Quyết định số 10/2007/QĐ-UBND ngày 27/02/2007 Về quy định về tổ chức, hoạt động của Nhà Văn hóa và Đài truyền thanh xã, phường, thị trấn tỉnh An Giang
- Số hiệu văn bản: 10/2007/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh An Giang
- Ngày ban hành: 27-02-2007
- Ngày có hiệu lực: 09-03-2007
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 20-11-2020
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 5005 ngày (13 năm 8 tháng 20 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 20-11-2020
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:10/2007/QĐ-UBND | Long Xuyên, ngày 27 tháng 02 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
V/V BAN HÀNH QUI ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA NHÀ VĂN HOÁ VÀ ĐÀI TRUYỀN THANH XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hoá và Thông tin tại tờ trình số 09/TTr.SVHTT ngày 26/02/2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Qui định về Tổ chức, hoạt động của Nhà văn hoá và Đài truyền thanh xã, phường, thị trấn .
Điều 2. Giám đốc Sở Văn hoá và Thông tin có trách nhiệm kết hợp Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh hướng dẫn, triển khai thực hiện Qui định; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra quá trình thực hiện; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh và Bộ Văn hoá - Thông tin.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Văn hoá và Thông tin, Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định nầy./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUI ĐỊNH
TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG NHÀ VĂN HÓA VÀ ĐÀI TRUYỀN THANH XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 10 /2007/QĐ-UBND ngày 27 tháng 02 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng
Qui định về tổ chức, hoạt động của Nhà văn hóa và Đài truyền thanh xã, phường, thị trấn trực thuộc huyện, thị, thành phố trong tỉnh (sau đây gọi chung là Nhà văn hóa xã, Đài truyền thanh xã).
Điều 2. Vị trí, chức năng
Nhà văn hóa xã, Đài truyền thanh xã có vị trí, chức năng sau:
1. Là đơn vị sự nghiệp của Nhà nước. Chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là cấp xã). Đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của ngành Văn hóa – Thông tin và Đài phát thanh Truyền hình tỉnh.
2. Thực hiện dịch vụ về văn hoá - thông tin, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội.
3. Tổ chức các hoạt động văn hoá, đáp ứng nhu cầu thông tin, hưởng thụ, sáng tạo, giải trí của quần chúng nhân dân về văn hoá, nghệ thuật.
Điều 3. Chế độ, chính sách
Nhà văn hóa xã, Đài truyền thanh xã được hưởng các chế độ, chính sách theo qui định hiện hành của Nhà nước.
Điều 4. Nguyên tắc đặt tên
Việc đặt tên Nhà văn hóa, Đài truyền thanh xã được thực hiện như sau: ghép tên riêng của xã ở sau chữ cuối cùng của cụm từ Nhà văn hóa, Đài truyền thanh.
Chương II
CƠ CẤU TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN
Điều 5. Cơ cấu, tổ chức
Cơ cấu, tổ chức của Nhà văn hóa, Đài truyền thanh xã gồm có:
1. Nhà văn hóa xã:
a) Chủ nhiệm (do Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã kiêm nhiệm);
b) Không quá 02 Phó chủ nhiệm.
c) Các tổ nghiệp vụ: văn nghệ quần chúng, thông tin cổ động, phòng đọc sách, phòng truyền thống, câu lạc bộ đội nhóm sở thích, nếp sống văn minh - gia đình văn hoá.
d) Chủ nhiệm Nhà văn hóa chịu trách nhiệm trình Ủy ban nhân dân xã về cấp kinh phí hàng năm cho Nhà văn hoá, Đài truyền thanh xã.
2. Đài truyền thanh xã
a) Trưởng đài;
b) 01 phóng viên kiêm biên tập;
c) 01 cán bộ kỹ thuật.
3. Thành phần Nhà văn hoá xã quy định tại khoản 1 điều này do Phó Chủ tịch cấp xã và cán bộ thuộc các đơn vị, tổ chức sau trên địa bàn xã, phường, thị trấn kiêm nhiệm:
a) Văn hoá - xã hội;
b) Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh;
c) Hội Phụ nữ;
d) Hội Nông dân;
đ) Trung tâm học tập cộng đồng;
e) Công an, Quân sự;
g) Hội cựu chiến binh;
h) Y tế;
i) Mặt trận.
Điều 6. Chế độ bầu cử Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm Nhà văn hoá xã; bổ nhiệm, bãi nhiệm Trưởng Đài Truyền thanh xã
1. Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm Nhà văn hoá do Đại hội thành viên Nhà văn hoá xã bầu. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã ra quyết định phê chuẩn kết quả bầu cử. Nhiệm kỳ của Ban chủ nhiệm Nhà văn hoá xã là 2 năm.
2. Trưởng Đài truyền thanh xã do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm sau khi có ý kiến thoả thuận của Trưởng phòng Văn hoá – Thông tin - Thể thao cấp huyện.
Điều 7. Tiêu chuẩn thành viên Nhà văn hoá, Trưởng Đài, phóng viên kiêm biên tập viên, cán bộ kỹ thuật Đài truyền thanh xã
1. Phẩm chất đạo đức: trung thành với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Công tâm, tận tuỵ với công việc, trung thực, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng.
2. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ:
a) Trung cấp chuyên ngành văn hoá quần chúng hoặc chuyên ngành nghệ thuật, khoa học xã hội và nhân văn, trung cấp báo chí, trung cấp quản lý kỹ thuật đài truyền thanh.
b) Có năng lực và kiến thức quản lý, giỏi về nghiệp vụ văn hoá thông tin cơ sở và có kiến thức về quản lý kỹ thuật đài cơ sở.
3. Trình độ chính trị: sơ cấp chính trị trở lên.
Điều 8. Nhiệm vụ, quyền hạn của Nhà văn hóa, Đài truyền thanh xã
1. Căn cứ nhiệm vụ được giao và tình hình kinh tế xã hội của địa phương, xây dựng kế hoạch hoạt động của Nhà văn hóa, Đài truyền thanh xã và tổ chức thực hiện sau khi được Uỷ ban nhân dân cấp xã phê duyệt.
2. Tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước theo sự chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương.
3. Tổ chức và phối hợp tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ quần chúng, thông tin cổ động tại chỗ và lưu động, phản ánh tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, nêu gương người tốt việc tốt, phê phán hiện tương tiêu cực trong đời sống xã hội, bao gồm: liên hoan, hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng, lễ hội truyền thống, các hoạt động câu lạc bộ, nhóm sở thích, các lớp năng khiếu nghệ thuật, các lớp kỹ năng, ngành nghề, bản tin vắn, phóng sự và tiếp âm Đài Phát thanh tỉnh, huyện.
4. Tổ chức hoặc liên kết với các cơ quan, đoàn thể quần chúng, tập thể, cá nhân tổ chức những hoạt động dịch vụ về văn hoá – nghệ thuật, thông tin, quảng cáo, tiến tới xã hội hoá hoạt động Nhà văn hoá xã.
5. Tham gia các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của các cơ quan chuyên môn nghiệp vụ cấp trên: Trung tâm Văn hoá - Thông tin cấp huyện, Trung tâm Văn hoá - Thông tin tỉnh.
6. Tổ chức các hoạt động thư viện, phòng đọc sách, phòng truyền thống thông tin, câu lạc bộ đội nhóm sở thích, nếp sống văn minh – gia đình văn hoá.
7. Là thành viên Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở” khi được Ủy ban nhân dân cấp xã phân công.
Điều 9. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Trưởng Đài truyền thanh xã
1. Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Trưởng Đài truyền thanh xã có nhiệm vụ quyền, hạn sau:
a) Quản lý, điều hành mọi hoạt động của Nhà văn hóa, Đài truyền thanh xã; chịu trách nhiệm về quản lý, điều hành của mình trước pháp luật và cơ quan cấp trên.
b) Phân công các thành viên Nhà văn hóa xã; phóng viên kiêm biên tập, cán bộ kỹ thuật Đài truyền thanh xã (sau đây gọi tắt là nhân viên) thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Điều 8 và Điều 10 Quy định này.
c) Quản lý tài chính và tài sản của Nhà văn hóa, Đài truyền thanh xã theo quy định của pháp luật hiện hành.
2. Các Phó Chủ nhiệm Nhà văn hóa xã có nhiệm vụ quyền, hạn sau:
a) Phó Chủ nhiệm phụ trách lĩnh vực văn hoá văn nghệ điều hành các mảng công tác cụ thể sau:
- Hoạt động văn nghệ quần chúng;
- Hoạt động đội nhóm Câu lạc bộ sở thích: đờn ca tài tử, hát với nhau, thông tin, tuyên truyền;
- Chiếu phim;
- Các hoạt động văn hóa thể thao, vui chơi giải trí khác.
b/ Phó Chủ nhiệm phụ trách mảng thông tin tuyên truyền điều hành các công việc sau:
- Phát hành tài liệu tuyên truyền do tổ chức, cơ quan nhà nước cấp trên cấp;
- Xây dựng cụm panô cổ động;
- Triển lãm hình ảnh chuyên đề;
- Hoạt động thông tin, tuyên truyền cổ động;
Điều 10. Nhiệm vụ của thành viên Nhà văn hóa, nhân viên Đài truyền thanh xã.
1. Các thành viên Nhà văn hóa xã có nhiệm vụ sau:
a) Được phân công phụ trách các tổ nghiệp vụ được quy định tại khoản 2 Điều 10 Quy định này phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ của mình.
b) Có trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ được phân công, chịu trách nhiệm trước Ban Chủ nhiệm và cơ quan quản lý về những công việc đã thực hiện.
2. Nhân viên Đài truyền thanh xã có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch tuyên truyền viết tin, bài cho Đài.
Chương III
ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG
Điều 11. Cơ sở vật chất.
