Quyết định số 603/QĐ-UBND ngày 13/04/2007 Quy định mức trợ cấp cứu trợ xã hội do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 603/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Cao Bằng
- Ngày ban hành: 13-04-2007
- Ngày có hiệu lực: 13-04-2007
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 22-12-2007
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 253 ngày (0 năm 8 tháng 13 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 22-12-2007
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 603/QĐ-UBND | Cao Bằng, ngày 13 tháng 4 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH MỨC TRỢ CẤP CỨU TRỢ XÃ HỘI
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 07/2000/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2000 của Chính phủ về Chính sách cứu trợ xã hội;
Căn cứ Nghị định số 168/2004/NĐ-CP ngày 20 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 07/2000/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2000 của Chính phủ về Chính sách cứu trợ xã hội;
Căn cứ Thông tư số 18/2000/TT-BLĐTBXH ngày 28 tháng 7 năm 2000 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 07/2000/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2000 của Chính phủ về Chính sách cứu trợ xã hội;
Căn cứ Thông tư số 16/2004/TT-BLĐTBXH ngày 12 tháng 11 năm 2004 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 168/2004/NĐ-CP ngày 20 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 07/2000/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2000 của Chính phủ về Chính sách cứu trợ xã hội;
Thực hiện Công văn số 1184/LĐTBXH-BTXH ngày 10 tháng 4 năm 2006 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về Chính sách cứu trợ xã hội;
Xét đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 206/TTr-SLĐTBXH ngày 26 tháng 3 năm 2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Quy định mức trợ cấp cứu trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Cao Bằng như sau:
1. Mức trợ cấp cứu trợ xã hội thường xuyên
a) Mức trợ cấp xã hội hàng tháng cho các trường hợp là thanh niên xung phong có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người tàn tật nặng, trẻ em mồ côi, người già cô đơn không nơi nương tựa, người cao tuổi đang sống tại cộng đồng do xã, phường, thị trấn quản lý là 65.000 đồng/người/tháng.
b) Mức trợ cấp sinh hoạt phí nuôi dưỡng cho các trường hợp được nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước là 140.000 đồng/người/tháng; riêng đối với trẻ em dưới 18 tháng tuổi phải ăn thêm sữa và trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS, mức trợ cấp sinh hoạt phí nuôi dưỡng là 210.000 đồng/trẻ em/tháng.
c) Mức trợ cấp sinh hoạt phí nuôi dưỡng đối với người tâm thần mãn tính được nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước là 160.000 đồng/người/tháng.
d) Các trường hợp quy định tại điểm a, điểm b và điểm c khi chết được hưởng trợ cấp mai táng phí là 2.000.000 đồng/người chết.
2. Mức trợ cấp cứu trợ xã hội đột xuất
a) Hộ gia đình
- Hộ có người bị chết, mất tích do hậu quả thiên tai hoặc do tham gia cứu hộ, cứu tài sản của Nhà nước và của nhân dân được trợ cấp như sau:
+ Trường hợp bị chết là 2.000.000 đồng/người chết.
+ Trường hợp bị mất tích là 200.000 đồng/người mất tích.
Nếu chính quyền địa phương hoặc cơ quan, đơn vị đứng ra mai táng được thanh toán bằng mức trợ cấp cho gia đình.
- Hộ có nhà đổ, sập, trôi; hộ phải di dời khẩn cấp được trợ cấp từ 5.000.000 - 6.000.000 đồng/hộ.
- Hộ có nhà bị hỏng nặng được trợ cấp từ từ 2.500.000 - 3.000.000 đồng/hộ.
- Gia đình bị mất phương tiện sản xuất chính, gây cho gia đình lâm vào cảnh thiếu đói được trợ cấp tối đa là 1.000.000 đồng/hộ.
- Người hoạt động kháng chiến hưởng trợ cấp một lần (là người không hưởng lương, lương hưu, trợ cấp mất sức dài hạn), gia đình thuộc diện hộ nghèo khi chết được hưởng trợ cấp mai táng phí là 2.000.000 đồng/người chết.
b) Cá nhân
- Người bị thương nặng do thiên tai hoặc do tham gia cứu hộ, cứu tài sản Nhà nước, tài sản nhân dân (phải vào viện điều trị) được hưởng trợ cấp một lần tối đa là 1.000.000 đồng/người.
- Người bị thiếu đói mùa giáp hạt, thiên tai, địch hoạ mà gia đình thuộc diện hộ nghèo được trợ cấp mức 12 kg gạo/người/tháng.
- Người gặp phải rủi ro ngoài vùng cư trú mà bị đau, bị thương nặng; người Việt Nam xuất cảnh trái phép do Trung Quốc trả về qua cửa khẩu của tỉnh; người lang thang cơ nhỡ; người tâm thần bị bệnh nặng mà gia đình không biết để chăm sóc; người cô đơn không nơi nương tựa có hoàn cảnh quá khó khăn; người được nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước; người hoạt động kháng chiến hưởng trợ cấp một lần (là người không hưởng lương, lương hưu, trợ cấp mất sức dài hạn) cô đơn không nơi nương tựa phải vào bệnh viện điều trị được trợ cấp một lần tối đa là 1.000.000 đồng/người.
Trường hợp bị chết, chính quyền địa phương hoặc cơ quan, đơn vị đứng ra mai táng được thanh toán 2.000.000 đồng/người chết.
- Người lang thang xin ăn, người Việt Nam xuất cảnh trái phép được phía Trung Quốc trả về qua cửa khẩu của tỉnh do cơ quan Công an phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan tập trung chờ đưa về gia đình, trong thời gian tập trung được trợ cấp 7.000 đồng/ngày/người nhưng không quá 15 ngày.
Điều 2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.
Điều 3. Bãi bỏ Quyết định số 606/QĐ-VX-UB ngày 31 tháng 3 năm 2003 và Quyết định số 412/QĐ-UB ngày 05 tháng 4 năm 2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Giám đốc Sở Tài chính; Thủ trưởng các sở, ngành liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện và thị xã Cao Bằng chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành./.
| KT. CHỦ TỊCH |