Quyết định số 21/2007/QĐ-UBND ngày 22/05/2007 Quy định về trình tự tiếp nhận đơn; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về bảo vệ môi trường do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành
- Số hiệu văn bản: 21/2007/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh An Giang
- Ngày ban hành: 22-05-2007
- Ngày có hiệu lực: 01-06-2007
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 30-09-2020
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 4870 ngày (13 năm 4 tháng 5 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 30-09-2020
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 21/2007/QĐ-UBND | Long Xuyên, ngày 22 tháng 5 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TRÌNH TỰ TIẾP NHẬN ĐƠN; GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP, KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2005;
Căn cứ Luật Khiếu nại tố cáo được Quốc hội thông qua ngày 02/12/1998; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại tố cáo ngày 15/6/2004 đã được sửa đổi bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại tố cáo ngày 29/11/2005;
Căn cứ Luật Thanh tra được Quốc hội thông qua ngày 15/6/2004;
Căn cứ Nghị định 65/2006/NĐ-CP ngày 23/6/2006 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Tài nguyên và Môi trường;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 55/TTr-STNMT-TTS ngày 02/5/2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về trình tự tiếp nhận đơn; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về bảo vệ môi trường.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Chánh Thanh tra tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các Sở, ngành có liên quan và các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY ĐỊNH
VỀ TRÌNH TỰ TIẾP NHẬN ĐƠN; GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP, KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số:21 /2007/QĐ-UBND ngày 22/5/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh.
Quy định này điều chỉnh mối quan hệ về trình tự tiếp nhận đơn tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh An Giang.
Điều 2. Đối tượng điều chỉnh.
- Các quyết định hành chính, hành vi hành chính về bảo vệ môi trường của cơ quan hành chính Nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường.
- Hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của cơ quan, tổ chức, cá nhân gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước; quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức khác nhưng không phải là tội phạm và theo quy định của Pháp Lệnh xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 81/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 phải bị xử phạt vi phạm hành chính.
Điều 3. Thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, Chủ tịch UBND các cấp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tiếp công dân theo định kỳ và chỉ đạo, phân công các đơn vị trực thuộc thường xuyên tiếp công dân, cơ quan, tổ chức để tiếp nhận và giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền của mình theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Khiếu nại, nội dung khiếu nại hành chính về bảo vệ môi trường.
1. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
2. Khiếu nại hành chính về bảo vệ môi trường gồm: Quyết định xử phạt vi phạm hành chính; quyết định đình chỉ hoạt động; quyết định giải quyết hoặc xử lý tố cáo về bảo vệ môi trường của công dân; kết luận của thanh tra về bảo vệ môi trường; quyết định thu hồi giấy phép môi trường của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường; hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính gây ra.
Điều 5. Tố cáo, nội dung tố cáo về bảo vệ môi trường.
1. Tố cáo về bảo vệ môi trường là việc công dân báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích Nhà nước; quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức khác.
2. Công dân có quyền tố cáo với cơ quan, người có thẩm quyền đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường sau đây:
a) Gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường.
b) Xâm phạm quyền, lợi ích của Nhà nước, cộng đồng dân cư, tổ chức, gia đình và cá nhân.
c) Những tố cáo liên quan đến việc lạm dụng quyền hạn, nhiệm vụ, công vụ để vụ lợi, cố ý làm trái của cơ quan hoặc người có thẩm quyền trong hoạt động quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường.
Điều 6. Tranh chấp về môi trường.
1. Nội dung tranh chấp về môi trường bao gồm:
a) Tranh chấp về quyền, trách nhiệm bảo vệ môi trường trong khai thác, sử dụng thành phần môi trường;
b) Tranh chấp về việc xác định nguyên nhân gây ra ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường; về trách nhiệm xử lý, khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường gây ra.
2. Các bên tranh chấp về môi trường bao gồm:
a) Tổ chức, cá nhân sử dụng thành phần môi trường có tranh chấp với nhau;
b) Giữa tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng các thành phần môi trường và tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cải tạo, phục hồi khu vực môi trường bị ô nhiễm, suy thoái, bồi thường thiệt hại về môi trường.
Chương II
TIẾP NHẬN, XỬ LÝ ĐƠN VÀ TỔ CHỨC TIẾP CÔNG DÂN ĐẾN TRANH CHẤP, KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
MỤC 1. TIẾP NHẬN VÀ XỬ LÝ ĐƠN KHIẾU NẠI VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Điều 7. Khiếu nại lần đầu về bảo vệ môi trường:
Người khiếu nại lần đầu về bảo vệ môi trường phải khiếu nại với người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có cán bộ, công chức có hành vi hành chính mà người khiếu nại có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo quy định tại Điều 30, 31, 33 của Luật Khiếu nại, tố cáo và Điều 32 đã được sửa đổi, bổ sung theo Khoản 8, Điều 01 của Luật Khiếu nại tố cáo đã được sửa đổi, bổ sung ngày 29/11/2005.
Điều 8. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại (trong trường hợp khiếu nại bằng đơn, trong đơn phải đầy đủ nội dung theo khoản 1, Điều 33 của Luật Khiếu nại tố cáo) hoặc người khiếu nại đến khiếu nại trực tiếp theo Khoản 2, Điều 33 Luật Khiếu nại tố cáo mà thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì người giải quyết khiếu nại lần đầu phải thụ lý giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại biết; trường hợp không thụ lý giải quyết phải nêu rõ lý do.
Điều 9. Trường hợp có khiếu nại lần hai thì được thực hiện như sau:
1. Đối với khiếu nại mà cấp dưới đã giải quyết nhưng vẫn tiếp tục khiếu nại thì người khiếu nại lần hai phải gửi đơn kèm theo bản sao quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu và các tài liệu liên quan (nếu có) cho người giải quyết khiếu nại lần hai.
2. Đối với khiếu nại mà đã quá thời hạn giải quyết theo quy định tại Điều 20, Điều 21 Bản quy định này mà chưa được giải quyết thì trong thời hạn 30 ngày người khiếu nại phải gửi đơn đến cấp thẩm quyền giải quyết tiếp theo đồng thời kèm theo thông báo thụ lý giải quyết của cấp dưới trực tiếp của cấp thẩm quyền giải quyết tiếp theo hoặc các chứng lý có liên quan để người nhận đơn làm căn cứ tiếp nhận và thụ lý giải quyết.
Điều 10. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của mình và không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 32 của Luật Khiếu nại, tố cáo đã được sửa đổi, bổ sung theo khoản 8, Điều 01 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Khiếu nại tố cáo ngày 29/11/2005 thì người giải quyết khiếu nại lần hai phải thụ lý giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu biết; trường hợp không thụ lý để giải quyết thì phải thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại và nêu rõ lý do.
Điều 11. Tiếp nhận và xử lý đơn khiếu nại về bảo vệ môi trường
1. Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường khi nhận được đơn khiếu nại về bảo vệ môi trường thì xử lý theo quy định tại Điều 6 Nghị định 136/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khiếu nại tố cáo và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại tố cáo; trừ các trường hợp quy định tại Điều 32 của Luật Khiếu nại, tố cáo đã được sửa đổi, bổ sung theo Khoản 8, Điều 01 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Khiếu nại tố cáo ngày 29/11/2005.
2. Người tiếp nhận đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp phải ghi phiếu tiếp nhận khiếu nại (theo mẫu) và cung cấp cho người khiếu nại khi có yêu cầu.
MỤC 2. TIẾP NHẬN VÀ XỬ LÝ ĐƠN TỐ CÁO VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Điều 12. Người tố cáo về bảo vệ môi trường phải gửi đơn đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Trong đơn tố cáo phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ người tố cáo; nội dung tố cáo. Trong trường hợp đến tố cáo trực tiếp hoặc tố cáo qua đường dây nóng thì người có trách nhiệm tiếp nhận phải ghi lại nội dung tố cáo, họ tên, địa chỉ người tố cáo; khi cần thiết thì ghi âm lời tố cáo. Bản ghi lời tố cáo phải cho người tố cáo đọc lại, nghe lại và có chữ ký xác nhận của người tố cáo trừ trường hợp tố cáo qua đường dây nóng. Việc xử lý tố cáo trực tiếp và tố cáo qua đường dây nóng giống như xử lý đơn tố cáo.
Điều 13. Tiếp nhận và xử lý đơn, thư tố cáo về bảo vệ môi trường.
1. Các đơn, thư tố cáo về bảo vệ môi trường do công dân gửi đến (trực tiếp hoặc gián tiếp) sau khi tiếp nhận đều phải ghi vào sổ theo dõi đơn tố cáo về môi trường;
2. Người tiếp nhận đơn, thư tố cáo hoặc tố cáo trực tiếp phải ghi phiếu tiếp nhận tố cáo (theo mẫu) cung cấp cho người tố cáo khi có yêu cầu.
3. Sau khi tiếp nhận đơn, thư tố cáo hoặc bản ghi lời tố cáo phải tiến hành phân loại và xử lý như sau:
a) Nếu tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết cơ quan mình thì chậm nhất là 10 ngày, kể từ ngày nhận được tố cáo phải thụ lý giải quyết theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Khiếu nại tố cáo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại tố cáo; Nghị định 136 và Bản quy định này;
b) Nếu tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì chậm nhất là 10 ngày, kể từ ngày nhận được tố cáo phải chuyển đơn tố cáo hoặc bản ghi lời tố cáo và các tài liệu, chứng cứ liên quan (nếu có) cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người tố cáo khi họ có yêu cầu.
