác (HTX hoặc tổ hợp tác) quản lý theo địa bàn. Hàng năm UBND cấp huyện triệu tập cuộc họp các xã liên quan chỉ đạo việc phối hợp quản lý đảm bảo tính hệ thống của công trình;

- Những công trình đã giao cho các tổ chức hợp tác nhưng quản lý kém hiệu quả, có thể chuyển sang hình thức khoán cho tổ chức cá nhân tự nguyện nhận quản lý và làm dịch vụ có thời hạn không quá 5 năm;

2. Hệ thống đường giao thông liên thôn giao trưởng thôn, bản quản lý theo địa giới do xã các định;

3. Hệ thống công trình cấp điện nông thôn giao HTX (tổ quản lý) quản lý (hoặc làm dịch vụ cho trạm quản lý điện cấp huyện, thành phố);

4. Công trình trường học giao Hiệu trưởng nhà trường quản lý;

5. Công trình trạm y tế xã giao Trạm trưởng trạm y tế xã quản lý;

6. Công trình trụ sở HĐND và UBND xã giao Văn phòng UBND xã quản lý;

7. Các công trình công cộng khác của xã, thôn giao thủ trưởng cơ quan sử dụng hoặc trưởng thôn bản.

Điều 5. Quản lý, khai thác, bảo dưỡng và sửa chữa các công trình thuỷ lợi, cấp nước sinh hoạt nông thôn

1. Kinh phí cân đối cho công tác quản lý khai thác, bảo vệ công trình thuỷ lợi, cấp nước sinh hoạt nông thôn cân đối, gồm:

a) Đối với công trình giao cho hộ, nhóm hộ tự quản thì do hộ, nhóm hộ tự huy động theo thoả thuận;

b) Đối với công trình giao cho tổ chức do UBND xã thành lập để quản lý, thì tổ chức đó được thu thuỷ lợi phí, tiền nước theo mức quy định của UBND tỉnh. Kinh phí để quản lý công trình thuỷ lợi nội đồng chưa được tính trong mức thu thuỷ lợi phí thì tổ chức quản lý được huy động đóng góp thường xuyên theo thoả thuận của cộng đồng. Trường hợp thuỷ lợi phí tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, miễn giảm theo quy định của Nhà nước được ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí quản lý duy tu sửa chữa công trình.

2. Các chính sách về quản lý công trình thuỷ lợi, cấp nước sinh hoạt nông thôn:

a) Mỗi tổ chức quản lý công trình cấp nước do UBND xã thành lập được trang bị 01 bộ dụng cụ sửa chữa đường ống. Kinh phí được lập trong dự toán xây dựng mới công trình; đối với công trình đã xây dựng, chưa được trang bị thì UBND xã huy động hoặc tiết kiệm chi ngân sách xã để trang bị.

b) Các tổ chức quản lý Nhà nước và các tổ chức trực tiếp quản lý khai thác công trình thuỷ lợi, công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn được Nhà nước hỗ trợ đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý. Hàng năm Sở Nông nghịêp và PTNT xây dựng kế hoạch đào tạo tập huấn trình UBND tỉnh quyết định.

c) Ngân sách nhà nước hỗ trợ hàng năm cho công tác quản lý công trình thuỷ lợi, cấp nước sinh hoạt nông thôn, thông qua ngân sách xã: Mức hỗ trợ từ ngân sách địa phương cho việc quản lý, duy tu bảo dưỡng, sữa chữa các công trình thuỷ lợi và nước sinh hoạt nông thôn do UBND tỉnh quyết định dựa trên cơ sở nguồn thu thuỷ lợi phí, tiền nước; nguồn đóng góp của nhân dân; định mức duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng đối với từng loại công trình thuỷ lợi và nước sinh hoạt nông thôn, bao gồm cả chi phí hỗ trợ hoạt động của Ban quản lý các công trình thuỷ lợi và cấp nước sinh hoạt nông thôn cấp xã.

3. Quản lý sử dụng thuỷ lợi phí, tiền nước và các khoản thu khác phục vụ công tác quản lý khai thác bảo vệ công trình thuỷ lợi, cấp nước sinh hoạt nông thôn; giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Kế hoạch và Đầu tư và UBND các huyện, thành phố hướng dẫn thực hiện.

