Quyết định số 1968/QĐ-BTC ngày 06/06/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Về cơ chế quản lý, điều hành giá bán xăng (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 1968/QĐ-BTC
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Bộ Tài chính
- Ngày ban hành: 06-06-2007
- Ngày có hiệu lực: 30-04-2007
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 16-09-2008
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 505 ngày (1 năm 4 tháng 20 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 16-09-2008
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1968/QĐ-BTC | Hà Nội, ngày 06 tháng 06 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ CƠ CHẾ QUẢN LÝ, ĐIỀU HÀNH GIÁ BÁN XĂNG
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01/7/2003 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá;
Căn cứ Nghị định số 55/2007/NĐ-CP ngày 06/4/2007 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu;
Sau khi thống nhất vơi Bộ Thương mại,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Giá bán xăng do thương nhân Việt Nam theo quy định của Luật Thương mại, kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu hoặc chế biến xăng dầu tại thị trường trong nước (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp xăng dầu đầu mối) được quy định giá bán xăng theo cơ chế giá thị trường, trong hệ thống phân phối thuộc mình quản lý.
Điều 2: Các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối căn cứ vào giá nhập khẩu từng chủng loại xăng, các loại thuế, phí theo quy định, chi phí kinh doanh thực tế và lợi nhuận hợp lý để tái đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để tính mức giá cụ thể theo các hướng dẫn về tính giá thành sản xuất, chi phí lưu thông và tính giá hàng hoá, dịch vụ được quy định tại Nghị định số 116/2005/NĐ-CP ngày 15/09/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Cạnh tranh và Quyết định số 06/2005/QĐ-BTC ngày 18/01/2005 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành quy chế tính giá tài sản, hàng hoá, dịch vụ; quyết định giá bán lẻ phù hợp với từng thời điểm, chất lượng của từng loại xăng.
Điều 3: Trước khi ban hành Quyết định giá bán xăng, doanh nghiệp có trách nhiệm đăng ký mức giá bán với Liên Bộ Tài chính – Thương mại; sau đó tổ chức bán hàng theo giá đã đăng ký, niêm yết giá bán đã đăng ký công khai trong toàn hệ thống, bán hàng đủ khối lượng, đúng chất lượng cho khách hàng và không được bán giá cao hơn giá niêm yết. Đồng thời phải chấp hành các biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật khi thị trường có những biến động bất thường.
Trường hợp Liên Bộ phát hiện giá do doanh nghiệp đăng ký không hợp lý, Liên Bộ thực hiện việc kiểm soát các yếu tố hình thành giá theo quy định của Pháp lệnh Giá và yêu cầu doanh nghiệp phải bán theo mức giá hợp lý.
Điều 4: Nghiêm cấm các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, liên kết độc quyền về giá quy định giá không hợp lý để chiếm lĩnh thị trường, gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác, người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước.
Các doanh nghiệp vi phạm các quy định tại Quyết định này đều bị xử lý theo Nghị định số 120/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 của Chính phủ Quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh, Nghị định số 169/2004/NĐ-CP ngày 22/9/2004 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá.
Điều 5: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định số 55/2007/NĐ-CP ngày 06/4/2007 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực thi hành và bãi bỏ các Quyết định về giá bán xăng của các cơ quan có thẩm quyền trước ngày Nghị định 55/2007/NĐ-CP ngày 06/4/2007 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực trái với quy định tại Quyết định này.
| KT.BỘ TRƯỞNG |