cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 18/2007/QĐ-UBND ngày 01/03/2007 Ban hành Quy định về việc quản lý hoạt động kinh doanh, dịch vụ; bảo vệ cảnh quan môi trường và giữ gìn an ninh trật tự tại các bãi biển trên địa bàn thành phố Đà Nẵng do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành

  • Số hiệu văn bản: 18/2007/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Thành phố Đà Nẵng
  • Ngày ban hành: 01-03-2007
  • Ngày có hiệu lực: 11-03-2007
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 12-01-2022
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 5421 ngày (14 năm 10 tháng 11 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 12-01-2022
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 12-01-2022, Quyết định số 18/2007/QĐ-UBND ngày 01/03/2007 Ban hành Quy định về việc quản lý hoạt động kinh doanh, dịch vụ; bảo vệ cảnh quan môi trường và giữ gìn an ninh trật tự tại các bãi biển trên địa bàn thành phố Đà Nẵng do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 41/2021/QĐ-UBND ngày 29/12/2021 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng bãi bỏ Quyết định 18/2007/QĐ-UBND Quy định về Quản lý các hoạt động kinh doanh, dịch vụ; bảo vệ cảnh quan môi trường và giữ gìn an ninh trật tự tại các bãi biển trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 18/2007/QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngày 01 tháng 3 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ CÁC HOẠT ĐỘNG KINH DOANH, DỊCH VỤ; BẢO VỆ CẢNH QUAN MÔI TRƯỜNG VÀ GIỮ GÌN AN NINH TRẬT TỰ TẠI CÁC BÃI BIỂN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 12 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 81/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;

Căn cứ Quyết định 02/2003/QĐ-BTNMT ngày 29 tháng 7 năm 2003 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy chế Bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Du lịch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về việc quản lý các hoạt động kinh doanh, dịch vụ; bảo vệ cảnh quan môi trường và giữ gìn an ninh trật tự tại các bãi biển trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 4514/1998/QĐ-UB ngày 06 tháng 8 năm 1998 của Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng về việc ban hành Quy định về tổ chức quản lý vệ sinh môi trường và trật tự trị an tại các bãi biển trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Điều 3. Giao Sở Du lịch chủ trì phối hợp với Uỷ ban nhân dân các quận, huyện; các sở, ban, ngành có liên quan hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.

Điều 4. Chánh văn phòng Uỷ ban nhân dân thành phố, Giám đốc các Sở: Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Văn hoá- Thông tin, Giao thông - Công chính, Giám đốc Công an thành phố, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các quận, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Văn Minh

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC QUẢN LÝ CÁC HOẠT ĐỘNG KINH DOANH, DỊCH VỤ; BẢO VỆ CẢNH QUAN MÔI TRƯỜNG VÀ GIỮ GÌN AN NINH TRẬT TỰ TẠI CÁC BÃI BIỂN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 18/2007/QĐ -UBND ngày 01 tháng 3 năm 2007 của UBND thành phố Đà Nẵng)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Các hoạt động kinh doanh, dịch vụ; bảo vệ cảnh quan môi trường và giữ gìn an ninh trật tự tại các bãi biển trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và trách nhiệm quản lý của các ngành, địa phương có liên quan.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh, dịch vụ và cá nhân tham quan, tắm biển, vui chơi, giải trí tại các bãi biển trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

2. Các cơ quan chuyên môn có liên quan thuộc Uỷ ban nhân dân thành phố; Uỷ ban nhân dân các quận và Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Du lịch Đà Nẵng.

Điều 3. Các thuật ngữ sử dụng trong quy định này:

1. Bãi biển: các bãi biển (bao gồm bãi đất tiếp giáp với biển và khu vực nước biển có độ sâu nhất định) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng được cơ quan có thẩm quyền cho phép khai thác, sử dụng để tham quan, vui chơi, giải trí phục vụ cho nhân dân thành phố và khách du lịch, trừ các bãi biển thuộc quyền quản lý của các cơ quan, tổ chức được Nhà nước hoặc cơ quan có thẩm quyền giao, cho thuê, cho phép khai thác, sử dụng theo quy định của pháp luật.

2. Cảnh quan môi trường bãi biển: toàn bộ cảnh vật thiên nhiên và nhân tạo của bãi biển, bao gồm : đất đai (đất, cát, đá, ...), cây cối, không khí, nước biển, công trình xây dựng....

3. Rác thải: tất cả các loại rác, chất thải và bất cứ vật gì khác có khả năng gây ô nhiễm môi trường do con người gây ra tại bãi biển.