Điều 6. Quản lý, khai thác, bảo dưỡng và sửa chữa đường giao thông liên thôn

1. Hệ thống đường giao thông liên thôn chủ yếu do xã huy động nhân dân địa phương tự đảm nhận duy tu, bảo dưỡng.

Ngân sách Nhà nước hỗ trợ thêm 300.000 đồng/km/năm cho các xã duy tu bảo dưỡng đường giao thông liên thôn từ loại B - GTNT (chiều rộng nền đường: 4m, rãnh dọc rộng: 0,8m) trở lên.

Khuyến khích các xã, phường, thị trấn chủ động đầu tư nâng cấp kiên cố hoá đường giao thông nông thôn (gồm rãnh thoát nước dọc, cầu, cống, mặt đường...) theo nguyên tắc nhà nước hỗ trợ xi măng, vật liệu nổ công nghiệp, ca máy lu lèn và hướng dẫn kỹ thuật. Phần khối lượng còn lại các xã, phường, thị trấn huy động nhân dân tự nguyện tham gia đóng góp.

2. Các khoản chi UBND xã quản lý phải xây dựng định mức chi phí, nguyên tắc sử dụng quản lý hiệu quả nguồn vốn, đưa vào quy chế quản lý của xã để cộng đồng tham gia xây dựng kế hoạch chi tiêu và giám sát thực hiện. Kết thúc năm lập báo cáo quyết toán khoản chi do UBND xã phê duyệt.

Điều 7. Quản lý, khai thác, bảo dưỡng và sửa chữa các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn khác (trường học, trạm y tế, trụ sở HĐND và UBND, cấp điện sinh hoạt do xã quản lý và các công trình công cộng khác của xã, thôn). Nguồn kinh phí được cân đối từ nguồn chi thường xuyên hàng năm; huy động lao động xã hội; nguồn đóng góp của nhân dân và các nguồn vốn khác. Các tổ chức, cá nhân sau khi tiếp nhận các công trình phải xây dựng kế hoạch bảo quản, sử dụng và sửa chữa thường xuyên.

Điều 8. Đối với các công trình bị thiên tai hoặc hư hỏng nặng, thì tổ chức quản lý có trách nhiệm lập hồ sơ dự toán khắc phục sửa chữa, báo cáo UBND cùng cấp để huy động lao động xã hội thực hiện. Trường hợp kinh phí khắc phục lớn có thể được ngân sách huyện hoặc tỉnh xem xét hỗ trợ một phần kinh phí để sửa chữa (theo phân cấp Luật ngân sách nhà nước, trước hết sử dụng ngân sách huyện, thành phố...).

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Phân công trách nhiệm

1. Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Ban quản lý cấp xã, tổ chức, cá nhân được giao trách nhiệm quản lý khai thác, bảo vệ công trình thuỷ lợi và cấp nước sinh hoạt nông thôn; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng nước và hướng dẫn nghiệp vụ thực hiện đối với các công trình thuỷ lợi và cấp nước sinh hoạt nông thôn tại Quy định này;

2. Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn nghiệp vụ, nội dung thực hiện đối với hệ thống đường giao thông liên thôn theo Quy định này;

3. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các ngành liên quan cân đối nguồn lực hàng năm và hướng dẫn chi sửa chữa thường xuyên cân đối từ ngân sách trên địa bàn để thực hiện Quy định này;

4. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thành phố hướng dẫn việc lập phương án sử dụng tài nguyên đất; phương án khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước;

5. UBND các huyện, thành phố;

a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và giáo dục nhân dân chấp hành tốt các quy định của pháp luật về phạm vi đất dành cho công trình và bảo vệ kết cấu công trình;

b) Quản lý, sử dụng quỹ đất trong và ngoài hành lang an toàn của các công trình theo quy định của pháp luật; xử lý nghiêm và kịp thời các trường hợp lấn chiếm sử dụng trái phép đất trong hành lang an toàn của công trình;

c) Phối hợp các đơn vị quản lý chuyên ngành và các lực lượng liên quan chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ công trình. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác sửa chữa, bảo dưỡng công trình để khai thác và sử dụng có hiệu quả.