4. Không xem xét, giải quyết những tố cáo giấu tên, mạo tên, không rõ địa chỉ, không có “chữ ký trực tiếp” mà “sao chụp chữ ký” hoặc những tố cáo đã được cấp có thẩm quyền xem xét, kết luận nay tố cáo lại nhưng không có thêm tài liệu, chứng cứ mới.
5. Trong trường hợp hành vi bị tố cáo gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của nhà nước, của tập thể, tính mạng và tài sản của công dân thì cơ quan nhận được phải báo ngay cho cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn.
6. Trong trường hợp Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường nhận được thông tin người tố cáo bị đe dọa, trù dập, trả thù thì phải có trách nhiệm chỉ đạo hoặc phối hợp với cơ quan chức năng liên quan làm rõ, có biện pháp bảo vệ người tố cáo, ngăn chặn và đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật người có hành vi đe dọa, trù dập, trả thù người tố cáo.
MỤC 3. TIẾP NHẬN VÀ XỬ LÝ ĐƠN TRANH CHẤP VỀ MÔI TRƯỜNG
Điều 14. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tranh chấp về môi trường phải gửi đơn đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Trong đơn tranh chấp phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tranh chấp; nội dung tranh chấp.
Điều 15. Việc tiếp nhận và xử lý đơn tranh chấp về môi trường được xử lý giống như việc tiếp nhận và xử lý đơn tố cáo về bảo vệ môi trường.
MỤC 4. TỔ CHỨC TIẾP CÔNG DÂN ĐẾN KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Điều 16. Việc tổ chức tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo về bảo vệ môi trường được tiến hành theo quy định tại Chương V của Luật Khiếu nại tố cáo và các quy định tại Điều 46, 47, 48, 49, 50, 51, 52, 53 Nghị định 136/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khiếu nại tố cáo và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại tố cáo.
Điều 17. Trách nhiệm tiếp công dân của Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường và Văn phòng Tiếp công dân của Ủy ban nhân dân tỉnh:
1. Đối với Ủy ban nhân dân cấp xã: cán bộ tiếp công dân của Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận việc khiếu nại, tố cáo về bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã của công dân đồng thời phải ghi chép đầy đủ vào sổ theo dõi tiếp công dân (theo mẫu). Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, cán bộ tiếp công dân phải nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có ý kiến chỉ đạo việc giải quyết. Ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phải được Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp xã thông báo để làm cơ sở thực hiện.
2. Đối với Ủy ban nhân dân cấp huyện: cán bộ tiếp công dân của Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tiếp nhận việc khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện của công dân đồng thời phải ghi chép đầy đủ vào sổ theo dõi tiếp công dân. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, cán bộ tiếp công dân phải nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có ý kiến chỉ đạo việc giải quyết. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, Văn phòng Ủy ban nhân dân huyện phải làm thông báo bằng văn bản gửi đến cơ quan chuyên môn được Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện phân công xem xét, xác minh, kết luận, kiến nghị việc giải quyết theo quy định của pháp luật.
3. Việc tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo về bảo vệ môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường được thực hiện theo quy chế hoạt động của Sở Tài nguyên và Môi trường do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành.
4. Việc tiếp công dân của Văn phòng Tiếp công dân của Ủy ban nhân dân tỉnh được thực hiện theo quy chế do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành.
Chương III
KHIẾU NẠI, THẨM QUYỀN, THỜI HẠN GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
MỤC 1. THẨM QUYỀN, THỜI HẠN GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Điều 18. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại về bảo vệ môi trường.
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã), có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính về bảo vệ môi trường của mình, của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền:
a) Giải quyết khiếu nại về bảo vệ môi trường đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình;
b) Giải quyết khiếu nại mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường đã giải quyết lần đầu nhưng vẫn tiếp tục khiếu nại.
3. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường có thẩm quyền giải quyết khiếu nại về bảo vệ môi trường đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của cán bộ, công chức do mình quản lý trực tiếp.
4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có thẩm quyền:
a) Giải quyết khiếu nại về bảo vệ môi trường đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình;
b) Giải quyết khiếu nại về bảo vệ môi trường mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện đã giải quyết lần đầu nhưng còn có khiếu nại;
c) Giải quyết khiếu nại về bảo vệ môi trường mà Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở, Ban, ngành cấp tỉnh đã giải quyết lần đầu nhưng vẫn tiếp tục khiếu nại.
Điều 19. Thời hạn giải quyết khiếu nại được tính từ khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thụ lý đơn đến khi có quyết định giải quyết.
Điều 20. Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu về bảo vệ môi trường.
1. Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu về bảo vệ môi trường là không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý giải quyết; đối với những vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày kể từ ngày thụ lý để giải quyết.
Ở vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là không quá 45 ngày kể từ ngày thụ lý giải quyết; đối với những vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày kể từ ngày thụ lý để giải quyết.
2. Trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này mà người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại không giải quyết thì phải bị xem xét kỷ luật. Người khiếu nại có quyền kiến nghị với cấp trên trực tiếp của người không giải quyết khiếu nại để xem xét xử lý kỷ luật người đó.
Điều 21. Thời hạn giải quyết khiếu nại về môi trường lần hai.
1. Thời hạn giải quyết khiếu nại về bảo vệ môi trường lần hai không quá 45 ngày kể từ ngày thụ lý giải quyết; đối với những vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày kể từ ngày thụ lý để giải quyết.
Ở vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu về bảo vệ môi trường là không quá 60 ngày kể từ ngày thụ lý giải quyết; đối với những vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn nhưng không quá 70 ngày kể từ ngày thụ lý để giải quyết.
2. Trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này mà người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại không giải quyết thì phải bị xem xét kỷ luật. Người khiếu nại có quyền kiến nghị với cấp trên trực tiếp của người không giải quyết khiếu nại để xem xét xử lý kỷ luật người đó.
Điều 22. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại về bảo vệ môi trường lần đầu quy định tại Điều 20 của Bản quy định này mà khiếu nại không được giải quyết hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án; đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đi lại khó khăn thì thời hạn nói trên có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày.
Trong trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Điều 23. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại về bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 21 của Bản quy định này mà khiếu nại không được giải quyết hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án; đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đi lại khó khăn thì thời hạn nói trên có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày.
Điều 24. Trách nhiệm của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại về bảo vệ môi trường:
1. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị cấp dưới giải quyết kịp thời các khiếu nại thuộc thẩm quyền.
2. Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường khi nhận được khiếu nại thuộc thẩm quyền của cấp dưới trực tiếp nhưng quá thời hạn quy định mà chưa được giải quyết thì yêu cầu cấp dưới phải giải quyết, đồng thời có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết của cấp dưới và áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền để xử lý đối với người thiếu trách nhiệm hoặc cố tình trì hoãn việc giải quyết khiếu nại đó. Trong trường hợp cần áp dụng biện pháp vượt quá thẩm quyền của mình thì kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để xử lý.
MỤC 2. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Điều 25. Người giải quyết khiếu nại lần đầu về bảo vệ môi trường phải thực hiện theo trình tự như sau:
1. Người giải quyết khiếu nại lần đầu phải tiến hành thẩm tra, xác minh, gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và lợi ích có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại. Việc gặp gỡ đối thoại phải được tiến hành công khai, dân chủ nếu thấy cần thiết có thể mời tổ chức chính trị - xã hội tham dự.
2. Khi tổ chức đối thoại, người giải quyết khiếu nại phải công bố báo cáo kết quả thẩm tra xác minh vụ việc, những chứng cứ, căn cứ pháp luật liên quan đến giải quyết vụ việc và thông báo dự kiến xử lý vụ việc đó. Những người tham gia đối thoại có quyền phát biểu ý kiến, đưa ra bằng chứng liên quan đến vụ việc và những yêu cầu của mình. Việc đối thoại phải được lập thành “biên bản”.
3. Người giải quyết khiếu nại lần đầu phải ra quyết định giải quyết khiếu nại bằng văn bản và phải gửi quyết định này cho người khiếu nại, người có quyền và lợi ích liên quan; quyết định giải quyết khiếu nại phải được công bố công khai.
Điều 26. Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu về bảo vệ môi trường phải có đầy đủ các nội dung theo quy định tại Điều 38 của Luật Khiếu nại tố cáo đã được sửa đổi, bổ sung theo khoản 11, điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại tố cáo ngày 29/11/2005.
Điều 27. Trong trường hợp khiếu nại tiếp thì người khiếu nại phải gửi đơn kèm theo bản sao quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu và các tài liệu có liên quan (nếu có) cho người giải quyết khiếu nại lần hai.
Điều 28. Trách nhiệm và quyền hạn của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai:
Người giải quyết khiếu nại lần hai có quyền và ra quyết định giải quyết theo quy định Điều 44 và Điều 45 của Luật Khiếu nại tố cáo đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 17, khoản 18 điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Khiếu nại tố cáo ngày 29/11/2005.
Điều 29. Đối với đơn khiếu nại về bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân cấp xã thì giải quyết theo Điều 10 của Nghị định 136/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ và Thông tư 01/2003/TTLT-BTNMT-BNV ngày 15/7/2003 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường ở địa phương.
