cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 37/2006/CT-UBND ngày 21/11/2006 Tăng cường công tác dân vận trên địa bàn tỉnh Bình Dương (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 37/2006/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Bình Dương
  • Ngày ban hành: 21-11-2006
  • Ngày có hiệu lực: 01-12-2006
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 15-05-2017
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 3818 ngày (10 năm 5 tháng 18 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 15-05-2017
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 15-05-2017, Chỉ thị số 37/2006/CT-UBND ngày 21/11/2006 Tăng cường công tác dân vận trên địa bàn tỉnh Bình Dương (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định 11/2017/QĐ-UBND bãi bỏ văn bản pháp luật của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương”. Xem thêm Lược đồ.

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 37/2006/CT-UBND

Thủ Dầu Một, ngày 21 tháng 11 năm 2006

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC DÂN VẬN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thực hiện Chỉ thị 18/2000/CT-TTg ngày 21/9/2000 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác dân vận; thời gian qua, các sở, ban ngành, huyện, thị, xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể cùng cấp tuyên truyền, giáo dục trong đội ngũ cán bộ, công chức về công tác dân vận. Đồng thời thực hiện sửa đổi lề lối làm việc theo hướng dân chủ hóa, công khai hóa; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, chống hành vi sách nhiễu làm mất lòng dân và thực hiện nghiêm các quy chế dân chủ cơ sở; giải quyết kịp thời các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân… Những việc làm trên đã từng bước phát huy quyền làm chủ và sức mạnh tổng hợp của nhân dân, thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh qua từng thời kỳ.

Tuy nhiên, do nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của công tác dân vận nên vẫn còn một bộ phận cán bộ công chức tác phong làm việc quan liêu, cửa quyền, nặng về biện pháp hành chính, áp đặt, coi nhẹ công tác vận động, thuyết phục; mặt khác, việc phối hợp công tác giữa Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc với Uỷ ban nhân dân và giữa Uỷ ban nhân dân với các tổ chức đoàn thể cùng cấp ở một số nơi chưa chặt chẽ; chưa có sự hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và thực hiện tốt chế độ thông tin báo cáo nên hiệu quả của việc thực hiện Chỉ thị 18/2000/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ chưa cao.

Để từng bước đưa việc thực hiện Chỉ thị 18/2000/CT-TTg ngày 21/9/2000 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác dân vận vào nề nếp, tạo ra chuyển biến mới, tích cực, rõ nét trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước; Uỷ ban nhân dân chỉ thị:

1. Giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp trong tỉnh phải thường xuyên tổ chức triển khai tuyên truyền, giáo dục đội ngũ cán bộ, công chức nâng cao nhận thức và tích cực thực hiện công tác dân vận nhằm xây dựng chính quyền thực sự trở thành chính quyền của dân, do dân và vì dân; kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân vận; đồng thời phê phán những hành vi vi phạm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.

2. Uỷ ban nhân dân các cấp tiếp tục phát huy hiệu quả công tác phối hợp giữa Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc với Uỷ ban nhân dân và giữa Uỷ ban nhân dân với các tổ chức đoàn thể cùng cấp nhằm đẩy nhanh tiến độ phát triển kinh tế, văn hóa xã hội; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở từng địa phương.

3. Giám đốc các sở, ngành, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị tiếp tục thực hiện tốt các nội dung của chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2006 - 2010 theo kế hoạch của Trung ương và của tỉnh; phải xác định đây là một trong những nội dung trọng tâm của chính quyền làm công tác dân vận trong thời gian tới; thực hiện nghiêm chương trình hành động thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng tạo ra bước chuyển rõ nét trong cải cách hành chính, đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu nhân dân, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp chính quyền.

Phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ hoà giải ở cộng đồng dân cư, đưa công tác thanh tra công vụ vào hoạt động thường xuyên, nề nếp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để ngăn ngừa những hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức. Kịp thời giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, không để xảy ra điểm nóng.

4. Cán bộ công chức, nhất là lãnh đạo các sở, ngành, huyện, thị phải xây dựng kế hoạch đi công tác cơ sở để lắng nghe ý kiến của nhân dân, của cơ sở và tuyên truyền, giải thích chính sách, pháp luật của Nhà nước thuộc lĩnh vực chuyên môn được phân công phụ trách.

5. Các sở, ban, ngành, đơn vị phải gắn kết việc chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 18/2000/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ với kế hoạch chỉ đạo hàng năm của Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ của cơ quan, đơn vị nhằm không ngừng phát huy quyền dân chủ của cán bộ, công chức, người lao động trong các hoạt động của cơ quan, đơn vị mình.

6. Giao Sở Nội vụ phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh uỷ tập huấn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị. Đồng thời tập hợp các báo cáo chuyên đề của các sở, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã để tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức sơ kết việc thực hiện Chỉ thị 18/2000/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; đề nghị khen thưởng những tổ chức, cá nhân thực hiện tốt chỉ thị, xử lý nghiêm cán bộ công chức có hành vi vi phạm và sách nhiễu nhân dân. Thời gian sơ kết vào tháng 10 hàng năm.

Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban ngành, đoàn thể, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị, xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh những khó khăn, vướng mắc thì phản ánh về Uỷ ban nhân dân tỉnh để được giải quyết./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Hoàng Sơn