cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 24/2006/CT-TTg ngày 01/08/2006 Thi hành Luật Quốc phòng (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 24/2006/CT-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Ngày ban hành: 01-08-2006
  • Ngày có hiệu lực: 16-08-2006
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 03-01-2020
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 4888 ngày (13 năm 4 tháng 23 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 03-01-2020
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 03-01-2020, Chỉ thị số 24/2006/CT-TTg ngày 01/08/2006 Thi hành Luật Quốc phòng (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 01/2020/QĐ-TTg ngày 03/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ Về bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật”. Xem thêm Lược đồ.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 24/2006/CT-TTg

Hà Nội, ngày 01 tháng 08 năm 2006 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TỔ CHỨC TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT QUỐC PHÒNG

Để triển khai thực hiện Luật Quốc phòng đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI thông qua tại kỳ họp thứ 7 ngày 14 tháng 6 năm 2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2006, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung triển khai thực hiện tốt các công việc sau đây:

1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Quốc phòng theo hướng dẫn của Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp tới cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; gắn việc triển khai thi hành Luật Quốc phòng với việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, nhằm nâng cao ý thức pháp luật và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân  thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

2. Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thuộc quyền thực hiện tốt Luật Quốc phòng, đưa nội dung nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc vào chương trình, kế hoạch công tác của cơ quan, đơn vị các cấp.

3. Trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm lập dự toán ngân sách bảo đảm chi cho nhiệm vụ quốc phòng hàng năm của Bộ, ngành, địa phương trình cấp có thẩm quyền quyết định; phối hợp với Bộ Quốc phòng giúp Chính phủ xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch huy động nguồn nhân lực, vật lực phục vụ quốc phòng trong thời bình và thời chiến.

4. Nhiệm vụ cụ thể của một số Bộ, ngành:

a) Bộ Quốc phòng:

- Khẩn trương xây dựng kế hoạch và hoàn thành việc tập huấn về Luật Quốc phòng trong quý III năm 2006 cho các cơ quan, đơn vị trong toàn quân; giúp Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương tổ chức bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật về quốc phòng cho cán bộ, công chức, viên chức và toàn dân;

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành liên quan khẩn trương trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về hướng dẫn thi hành Luật Quốc phòng; ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Bộ Quốc phòng về thi hành Luật Quốc phòng;

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp biên soạn tài liệu học tập, tuyên truyền, phổ biến Luật Quốc phòng cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chỉ đạo tổ chức thực hiện giáo dục quốc phòng theo quy định của pháp luật;

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan xây dựng quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật cho hoạt động của Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiến hành kiểm tra, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến việc thi hành Luật Quốc phòng để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật mới trình cấp có thẩm quyền ban hành;

- Tham gia thẩm định các quy hoạch, kế hoạch và dự án phát triển kinh tế - xã hội của các Bộ, ngành, địa phương có liên quan đến quốc phòng theo quy định của pháp luật;

- Hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, sơ kết, tổng kết, khen thưởng việc thực hiện Luật Quốc phòng và công tác quốc phòng ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các ngành và địa phương theo quy định của pháp luật;

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn, bổ sung tài liệu về Luật Quốc phòng để đưa vào chương trình giáo dục quốc phòng của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trung học phổ thông.

b) Bộ Công an:

- Chỉ đạo công an các cấp tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương xây dựng thế trận an ninh nhân dân gắn liền với thế trận quốc phòng toàn dân;

- Phối hợp cùng Bộ Quốc phòng xây dựng, thực hiện quy chế phối hợp giữa Công an nhân dân với Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh trình Chính phủ ban hành, theo quy định tại Điều 17 và các quy định có liên quan trong Luật Quốc phòng;

- Tham gia thẩm định các quy hoạch, kế hoạch và dự án phát triển kinh tế - xã hội của các Bộ, ngành, địa phương có liên quan đến an ninh quốc phòng theo quy định của pháp luật.

c) Bộ Tư pháp:

Phối hợp cùng Bộ Quốc phòng biên soạn tài liệu và phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung cơ bản của Luật Quốc phòng cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân với hình thức thích hợp.

d) Bộ Văn hoá - Thông tin:

- Phối hợp với Bộ Quốc phòng giúp Chính phủ xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch thông tin tuyên truyền phục vụ quốc phòng trong thời bình và thời chiến;

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí ở trung ương, địa phương tăng cường tuyên truyền Luật Quốc phòng và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quốc phòng.

đ) Bộ Giáo dục và Đào tạo:

Phối hợp với Bộ Quốc phòng nghiên cứu, bổ sung tài liệu về Luật Quốc phòng vào chương trình giáo dục quốc phòng của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trung học phổ thông.

e) Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính lập phương án phân bổ ngân sách cho các chương trình, dự án đầu tư cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật, phương tiện cho nhiệm vụ quốc phòng; bố trí vốn dự trữ  quốc gia bảo đảm nhu cầu quốc phòng năm đầu chiến tranh và nguồn vốn để sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ đột xuất về quốc phòng theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Pháp lệnh về Dự trữ quốc gia;

- Phối hợp với Bộ Quốc phòng lập kế hoạch về khả năng và nhu cầu kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng trong thời bình và thời chiến.

g) Bộ Tài chính:

Phối hợp với Bộ Quốc phòng lập và tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước; xây dựng chế độ, chính sách tài chính, ngân sách trong lĩnh vực quốc phòng theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành. 

h) Bộ Ngoại giao:

Chỉ đạo cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan, đơn vị thuộc quyền quán triệt và thực hiện nhiệm vụ quốc phòng theo quy định của Luật Quốc phòng.

5. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động và giám sát việc thực hiện các quy định của Luật Quốc phòng, đề ra kế hoạch triển khai cụ các nhiệm vụ được giao.

Bộ Quốc phòng có trách nhiệm giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; 
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh,
  thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Học viện Hành chính quốc gia;
- VPCP: BTCN, TBNC, các PCN, BNC,
  Website Chính phủ, Ban Điều hành 112,
  Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
  các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, NC (5b).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng