Chỉ thị số 11/2007/CT-UBND ngày 09/02/2007 Về tăng cường tổ chức quản lý vận hành công trình cấp nước tập trung nông thôn do tỉnh Quảng Nam ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 11/2007/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Quảng Nam
- Ngày ban hành: 09-02-2007
- Ngày có hiệu lực: 19-02-2007
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 16-07-2014
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2704 ngày (7 năm 4 tháng 29 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 16-07-2014
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11/2007/CT-UBND | Tam Kỳ, ngày 09 tháng 02 năm 2007 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG TỔ CHỨC QUẢN LÝ VẬN HÀNH CÔNG TRÌNH CẤP NƯỚC TẬP TRUNG NÔNG THÔN.
Chương trình mục tiêu Quốc gia Nước sạch & VSMT nông thôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, kết thúc giai đoạn I (1999-2005) toàn tỉnh Quảng Nam đã có 72 % số hộ dân ở nông thôn được cung cấp nước sinh hoạt, trong đó khoảng 52% được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn do Bộ Y tế quy định. Đạt được kết quả trên là sự chỉ đạo tích cực của các cấp chính quyền, các Sở ban ngành, các tổ chức xã hội và sự tham gia hưởng ứng tích cực của nhân dân.
Tuy nhiên, những kết quả đã đạt được vẫn chưa tương xứng với sự đầu tư của nhà nước, của các tổ chức, chưa phục vụ tốt nhất nhu cầu sử dụng nước của nhân dân. Hiện nay ở một số địa phương công trình cấp nước bị hư hỏng, xuống cấp chưa được sửa chữa kịp thời, hiệu quả sử dụng còn thấp do chất lượng thiết kế, thi công kém; công tác điều tra khảo sát nguồn nước, kiểm tra định kỳ chất lượng nước còn nhiều bất cập. Đặc biệt, là khâu tổ chức quản lý, vận hành các công trình cấp nước tập trung nông thôn còn buông lỏng, nhiều công trình hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng nhưng địa phương không thành lập tổ chức quản lý, không có cơ chế thu phí sử dụng nước, không xây dựng kế hoạch kinh phí duy tu bảo dưỡng; công tác kiểm tra việc quản lý sử dụng công trình, nhất là kiểm tra chất lượng nước theo định kỳ còn bỏ ngỏ. Tình trạng trên dẫn đến ngày càng có nhiều công trình hư hỏng gây lãng phí công sức đầu tư, tác động trực tiếp đến đời sống của người hưởng lợi, tạo dư luận không hay trong nhân dân đối với các công trình nước sinh hoạt.
Để thực hiện tốt Chỉ thị số 105/2006/CT-BNN ngày 16/11/2006 của Bộ Nông nghiệp & PTNT và Quyết định số 28/2006/QĐ-UBND Ngày 05/7/2006 của UBND tỉnh tăng cường tổ chức quản lý, vận hành, khai thác các công trình cấp nước tập trung nông thôn nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng bền vững của các công trình cấp nước trong thời gian đến, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu :
1. UBND các huyện, thị, thành phố trực thuộc tỉnh tăng cường chỉ đạo các phòng, ban liên quan lĩnh vực cấp nước, UBND xã nơi có công trình cấp nước tập trung nông thôn quán triệt một số nội dung sau :
- Xây dựng mới các công trình phải xuất phát từ nhu cầu sử dụng của nhân dân và phải đảm bảo 2 yếu tố cơ bản: nguồn nước (khả năng cung cấp, chất lượng nước) và sự gắn kết với yêu cầu phát triển bền vững giữa kinh tế - xã hội - môi trường; lưu ý vấn đề chất lượng công trình, hiệu quả sử dụng là mục tiêu chính đối với các chủ đầu tư có công trình trên địa bàn.
- Xây dựng cơ chế huy động nguồn lực đối ứng của nhân dân, của địa phương, các tổ chức KT-XH khác tham gia cùng với nguồn ngân sách nhà nước nhằm xã hội hóa từng bước việc đầu tư cho xây dựng mới cũng như nâng cấp, sửa chữa công trình khi có sự cố hư hỏng, xuống cấp (ngoại trừ các xã đặc biệt khó khăn) để tăng tính trách nhiệm của người hưởng lợi.
