cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 04/2007/QĐ-UBND ngày 04/06/2007 Quy định tiêu chí phân loại các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006-2010 (thuộc Chương trình 135 giai đoạn II) tỉnh Điện Biên theo trình độ phát triển do Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 04/2007/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Điện Biên
  • Ngày ban hành: 04-06-2007
  • Ngày có hiệu lực: 14-06-2007
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 08-04-2011
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1394 ngày (3 năm 9 tháng 29 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 08-04-2011
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 08-04-2011, Quyết định số 04/2007/QĐ-UBND ngày 04/06/2007 Quy định tiêu chí phân loại các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006-2010 (thuộc Chương trình 135 giai đoạn II) tỉnh Điện Biên theo trình độ phát triển do Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 311/QĐ-UBND ngày 08/04/2011 Công bố văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực do tỉnh Điện Biên ban hành”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 04/2007/QĐ-UBND

Điện Biên Phủ, ngày 04 tháng 06 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TIÊU CHÍ PHÂN LOẠI VÀ MỨC PHÂN BỔ VỐN ĐẦU TƯ CHO CÁC XÃ ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 2006-2010 (THUỘC CHƯƠNG TRÌNH 135 GIAI ĐOẠN II) TỈNH ĐIỆN BIÊN THEO TRÌNH ĐỘ PHÁT TRIỂN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND-UBND ngày 03/12/2004;
Căn cứ Quyết định số 07/2006/QĐ-TTg ngày 10 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ, về việc phê duyệt Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006-2010 (Chương trình 135 giai đoạn II);
Thông tư liên tịch số: 676/2006/TTLT-UBDT-KHĐT-TC-XD-NNPTNT ngày 08/8/2006 của liên bộ: Ủy ban Dân tộc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện Chương trình trình Phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 – 2010;
Căn cứ Quyết định số 393/2005/QĐ-UBDT ngày 29/08/2005 của Ủy ban Dân tộc về việc ban hành quy định tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển;
Căn cứ Nghị quyết số: 73/2006/NQ-HĐND ngày 12/12/2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc quy định về tiêu chí phân loại các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 – 2010 (thược Chương trình 135 giai đoạn II) tỉnh Điện Biên theo trình độ phát triển;
Theo đề nghị của Ban Chỉ đạo Chương trình 135 giai đoạn II tỉnh Điện Biên,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này quy định tiêu chí phân loại các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 – 2010 (thuộc Chương trình 135 giai đoạn II) tỉnh Điện Biên theo trình độ phát triển.

Điều 2. Quy định mức phân bố nguồn vốn đầu tư Chương trình 135 giai đoạn II cho các xã theo trình độ phát triển như sau:

- Xã loại I: 600 triệu đồng/xã

- Xã loại II: 700 triệu đồng/xã

- Xã loại III: 800 triệu đồng/xã

Điều 3. Căn cứ vào Quyết định này, Ban Chỉ đạo 135 giai đoạn II của tỉnh, Ban Dân tộc, các ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện phân loại các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và Miền núi giai đoạn 2006 – 2010 thành các xã loại I, loại II, loại III để làm căn cứ phân bổ nguồn vốn đầu tư dự án Phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu theo định mức quy định tại điều 2 Quyết định này.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký; Chánh Văn phòng UBND tỉnh, thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình 135 giai đoạn II của tỉnh, Giám đốc các Sở, Ban, Ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Cục KTVBQPPL-BTP;
- BCĐ CT 135 TW;
- TT Tỉnh ủy;
- TT HĐND – UBND tỉnh;
- Lưu: VT, NN. TH

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Lò Mai Trinh

 

QUY ĐỊNH

VỀ TIÊU CHÍ PHÂN LOẠI CÁC XÃ ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 2006-2010 (THUỘC CHƯƠNG TRÌNH 135 GIAI ĐOẠN II) TỈNH ĐIỆN BIÊN THEO TRÌNH ĐỘ PHÁT TRIỂN
(Kèm theo Quyết định số 04/2007/QĐ-UBND ngày 04/6/2007 của UBND tỉnh Điện Biên)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy định này áp dụng để phân loại các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và Miền núi giai đoạn 2006-2010 (thuộc Chương trình 135 giai đoạn II) thành ba loại theo trình độ phát triển để áp dụng các chính sách đầu tư, hỗ trợ của chương trình và có kế hoạch đầu tư phù hợp với điều kiện cụ thể.

Điều 2. Trên cơ sở các thôn, bản đặc biệt khó khăn theo các tiêu chí quy định tại Điều 4 sẽ xác định và sắp xếp các xã đặc biệt khó khăn vào loại I, II, III khi có đủ chỉ tiêu tương ứng quy định tại Điều 5 của Quy định này. Thời điểm xác định các chỉ tiêu tính đến 31/12/2005.

Tỷ lệ hộ nghèo áp dụng theo chuẩn nghèo quy định tại Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg ngày 08/07/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2006-2010.

Điều 3. Đối tượng áp dụng và phạm vi áp dụng

1. Đối tượng áp dụng

- Các xã đã được công nhận tại Quyết định số 164/2006/QĐ-TTg ngày 11/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 – 2010 (Chương trình 135 giai đoạn II);

- Các thôn, bản đặc biệt khó khăn ở các xã khu vực II được công nhận tại Quyết định 301/2006/QĐ-UBDT ngày 27/11/2006 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

2. Phạm vi áp dụng: Là các xã miền núi, vùng cao đã được công nhận tại các Quyết định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và Miền núi (nay là Ủy ban Dân tộc) và các xã mới được chia tách từ các xã miền núi, vùng cao theo các Nghị định của Chính phủ về việc thành lập các xã thuộc các huyện của tỉnh Điện Biên.