4. Các vật dụng cũ: các vật dụng không còn mầu chuẩn, bị rét rỉ, ngả màu, ố vàng…

Điều 4. Nội dung của công tác quản lý của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tại các bãi biển bao gồm:

1. Các hoạt động ngăn ngừa và cứu hộ đối với người tham quan, tắm biển, vui chơi, giải trí tại các bãi biển;

2. Các hoạt động bảo vệ cảnh quan môi trường khu vực bãi biển; giữ gìn vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, an toàn tại khu vực bãi biển;

3. Công tác tổ chức quản lý hoạt động kinh doanh, dịch vụ, các tổ chức, cá nhân tại các bãi biển;

4. Công tác xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân tại các bãi biển du lịch.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5. Tổ chức, cá nhân không được thực hiện các hành vi sau đây tại các bãi biển trên địa bàn thành phố Đà Nẵng:

1. Đổ rác thải chưa được xử lý theo tiêu chuẩn môi trường Việt Nam ra biển;

2. Vứt rác thải không đúng nơi quy định;

3. Ăn xin, bán hàng rong trong khu vực bãi biển;

4. Đánh nhau, gây rối an ninh trật tự;

5. Tiến hành các hoạt động thể thao không được cơ quan có thẩm quyền cho phép;

6. Chăn dắt vật nuôi, thả súc vật, đá bóng, đưa các loại xe vào bãi biển;

7. Tiến hành các hoạt động kinh doanh mà không được cơ quan thẩm quyền cho phép hoặc không đúng với các nội dung đã được cho phép;

8. Mang theo thức ăn, đồ uống để tổ chức ăn uống tại các khu vực không cho phép tổ chức ăn uống theo Nội quy của bãi tắm;

9. Khai thác giếng ngầm, giếng khoan tại khu vực bãi biển không được sự đồng ý của cơ quan quản lý nhà nước thẩm quyền.

Điều 6. Đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh tại các bãi biển:

1. Nghiêm cấm sử dụng các vật dụng, thiết bị cũ (lều bạt, dù che nắng và các loại bàn ghế nhựa, dụng cụ…), không đồng bộ, không đảm bảo an toàn sử dụng, mỹ quan, cảnh quan tại nơi kinh doanh được cơ quan nhà nước thẩm quyền cho phép;

2. Có thùng đựng rác, hệ thống xử lý nước thải theo đúng quy định, không tổ chức nấu nướng, chế biến thức ăn tại bãi biển. Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường trong phạm vi quản lý của mình;

3. Không được bu bám, chèo kéo khách, không được sử dụng lời nói, hành vi thô tục, thiếu văn hoá đối với khách du lịch;

4. Hướng dẫn, nhắc nhở khách hàng tuân thủ Quy định này và Nội quy của bãi biển;

5. Đối với một số bãi biển đang xây dựng bãi biển kiểu mẫu, ngoài việc chấp hành những quy định trên các tổ chức, cá nhân kinh doanh, dịch vụ cần tuân thủ một số quy định dưới đây:

a. Bố trí dù lá hoặc mô hình theo mẫu do Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Du lịch Đà Nẵng quy định và dù quảng cáo đảm bảo mỹ quan, cách mép nước triều cường 30m;

b. Chỉ được sử dụng bàn gỗ hoặc nhựa, ghế gỗ xếp mặt lưới hoặc các loại bàn, ghế khác theo quy định của Ban Quản lý Bán đảo Sơn trà và các bãi biển Du lịch Đà Nẵng đảm bảo mỹ thuật kinh doanh; chỉ được sử dụng nước giải khát chai hoặc lon không có cồn;

6. Các nhà hàng xây dựng ven biển phải có giấy phép xây dựng và hồ sơ đăng ký hoạt động sản xuất kinh doanh; thực hiện các thủ tục về bảo vệ môi trường của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo đúng quy hoạch và thiết kế được duyệt; nghiêm cấm việc lấn chiếm bãi biển để bố trí dù, ghế cho khách vào khu vực giành riêng cho người tắm biển.

Điều 7. Nghĩa vụ của cá nhân tham quan, tắm biển, vui chơi, giải trí tại các bãi biển:

1. Chấp hành nghiêm túc nội dung Quy định này, Nội quy bãi biển và sự hướng dẫn của nhân viên cứu hộ;

2. Phối hợp với những người có trách nhiệm, nhân viên cứu hộ tại các bãi biển, tham gia ứng cứu kịp thời người bị nạn khi được yêu cầu;

3. Giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại các bãi biển.

Điều 8. Trách nhiệm của Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Du lịch Đà Nẵng:

1. Bố trí nhân viên cứu hộ thông thạo khu vực bãi tắm, có kinh nghiệm cứu hộ, biết xử lý tình huống khi phát hiện nạn nhân bị sóng cuốn trôi;

2. Thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng cho nhân viên cứu hộ; giám sát hoạt động tắm biển để xử lý kịp thời những tình huống khi người tắm biển có nguy cơ đe dọa tính mạng;

3. Hoạt động cứu hộ phải được duy trì thường xuyên, tại các vị trí trực cứu hộ phải có trạm quan sát, biển báo nguy hiểm và trang bị các phương tiện cứu hộ như ca nô, phao cứu sinh và các công cụ cứu hộ khác;

4. Dựng các bảng nội quy tại các bãi biển, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh,dịch vụ và người tắm biển thực hiện tốt nội dung của Quy định này;

5. Tham mưu, đề xuất với Sở Du lịch và các ngành hữu quan triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản của Nhà nước có liên quan đến công tác cứu hộ, giữ gìn vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, kinh doanh các dịch vụ trên bãi biển;

6. Phối hợp với Ủy ban nhân dân các phường và các cơ quan, các lực lượng chức năng trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật theo đúng quy định của pháp luật;

7. Chủ trì công tác tổ chức, sắp xếp các hoạt động trên bãi biển, kể cả quản lý hoạt động kinh doanh;

8. Chủ trì triển khai các Quy định, Nội quy, nội dung có liên quan đến công tác cứu hộ, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường bãi biển;

9. Tham gia xử lý các vi phạm trong phạm vi quy định.

Điều 9. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các địa phương ven biển:

1. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các quận:

a. Chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành, các lực lượng liên quan; chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các phường có bãi biển phối hợp thường xuyên và chặt chẽ với Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Du lịch Đà Nẵng trong các hoạt động tại bãi biển thuộc địa bàn quản lý;

b. Chỉ đạo công an địa phương, các lực lượng chức năng của quận và Uỷ ban nhân dân phường thường xuyên theo dõi, kiểm tra và xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội tại các bãi biển theo Nghị định số 150/2005/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội và Nghị định số 81/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;

c. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Quy định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan trong cán bộ, nhân dân của địa phương mình.

2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các phường có biển:

a. Phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc tổ chức sắp xếp hợp lý các hộ, cá nhân hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại các bãi biển;

b. Phổ biến rộng rãi nội dung của Quy định này đến các hộ kinh doanh và khách tham quan du lịch tại các bãi biển;

c. Xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất các cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh và an ninh trật tự tại các bãi biển.

Điều 10. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành liên quan

1. Sở Du lịch có trách nhiệm chỉ đạo Ban Quản lý Bán đảo Sơn trà và các bãi biển Du lịch Đà Nẵng đảm bảo tốt công tác cứu hộ và tham gia phối hợp với Uỷ ban nhân các địa phương ven biển thực hiện việc tổ chức, quản lý các hoạt động tại các bãi biển Đà Nẵng; chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Văn hoá- Thông tin, Sở Tư pháp và Uỷ ban nhân dân các quận có kế hoạch tổ chức triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật có liên quan về công tác cứu hộ, bảo vệ cảnh quan môi trường và giữ gìn an ninh trật tự tại các bãi biển.

2. Sở Tài nguyên- Môi trường chủ trì phối hợp với các địa phương và các ngành liên quan thực hiện công tác kiểm tra bảo vệ môi trường, giám sát chất lượng môi trường tại các bãi biển và giải quyết những vấn đề cụ thể phát sinh về công tác môi trường.

3. Sở Giao thông Công chính chỉ đạo Công ty Môi trường đô thị có biện pháp xử lý nước thải từ khu dân cư đổ ra biển, đồng thời đảm bảo lực lượng thường xuyên thu dọn vệ sinh làm sạch môi trường tại các bãi biển.

4. Công an thành phố chủ động phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội; ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật tại các bãi biển trên địa bàn thành phố.

5. Sở Xây dựng chỉ đạo các đơn vị, lực lượng thuộc ngành tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực xây dựng theo quy định.

6. Sở Kế hoạch- Đầu tư chỉ đạo các đơn vị thuộc ngành phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật về sản xuất kinh doanh.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 11. Tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc chấp hành các quy định về công tác cứu hộ, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự tại các bãi biển sẽ được xét khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về công tác cứu hộ, bảo vệ cảnh quan môi trường, giữ gìn an ninh trật tự, tổ chức hoạt động kinh doanh tái với Quy định này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định. Trong trường hợp gây thiệt hại về tài sản cho người khác hoặc Nhà nước thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 13. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các ngành, địa phương phản ánh kịp thời về Sở Du lịch để tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân thành phố điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.