cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 03/2007/CT-UBND ngày 29/01/2007 Về tăng cường công tác bảo vệ dây cáp điện thoại, dây chống sét mạng viễn thông trên địa bàn tỉnh Bến Tre (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 03/2007/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Bến Tre
  • Ngày ban hành: 29-01-2007
  • Ngày có hiệu lực: 08-02-2007
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 21-12-2007
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 316 ngày ( 10 tháng 16 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 21-12-2007
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 21-12-2007, Chỉ thị số 03/2007/CT-UBND ngày 29/01/2007 Về tăng cường công tác bảo vệ dây cáp điện thoại, dây chống sét mạng viễn thông trên địa bàn tỉnh Bến Tre (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Chỉ thị số 30/2007/CT-UBND ngày 11/12/2007 Về tăng cường bảo vệ vật tư, thiết bị các công trình điện, giao thông, cấp nước và viễn thông trên địa bàn tỉnh Bến Tre”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2007/CT-UBND

Bến Tre, ngày 29 tháng 01 năm 2007

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO VỆ DÂY CÁP ĐIỆN THOẠI, DÂY CHỐNG SÉT MẠNG VIỄN THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE

Mạng viễn thông là cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia có ý nghĩa rất lớn trong phát triển kinh tế xã hội. Trong những năm qua, mạng lưới thông tin liên lạc trên địa bàn tỉnh phát triển rất mạnh, phục vụ tốt cho công tác lãnh, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và góp phần giữ gìn an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh. Đến nay, mạng lưới thông tin gồm cáp treo, cáp quang, cột ăng ten viễn thông phát triển khắp cả tỉnh, từ các khu dân cư đến vùng sâu, vùng xa, đảm bảo phục vụ nhu cầu thông tin, liên lạc của nhân dân, góp phần nâng cao trình độ dân trí.

Tuy nhiên, do đặc thù của hệ thống mạng lưới đường dây điện thoại cố định, trang thiết bị và phương tiện mạng viễn thông của các doanh nghiệp phần lớn đều nằm ở bên ngoài, khó quản lý. Trong thời gian qua đã xảy ra nhiều trường hợp cắt trộm đường dây điện thoại và cáp đồng chống sét của các cột ăng ten gây thiệt hại đến hệ thống thông tin liên lạc trên địa bàn tỉnh. Để đảm bảo an toàn cho dây cáp điện thoại, dây chống sét mạng viễn thông, phục vụ yêu cầu thông tin, liên lạc trên địa bàn tỉnh. Thực hiện Nghị định số 142/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 2004 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bưu chính, viễn thông và tần số vô tuyến điện, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Sở Bưu chính, Viễn thông:

a) Tăng cường vai trò công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, thường xuyên đôn đốc các doanh nghiệp tổ chức tốt việc quản lý mạng cáp và địa điểm lắp đặt ăng ten trên địa bàn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phối hợp cùng các ngành chức năng và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã trong công tác vận động toàn dân tham gia bảo vệ an toàn mạng viễn thông.

b) Chủ động đề xuất, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong công tác chỉ đạo thực hiện bảo vệ an toàn mạng viễn thông trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các ngành, địa phương hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn xây dựng kế hoạch bảo vệ mạng lưới thông tin liên lạc, phòng chống trộm cắp. Chủ động tổ chức và phối hợp với Công an tỉnh, các cơ quan có liên quan tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp và địa phương trong việc thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn mạng viễn thông và an ninh thông tin trong hoạt động viễn thông.

c) Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã tổ chức tốt việc tuyên truyền sâu rộng cho mọi tầng lớp nhân dân hiểu biết pháp luật về bưu chính viễn thông. Từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm, vai trò của nhân dân trong việc bảo vệ mạng lưới thông tin, liên lạc.

2. Công an tỉnh:

a) Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phòng chống tội phạm, trong đó đặc biệt chú ý đến tình hình trộm cắp thiết bị, phương tiện thông tin liên lạc.

b) Chỉ đạo cho Công an các xã, phường, thị trấn phối hợp với các lực lượng có liên quan tăng cường công tác tuần tra, trực đêm nhằm phát hiện và kịp thời ngăn chặn các hành vi cắt trộm đường dây điện thoại, dây cáp đồng chống sét của các cột ăng ten viễn thông. Khi phát hiện trường hợp cắt trộm đường dây điện thoại, dây cáp đồng chống sét của các cột ăng ten viễn thông phải khẩn trương điều tra, xử lý nhằm răn đe, giáo dục chung.

c) Hỗ trợ Công an các huyện, thị trong việc tổ chức điều tra, xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bưu chính viễn thông phức tạp, trọng điểm.

d) Phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền, phổ biến các quy định trong việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật thuộc lĩnh vực bưu chính viễn thông.

