cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 05/2007/CT-UBND ngày 06/02/2007 Về lập lại trật tự kinh doanh chợ trên địa bàn tỉnh Bình Dương (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 05/2007/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Bình Dương
  • Ngày ban hành: 06-02-2007
  • Ngày có hiệu lực: 16-02-2007
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 06-09-2014
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2759 ngày (7 năm 6 tháng 24 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 06-09-2014
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 06-09-2014, Chỉ thị số 05/2007/CT-UBND ngày 06/02/2007 Về lập lại trật tự kinh doanh chợ trên địa bàn tỉnh Bình Dương (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 2165/QĐ-UBND ngày 06/09/2014 Bãi bỏ văn bản do Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành từ năm 1997 đến năm 2013 không còn phù hợp với pháp luật hiện hành và tình hình thực tế của địa phương”. Xem thêm Lược đồ.

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/2007/CT-UBND

Thủ Dầu Một, ngày 06 tháng 02 năm 2007

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC LẬP LẠI TRẬT TỰ KINH DOANH CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG

Thực hiện Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lí chợ, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 43/2005/CT-UBND ngày 21/9/2005 về việc tăng cường công tác quản lí chợ trên địa bàn tỉnh. Qua đó các ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã đã tổ chức thực hiện cơ bản đảm bảo được việc phát triển và kinh doanh chợ theo quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, công tác quản lí nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh thú y, kinh doanh theo quy định pháp luật được các đơn vị và tiểu thương chấp hành. UBND các huyện, thị xã đã giải tỏa được các chợ tạm, điểm tập trung mua bán tự phát ở gần khu vực đã có chợ xây dựng theo quy hoạch.

Tuy nhiên tình hình phát triển và kinh doanh chợ thời gian qua còn một số hạn chế nhất định như: Vấn đề môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y, công tác phòng cháy chữa cháy, mua bán lấn chiếm lề đường v.v…đã ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, trật tự đô thị, cạnh tranh thiếu lành mạnh và văn minh thương mại, tình trạng kinh doanh các mặt hàng thực phẩm tươi sống chưa bố trí sắp xếp theo đúng quy định, công tác quản lí nhà nước chưa được các ngành có chức năng, UBND các huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ, đồng bộ để giải quyết các vấn đề phát sinh trong việc xây dựng và kinh doanh chợ.

Để lập lại trật tự kinh doanh tại các chợ, nhằm đưa công tác quản lí và phát triển chợ đi vào nề nếp, đảm bảo văn minh thương mại theo tinh thần Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ. UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành có chức năng của tỉnh, UBND các huyện, thị xã thực hiện một số nội dung sau đây:

1. UBND các huyện, thị xã phối hợp cùng Sở Thương mại và Du lịch và các ngành có chức năng tiếp tục triển khai các nội dung về quản lí chợ theo quy định tại Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ, phát động phong trào đăng ký thi đua trong từng đơn vị, cá nhân kinh doanh nhằm thực hiện mục tiêu đưa công tác tổ chức và quản lí chợ vào nề nếp, tích cực xây dựng đơn vị, cá nhân kinh doanh mua bán đạt chuẩn văn minh thương mại, văn minh đô thị.

Kiên quyết xóa các điểm mua bán kinh doanh tự phát vi phạm về quy hoạch, ảnh hưởng đến an toàn giao thông, trật tự đô thị, có kế hoạch và biện pháp chuyển các tiểu thương này vào mua bán tại các chợ theo đúng quy hoạch được phê duyệt.

Chỉ đạo các lực lượng chức năng như trật tự đô thị, quản lí thị trường, y tế, thú y, Công an phòng cháy chữa cháy kiểm tra thường xuyên để xử lí các vi phạm hiện nay ở các chợ nhằm lập lại trật tự kinh doanh và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng về an toàn vệ sinh thực phẩm.

2. Doanh nghiệp, Hợp tác xã kinh doanh khai thác chợ, Ban Quản lí chợ căn cứ các quy định của Nhà nước về yêu cầu hoạt động của chợ, có trách nhiệm rà soát và đánh giá chất lượng hoạt động, có biện pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại về công tác tổ chức, công tác quản lí chợ, đồng thời chịu trách nhiệm tại địa bàn quản lí hoạt động chợ do mình quản lí nếu để xảy ra vi phạm. Hướng dẫn, giúp đỡ hộ kinh doanh chấp hành đúng các quy định của Nhà nước, hợp tác với cơ quan chức năng lập lại trật tự trong kinh doanh và xây dựng đơn vị đạt tiêu chuẩn văn minh thương mại.

3. Sở Thương mại và Du lịch có trách nhiệm xây dựng quy chế phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh, Cục Thuế và các ngành có liên quan khác của tỉnh để thống nhất triển khai nhiệm vụ kiểm tra, xử lí các trường hợp vi phạm, gian lận thương mại, vi phạm vệ sinh thú y, an toàn vệ sinh thực phẩm; công tác phòng cháy chữa cháy nhằm bảo vệ tài sản cho tiểu thương và quyền lợi người tiêu dùng.

Uỷ ban nhân dân tỉnh đề nghị Thủ trưởng các sở, ngành có liên quan của tỉnh, UBND các huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện tốt Chỉ thị này, quá trình thực hiện có báo cáo kịp thời cho UBND tỉnh chỉ đạo./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Hoàng Sơn