Quyết định số 20/2007/QĐ-UBND ngày 16/05/2007 Ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng do Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 20/2007/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
- Ngày ban hành: 16-05-2007
- Ngày có hiệu lực: 26-05-2007
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 14-09-2009
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 842 ngày (2 năm 3 tháng 22 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 14-09-2009
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 20/2007/QĐ-UBND | Đà Lạt, ngày 16 tháng 5 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA SỞ TÀI CHÍNH TỈNH LÂM ĐỒNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 115/2003/TTLT/BTC-BNV ngày 28/11/2003 của Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về lĩnh vực tài chính thuộc UBND các cấp;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng tại Tờ trình số 662/TTr-STC ngày 23/4/2007 V/v Ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tài chính;
Theo đề nghị của Sở Nội vụ tỉnh Lâm Đồng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản "Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng".
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Quyết định này thay thế Quyết định số 456/1998/QĐ-UB ngày 23/02/1998 của UBND tỉnh Lâm Đồng V/v ban hành quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Sở Tài chính - Vật giá tỉnh Lâm Đồng: Quyết định số 71/2004/QĐ-UB ngày 26/4/2004 của UBND tỉnh Lâm Đồng V/v kiện toàn lại tổ chức, bộ máy Sở Tài chính Lâm Đồng.
Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Tài chính và Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành có liên quan, Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt, các huyện và thị xã Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./-
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
CHỨC NĂNG, NHIỆM, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA SỞ TÀI CHÍNH LÂM ĐỒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 20/2007/QĐ-UBND ngày 16 tháng 5 năm 2007 của UBND tỉnh Lâm Đồng)
Chương I
VỊ TRÍ VÀ CHỨC NĂNG
Điều 1. Sở Tài chính là cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh Lâm Đồng có chức năng tham mưu và giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài chính, Ngân sách nhà nước, các khoản nộp ngân sách như thuế, phí, lệ phí và thu khác của ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước, đầu tư tài chính, tài chính doanh nghiệp, kế toán, kiểm toán độc lập, giá cả, tin học, thống kê tài chính và hoạt động thẩm định giá - dịch vụ tài chính (sau đây gọi chung là lĩnh vực tài chính) tại địa phương theo quy định của pháp luật.
Điều 2. Sở Tài chính chịu sự chỉ đạo quản lý trực tiếp của UBND tỉnh về tổ chức, biên chế và thực hiện nhiệm vụ, đồng thời chịu sự hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Tài chính.
Chương II
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN
Điều 3. Trình UBND tỉnh ban hành các quyết định, chỉ thị về quản lý lĩnh vực tài chính ở địa phương theo quy định của pháp luật và phân cấp của Chính phủ.
Trình UBND tỉnh chương trình, kế hoạch dài hạn, 5 năm và hàng năm về tài chính ngân sách phù hợp với quy hoạch, kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trình UBND tỉnh quy định nhiệm vụ và các biện pháp quản lý, điều hành ngân sách hàng năm của địa phương.
Hướng dẫn, kiểm tra các cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp (sau đây gọi chung là cơ quan HCSN) thuộc tỉnh và cơ quan tài chính cấp dưới xây dựng dự toán ngân sách nhà nước hàng năm theo quy định của pháp luật.
Thẩm định và chịu trách nhiệm thẩm định về dự toán ngân sách của các đơn vị dự toán cấp I ngân sách tỉnh và dự toán ngân sách cấp huyện, thành phố, thị xã sau đây gọi tắt là UBND cấp huyện).
Lập dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn, lập dự toán thu, chi ngân sách địa phương, lập phương án phân bổ ngân sách cấp tỉnh, báo cáo UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh quyết định.
Điều 4. Tổ chức, chỉ đạo thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, dự án, quy hoạch, kế hoạch về lĩnh vực tài chính; hướng dẫn các cơ quan thuộc tỉnh, cơ quan tài chính cấp dưới thống nhất tổ chức triển khai thực hiện pháp luật, chính sách chế độ và các quy định của Nhà nước về tài chính trên địa bàn; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và thông tin về tài chính.
Điều 5. Tham mưu UBND tỉnh để trình Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh phê chuẩn phương án phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi của từng cấp ngân sách địa phương và tỷ lệ điều tiết các khoản thu ngân sách giữa các cấp ngân sách; định mức phân bổ dự toán chi ngân sách địa phương, quyết định một số chế độ thu phí, lệ phí và các khoản đóng góp của nhân dân theo quy định của pháp luật.
Hướng dẫn và thực hiện chế độ công khai tài chính - ngân sách, chế độ quản lý tài chính, báo cáo kế toán theo quy định của pháp luật tại địa phương.
Điều 6. Báo cáo UBND tỉnh xem xét để trình HĐND tỉnh quyết định dự toán điều chỉnh ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết, đề xuất các phương án cân đối ngân sách và các biện pháp cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ thu, chi ngân sách, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chống tham nhũng.
Thẩm tra việc phân bổ ngân sách cho các đơn vị trực thuộc của các đơn vị dự toán cấp I và UBND cấp huyện theo quy định.
Phối hợp với các cơ quan thu trong việc thực hiện công tác quản lý thu thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác trên địa bàn.
Điều 7. Thẩm định quyết toán thu ngân sách nhà nước phát sinh trên địa bàn các huyện, thành phố Đà Lạt, thị xã Bảo Lộc (sau đây gọi là cấp huyện), quyết toán thu, chi ngân sách huyện; thẩm định và thông báo quyết toán đối với các đơn vị dự toán cấp I ngân sách tỉnh và các tổ chức khác có sử dụng kinh phí từ ngân sách tỉnh và chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định.
Tổng hợp tình hình thu, chi ngân sách nhà nước, lập tổng quyết toán ngân sách hàng năm của địa phương để báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phê duyệt, báo cáo Bộ Tài chính.
Điều 8. Quản lý các nguồn kinh phí uỷ quyền của Trung ương, các khoản trợ cấp theo mục tiêu, quản lý quỹ dự trữ tài chính của địa phương theo quy định của pháp luật.
Điều 9. Kiểm tra giám sát việc thực hiện chi tiêu và sử dụng ngân sách ở các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách tỉnh.
Yêu cầu Kho bạc nhà nước (KBNN) tạm dừng thanh toán khi phát hiện chi vượt dự toán, sai chính sách, chế độ hoặc không chấp hành chế độ báo cáo, thống kê.
Điều 10. Tham gia với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan có liên quan để tham mưu với UBND tỉnh về chiến lược thu hút, huy động, sử dụng vốn đầu tư ngắn hạn, dài hạn trong và ngoài nước; xây dựng các chính sách, biện pháp điều phối và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) trên địa bàn.
Giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về tài chính theo vùng, lãnh thổ đối với tất cả các chương trình, dự án ODA trên địa bàn tỉnh, kể cả các chương trình dự án do các Bộ, cơ quan Trung ương hoặc tỉnh khác chủ trì thực hiện.
Điều 11. Phối họp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan xây dựng dự toán và phương án phân bổ dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm; trình UBND tỉnh quyết định phân bổ vốn đầu tư, danh mục dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách tỉnh theo quy chế quản lý đầu tư, xây dựng kế hoạch điều chỉnh bổ sung, điều hoà vốn đầu tư thanh toán đối với các dự án đầu tư từ ngân sách địa phương; chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan bố trí các nguồn vốn khác có tính chất đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm trình UBND tỉnh quyết định.
Tham gia góp ý chủ trương đầu tư, thẩm định tài chính các dự án đầu tư do tỉnh quản lý; tham gia xét thầu đối với các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định của UBND tỉnh và các dự án khác trên địa bàn theo đề nghị của chủ đầu tư.
Hướng dẫn các chủ đầu tư lập kế hoạch vốn đầu tư hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Báo cáo UBND tỉnh điều chỉnh kế hoạch phân bổ vốn đầu tư trong trường hợp cần thiết.
Điều 12. Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra các chủ đầu tư triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư, hoàn trả vốn vay theo đúng cam kết của hợp đồng tín dụng, tiếp nhận và sử dụng vốn đầu tư, thực hiện quyết toán vốn đầu tư theo đúng quy định của Nhà nước, giải quyết vướng mắc phát sinh trong quá trình lập báo cáo quyết toán vốn đầu tư.
Hướng dẫn và kiểm tra việc thẩm tra phê duyệt quyết toán đối với các dự án đầu tư đã được phân cấp theo quy định.
Điều 13. Thống nhất quản lý các khoản vay và viện trợ dành cho địa phương theo quy định của pháp luật. Giúp UBND tỉnh triển khai việc phát hành trái phiếu và các hình thức vay nợ khác của địa phương theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
Điều 14. Kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch vốn đầu tư, tình hình quản lý, sử dụng vốn đầu tư, quyết toán vốn đầu tư thuộc ngân sách địa phương của chủ đầu tư và cơ quan tài chính cấp huyện, xã, tình hình kiểm soát thanh toán vốn đầu tư của KBNN ở cấp tỉnh, huyện.