Chương 2.

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Tiêu chí thôn, bản đặc biệt khó khăn, áp dụng theo tiêu chí phân loại của Quyết định số 393/2005/QĐ-UBDT ngày 29/8/2005 của Ủy ban Dân tộc về việc ban hành quy định tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển.

Điều 5. Tiêu chí phân loại xã đặc biệt khó khăn:

1. Xã loại I.

a) Có tỷ lệ bản đặc biệt khó khăn dưới 35%.

b) Có tỷ lệ hộ nghèo dưới 55%.

c) Công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu: Thiếu hoặc có nhưng còn tạm bợ từ 6/10 loại công trình kết cấu hạ tầng (KCHT)([1]) thiết yếu trở lên:

d) Các yếu tố xã hội: có ít nhất 3 trong 4 yếu tố sau:

+ Chưa đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở([2])

+ Dưới 70% số thôn bản chưa có y tế thôn bản;

+ Dưới 70% số hộ chưa được hưởng thụ và tiếp cận với các hệ thống thông tin đại chúng;

+ Dưới 60% cán bộ trong hệ thống chính trị cơ sở chưa có trình độ từ sơ cấp trở lên;

e) Điều kiện sản xuất: Bình quân diện tích lúa nước/hộ trên 0,3ha;

f) Địa bàn cư trú: Thuộc địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi: cự ly từ trung tâm huyện đến trung tâm xã dưới 20 km.

2. Xã loại II.

a) Có tỷ lệ bản đặc biệt khó khăn từ 35-60%;

b) Có tỷ lệ hộ nghèo từ 55-70%;

c) Công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu: Thiếu hoặc có nhưng còn tạm bợ 5/10 loại công trình KCHT thiết yếu.

d) Các yếu tố xã hội: Có ít nhất 3 trong 4 yếu tố sau:

- Chưa đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở;

- Từ 70-80% số thôn bản chưa có y tế thôn bản;

- Từ 70-80% số hộ chưa được hưởng thụ và tiếp cận với các hệ thống thông tin đại chúng;

- Từ 60-70% cán bộ trong hệ thống chính trị cơ sở chưa có trình độ từ sơ cấp trở lên;

e) Điều kiện sản xuất: Bình quân diện tích lúa nước/hộ từ 0,2 – 0,3 ha;

f) Địa bàn cư trú: Thuộc địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi; cự ly từ trung tâm huyện đến trung tâm xã từ 20 – 40 km.

3. Xã loại III.

a) Có tỷ lệ bản đặc biệt khó khăn trên 60%.

b) Có tỷ lệ hộ nghèo trên 70%.

c) Công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu: Thiếu hoặc có nhưng còn tạm bợ từ 4/10 loại công trình kết cấu hạ tầng (KCHT) thiết yếu trở xuống.

d) Các yếu tố xã hội: Có ít nhất 3 trong 4 yếu tố sau:

- Chưa đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở;

- Trên 80% số thôn bản chưa có y tế thôn bản;

- Trên 80% số hộ chưa được hưởng thụ và tiếp cận với các hệ thống thông tin đại chúng;

- Trên 70% cán bộ trong hệ thống chính trị cơ sở chưa có trình độ từ sơ cấp trở lên;

e) Điều kiện sản xuất: Bình quân diện tích lúa nước/hộ dưới 0,2 ha;

f) Địa bàn cư trú: Thuộc địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi; cự ly từ trung tâm huyện đến trung tâm xã từ trên 40 km.

Chương 3.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 6. Vào quý IV hàng năm, Ban Dân tộc (Cơ quan thường trực Chương trình 135 giai đoạn II của tỉnh) có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với UBND các huyện căn cứ vào kết quả đầu tư của Chương trình và các tiêu chí quy định tại Quyết định này tiến hành phân loại các xã 135 theo trình độ phát triển trình Hội đồng xét duyệt cấp tỉnh.

Điều 7. Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Hội đồng xét duyệt cấp tỉnh bao gồm các ngành: Ban Dân tộc, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động – Thương binh xã hội, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông, Kho bạc Nhà nước tỉnh, mời đại diện Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh tham gia Hội đồng xét duyệt.

Hội đồng xét duyệt cấp tỉnh có nhiệm vụ: Căn cứ vào tình hình thực tế ở từng xã, đối chiếu với tiêu chí quy định tại Điều 4, Điều 5 của quy định này để xét duyệt kết quả phân loại do cơ quan thường trực BCĐ 135 giai đoạn II tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt làm căn cứ phân bổ vốn đầu tư.

Điều 8. Trong quá trình thực hiện, có vần đề gì vướng mắc hoặc chưa phù hợp, các ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, các chủ đầu tư phản ánh về Ban Dân tộc để nghiên cứu trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung.

 


[1] Công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu (KCHT) bao gồm: Đường giao thông loại B từ thôn đến TT xã, hệ thống điện, trường học, trạm xá, thủy lợi nhỏ, nước sinh hoạt, nhà văn hóa, chợ, trạm PH-TT, trụ sở xã;

[2] Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.