Điều 30. Đối với đơn khiếu nại về bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân cấp huyện thì trình tự tiến hành giải quyết như sau:
1. Đối với khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về bảo vệ môi trường của mình thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện căn cứ vào nội dung, tính chất vụ việc để giao cho Chánh Thanh tra huyện hoặc Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường hoặc giao Chánh Thanh tra cấp huyện chủ trì, phối hợp với Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường tiến hành xác minh, kết luận và kiến nghị việc giải quyết.
2. Đối với khiếu nại mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường đã giải quyết nhưng còn có khiếu nại thì giao cho Chánh Thanh tra cấp huyện xem xét, kết luận, kiến nghị việc giải quyết.
3. Căn cứ vào quy định của pháp luật, kết quả gặp gỡ, đối thoại, kết quả thẩm tra xác minh, kết luận và kiến nghị việc giải quyết khiếu nại của Trưởng phờng Tài nguyên và Môi trường hoặc Chánh Thanh tra cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định giải quyết khiếu nại trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày có kết luận, kiến nghị việc giải quyết.
4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và lợi ích có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Thanh tra tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường (để báo cáo) và phải công bố công khai quyết định giải quyết khiếu nại;
5. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm thi hành, tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật trong phạm vi trách nhiệm của mình; kiểm tra đôn đốc cơ quan, đơn vị cấp dưới trong việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật.
Điều 31. Đối với đơn khiếu nại về bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền giải quyết của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thì trình tự tiến hành giải quyết như sau:
1. Đối với khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về bảo vệ môi trường của mình, của cán bộ, công chức do mình quản lý trực tiếp thì Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ nội dung, tính chất vụ việc để giao Chánh Thanh tra Sở hoặc Trưởng Phòng Môi trường hoặc Chánh Thanh tra Sở chủ trì phối hợp với Trưởng phòng Môi trường xem xét, kết luận, kiến nghị việc giải quyết.
2. Đối với khiếu nại mà Trưởng Phòng Môi trường đã giải quyết nhưng vẫn tiếp tục khiếu nại thì giao cho Chánh Thanh tra Sở xem xét, kết luận, kiến nghị việc giải quyết.
3. Căn cứ vào quy định của pháp luật, kết quả gặp gỡ, đối thoại, kết quả thẩm tra xác minh, kết luận và kiến nghị việc giải quyết khiếu nại của Trưởng phòng Môi trường hoặc Chánh Thanh tra Sở, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường ra quyết định giải quyết trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày có kết luận, kiến nghị việc giải quyết.
4. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền, lợi ích có liên quan và người có thẩm quyền giải quyết tiếp và phải công bố công khai quyết định giải quyết khiếu nại;
5. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thi hành, tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật trong phạm vi trách nhiệm của mình; kiểm tra đôn đốc cơ quan, đơn vị cấp dưới trong việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật.
Điều 32. Đối với đơn khiếu nại về bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thì trình tự tiến hành giải quyết như sau:
1. Đối với khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về bảo vệ môi trường của mình thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ nội dung, tính chất vụ việc để giao Chánh Thanh tra tỉnh hoặc Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc Chánh Thanh tra tỉnh chủ trì phối hợp với Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét, kết luận, kiến nghị việc giải quyết.
2. Đối với khiếu nại về bảo vệ môi trường mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đã giải quyết nhưng còn có khiếu nại thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho Chánh Thanh tra tỉnh xem xét, kết luận, kiến nghị việc giải quyết.
3. Căn cứ vào quy định của pháp luật, kết quả gặp gỡ, đối thoại, kết quả thẩm tra xác minh, kết luận và kiến nghị việc giải quyết của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc Chánh Thanh tra tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định giải quyết trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có kết luận, kiến nghị việc giải quyết. Quyết định giải quyết đối với khiếu nại nêu tại khoản 1, Điều này là quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu; Quyết định giải quyết đối với khiếu nại nêu tại khoản 2 Điều này là quyết định giải quyết khiếu nại lần hai;
Đối với những vụ việc phức tạp thì trước khi ký quyết định giải quyết khiếu nại lần hai, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phải tham khảo ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và lợi ích có liên quan; nếu là quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu thì gửi Bộ Trưởng Bộ tài nguyên và Môi trường để có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần 2; nếu là quyết định giải quyết khiếu nại lần hai thì gửi quyết định giải quyết khiếu nại đến Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; đối với những vụ việc phức tạp thì mời người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và lợi ích liên quan, đại diện cơ quan liên quan đến để công bố công khai quyết định giải quyết khiếu nại;
5. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm thi hành, tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật trong phạm vi trách nhiệm của mình; kiểm tra đôn đốc cơ quan, đơn vị cấp dưới trong việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật.
Điều 33. Việc giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực bảo vệ môi trường phải được lập thành hồ sơ theo Điều 47 của Luật khiếu nại, tố cáo đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 20, điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại tố cáo ngày 29/11/2005.
Chương IV
THỜI HẠN, THẨM QUYỀN, TRÌNH TỰ GIẢI QUYẾT TỐ CÁO VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
MỤC 1. THỜI HẠN, THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT TỐ CÁO VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Điều 34. Thời hạn giải quyết tố cáo, phản ánh về bảo vệ môi trường là không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 90 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết.
Điều 35. Thẩm quyền giải quyết tố cáo trong lĩnh vực bảo vệ môi trường:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã giải quyết đơn thư tố cáo về bảo vệ môi trường có nội dung đơn giản, phạm vi hẹp thuộc thẩm quyền quản lý của cấp xã như: các tranh chấp về vệ sinh môi trường trong khu dân cư, việc gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, quy mô hộ gia đình.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết các đơn thư tố cáo về môi trường đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp huyện như: các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất kinh doanh quy mô vừa và nhỏ do Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy phép đăng ký kinh doanh hoặc cấp xác nhận đăng ký Bản cam kết bảo vệ môi trường, giải quyết ô nhiễm môi trường liên quan đến nhiều xã trong huyện; giải quyết các tố cáo mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đã giải quyết nhưng đương sự không đồng ý.
3. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường giải quyết các tố cáo về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh không thuộc các đối tượng quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này; những vụ việc phức tạp liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều huyện trong tỉnh; giải quyết các tố cáo mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện đã giải quyết nhưng đương sự không đồng ý.
Trường hợp Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đã giải quyết nhưng đương sự còn tiếp tục tố cáo và việc tiếp tục tố cáo là có cơ sở thì Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo vụ việc đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường để nơi đây hoặc chỉ đạo xem xét lại quyết định giải quyết hoặc trực tiếp xem xét giải quyết.
4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết các tố cáo mà Chủ tịch UBND cấp huyện, thị xã, thành phố đã ban hành quyết định giải quyết nhưng đương sự không đồng ý.
5. Trong trường hợp tố cáo hành vi phạm tội về môi trường theo quy định tại Bộ Luật Hình sự thì cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường không thụ lý giải quyết mà phải chuyển cho cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp giải quyết theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
Điều 36. Thẩm quyền của Chánh Thanh tra các cấp trong việc giải quyết tố cáo về bảo vệ môi trường.
1. Chánh Thanh tra cấp huyện có thẩm quyền: xác minh, kết luận nội dung tố cáo, kiến nghị biện pháp xử lý tố cáo thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện khi được giao;
2. Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường có thẩm quyền xác minh, kết luận nội dung tố cáo, kiến nghị biện pháp xử lý thuộc thẩm quyền giải quyết của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường khi được giao;
3. Chánh Thanh tra cấp tỉnh có thẩm quyền xác minh, kết luận nội dung tố cáo mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh đã giải quyết nhưng có vi phạm pháp luật; trường hợp kết luận việc giải quyết có vi phạm pháp luật thì kiến nghị người đã giải quyết xem xét, giải quyết lại;
MỤC 2. TRÌNH TỰ GIẢI QUYẾT TỐ CÁO VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Điều 37. Đối với những đơn tố cáo về bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thì giải quyết như sau:
1. Khi nhận được tin báo của nhân dân hoặc đơn tố cáo về bảo vệ môi trường mà thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức ngay việc kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân có vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đồng thời thông báo cho người tố cáo biết kết quả giải quyết nếu họ có yêu cầu trong thời hạn theo quy định.
2. Cán bộ địa chính xã hoặc cán bộ phụ trách về môi trường của Ủy ban nhân dân cấp xã có nhiệm vụ giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã giải quyết các phản ánh, tố cáo về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Phát hiện các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, kiến nghị với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và các cơ quan có thẩm quyền để xử lý.
Điều 38. Đối với tố cáo về bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền xử lý của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thì người giải quyết tố cáo thực hiện theo quy định tại Điều 39, 40, 41, 42, 43, 44, 45, 46, 47, 48, 49, 50, 51, 52, của Bản quy định này.
Điều 39. Đối với tố cáo về bảo vệ môi trường có nội dung “đơn giản” thì người có thẩm quyền giải quyết tố cáo giao cho Chánh Thanh tra cấp mình tiến hành xác minh, kết luận nội dung tố cáo và kiến nghị giải quyết tố cáo; cơ quan được giao nhiệm vụ xác minh phải ra quyết định thụ lý để cử cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ, chức năng tiến hành thẩm tra, xác minh, kết luận giải quyết vụ việc. Trong quyết định phải ghi rõ người được giao nhiệm vụ xác minh, nội dung cần xác minh, thời hạn tiến hành xác minh, quyền hạn và trách nhiệm của người được giao nhiệm vụ xác minh.
Điều 40. Trong quá trình giải quyết tố cáo về bảo vệ môi trường người được giao nhiệm vụ xác minh phải tạo điều kiện để người bị tố cáo giải trình, đưa ra những bằng chứng để chứng minh tính đúng, sai của những nội dung bị tố cáo.
Điều 41. Việc thu thập những tài liệu, chứng cứ trong quá trình xác minh, giải quyết tố cáo phải được ghi chép thành văn bản và lưu vào hồ sơ giải quyết tố cáo. Sau khi kết thúc việc xác minh, người được giao nhiệm vụ xác minh phải có báo cáo xác minh và văn bản kết luận về nội dung tố cáo, kiến nghị giải quyết tố cáo đồng thời phải có chứng cứ để chứng minh cho kết luận của mình là đúng pháp luật.
Điều 42. Căn cứ vào kết quả xác minh, kết luận về nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo tiến hành xử lý như sau:
1. Trong trường hợp người bị tố cáo không vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, không vi phạm về nhiệm vụ, công vụ trong việc quản lý môi trường thì phải có kết luận rõ và thông báo bằng văn bản cho người bị tố cáo, cơ quan quản lý người bị tố cáo biết, đồng thời xử lý hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý người cố tình tố cáo sai sự thật (nếu cần thiết);
2. Trong trường hợp người bị tố cáo có vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, vi phạm các quy định về nhiệm vụ, công vụ trong việc quản lý môi trường thì xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đồng thời áp dụng các biện pháp khác theo quy định của pháp luật để quyết định, kiến nghị xử lý được chấp hành nghiêm chỉnh;
3. Người giải quyết tố cáo về bảo vệ môi trường phải gửi văn bản kết luận vụ việc tố cáo, quyết định xử lý tố cáo cho cơ quan Thanh tra, cơ quan nhà nước cấp trên trực tiếp; thông báo cho người tố cáo biết nếu họ có yêu cầu, trừ những nội dung thuộc danh mục bí mật nhà nước.
4. Trong trường hợp hành vi bị tố cáo có dấu hiệu tội phạm môi trường thì chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan Điều tra hoặc Viện kiểm sát để giải quyết theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
Điều 43. Đối với những tố cáo về bảo vệ môi trường có nội dung phức tạp liên quan đến nhiều lĩnh vực thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết phải tiến hành thanh tra, kiểm tra để xem xét, kết luận giải quyết tố cáo. Việc thanh tra để giải quyết đơn thư tố cáo trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được tiến hành theo chế độ thanh tra đột xuất và theo quy định của pháp luật về thanh tra.
Điều 44. Người có thẩm quyền giải quyết tố cáo về bảo vệ môi trường có nội dung phức tạp ra quyết định thanh tra đột xuất theo đề nghị của Chánh Thanh tra cùng cấp. Trường hợp những vụ việc vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường cần phải tiến hành thanh tra kịp thời thì Chánh Thanh tra cùng cấp ra quyết định thanh tra chuyên ngành về bảo vệ môi trường đồng thời phải báo cáo với người giải quyết tố cáo.
Điều 45. Nội dung quyết định thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
1. Căn cứ pháp lý để thanh tra;
2. Đối tượng được thanh tra, nội dung thanh tra, phạm vi, nhiệm vụ thanh tra;
3. Thời hạn tiến hành thanh tra;
4. Trưởng đoàn thanh tra và các thành viên khác của đoàn thanh tra.
Điều 46. Nội dung chủ yếu của cuộc thanh tra chuyên ngành về bảo vệ môi trường để giải quyết đơn thư tố cáo trong lĩnh vực bảo vệ môi trường:
1. Xem xét đánh giá việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và các văn bản có liên quan đối với đối tượng được thanh tra;
2. Đánh giá việc chấp hành việc xử lý chất thải trong hoạt động theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường;
3. Kiểm tra, xác minh từng nội dung tố cáo;
4. Lấy mẫu, trưng cầu giám định mẫu môi trường làm căn cứ để kết luận nội dung tố cáo (nếu cần thiết).
Điều 47. Căn cứ kết quả thanh tra, kết quả phân tích mẫu môi trường, tiêu chuẩn môi trường cho phép và các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày kết thúc cuộc thanh tra, Trưởng Đoàn Thanh tra phải báo cáo kết quả thanh tra trình người ra quyết định thanh tra xem xét cho ý kiến chỉ đạo để soạn thảo văn bản kết luận giải quyết vụ việc. Nội dung báo cáo kết quả thanh tra được thực hiện theo quy định tại Điều 41 và Điều 51 của Luật Thanh tra.