3. Các doanh nghiệp viễn thông :

a) Khẩn trương rà soát hiện trạng mạng cáp và địa điểm lắp đặt ăng ten của doanh nghiệp mình, tổng hợp báo cáo về Sở Bưu chính, Viễn thông.

b) Xây dựng kế hoạch phát triển mạng lưới viễn thông phải đảm bảo vẻ mỹ quan, vừa phục vụ tốt nhu cầu thông tin liên lạc vừa thuận tiện trong việc bảo vệ an ninh mạng lưới; hộp cáp, dây cáp treo trên các tuyến đường phải đảm bảo đúng độ cao theo quy định; thường xuyên rà soát, khắc phục những tuyến đường dây chưa đảm bảo độ cao an toàn.

c) Chủ động xây dựng kế hoạch bảo vệ mạng lưới thông tin liên lạc cho doanh nghiệp mình; thành lập đội tuần tra bảo vệ mạng lưới, thường xuyên kiểm tra để phát hiện và kịp thời xử lý sự cố đảm bảo thông tin liên lạc được xuyên suốt. Hướng dẫn các Bưu cục, Bưu điện Văn hóa xã phải kết hợp chặt chẽ với các đoàn thể, lực lượng dân phòng ở địa phương tổ chức tuần tra giữ gìn an ninh trật tự khu vực và vận động người dân có ý thức bảo vệ tài sản.

d) Xây dựng hệ thống báo hiệu, chống trộm, đảm bảo phát hiện ngay khi có người xâm hại đến mạng lưới. Thành lập Bộ phận thường trực đường dây nóng đảm bảo trực 24/24 để xử lý nguồn tin do nhân dân cung cấp và có biện pháp ngăn chặn kịp thời, hiệu quả, không để xảy ra thiệt hại.

đ) Thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng số điện thoại nóng của Doanh nghiệp (ví dụ: Bưu điện là số 075.835222 không tính cước phí); số điện thoại của công an xã, phường, thị trấn… để khi phát hiện việc mất cắp sẽ báo ngay để phối hợp xử lý. Đồng thời thực hiện việc khen thưởng kịp thời nhằm khuyến khích người dân tham gia tố giác các hành vi vi phạm pháp luật xâm hại đến mạng viễn thông.

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã :

a) Chỉ đạo Phòng Hạ tầng kinh tế, Phòng Quản lý đô thị phối hợp với Công an, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các doanh nghiệp viễn thông đóng trên địa bàn xây dựng kế hoạch phòng chống các hành vi cắt trộm dây cáp điện thoại, dây cáp đồng chống sét của trụ ăng ten viễn thông có hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương.

b) Xây dựng phương án bảo vệ đường cáp điện thoại, đảm bảo thông tin quốc gia xuyên suốt, nhất là trong các dịp lễ, Tết. Cần có biện pháp ngăn chặn, tăng cường trấn áp bọn tội phạm, không để mạng lưới thông tin liên lạc bị thiệt hại làm ảnh hưởng đến việc phục vụ sự lãnh, chỉ đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp về kinh tế, xã hội và an ninh, quốc phòng trong từng khu vực.

c) Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tăng cường tuyên truyền và có kế hoạch bảo vệ dây cáp điện thoại, dây cáp đồng chống sét của trụ ăng ten viễn thông; phân loại, đánh giá đối tượng trộm cắp; xây dựng và duy trì phong trào toàn dân tham gia tố giác, phòng chống tội phạm đến từng ấp, khu phố, tổ nhân dân tự quản. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong việc tố giác tội phạm; đảm bảo bí mật tuyệt đối cho người dân khi tham gia tố giác tội phạm trong lĩnh vực thông tin liên lạc.

Yêu cầu Giám đốc Sở Bưu chính, Viễn thông; Giám đốc Công an tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã; các doanh nghiệp viễn thông và các tổ chức, cá nhân có liên quan triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị này.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Quốc Bảo