Nhà văn hóa - Đài truyền thanh của địa phương xã phải được xây dựng ở khu tập trung dân cư, thuận lợi về giao thông; được chính quyền địa phương qui hoạch với diện tích đảm bảo không dưới 1.500m2, có đủ các cơ sở để tổ chức hoạt động của Nhà văn hóa, bao gồm:
1- Văn phòng làm việc của Ban Chủ nhiệm.
2- Hội trường hội họp, hoạt động của các loại hình nghệ thuật.
3- Các phòng hoạt động chức năng: phòng đọc sách, phòng truyền thống, phòng sinh hoạt Câu lạc bộ, Đài truyền thanh.
4- Sân bãi tổ chức các loại hình nghệ thuật văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí.
Điều 12. Trang thiết bị, phương tiện chuyên dùng phục vụ hoạt động.
- Thiết bị âm thanh, ánh sáng, phông màn, sân khấu.
- Các nhạc cụ dân tộc, hiện đại phục vụ biểu diễn và huấn luyện.
- Trang thiết bị cho thông tin tuyên truyền, cổ động, thiết bị tiếp âm và truyền thanh.
Điều 13. Kinh phí hoạt động.
1. Kinh phí hoạt động, bao gồm:
- Ngân sách Nhà nước cấp hàng năm theo quyết định phân bổ của cơ quan có thẩm quyền.
- Nguồn thu từ các dịch vụ của Nhà văn hóa và Đài truyền thanh xã.
- Liên kết với các cá nhân, các thành phần xã hội tổ chức các hoạt động có thu để chi hỗ trợ hoạt động.
2. Nội dung chi:
- Chi theo nguyên tắc được qui định đối với đơn vị sự nghiệp có thu.
- Trong đó: chi cho hoạt động tuyên truyền chính trị được đảm bảo từ nguồn ngân sách Nhà nước; những hoạt động không có thu hoặc nguồn thu không thể chi được, ngân sách Nhà nước hỗ trợ, bao gồm các hoạt động: Hội thi, hội diễn, ngày hội văn hoá, kỷ niệm các sự kiện lịch sử, phổ biến các loại hình mẫu Câu lạc bộ, đội, nhóm sở thích, các cuộc triển lãm, ... chi tập huấn nghiệp vụ cho những cộng tác viên, thành viên Ban Chủ nhiệm của Nhà văn hoá.
Chương IV
THÀNH LẬP VÀ GIẢI THỂ
Điều 14. Nguyên tắc thành lập, giải thể
Việc thành lập và giải thể Nhà văn hóa, Đài truyền thanh xã phải bảo đảm sự ổn định và phát triển các hoạt động văn hoá – thông tin của địa phương.
Ủy ban nhân dân xã có thẩm quyền quyết định thành lập, giải thể Nhà văn hóa, Đài truyền thanh xã.
Điều 15. Thành lập
Điều kiện thành lập:
a) Phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
- Có cán bộ chuyên môn nghiệp vụ theo tiêu chuẩn qui định.
- Có trụ sở, cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dùng, kinh phí hoạt động.
b) Thủ tục thành lập:
Đề án thành lập do Uỷ ban nhân dân cấp xã dự thảo đã được Uỷ ban nhân dân cấp huyện phê duyệt sau khi có ý kiến đóng góp của Phòng Văn hóa - Thông tin - Thể thao; thẩm định của Phòng Nội vụ - Lao động Thương binh và Xã hội.
Điều 16. Giải thể
Việc thành lập, giải thể phải đảm bảo sự ổn định về phát triển sự nghiệp văn hóa - thông tin của địa phương.
Chương V
QUAN HỆ CÔNG TÁC
Điều 17. Với Uỷ ban nhân dân xã và các tổ chức, đoàn thể
1.Với Ủy ban nhân dân xã:
Nhà văn hoá, Đài truyền thanh xã chịu sự quản lý nhà nước về văn hoá thông tin của Ủy ban nhân dân xã.
2. Với các tổ chức, đoàn thể
Nhà văn hoá, Đài truyền thanh là mối quan hệ phối hợp thực hiện kế hoạch liên tịch hàng tháng, quí, năm.
Điều 18. Với Phòng Văn hoá – Thông tin - Thể thao cấp huyện
Nhà văn hoá, Đài truyền thanh xã chịu sự quản lý nhà nước về văn hoá thông tin của Phòng Văn hoá - Thông tin - Thể thao.
Điều 19. Với Trung tâm Văn hoá – Thông tin cấp huyện
Nhà Văn hoá, Đài truyền thanh xã chịu sự hướng dẫn, kiểm tra về nghiệp vụ, chuyên môn của Trung tâm Văn hoá - Thông tin cấp huyện và Đài truyền thanh huyện (các huyện có Đài truyền thanh).
Điều 20. Với các tổ chức, cá nhân, tập thể khác
Là mối quan hệ hợp tác, phối hợp tổ chức các hoạt động văn hoá, thông tin theo qui định của pháp luật.
Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 21. Sở Nội vụ, Sở Văn hoá – Thông tin, Giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình, Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố, có nhiệm vụ hướng dẫn kiểm tra việc áp dụng qui định này tại các địa phương.
Điều 22. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh, đề nghị phản ánh kịp thời về Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.