Quyết định số 1361/QĐ-UBND ngày 21/06/2007 Quy định điều kiện ấp trứng và chăn nuôi thủy cầm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 1361/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Đắk Lắk
- Ngày ban hành: 21-06-2007
- Ngày có hiệu lực: 21-06-2007
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 19-12-2013
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2373 ngày (6 năm 6 tháng 3 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 19-12-2013
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1361/QĐ-UBND | Buôn Ma Thuột, ngày 21 tháng 06 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH ĐIỀU KIỆN ẤP TRỨNG VÀ CHĂN NUÔI THỦY CẦM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 17/2007/QĐ-BNN ngày 27/02/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành Quy định về điều kiện ấp trứng và chăn nuôi thủy cầm; Hướng dẫn số 507/HD-CN-GSN ngày 31/5/2007 của Cục Chăn nuôi, về hướng dẫn chăn nuôi thủy cầm thâm canh và bán thâm canh; Hướng dẫn số 508/HD-CN-GSN ngày 31/5/2007 của Cục Chăn nuôi, về hướng dẫn thực hiện một số nội dung Quyết định số 17/2007/QĐ-BNN ngày 27/02/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quy định về điều kiện ấp nở trứng và chăn nuôi thủy cầm;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại Công văn số 485/SNNNT-CN ngày 12/6/2007 về việc ban hành quy định điều kiện ấp trứng và chăn nuôi thủy cầm trên địa bàn tỉnh.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Nay ban hành Kế hoạch điều kiện ấp trứng và chăn nuôi thủy cầm trên địa bàn tỉnh (có kế hoạch kèm theo).
Điều 2. Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Kế hoạch Đầu Tư; Tài chính; Tài nguyên Môi trường; Y tế; Khoa học Công nghệ; Công an tỉnh; Bộ chỉ huy quân sự tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện và thành phố Buôn Ma Thuột, Thủ trưởng các sở; ban; ngành; đoàn thể có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này kể từ ngày ký.
| KT. CHỦ TỊCH |
KẾ HOẠCH
ĐIỀU KIỆN ẤP TRỨNG VÀ CHĂN NUÔI THỦY CẦM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1361/QĐ-UBND ngày 21 tháng 6 năm 2007 của UBND tỉnh)
Để quản lý tốt việc ấp trứng và các chăn nuôi thủy cầm (vịt, ngan, ngỗng) UBND tỉnh ban hành Kế hoạch điều kiện ấp trứng và chăn nuôi thủy cầm trên địa bàn tỉnh như sau:
Phần I
CÔNG TÁC QUẢN LÝ
I. Quản lý cơ sở ấp trứng thủy cầm:
1. Điều kiện ấp trứng: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện ấp trứng thủy cầm phải đảm bảo các điều kiện sau:
a. Địa điểm:
Không nằm trong nội thành, nội thị;
Phải cách biệt với nơi ở, trường học, bệnh viện, chợ, công sở và các nơi công cộng khác bằng tường bao quanh để đảm bảo điều kiện cách ly về an toàn sinh học.
b. Phải có điều kiện nuôi giữ thủy cầm sau khi nở đến đủ 14 ngày để tiêm mũi đầu tiên về vac xin cúm gia cầm do vi rut H5N1 trước khi xuất bán;
c. Phải có tủ để bảo quản các loại vac xin, có kế hoạch dự trù sử dụng vac xin gửi cho trạm thú y định kỳ từng quý/năm;
d. Phải tự lập sổ theo dõi xuất bán thủy cầm sau khi ấp nở, ghi rõ ngày xuất, số lượng con, người mua, địa chỉ người mua.
e. Vệ sinh thú y
- Trứng ấp có nguồn gốc từ cơ sở chăn nuôi sản xuất trứng giống đã khai báo, đăng ký và được kiểm dịch của cơ quan thú y;
- Trứng ấp được khử trùng trước khi đem vào ấp;
- Cơ sở ấp trứng phải có nguồn nước sạch;
- Lối ra vào cơ sở ấp trứng có hố khử trùng tiêu độc;
- Thực hiện khử trùng tiêu độc phương tiện vận chuyển trứng giống, đàn thủy cầm.
2. Khai báo, đăng ký ấp trứng:
a. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đủ điều kiện ấp trứng phải khai báo tại Ủy ban nhân dân cấp xã;
b. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng đăng ký kinh doanh thực hiện việc đăng ký tại cấp có thẩm quyền quy định tại Nghị định số 88/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 29/8/2006 về đăng ký kinh doanh.
II. Chăn nuôi thủy cầm:
1. Điều kiện chăn nuôi thủy cầm: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chăn nuôi thủy cầm phải đảm bảo các điều kiện sau:
a. Con giống phải có nguồn gốc từ các cơ sở sản xuất giống hoặc cơ sở ấp trứng đã khai báo, đăng ký và được kiểm dịch của cơ quan thú y;
b. Thực hiện đầy đủ các quy định về tiêm phòng vac xin cúm gia cầm cho đàn thủy cầm;
c. Không nuôi chung thủy cầm với các loại gia súc, gia cầm khác.
d. Cơ sở chăn nuôi phải cách biệt khu dân cư, công sở, nơi công cộng, đảm bảo cách ly về an toàn sinh học.
2. Chăn nuôi vịt chạy đồng có kiểm soát: Chăn nuôi vịt chạy đồng phải đảm bảo các điều kiện sau:
a. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải đăng ký với UBND cấp xã;
b. Sau khi đăng ký, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được Ủy ban nhân dân cấp xã cấp miễn phí sổ đăng ký chăn nuôi vịt chạy đồng theo mẫu do Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định;
c. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kê khai đầy đủ thông tin trong số đăng ký chăn nuôi vịt chạy đồng riêng biệt cho mỗi đàn vịt (lứa vịt nuôi);
d. Mỗi lần di chuyển đàn vịt đến địa điểm mới, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nuôi vịt phải xuất trình sổ đăng ký chăn nuôi vịt chạy đồng với Ủy ban nhân dân cấp xã đầu tiên nơi đến để được xác nhận, giám sát dịch bệnh và thực hiện tiêm phòng vac xin phòng bệnh cúm gia cầm H5N1 nếu đến thời hạn tiêm chủng theo quy định.
3. Khai báo, đăng ký: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hội đủ điều kiện chăn nuôi thủy cầm theo Mục II.1 của Kế hoạch sẽ thực hiện việc khai báo như sau:
a. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chăn nuôi thủy cầm khai báo tại UBND cấp xã (đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nuôi vịt chạy đồng thì thực hiện việc đăng ký theo Mục II.2 khoản b của Kế hoạch);
b. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chăn nuôi thủy cầm thuộc đối tượng đăng ký kinh doanh thực hiện việc đăng ký tại cấp có thẩm quyền theo Nghị định số 88/CP của Chính phủ ngày về đăng ký kinh doanh.
4. Quản lý dịch bệnh đối với thủy cầm nuôi nhỏ lẻ
Chăn nuôi thủy cầm nhỏ lẻ là đối tượng rất khó quản lý đầu con, sự tăng giảm đàn cũng như thực hiện việc tiêm phòng cúm thủy cầm triệt để. Để quản lý dịch bệnh và thống kê được số đầu con chính xác thì việc quản lý các đối tượng này cũng phải được thực hiện từng bước như vịt chạy đồng;
a. Thời gian thực hiện: bắt đầu từ tháng 7/2007;
b. Cách thực hiện; chọn 13 xã của các huyện và thành phố Buôn Ma Thuột làm thí điểm cấp sổ theo dõi. Tổ chức mỗi thôn, khối có một cộng tác viên thú y;
c. Nội dung thực hiện: thống kê sự tăng giảm đầu thủy cầm 2 tuần/ lần; tổ chức tiêm phòng cúm thủy cầm cho đàn thủy cầm mới phát sinh định kỳ 1 tháng/ lần;
Sau đó tổng kết rút kinh nghiệm, điều chỉnh bổ sung để áp dụng cho toàn tỉnh.
Phần II
THU PHÍ VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN
I. Thu phí:
1. Đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân ấp mới thủy cầm: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân ấp trứng thủy cầm phải trả các chi phí sau:
Phí tiêm phòng vac xin cúm gia cầm cho thủy cầm mới nở là 150 đ/con/lần tiêm (vac xin miễn phí trong năm 2007);
Phí tập huấn về chuyên môn;
Các loại phí phát sinh khác.
2. Đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chăn nuôi vịt chạy đồng
Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chăn nuôi vịt chạy đồng phải trả các phí sau:
Phí tiêm phòng, phí bảo quản vận chuyển vac xin, trang bị bảo hộ lao động là 150đ/con/một lần tiêm (vac xin miễn phí trong năm 2007)
3. Đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chăn nuôi nhỏ lẻ
Phải trả phí tiêm phòng và theo dõi đàn cho kỹ thuật viên ấp, cấp xã là 150 đ/con/lần tiêm.
4. Hướng thu phí tiêm phòng vac xin cúm gia cầm
Nhằm từng bước xã hội hóa trong công tác thú y, tạo điều kiện cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chủ động trong việc phòng bệnh cho đàn vật nuôi, hướng tới từ năm 2008 trở đi, UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ bố trí kinh phí mua vac xin cung cấp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tự tiêm phòng dưới sự giám sát của cán bộ thú y.
II. Dự trù kinh phí thực hiện trong năm 2007:
Tổng kinh phí để thực hiện kế hoạch này là: 62.400.000 đồng được chi từ Ngân sách tỉnh, trong đó:
Đối với việc quản lý vịt chạy đồng: In sổ đăng ký chăn nuôi vịt chạy đồng:
10.000 cuốn x 3.000 đ/cuốn = 30.000.000 đồng.
Số sách theo dõi của cán bộ thú y (phường, xã, trạm thú y):
180 người x 18.000 đ = 32.400.000 đồng.
Phần III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
a. Phối hợp với UBND cấp huyện, các sở, ngành có liên quan của tỉnh tham mưu UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch cơ sở ấp trứng và chăn nuôi thủy cầm và ban hành chính sách khuyến khích chăn nuôi thủy cầm theo hướng tập trung, bảo đảm an toàn sinh học;
b. Hướng dẫn quy trình kỹ thuật ấp trứng, chăn nuôi thủy cầm, phối hợp với UBND cấp huyện tổ chức tiêm phòng vac xin cúm gia cầm cho đàn thủy cầm theo quy định, giám sát dịch bệnh, kiểm soát vệ sinh thú y cơ sở ấp trứng, chăn nuôi thủy cầm, kiểm soát vận chuyển, tổ chức kiểm dịch. Thống kê cơ sở ấp trứng và chăn nuôi thủy cầm và số lượng thủy cầm trên địa bàn;
c. Chủ động phối hợp với UBND cấp huyện, các Sở, ngành có liên quan trong Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm cấp tỉnh đôn đốc, kiểm tra, thông tin tuyên truyền việc thực hiện kế hoạch này;
d. In sổ đăng ký chăn nuôi vịt chạy đồng theo mẫu quy định để cấp cho UBND cấp xã cấp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chịu trách nhiệm triển khai kế hoạch, theo dõi việc thực hiện và báo cáo kết quả việc thực hiện về UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và PTNT.
2. Sở Tài chính: bố trí kinh phí để phục vụ cho công tác triển khai thực hiện quy định về điều kiện ấp trứng và chăn nuôi thủy cầm;
3. Đài Phát thanh truyền hình và Báo Đắk Lắk: tăng cường thời lượng phát sóng, đưa tin thường xuyên, liên tục về nội dung quy định và tình hình triển khai thực hiện quy định về điều kiện ấp trứng và chăn nuôi thủy cầm;
4. Công an tỉnh, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh và Bộ đội biên phòng tỉnh: tăng cường phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trưởng, Sở Y tế trong công tác kiểm tra phát hiện và xử lý những vi phạm quy định về ấp và chăn nuôi thủy cầm;
5. Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế: phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp & PTNT trong công tác theo dõi, tổ chức hướng dẫn, kiểm tra việc vệ sinh tiêu độc, xử lý môi trường tại các điểm nuôi và ấp trứng thủy cầm.
6. Trách nhiệm của UBND cấp huyện
a. Chỉ đạo Phòng Kinh tế cấp huyện và các phòng ban liên quan, UBND cấp xã đôn đốc, kiểm tra việc triển khai kế hoạch thực hiện;
b. Tạo điều kiện thuận lợi về đất đai để khuyến khích phát triển ấp trứng, chăn nuôi thủy cầm theo hướng tập trung, đảm bảo an toàn sinh học.
7. Trách nhiệm của UBND cấp xã
a. Thực hiện kiểm kê đàn thủy cầm có tại cấp xã, chứng nhận đăng ký ấp trứng, chăn nuôi thủy cầm cho hộ nông dân, cấp sổ theo dõi chăn nuôi vịt chạy đồng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, xác nhận đàn vịt di chuyển đến địa bàn;
b. Phối hợp cơ quan thú y tổ chức tiêm vac xin cúm gia cầm H5N1 cho đàn thủy cầm và giám sát dịch bệnh trên đàn thủy cầm tại địa phương.
8. Trách nhiệm của các cơ sở ấp trứng
a. Có trách nhiệm tiêm vac xin cúm gia cầm cho thủy cầm con sau khi ấp nở;
b. Có hệ thống sổ sách nhập trứng thủy cầm, xuất bán thủy cầm con, địa chỉ nguồn gốc của trứng nhập và địa chỉ cụ thể của người mua thủy cầm con;
c. Thường xuyên xử lý các chất loại thải và định kỳ vệ sinh khử trùng tiêu độc theo quy định.
9. Trách nhiệm của hộ chăn nuôi vịt chạy đồng
Trước khi nuôi phải đăng ký với UBND cấp xã nơi cư trú và điền đầy đủ các thông tin vào tờ đăng ký;
Khi di chuyển đàn vịt đến địa điểm mới, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải xuất trình sổ đăng ký chăn nuôi vịt chạy đồng với UBND cấp xã đầu tiên đến nơi để được xác nhận, giám sát dịch bệnh và thực hiện tiêm phòng vac xin phòng bệnh cúm thủy cầm nếu đến thời hạn tiêm chủng theo quy định.
Vịt chạy đồng trong phạm vi xã, phường nào thì chủ tịch UBND xã, phường đó chịu trách nhiệm quản lý; Vịt chạy đồng có phạm vi liên xã, phường thì Trưởng phòng Kinh tế huyện, thành phố đó chịu trách nhiệm quản lý;
Vịt chạy đồng liên huyện đang ở địa bàn huyện nào thì chủ tịch UBND huyện đó phải chịu trách nhiệm quản lý;
Vịt chạy đồng liên tỉnh thì UBND tỉnh thống nhất với UBND tỉnh bạn bàn biện pháp phối hợp thống nhất quản lý.