d) Huy động mọi lực lượng, vật tư, thiết bị để bảo vệ và khắc phục kịp thời công trình khi có sự cố do thiên tai, địch hoạ gây ra;

đ) Cấp và thu hồi giấp phép thi công liên quan đến các công trình theo phân cấp;

e) Giải quyết tranh chấp, khiếu nại tố cáo về các vấn đề liên quan đến việc bảo vệ công trình hạ tầng nông thôn trên địa bàn theo quy định của pháp luật;

f) Phê duyệt kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng các công trình quản lý theo phân cấp. Hướng dẫn cụ thể nghiệp vụ và chi sửa chữa thường xuyên cân đối từ ngân sách triển khai thực hiện.

6. UBND các xã, phường, thị trấn:

a) Quản lý, bảo trì hệ thống công trình hạ tầng trên địa bàn cấp xã quản lý;

b) Tuyên truyền, phổ biến và giáo dục nhân dân chấp hành tốt các quy định của pháp luật về bảo vệ công trình;

c) Phát huy đảm bảo tính công khai, dân chủ và nâng cao trách nhiệm của người dân, tổ chức họp nhân dân trong thôn, xã cùng bàn bạc phát huy tính tự lực, tự cường, khai thác các nguồn lực trong nhân dân;

d) Phối hợp với các đơn vị quản lý chuyên ngành, các lực lượng liên quan thực hiện các biện pháp bảo vệ công trình và hành lang an toàn của các công trình theo quy định. Thường xuyên kiểm tra, nghiệm thu, đôn đốc các tổ chức, cá nhân thực hiện công tác sửa chữa, bảo dưỡng công trình đảm bảo khai thác và sử dụng có hiệu quả;

đ) Huy động mọi lực lượng, vật tư, thiết bị để bảo vệ và khắc phục kịp thời công trình khi có sự cố do thiên tai, địch hoạ gây ra;

e) Giải quyết tranh chấp, khiếu nại tố cáo về các vấn đề liên quan đến việc bảo vệ kết cấu công trình hạ tầng nông thôn trên địa bàn theo quy định của pháp luật;

f) Lập kế hoạch huy động lao động tại địa phương tham gia đóng góp kinh phí, vật tư để xây dựng, sửa chữa, bảo dưỡng các công trình theo quyết định này, trình UBND huyện, thành phố phê duyệt để triển khai thực hiện.

7. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân được giao trực tiếp quản lý, khai thác công trình: Các tổ chức, cá nhân sau khi tiếp nhận công trình cơ sở hạ tầng nông thôn phải lập quy chế quản lý; có kế hoạch quản lý, bảo quản, sử dụng và sửa chữa thường xuyên công trình hàng năm. Sử dụng hiệu quả kinh phí công tác vận hành, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa và bảo vệ công trình đưa vào quy chế quản lý của đơn vị để cộng đồng tham gia xây dựng kế hoạch và giám sát thực hiện. Kết thúc năm phải lập báo cáo quyết toán kinh phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 10. Khen thưởng

Tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác quản lý, khai thác, bảo dưỡng và sửa chữa các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn, ngăn chặn hành vi xâm hại công trình cơ sở hạ tầng nông thôn thì được biểu dương, khen thưởng theo quy định chung của Nhà nước và của tỉnh.

Điều 11. Xử lý vi phạm

1. Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm hại đến các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn, vi phạm pháp luật về quản lý, khai thác và bảo vệ công trình hạ tầng nông thôn hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm quản lý gây thiệt hại đến công trình hạ tầng nông thôn thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả gây ra mà bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành và được chủ động giải quyết ngay dưới sự chỉ đạo của UBND cấp xã. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Nghiêm cấm mọi hành vi sử dụng sai mục đích các nguồn kinh phí cho công tác quản lý khai thác và bảo vệ các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn.

Điều 12. Điều khoản thi hành

Các địa phương và tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý, khai thác, bảo dưỡng và sửa chữa các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai có trách nhiệm thực hiện đúng Quy định này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, tổ chức, cá nhân phản ánh bằng văn bản về Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét, giải quuyết./.