Điều 48. Văn bản kết luận vụ việc phải được soạn thảo dựa trên các quy định của nhà nước về bảo vệ môi trường, các yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước, các tiêu chuẩn về môi trường để đánh giá được những mặt đã làm được, những tồn tại, mức độ vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường của đối tượng được thanh tra, văn bản kết luận chia làm ba phần như sau:
1. Phần một nêu tình hình đặc điểm chung: giới thiệu khái quát về đương sự, tóm tắt nội dung tố cáo, kết quả đã giải quyết của các cấp, cách đặt vấn đề của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
2. Phần hai nêu nội dung chi tiết: nêu kết quả từng nội dung của cuộc thanh tra, khẳng định sự việc đúng - sai của các bên đương sự, phân tích các nguyên nhân (khách quan, chủ quan), làm rõ những hậu quả,…
3. Phần ba nêu kết luận, kiến nghị: vạch ra những hành vi vi phạm chủ yếu, xác định rõ trách nhiệm cá nhân hoặc tập thể, kiến nghị biện pháp xử lý.
Điều 49. Văn bản kết luận thanh tra phải gửi cho người giải quyết tố cáo về bảo vệ môi trường và đối tượng thanh tra. Trường hợp người giải quyết tố cáo là người ra quyết định thanh tra thì kết luận thanh tra còn được gửi cho Chánh Thanh tra cùng cấp.
Điều 50. Căn cứ vào kết luận thanh tra, chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày nhận kết luận thanh tra người có thẩm quyền giải quyết tố cáo tiến hành xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo quy định tại Điều 43 của Bản quy định này.
Điều 51. Căn cứ kết luận giải quyết tố cáo, cơ quan giải quyết tố cáo phải ra văn bản thông báo kết luận giải quyết tố cáo cho người tố cáo biết, cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân chuyển đơn đến khi họ có yêu cầu.
Điều 52. Việc giải quyết tố cáo về bảo vệ môi trường phải được lập thành hồ sơ theo Điều 73 của Luật Khiếu nại tố cáo.
Chương V
THỜI HẠN, THẨM QUYỀN, TRÌNH TỰ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP VỀ MÔI TRƯỜNG
Điều 53. Thời hạn giải quyết tranh chấp về môi trường là không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 90 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết.
Điều 54. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp về môi trường:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã giải quyết các tranh chấp về môi trường giữa cá nhân với cá nhân với nhau; hoà giải các tranh chấp về môi trường phát sinh trên địa bàn theo quy định của pháp luật về hoà giải;
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết các tranh chấp về môi trường phát sinh trên địa bàn giữa các hộ kinh doanh cá thể do Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với hộ gia đình, cá nhân hoặc với hộ kinh doanh cá thể khác;
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết các tranh chấp về môi trường phát sinh trên địa bàn tỉnh giữa các tổ chức kinh tế (do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trở lên cấp giấy phép đầu tư), tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan hành chính nhà nước với cá nhân hoặc với các tổ chức khác.
Điều 55. Việc giải quyết tranh chấp về môi trường được thực hiện theo quy định của pháp luật về giải quyết tranh chấp dân sự ngoài hợp đồng và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Chương VI
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 56. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện giải quyết khiếu nại, tố cáo về bảo vệ môi trường đúng pháp luật và kịp thời góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương sẽ được xem xét khen thưởng theo quy định của pháp luật.
Điều 57. Người nào khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về bảo vệ môi trường mà có hành vi bao che cho người có hành vi vi phạm mà gây hậu quả thì tuỳ theo mức độ nặng nhẹ thì bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Điều 58. Người nào có một trong các hành vi sau đây thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại về bảo vệ môi trường thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật:
1. Kích động, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc người khác khiếu nại, tố cáo về bảo vệ môi trường sai sự thật;
2. Lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo về bảo vệ môi trường để xuyên tạc, vu khống, gây rối trật tự xã hội, gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân;
3. Tố cáo về bảo vệ môi trương sai sự thật;
4. Đe dọa, trả thù, xúc phạm người khiếu nại, tố cáo, người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo về bảo vệ môi trường.
Chương VII
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 59. Chánh Thanh tra tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Thủ trưởng các Sở, ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp phải thường xuyên xem xét, giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo về bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền giải quyết của mình trong thời gian theo quy định, không để tồn động hoặc kéo dài.
Điều 60. Chánh Thanh tra tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và các cơ quan hữu quan có trách nhiệm hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ trong việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo về bảo vệ môi trường theo quy định tại Bản quy định này để thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh.
Điều 61. Hàng tháng, hàng quý, hàng năm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phải tổng hợp tình hình giải quyết các khiếu nại, tố cáo về bảo vệ môi trường trong phạm vi, nhiệm vụ của mình về Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo.
Điều 62. Giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, đôn đốc các đơn vị trực thuộc, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện Bản quy định này. Hàng tháng, hàng quý, hàng năm tổng hợp tình hình giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo về bảo vệ môi trường thuộc phạm vi, trách nhiệm của mình gửi về Thanh tra tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định của pháp luật./.