- Các địa phương có công trình phải thành lập ngay các tổ chức quản lý để vận hành, khai thác công trình (đối với các công trình cũ chưa có tổ chức), thành lập tổ chức quản lý trước khi thi công công trình mới (từ năm 2007) để thực hiện trách nhiệm quản lý, vận hành, khai thác, sửa chữa; xây dựng quy chế quản lý thu phí sử dụng nước, khấu hao công trình theo đúng quy định để trình UBND huyện, thị, thành phố phê duyệt và tổ chức thực hiện. Mô hình tổ chức quản lý có thể là doanh nghiệp, HTX cấp nước, tổ chức liên doanh dịch vụ cấp nước sạch phù hợp với quy mô công trình, điều kiện của từng địa phương.
- Khi nghiệm thu, bàn giao công trình cho tổ chức quản lý sử dụng các chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao hồ sơ kỹ thuật, đồng thời tổ chức tập huấn công tác quản lý, bảo dưỡng; hướng dẫn quy trình vận hành công trình, quy trình thực hiện công nghệ xử lý nước do Bộ Nông nghiệp & PTNT ban hành.
- Tổ chức kiểm kê, đánh giá thực trạng các công trình, lập hồ sơ xin thanh lý các công trình đã hư hỏng, không phát huy hiệu quả; xây dựng lý lịch các công trình đang hoạt động cần nâng cấp sửa chữa để phục vụ cho việc quy hoạch đầu tư xây dựng, sửa chữa các công trình trên từng địa bàn đến năm 2010.
2. Sở Nông nghiệp & PTNT có trách nhiệm:
- Tham mưu cho UBND tỉnh quản lý nhà nước về nước sạch và VSMT nông thôn trên địa bàn tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh ban hành khung giá nước sinh hoạt nông thôn từng vùng theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ các chi phí, đảm bảo cho chi phí của tổ chức quản lý và tích lũy để thực hiện công việc sửa chữa, duy tu khi có sự cố. Đối với các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nếu không thực hiện được cơ chế thu phí hoặc thu không đủ chi thì có tham mưu cân đối trong ngân sách sự nghiệp kinh tế để đảm bảo cho chi phí của Ban quản lý, duy tu, sửa chữa công trình khi có sự cố.
- Phối hợp với các Sở, ban ngành chức năng hướng dẫn các địa phương tăng cường giám sát việc xây dựng các công trình mới, xử lý, thanh lý các công trình cấp nước tập trung nông thôn đã hư hỏng, không phát huy hiệu quả; xây dựng lý lịch các công trình đang hoạt động để phục vụ cho công tác quy hoạch đầu tư, xây dựng, sửa chữa các công trình cấp nước tập trung nông thôn tại các địa phương giai đoạn đến năm 2010.
- Chỉ đạo Trung tâm Nước sinh hoạt & Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh lập Đề án xây dựng Phòng kiểm nghiệm chất lượng nước trình UBND tỉnh xem xét; tăng cường chức năng quản lý, kiểm tra chất lượng nước sạch các công trình cấp nước tập trung theo định kỳ, đảm bảo tiêu chuẩn Bộ Y tế (QĐ 09/2005/QĐ-BYT ngày 11/3/2005). Phối hợp với các địa phương (các huyện đồng bằng, trung du) xây dựng một số mô hình dịch vụ cấp nước sạch sau đầu tư ở nông thôn để nhân rộng cho các địa phương khác.
- Theo dõi, phối hợp với các Sở, ban, ngành, các địa phương liên quan thực hiện chỉ thị này và hàng năm có tổng kết, đánh giá báo cáo kết quả thực hiện với UBND tỉnh.
3. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn việc quản lý, sử dụng kinh phí cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 28/2006/QĐ-UBND ngày 05/7/2006 về việc ban hành Quy định về quản lý, khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
4. Sở Kế hoạch & Đầu tư tham mưu UBND tỉnh bố trí vốn kế hoạch hàng năm cho công tác duy tu bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp các công trình cấp nước tập trung nông thôn miền núi, đặc biệt là đối với các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.
Yêu cầu Giám đốc các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng các đơn vị, các tổ chức có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |