cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 22/2006/CT-UBND ngày 08/12/2006 Về tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh An Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành

  • Số hiệu văn bản: 22/2006/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh An Giang
  • Ngày ban hành: 08-12-2006
  • Ngày có hiệu lực: 18-12-2006
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 15-01-2021
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 5142 ngày (14 năm 1 tháng 2 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 15-01-2021
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 15-01-2021, Chỉ thị số 22/2006/CT-UBND ngày 08/12/2006 Về tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh An Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 68/2020/QĐ-UBND ngày 31/12/2020 Bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường”. Xem thêm Lược đồ.

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 22/2006/CT-UBND

Long xuyên, ngày 08 tháng 12 năm 2006

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG

Thời gian qua, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn chưa được quan tâm đúng mức, tình trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước chưa được quản lý tốt đã làm ảnh hưởng đến nguồn nước cả về số lượng và chất lượng như hạ thấp mực nước ngầm, chất lượng nước ngầm sử dụng không đảm bảo và ô nhiễm nguồn nước mặt tại một số vùng trên địa bàn.

Để chấn chỉnh và tăng cường hơn nữa hiệu lực quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh An Giang, kiểm soát chặt chẽ việc thăm dò, khai thác, xả nước thải vào nguồn nước, đảm bảo khai thác bền vững tài nguyên nước và phòng chống suy thoái nguồn nước, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn tỉnh An Giang khi thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước phải tiến hành xin phép theo quy định. Trường hợp các tổ chức, cá nhân đang hoạt động mà chưa có giấy phép, chậm nhất đến hết ngày 30/06/2007 phải hoàn tất hồ sơ xin cấp phép. Hồ sơ xin cấp phép nộp tại Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc hồ sơ đăng ký nộp tại Phòng Tài nguyên và Môi trường (gọi tắt là cấp huyện), UBND xã, phường, thị trấn (gọi tắt là cấp xã). Sau ngày 30/06/2007 các trường hợp thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước không xin phép hoặc chưa nộp hồ sơ xin phép sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

Tổ chức, cá nhân có giếng khoan không còn sử dụng phải thực hiện trám lấp theo quy định để bảo vệ chất lượng nguồn nước dưới đất; trường hợp kiểm tra phát hiện vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định.

2. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường :

Khẩn trương lập quy hoạch và kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất, trong đó xác định hiện trạng sử dụng, tiềm năng cung cấp và nhu cầu trong tương lai.

Tăng cường quản lý nguồn tài nguyên nước mặt sử dụng cho nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt và cho các mục đích khác.

Xây dựng kế hoạch và phối hợp UBND huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn quy trình trám lấp các giếng đã hư hỏng, không còn hoạt động (bao gồm các giếng khoan nhỏ của các hộ gia đình, giếng khoan khai thác của các cơ quan, tổ chức, giếng thăm dò, giếng quan trắc đã bị hư hỏng) .

Chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND huyện, thị, thành phố tổ chức tổng kiểm tra việc tuân thủ pháp luật về khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước, việc hành nghề khoan nước dưới đất trước tháng 12/2007; kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm, đình chỉ các hoạt động thăm dò, khai thác, xả nước thải vào nguồn nước không có giấy phép, sai phép, báo cáo UBND tỉnh kết quả kiểm tra.

Phối hợp Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh An Giang tổ chức tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật về tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước cho nhân dân; phối hợp UBND huyện, thị xã, thành phố tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý tài nguyên môi trường ở cấp huyện, xã kiến thức chuyên môn và pháp luật về tài nguyên nước nhằm bảo vệ, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước.

3. Trách nhiệm của các sở, ngành cấp tỉnh:

a. Sở Tài chính dự thảo các văn bản sau đây để UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định theo quy định pháp luật:

- Phí thẩm định báo cáo kết quả thăm dò đánh giá trữ lượng nước dưới đất; phí thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi khai thác nước dưới đất, Đề án khai thác nước mặt và Đề án xả nước thải vào nguồn nước, phí thẩm định hồ sơ hành nghề khoan nước dưới đất.

- Lệ phí cấp giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng nước dưới đất; lệ phí cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt; lệ phí cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước.

b. Sở Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình thẩm định các dự án có nhu cầu sử dụng nước ngầm, nước mặt, xả thải phải yêu cầu chủ dự án thực hiện đúng theo quy định.

c. Sở Y tế kiểm tra định kỳ chất lượng nước sử dụng cho mục đích sinh hoạt đối với các đơn vị kinh doanh nước sạch trong tỉnh.

d. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sử dụng nước mặt cho sản xuất nông nghiệp tiết kiệm, hiệu quả và đúng theo các quy định về khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

e. Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện các nghiên cứu về điều tra, đánh giá hiện trạng sử dụng và chất lượng nguồn tài nguyên nước mặt trong tỉnh, đề xuất các giải pháp sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu ô nhiễm.

4. Trách nhiệm của UBND cấp huyện, xã :

Tổ chức kiểm tra, rà soát ngay các tổ chức, cá nhân đang hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn; phân loại các đơn vị hoạt động có giấy phép, không giấy phép, sai giấy phép; xử lý theo thẩm quyền và tổng hợp báo cáo, đề xuất biện pháp quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên nước.

Tổ chức đăng ký tất cả công trình khai thác nước không phải xin phép trên địa bàn; điều tra, lập danh sách các giếng khoan thăm dò, khai thác nước; xác định số lượng, vị trí các giếng đã hư hỏng, không còn hoạt động (bao gồm các giếng khoan nhỏ của các hộ gia đình, giếng khoan khai thác của các cơ quan, tổ chức, giếng thăm dò, giếng quan trắc đã bị hư hỏng). Thời hạn hoàn thành các công việc này đến trước ngày 30/06/2007.

5. Đài phát thanh và truyền hình An Giang phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến những quy định của pháp luật về khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước và nội dung Chỉ thị này.

Yêu cầu giám đốc các sở, ngành, chủ tịch UBND huyện, thị, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- TT.TU, HĐND, UBND tỉnh (để b/c);
- Cục kiểm tra văn bản-Bộ Tư pháp (để kiểm tra);
- Trang Website Chính phủ;
- Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- UBND huyện, thị, TP;
- Lãnh đạo VP. UBND tỉnh;
- Các phòng, ban VP. UBND tỉnh;
- Lưu VT.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Huỳnh Thế Năng