Chỉ thị số 03/2007/CT-UBND ngày 05/02/2007 Về đảm bảo mỹ quan đô thị trong xây dựng, lắp đặt các công trình bưu chính, viễn thông và truyền hình cáp do tỉnh Lâm Đồng ban hành
- Số hiệu văn bản: 03/2007/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
- Ngày ban hành: 05-02-2007
- Ngày có hiệu lực: 05-02-2007
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 19-01-2012
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1809 ngày (4 năm 11 tháng 19 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 19-01-2012
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03 /2007/CT-UBND | Đà Lạt, ngày 05 tháng 02 năm 2007 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC ĐẢM BẢO MỸ QUAN ĐÔ THỊ TRONG XÂY DỰNG, LẮP ĐẶT CÁC CÔNG TRÌNH BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG VÀ TRUYỀN HÌNH CÁP
Bưu chính, viễn thông là ngành kinh tế, kỹ thuật, dịch vụ quan trọng thuộc kết cấu hạ tầng của nền kinh tế quốc dân. Cùng với Bưu chính - Viễn thông; Công nghệ thông tin và truyền thông là công cụ quan trọng hàng đầu để thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ, hình thành xã hội thông tin, rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Phát triển bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và truyền thông là yếu tố có ý nghĩa chiến lược, góp phần tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội, tăng năng suất, hiệu suất lao động; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Lâm Đồng có địa bàn rộng, địa hình phức tạp, kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn nhưng cơ sở hạ tầng bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin đã được các doanh nghiệp thường xuyên quan tâm đầu tư xây dựng theo hướng rộng khắp, đồng bộ và hiện đại. Các dịch vụ bưu chính, viễn thông ngày càng phong phú, đa dạng với chất lượng và giá cả phù hợp đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng bưu chính viễn thông của các doanh nghiệp đã bộc lộ một số hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới như: việc thông báo cho các cơ quan chức năng của địa phương biết kế hoạch xây dựng các công trình của doanh nghiệp; quan hệ phối hợp, hợp tác cùng phát triển giữa các doanh nghiệp chưa chặt chẽ, gây lãng phí, làm giảm khả năng cạnh tranh lành mạnh; nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); đặc biệt là vấn đề đảm bảo mỹ quan đô thị trong xây dựng, lắp đặt các công trình bưu chính, viễn thông và truyền hình cáp. Thực tế hiện nay, Bưu điện tỉnh Lâm Đồng đang nỗ lực thực hiện việc ngầm hoá cáp viễn thông trong khu vực trung tâm của các huyện, thị, thành phố thuộc tỉnh thì một số doanh nghiệp khác lại kéo cáp điện thoại, cáp truyền hình tại các khu vực trung tâm không đảm bảo an toàn, vừa gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.
Để cho Bưu chính, viễn thông của tỉnh Lâm Đồng phát triển ổn định, bền vững và đảm bảo mỹ quan đô thị; đồng thời căn cứ Chỉ thị số 10/2005/CT-BBCVT ngày 30/9/2005 của Bộ Bưu chính,Viễn thông về việc đảm bảo và nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông; Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Sở Bưu chính -Viễn thông có trách nhiệm:
- Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, UBND huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt và các ngành, đơn vị liên quan dự thảo qui định các tuyến đường, khu dân cư đến năm 2010 phải thực hiện việc ngầm hoá cáp trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định ban hành;
- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh về việc quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật bưu chính viễn thông và truyền hình cáp trên địa bàn đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhanh chóng triển khai mạng ngoại vi và ngầm hóa mạng cáp;
- Chủ động phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của nhà nước trong xây dựng, lắp đặt các công trình bưu chính, viễn thông và truyền hình cáp.
2. Các doanh nghiệp Bưu chính, viễn thông và truyền hình cáp hoạt động trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm:
- Xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện ngầm hoá cáp của doanh nghiệp mình đến năm 2010 và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Bưu chính Viễn thông;
- Tăng cường phối hợp, hợp tác trong việc sử dụng chung các cơ sở hạ tầng như: cống bể cáp, trụ an ten, trụ điện, các tuyến truyền dẫn. . . ;
- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng ở địa phương để kịp thời nắm bắt các quy hoạch, kế hoạch xây dựng các khu công nghiệp, tuyến đường giao thông, khu chung cư. . . Trên cơ sở đó tiến hành đồng thời kế hoạch xây dựng, lắp đặt các công trình bưu chính, viễn thông và truyền hình cáp của doanh nghiệp mình cùng với việc triển khai quy hoạch, kế hoạch xây dựng các công trình khác của địa phương;
- Tăng cường bảo dưỡng, buộc, căng gọn gàng các sợi cáp bảo đàn tính mỹ quan đối với các tuyến đường, khu dân cư không nằm trong qui định phải thực hiện ngầm hóa. Khi số lượng cáp trên một tuyến đủ lớn thì cần có kế hoạch ngầm hóa, không được kéo quá nhiều sợi cáp trên một tuyến hoặc kéo cáp có dung lượng vượt quá mức cho phép theo tiêu chuẩn Ngành;
- Nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới phù hợp với xu thế phát triển công nghệ cũng như đảm bảo được mỹ quan đô thị và kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng mạng lưới của doanh nghiệp.
3. Các chủ mạng viễn thông chuyên dùng (Công an, Quân đội) căn cứ vào qui định thiết lập và hoạt động của mạng để đề xuất các phương án thực hiện việc ngầm hóa mạng cáp trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định.
4. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt; các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Giao thông - Vận tải, Tài nguyên và Môi trường và Bưu chính, Viễn thông căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình để có các biện pháp hỗ trợ và tạo điều kiện giúp doanh nghiệp xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng mạng lưới bưu chính viễn thông trên địa bàn tỉnh.
5. Các Sở, Ban, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt; các doanh nghiệp bưu chính viễn thông và truyền hình cáp hoạt động trên địa bàn tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ theo quy định nghiêm túc thực hiện nội dung Chỉ thị này.
Sở Bưu chính -Viễn thông chịu trách nhiệm tổ chức triển khai, đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện chỉ thị này và hàng quý báo cáo kết quả triển khai bằng văn bản về Ủy ban nhân dân tỉnh, trong quá trình thực hiện có khó khăn vướng mắc phải báo cáo với Ủy ban nhân dân tỉnh để có biện pháp giải quyết /-
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |