cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 05/2007/QĐ-BKHCN ngày 30/03/2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Ban hành “Chương trình thực hiện Đề án triển khai thực hiện Hiệp định Hàng rào kỹ thuật trong thương mại giai đoạn 2006-2010” (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 05/2007/QĐ-BKHCN
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Bộ Khoa học và Công nghệ
  • Ngày ban hành: 30-03-2007
  • Ngày có hiệu lực: 16-05-2007
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 30-11-2015
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 3120 ngày (8 năm 6 tháng 20 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 30-11-2015
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 30-11-2015, Quyết định số 05/2007/QĐ-BKHCN ngày 30/03/2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Ban hành “Chương trình thực hiện Đề án triển khai thực hiện Hiệp định Hàng rào kỹ thuật trong thương mại giai đoạn 2006-2010” (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 3436/QĐ-BKHCN ngày 30/11/2015 Công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

Số: 05/2007/QĐ-BKHCN

Hà Nội, ngày 30 tháng 03 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH “CHƯƠNG TRÌNH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TRIỂN KHAI THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH HÀNG RÀO KỸ THUẬT TRONG THƯƠNG MẠI GIAI ĐOẠN 2006 - 2010”

BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Căn cứ Nghị định số 54/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ và Nghị định số 28/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2004 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2003/NĐ-CP;

Căn cứ Quyết định số 444/QĐ-TTg ngày 26 tháng 5 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án triển khai thực hiện Hiệp định Hàng rào kỹ thuật trong thương mại;

Sau khi thống nhất với các Bộ, ngành và địa phương;

Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Chương trình thực hiện Đề án triển khai thực hiện Hiệp định Hàng rào kỹ thuật trong thương mại giai đoạn 2006 - 2010".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Các Ông Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Thành viên Ban liên ngành về hàng rào kỹ thuật trong thương mại và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này. /.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP Quốc hội, VP Chủ tịch nước;
- UBND tỉnh, TP trực thuộc T.Ư;
- Viện KSNDTC, Tòa án NDTC;
- UBQGHTKTQT ;
- Công báo;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ TP);
- Lưu VT, TĐC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Quốc Thắng

 

CHƯƠNG TRÌNH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TRIỂN KHAI THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH HÀNG RÀO  KỸ THUẬT TRONG THƯƠNG MẠI GIAI ĐOẠN 2006 - 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 05/2007/QĐ-BKHCN ngày 30 tháng 3 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ)

Để thực hiện các nghĩa vụ quy định trong Hiệp định Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (Hiệp định TBT) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) kể từ thời điểm Việt Nam gia nhập tổ chức này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án triển khai thực hiện Hiệp định Hàng rào kỹ thuật trong thương mại tại Quyết định số 444/QĐ-TTg ngày 26 tháng 5 năm 2005 (dưới đây gọi tắt là Đề án  TBT).  

Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chỉ đạo Ban liên ngành về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (gọi tắt là Ban liên ngành về TBT) xây dựng Chương trình thực hiện Đề án TBT giai đoạn 2006 - 2010. Cụ thể như sau:

I. NỘI DUNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH

1. Hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật

a) Các Bộ, ngành và địa phương rà soát, sửa đổi tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn ngành và các quy định kỹ thuật, quy trình, quy phạm, quy chuẩn, tài liệu kỹ thuật bắt buộc áp dụng đã được ban hành phục vụ quản lý nhà nước để chuyển đổi thành quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với pháp luật Việt Nam và các nguyên tắc của Hiệp định TBT.

b) Hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật về xây dựng, ban hành và áp dụng quy chuẩn kỹ thuật.

c) Các Bộ, ngành và địa phương quan tâm thực hiện nghĩa vụ minh bạch hoá trong việc xây dựng và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật. Cụ thể là:

- Đăng tải toàn bộ các dự thảo quy chuẩn kỹ thuật trên Phụ trương và Trang điện tử của Công báo hoặc Đăng bạ quy chuẩn kỹ thuật;

- Tiếp nhận và xử lý các ý kiến góp ý của tất cả các bên có quan tâm đối với dự thảo các văn bản nói trên; thời gian góp ý kiến tối thiểu là 60 ngày trước khi ban hành.

- Thực hiện các quy định của WTO và Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật về thời điểm có hiệu lực của quy chuẩn kỹ thuật.

2. Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn của Việt Nam

a) Hoàn thành việc chuyển đổi hệ thống tiêu chuẩn ngành thành tiêu chuẩn quốc gia.

b) Đến 2010 nâng tỷ lệ hài hoà của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) với tiêu chuẩn quốc tế lên 35-40%, đặc biệt đối với các lĩnh vực ưu tiên như quản lý nhà nước về chất lượng, an toàn, vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, tiềm năng, thương mại điện tử.

c) Chuẩn bị để đảm bảo hệ thống TCVN được soát xét định kỳ tối thiểu là 5 năm kể từ năm 2010 trở đi nhằm đáp ứng nhu cầu của quản lý nhà nước, sản xuất kinh doanh và phù hợp với trình độ phát triển khoa học và công nghệ của Việt Nam và thế giới.

d) Đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động tiêu chuẩn hoá, khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia việc xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn.

đ) Nâng cao tính chuyên nghiệp và tin học hoá hoạt động của các Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia, nhằm từng bước nâng cao chất lượng và rút ngắn thời gian xây dựng tiêu chuẩn quốc gia.

3. Triển khai quy hoạch và hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật của hoạt động đánh giá sự phù hợp

a) Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường hoạt động đánh giá sự phù hợp. Sau khi Đề án tăng cường hoạt động đánh giá sự phù hợp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các Bộ, ngành và địa phương cần tập trung giải quyết các công việc sau đây:

- Xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển các tổ chức đánh giá sự phù hợp (thử nghiệm, hiệu chuẩn, kiểm định, kiểm tra, chứng nhận, giám định, công nhận) đáp ứng yêu cầu quản lý của nhà nước và hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt quan tâm đến các vùng kinh tế trọng điểm;

- Tăng cường năng lực kỹ thuật và đào tạo, nâng cao trình độ nhân lực đáp ứng yêu cầu của hoạt động đánh giá sự phù hợp.

b) Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Phương án kiểm soát và ngăn ngừa hàng hoá kém chất lượng nhập khẩu vào thị trường Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

c) Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan áp dụng các biện pháp bảo đảm thực thi các Hiệp định/Thoả thuận thừa nhận lẫn nhau đã ký về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng phù hợp với cam kết trong lĩnh vực này trong khuôn khổ hợp tác ASEAN và APEC; đồng thời nghiên cứu khả năng ký kết các Hiệp định/Thoả thuận tương tự với các nước thành viên khác của WTO.

4. Tăng cường hợp tác quốc tế về các vấn đề liên quan đến TBT

a) Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu những ảnh hưởng tiêu cực của hàng rào kỹ thuật trong thương mại đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam và đề xuất các biện pháp nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng đến hoạt động này.

b) Các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật của các nước thành viên WTO và các tổ chức quốc tế về việc thực hiện nghĩa vụ quy định trong Hiệp định TBT; nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệm với các nước thành viên WTO trong việc thực thi Hiệp định TBT, đặc biệt liên quan đến nghĩa vụ minh bạch hoá và giải quyết tranh chấp thương mại giữa các nước thành viên trong vấn đề TBT, đề xuất những giải pháp thích hợp trong việc thực thi các nghĩa vụ của Việt Nam với tư cách thành viên của tổ chức này.

5. Hoạt động của Ban liên ngành về TBT và Mạng lưới TBT

a) Hoạt động của Ban liên ngành về TBT

- Nghiên cứu các quy định và hướng dẫn của WTO về TBT, đề xuất chương trình, kế hoạch triển khai ở Việt Nam.

- Nghiên cứu, đề xuất các biện pháp bảo đảm hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp của Việt Nam tương thích với các quy định và hướng dẫn của WTO về TBT.

- Nghiên cứu quy trình, thủ tục giải quyết tranh chấp thương mại liên quan đến TBT, chủ động đề xuất các biện pháp  xử lý các tranh chấp này.

- Nghiên cứu, đề xuất và thực hiện các biện pháp tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành trong việc triển khai chương trình, kế hoạch về TBT; hỗ trợ các cơ quan, tổ chức có liên quan ở địa phương trong thực thi các nhiệm vụ về TBT.

- Thực hiện những nhiệm vụ khác quy định tại Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban liên ngành về TBT ban hành kèm theo Quyết định số 07/2006/QĐ-BKHCN ngày 20/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

b) Hoạt động của Mạng lưới TBT

- Hoàn thành việc thành lập và đưa vào hoạt động các Cơ quan thông báo và Điểm hỏi đáp về TBT (gọi tắt là Điểm TBT) của Bộ và địa phương.

- Đảm bảo nhân lực và điều kiện làm việc cho các Điểm TBT của các Bộ và địa phương hoạt động đáp ứng các yêu cầu quy định của Quyết định 114/2005/QĐ-TTg ngày 26/05/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập và ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Mạng lưới Cơ quan thông báo và Điểm hỏi đáp của Việt Nam về hàng rào kỹ thuật trong thương mại, trên cơ sở nguồn ngân sách nhà nước và hỗ trợ kỹ thuật của nước ngoài. Trong đó ưu tiên cho các công việc sau:

+ Trong phạm vi lĩnh vực do Bộ, ngành, địa phương quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu về quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam và các nước thành viên WTO, ưu tiên thị trường xuất khẩu tiềm năng;

+ Trang bị thiết bị văn phòng và thiết bị công nghệ thông tin, đảm bảo nhân lực, cơ sở vật chất kỹ thuật và tài chính đáp ứng nhiệm vụ được giao;

+ Quản trị cơ sở dữ liệu và chủ động cung cấp các thông tin cho cơ quan, doanh nghiệp, khi có yêu cầu;

+ Trang bị kiến thức nghiệp vụ về thông báo và hỏi đáp đáp ứng quy định của WTO.

6. Công tác tuyên truyền phổ biến

a) Các Bộ, ngành và địa phương theo thẩm quyền chỉ đạo các đơn vị, tổ chức có liên quan tiến hành các công việc sau đây:

- Biên soạn tài liệu phổ biến tuyên truyền, đào tạo tập huấn về Hiệp định TBT và các vấn đề có liên quan, nhằm đáp ứng các nhu cầu đa dạng về tìm hiểu thông tin của các cơ quan, tổ chức cũng như việc áp dụng các biện pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.

- Tổ chức phổ biến tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và bằng các hình thức khác về Hiệp định TBT và các vấn đề liên quan cho các đối tượng khác nhau của nền kinh tế.

b) Các cơ quan, tổ chức thuộc Mạng lưới TBT cần chủ động và phối hợp với nhau xây dựng và khai thác tốt cơ sở hạ tầng thông tin về TBT phục vụ hoạt động của Mạng lưới cũng như nhu cầu tìm hiểu thông tin về TBT của các cơ quan và doanh nghiệp. Thông tin rộng rãi về tên, địa chỉ và nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức thuộc Mạng lưới TBT để các cơ quan, tổ chức và cá nhân có quan tâm biết và liên hệ khi cần thiết.

7. Đánh giá kết quả thực thi Đề án và đề ra các biện pháp tiếp theo

a) Tổ chức sơ kết 3 năm và tổng kết 5 năm thực hiện Đề án và Chương trình hành động thực hiện Đề án TBT của Thủ tướng Chính phủ.

b) Đánh giá kết quả thực thi Đề án TBT và Chương trình này, đồng thời đề ra các biện pháp tiếp theo.

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

1. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức thực hiện Chương trình

Các nhiệm vụ cụ thể, kết quả dự kiến, tiến độ và cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm chủ trì hoặc phối hợp thực hiện Chương trình thực hiện Đề án TBT giai đoạn 2006 - 2010 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo văn bản này.

2. Xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí thực hiện Chương trình

Việc xây dựng kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình và kinh phí cho hoạt động của Chương trình thực hiện theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BKHCN ngày 23/8/2006 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành “Quy định về việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án triển khai thực hiện Hiệp định Hàng rào kỹ thuật trong thương mại giai đoạn 2006-2010” và Quyết định số 25/2006/QĐ-BKHCN ngày 04/12/2006 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành "Quy định về nội dung chi thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án triển khai thực hiện Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại giai đoạn 2006-2010".

3. Sửa đổi, bổ sung Chương trình

Trên cơ sở tham khảo ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương có liên quan, Ban liên ngành đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Chương trình; Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trình Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, quyết định./.

 

PHỤ LỤC

CHƯƠNG TRÌNH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TRIỂN KHAI THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH HÀNG RÀO KỸ THUẬT TRONG THƯƠNG MẠI (ĐỀ ÁN TBT) GIAI ĐOẠN 2006 - 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 05/2007/QĐ-BKHCN ngày 30 tháng 3 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ)

SỐ TT

NỘI DUNG CÔNG VIỆC

KẾT QUẢ DỰ KIẾN

TIẾN ĐỘ

CƠ QUAN THỰC HIỆN

1. Hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật (QCKT)

1.1

Rà soát và sửa đổi tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn ngành và các quy định kỹ thuật, quy trình, quy phạm, quy chuẩn, tài liệu kỹ thuật bắt buộc áp dụng đã được ban hành phục vụ quản lý nhà nước để chuyển đổi thành quy chuẩn kỹ thuật

Ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung

Hằng năm

Các Bộ, ngành, địa phương

1.2

Hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật về xây dựng, ban hành và áp dụng quy chuẩn kỹ thuật

Ban hành các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ

2007-2010

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ có liên quan

1.3

Thực hiện nghĩa vụ minh bạch hoá đối với quá trình xây dựng và ban hành QCKT

- Thực hiện quy định về công khai, minh bạch dự thảo nội dung các QCKT theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật

- Xử lý ý kiến góp ý của các bên có liên quan.

- Lưu ý thời hạn hiệu lực của QCKT

Thường xuyên

Các Bộ, ngành, địa phương

2. Hoàn thiện hệ thống Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN)

2.1

Chuyển đổi hệ thống tiêu chuẩn ngành TCN

Chuyển đổi thành QCKT và TCVN

Hằng năm trong 2007-2009

Bộ KH&CN, các Bộ quản lý chuyên ngành

2.2

Nâng tỷ lệ TCVN hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế trong các lĩnh vực ưu tiên

300 - 400 TCVN đã hài hoà/năm

Hằng năm trong 2007-2010

Bộ KH&CN, các Bộ quản lý chuyên ngành

2.3

Hướng dẫn thành lập và hoạt động của các tổ chức xây dựng tiêu chuẩn chuyên ngành

Văn bản hướng dẫn

Hằng năm trong 2007-2010

Bộ KH&CN, các Bộ quản lý chuyên ngành

2.4

Nâng cao trình độ nghiệp vụ và tin học hoá hoạt động của Ban Kỹ thuật xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN)

Dự án

Hằng năm trong 2007-2010

Bộ KH&CN, các Bộ quản lý chuyên ngành và các Ban Kỹ thuật xây dựng TCVN

3. Triển khai các Đề án, phương án về hoạt động đánh giá sự phù hợp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt

3.1

Xây dựng chương trình kế hoạch thực hiện Đề án tăng cường hoạt động đánh giá sự phù hợp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt

Thực hiện chương trình kế hoạch đề ra

Hằng năm trong 2007-2010

Bộ KH&CN, các Bộ quản lý chuyên ngành và các địa phương

3.2

Xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Phương án kiểm soát và ngăn ngừa hàng hoá kém chất lượng nhập khẩu vào thị trường Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt

Thực hiện chương trình kế hoạch đề ra

Hằng năm trong 2007-2010

Bộ KH&CN, các Bộ quản lý chuyên ngành, địa phương

3.3

Thực thi các Hiệp định/Thoả thuận thừa nhận lẫn nhau đã ký về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng (song phương, đa phương) đã ký và nghiên cứu ký kết các Hiệp định, Thoả thuận mới với các nước Thành viên WTO

Các văn bản có liên quan, kế hoạch và kết quả thực thi

Hằng năm trong 2007-2010

Bộ KH&CN, các Bộ quản lý chuyên ngành

4. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực TBT

4.1

Tham gia hoạt động của Uỷ ban WTO/TBT và các diễn đàn khác có liên quan

Hội nghị, hội thảo

2007-2010

Các cơ quan có liên quan và Ban liên ngành về TBT

4.2

Nghiên cứu tác động của TBT đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, đề xuất các biện pháp hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động này.

Báo cáo nghiên cứu và đề xuất biện pháp

2007-2008

Các cơ quan có liên quan, Ban liên ngành về TBT và Mạng lưới TBT

4.3

Nghiên cứu kinh nghiệm của các nước thành viên WTO trong thực thi Hiệp định TBT, đặc biệt đối với nghĩa vụ minh bạch hoá và giải quyết tranh chấp về TBT

Báo cáo nghiên cứu

2007-2009

Các cơ quan có liên quan, Ban liên ngành về TBT, và Mạng lưới TBT

4.4

Đề xuất các hỗ trợ kỹ thuật cần thiết để thực thi tốt các nhiệm vụ của Đề án TBT

Các đề xuất, kiến nghị

2007-2010

Các cơ quan có liên quan, Ban liên ngành về TBT, và Mạng lưới TBT

5. Hoạt động của Ban liên ngành về TBT và Mạng lưới TBT

5.1

Ban liên ngành về TBT

5.1.1

Nghiên cứu các quy định và hướng dẫn của WTO về TBT và đề xuất chương trình, kế hoạch triển khai ở Việt Nam.

Các quy định và hướng dẫn

Hằng năm trong 2007-2010

Ban liên ngành về TBT phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan và Mạng lưới TBT

5.1.2

Nghiên cứu, đề xuất các biện pháp bảo đảm hệ thống quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn và quy trình đánh giá sự phù hợp của Việt Nam tương thích với các quy định và hướng dẫn của WTO về TBT.

Các biện pháp

Hằng năm trong 2007-2010

Ban liên ngành về TBT phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan 

5.1.3

Nghiên cứu quy trình, thủ tục giải quyết tranh chấp thương mại liên quan đến TBT, chủ động đề xuất các biện pháp xử lý các tranh chấp này

Chủ động tham mưu giải quyết tranh chấp thương mại về TBT

Hằng năm trong 2007-2010

Ban liên ngành về TBT phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan và Mạng lưới TBT

5.1.4

Nghiên cứu, đề xuất và thực hiện các biện pháp tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành trong triển khai chương trình, kế hoạch về TBT; hỗ trợ các cơ quan, tổ chức có liên quan ở địa phương trong thực thi các nhiệm vụ về TBT

Hiệu quả của sự phối hợp giữa các Bộ, ngành

Hằng năm trong 2007-2010

Ban liên ngành về TBT phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan và Mạng lưới TBT

5.1.5

Thực hiện những nhiệm vụ khác quy định tại Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban liên ngành về TBT ban hành kèm theo Quyết định số 07/2006/QĐ-TTg ngày 20/03/2006 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ

Tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức về TBT

Hằng năm trong 2007-2010

Ban liên ngành về TBT phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan và Mạng lưới TBT

5.2

Mạng lưới TBT

5.2.1

Xây dựng cơ sở dữ liệu về QCKT của Việt Nam và các nước thành viên WTO để cung cấp cho cơ quan, doanh nghiệp

Cơ sở dữ liệu

Hằng năm trong  2007-2010

Các Điểm TBT thuộc Mạng lưới TBT

5.2.2

Củng cố cơ sở vật chất kỹ thuật của Mạng lưới TBT

Thiết bị văn phòng và tin học

Hằng năm trong 2007-2010

Các Điểm TBT thuộc Mạng lưới TBT

5.2.3

Đào tạo nhân lực cho Mạng lưới TBT

Nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học và kiến thức về TBT

Hằng năm trong 2007-2010

Các Điểm TBT thuộc Mạng lưới TBT

6. Tuyên truyền phổ biến về TBT

6.1

Soạn thảo, phổ biến tài liệu về TBT

Tài liệu phổ biến

2007-2010

Các cơ quan có liên quan, Ban liên ngành về TBT và Mạng lưới TBT

6.2

Tập huấn về TBT

Tập huấn cho cơ quan, doanh nghiệp của các Bộ, địa phương

2007-2010

Các cơ quan có liên quan, Ban liên ngành về TBT và Mạng lưới TBT

6.3

Xây dựng giáo trình và đào tạo chuyên sâu về TBT và các vấn đề có liên quan

Đào tạo cho Ban liên ngành về TBT, Mạng lưới TBT và các đối tượng khác có liên quan

2007-2010

Tổng cục TCĐLCL, Ban liên ngành về TBT và Mạng lưới TBT

7. Đánh giá tổng kết chương trình 2006-2010

7.1

Định kỳ 6 tháng báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai Đề án TBT

Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ

2007-2010

Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương

7.2

Sơ kết 3 năm thực hiện Đề án

Hội nghị và các báo cáo

2008

Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương

7.3

Tổng kết 5 năm thực hiện Đề án

Hội nghị và các báo cáo

2010

Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương

CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG NĂM 2007

1. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.

2. Xây dựng và phê duyệt các nhiệm vụ thực hiện Đề án TBT trong năm 2008.

3. Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia TCVN và chuyển đổi hệ thống tiêu chuẩn ngành phù hợp với quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.

4. Tiếp tục nâng cao năng lực của Mạng lưới TBT đảm bảo thực hiện tốt nghĩa vụ minh bạch hoá theo yêu cầu Hiệp định TBT.

5. Ban liên ngành về TBT nghiên cứu quy trình, thủ tục giải quyết tranh chấp thương mại liên quan đến TBT. Đề xuất và thực hiện các biện pháp tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành trong việc triển khai chương trình, kế hoạch về TBT; hỗ trợ các cơ quan, tổ chức có liên quan ở địa phương trong thực thi các nhiệm vụ về TBT và cam kết gia nhập WTO có liên quan.

6. Tiếp tục tuyên truyền, tập huấn về TBT và các cam kết gia nhập WTO có liên quan cho các cơ quan, doanh nghiệp.