Tổ chức thẩm tra quyết toán vốn đầu tư, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt (đối với dự án do Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt quyết toán vốn đầu tư ) và kiểm tra phê duyệt quyết toán vốn đầu tư theo phân cấp và uỷ quyền của UBND tỉnh. Thẩm tra, phê duyệt và chịu trách nhiệm về quyết toán các dự án đầu tư bằng nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư xây dựng cơ bản địa phương theo quy định.
Chủ trì tổ chức kiểm tra báo cáo quyết toán các dự án nhóm A sử dụng vốn NSNN do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định đầu tư trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định của pháp luật.
Điều 15. Tổng hợp, phân tích tình hình huy động và sử dụng vốn đầu tư, đánh giá hiệu quả quản lý sử dụng vốn đầu tư, quyết toán vốn đầu tư của địa phương, báo cáo Bộ Tài chính và UBND tỉnh theo quy định.
Điều 16. Giúp UBND tỉnh chỉ đạo, điều hành hoạt động của các quỹ đầu tư phát triển của địa phương.
Kiểm tra, giám sát Chi nhánh Ngân hàng phát triển tại địa phương trong việc cho vay, hỗ trợ lãi suất, bảo lãnh, tái bảo lãnh đối với phần vốn từ nguồn ngân sách địa phương do UBND tỉnh uỷ thác cho Chi nhánh Ngân hàng phát triển thực hiện.
Điều 17. Giúp UBND tỉnh và Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đề tài chính doanh nghiệp.
Hướng dẫn thực hiện các chính sách, chế độ quản lý tài chính doanh nghiệp (công ty nhà nước doanh nghiệp khác, hợp tác xã và tổ hợp tác), chế độ quản lý, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp; dự báo khả năng động viên tài chính từ doanh nghiệp trên địa bàn.
Kiểm tra việc thực hiện pháp luật về tài chính, kế toán tại các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
Giúp UBND tỉnh quản lý vốn và tài sản thuộc sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp do địa phương thành lập hoặc góp vốn theo quy định của pháp luật.
Tổng hợp, phân tích, đánh giá tình hình tài chính doanh nghiệp trên địa bàn, tình hình quản lý, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp do địa phương thành lập hoặc góp vốn, báo cáo UBND tỉnh và Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Điều 18. Giúp UBND tỉnh thống nhất quản lý công tác giá tại địa phương theo quy định của pháp luật; tổ chức thực hiện các chính sách, biện pháp của Nhà nước về giá. Trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định phương án giá do các Sở, UBND huyện hoặc doanh nghiệp nhà nước xây dựng đối với giá tài sản, hàng hoá, dịch vụ quan trọng, giá sản phẩm độc quyền và các loại giá khác theo quy định của pháp luật.
Chủ trì phối hợp với các ngành liên quan thẩm định, tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định điều chỉnh khung giá các loại đất trên địa bàn để công bố vào ngày 01/01 hàng năm theo quy định tại Điều 56 Luật đất đai năm 2003 .
Hướng dẫn, kiểm tra các tổ chức, cơ quan nhà nước ở địa phương thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, thu tiền sử dụng đất, thuê đất, góp vốn liên doanh bằng giá trị quyền sử dụng đất.
Phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức hiệp thương giá, kiểm soát giá độc quyền, chống bán phá giá, niêm yết giá theo quy định của pháp luật.
Thu thập thông tin, phân tích tình hình và sự biến động giá cả; báo cáo tình hình giá cả thị trường và tình hình thực hiện công tác quản lý nhà nước về giá tại địa phương theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính và UBND tỉnh.
Chủ trì phối hợp các cơ quan có liên quan kiểm tra việc thực hiện pháp luật về giá của các tổ chức, cá nhân hoạt động trên địa bàn tỉnh; xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về giá theo quy định của Nhà nước.
Điều 19. Hướng dẫn các cơ quan hành chính sự nghiệp thuộc địa phương thực hiện chế độ quản lý tài sản nhà nước; đề xuất các biện pháp về tài chính để đảm bảo quản lý và sử dụng có hiệu quả tài nguyên, công sản tại địa phương.
Tổ chức tiếp nhận, quản lý, trình UBND tỉnh xử lý hoặc xử lý theo thẩm quyền đối với tài sản vô chủ, tài sản mới được tìm thấy, tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước, tài sản viện trợ không hoàn lại khi các dự án kết thúc chuyển giao.
Kiểm tra, xử lý hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý các vướng mắc về tài sản thuộc sở hữu nhà nước tại các cơ quan hành chính sự nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Quản lý tài sản nhà nước tại các tổ chức hội, tổ chức bán công.
Tổ chức quản lý và khai thác tài sản nhà nước chưa giao cho tổ chức cá nhân quản lý sử dụng; quản lý các nguồn tài chính phát sinh trong quá trình quản lý, khai thác, chuyển giao, xử lý tài sản nhà nước.
Điều 20. Hướng dẫn, quản lý và kiểm tra việc thực hiện các dịch vụ tài chính, kinh doanh xổ số kiến thiết và giải trí có đặt cược, vui chơi có thưởng theo quy định của pháp luật.
Chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý tài chính ở cấp huyện và cấp xã
Điều 21. Thanh tra tài chính đối với các cơ quan hành chính sự nghiệp, tổ chức kinh tế văn hoá - xã hội, doanh nghiệp và công dân theo thẩm quyền; thanh tra đối với các cơ quan, tổ chức thuộc Sở theo quy định của pháp luật.
Phối hợp với cơ quan Thanh tra tài chính ở Trung ương thực hiện thanh tra tài chính đối với các cơ quan hành chính sự nghiệp và các tổ chức kinh tế do Trung ương quản lý trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Xét, giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý các vi phạm về tài chính theo quy định của pháp luật.
Thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.
Điều 22. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức tài chính kế toán ở địa phương; quản lý tài chính, tài sản và cán bộ, công chức của Sở theo quy định.
Điều 23. Thẩm định giá trong việc mua, bán các tài sản cho các cơ quan Nhà nước thuộc tỉnh và các cơ quan, doanh nghiệp khác có nhu cầu; tư vấn khách hàng trong lĩnh vực mua bán, quản lý, khai thác tài sản và bất động sản; tư vấn dịch vụ khác về tài chính theo quy định của pháp luật và nhu cầu của khách hàng.
Điều 24. Thống kê và tổng hợp dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu chuyên ngành về lĩnh vực tài chính, cung cấp thông tin tài chính phục vụ chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh;
Quản trị hệ thống, bảo dưỡng các trang thiết bị, áp dụng các biện pháp bảo mật; chống xâm nhập trái phép, bảo đảm an toàn dữ liệu, điều hành mạng, vận hành các phần mềm hệ thống, các chương trình quản lý được cài đặt; thống nhất triển khai các chương trình, ứng dụng chung trên toàn hệ thống mạng tin học đến các cơ quan đơn vị thuộc ngành tài chính tỉnh Lâm Đồng (cấp tỉnh và cấp huyện); tổ chức phục vụ khai thác, sử dụng dữ liệu theo thẩm quyền.
Cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật cho các tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu cung cấp thông tin.
Điều 25. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật hoặc do UBND tỉnh, Bộ Tài chính giao.
Chương III
CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ BIÊN CHẾ
Điều 26. Sở Tài chính có Giám đốc và không quá ba Phó Giám đốc; Giám đốc Sở Tài chính chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của Sở; Phó Giám đốc chịu trách nhiệm trước Giám đốc về lĩnh vực công tác được phân công.
Việc bổ nhiệm Giám đốc và Phó Giám đốc Sở Tài chính do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ do Bộ Tài chính quy định và theo các quy định của Nhà nước về quản lý cán bộ.
Việc khen thưởng, miễn nhiệm, kỷ luật Giám đốc, Phó Giám đốc Sở thực hiện theo quy định của pháp luật.
Điều 27. Cơ cấu tổ chức của Sở Tài chính Lâm Đồng gồm có 08 tổ chức chuyên môn nghiệp vụ giúp việc và 01 đơn vị sự nghiệp có thu theo quy định của pháp luật, cụ thể như sau:
- Văn phòng;
- Thanh tra;
- Phòng Tài chính hành chính sự nghiệp;
- Phòng Ngân sách;
- Phòng Tài chính doanh nghiệp;
- Phòng Quản lý giá và Công sản;
- Phòng Tin học - Thống kê;
- Phòng Đầu tư;
- Trung tâm Thẩm định và Dịch vụ Tài chính (đơn vị sự nghiệp có thu)
- Các đơn vị sự nghiệp có thu khác thuộc Sở Tài chính được cấp có thẩm quyền thành lập theo Thông tư liên tịch số 115/2003/TTLT/BTC-BNV ngày 28/11/2003 của Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ.
Điều 28. Biên chế của Sở Tài chính do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính và Giám đốc Sở Nội vụ.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 29. Căn cứ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tài chính, Giám đốc Sở quy định cụ thể chức năng nhiệm vụ của các tổ chức chuyên môn, nghiệp vụ để thực hiện nhiệm vụ./.