Chỉ thị số 17/2006/CT-UBND ngày 26/07/2006 Về việc tăng cường công tác thanh tra,giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Tiền Giang do Uỷ ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 17/2006/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Tiền Giang
- Ngày ban hành: 26-07-2006
- Ngày có hiệu lực: 05-08-2006
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 23-12-2015
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 3427 ngày (9 năm 4 tháng 22 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 23-12-2015
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 17/2006/CT-UBND | Mỹ Tho, ngày 26 tháng 07 năm 2006 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC THANH TRA,GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG
Trong những năm qua Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh luôn xác định công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, trước mắt và lâu dài. Do vậy, trong quá trình lãnh đạo, điều hành, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, nhằm tăng cường củng cố công tác thanh tra và công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, cụ thể như: Chỉ thị số 03/CT-TU ngày 02/10/2001 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; Chỉ thị số 17/CT-UB ngày 06/12/2000 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và Chỉ thị số 07/2004/CT-UB ngày 09/4/2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh về một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong giai đoạn hiện nay. Từ đó đã tạo được sự chuyển biến tích cực về mặt nhận thức cũng như hành động trong công tác thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, hướng vào những lĩnh vực quan trọng có nhiều vấn đề bức xúc như quản lý đất công, xây dựng cơ bản, thu chi tài chính; kịp thời giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo nhất là các vụ phức tạp, đông người không để xảy ra “điểm nóng”..., góp phần đáng kể trong việc tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tạo được sự đoàn kết trong nội bộ nhân dân.
Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện kiến nghị xử lý kết luận sau thanh tra đối với cá nhân và tổ chức chưa nghiêm, hiệu quả phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật thấp; sự quan tâm chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo ở các cấp, các ngành chưa kịp thời, các cơ quan chức năng chưa chủ động xử lý tốt đơn thư khiếu nại, tố cáo, có biểu hiện đùn đẩy trách nhiệm, ngại đối thoại trực tiếp với công dân, lực lượng cán bộ - thanh tra viên còn thiếu, kỹ năng nghiệp vụ chưa đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, sự phối hợp của các cấp, các ngành, các đoàn thể trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa được chặt chẽ, chưa huy động được sức mạnh của cả hệ thống cơ quan Nhà nước và sự tham gia tích cực của các đoàn thể chính trị - xã hội nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Thủ trưởng các sở, ban ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị thực hiện việc tiếp công dân theo quy định của pháp luật, đảm bảo đạt hiệu quả, tránh hình thức; lãnh đạo, kiểm tra việc tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo; chỉ đạo thẩm tra, xác minh, đối thoại, ra quyết định giải quyết và công bố cho đối tượng khiếu nại, tố cáo biết kết quả xử lý một cách công khai dân chủ; khắc phục tình trạng công dân khiếu tố vượt cấp, không đúng nơi quy định, gây mất trật tự nơi công sở, ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
2. Tổ chức triển khai, thực hiện Luật Khiếu nại, Tố cáo (sửa đổi bổ sung một số điều năm 2005) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2006 và Nghị định của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật Khiếu nại, Tố cáo (đã được sửa đổi bổ sung năm 2004 và năm 2005) trong nội bộ Đảng, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức và rộng rãi trong nhân dân thông suốt, nhận thức được tầm quan trọng của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tình hình hiện nay; nhằm tăng cường trách nhiệm, không để sai sót trong giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Thủ trưởng các sở, ban ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh do giải quyết các đơn khiếu nại, tố cáo của công dân không đúng pháp luật, gây hậu quả và dư luận không tốt.
Thanh tra tỉnh, Thanh tra các huyện, thành phố, thị xã giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong phạm vi quản lý của mình; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, tổ chức do mình quản lý trong việc thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo; thực hiện chế độ báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Chính phủ.
3. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm thực hiện có hiệu quả chương trình hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; nội dung thanh tra, kiểm tra tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm như: đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý sử dụng đất đai; quản lý thu, chi ngân sách; mua sắm, trang bị, quản lý, sử dụng trang thiết bị làm việc; thanh tra việc thực thi chức trách công vụ đối với một số lĩnh vực nhạy cảm được dư luận quan tâm. Đặc biệt, tập trung thanh tra các công trình, dự án có dư luận bức xúc, có dấu hiệu tiêu cực nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí, đề xuất xử lý nghiêm minh theo pháp luật các cá nhân, tổ chức có hành vi sai phạm.
4. Giao Chánh Thanh tra tỉnh thường xuyên báo cáo kết quả kiểm tra về việc kiến nghị xử lý các kết luận sau thanh tra của các Đoàn thanh tra mà cá nhân, tổ chức chưa thực hiện để Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì xử lý nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
5. Giao Chánh Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng kế hoạch kiện toàn về tổ chức biên chế, tổ chức bộ máy thanh tra trực thuộc; xây dựng kế hoạch quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, củng cố bổ sung đội ngũ cán bộ, thanh tra viên các sở, ngành tỉnh, các cấp đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ; kịp thời trình Ủy ban nhân dân tỉnh bổ nhiệm và bổ nhiệm lại cán bộ, Thanh tra viên có đủ năng lực, phẩm chất đạo đức và tiêu chuẩn theo quy định, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đối với công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Tăng cường công tác quản lý cán bộ - Thanh tra viên; thủ trưởng các sở ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành, thị trước khi điều động, bổ nhiệm các Thanh tra viên phải có sự thỏa thuận với Chánh Thanh tra tỉnh.
Triển khai tổ chức học tập quán triệt, thực hiện Luật Thanh tra ngày
6. Giao Thanh tra tỉnh phối hợp với Sở Tài chính thực hiện Thông tư liên tịch số 42/2006/TTLT-BTC-TTCP ngày 15/5/2006 của Bộ Tài chính - Thanh tra Chính phủ về hướng dẫn lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của các cơ quan thanh tra nhà nước.
7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên của Mặt trận các cấp thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền, có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật sâu rộng trong từng đoàn viên, hội viên, từng giới và các tầng lớp nhân dân để mọi người thông suốt, tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật; phản ảnh kịp thời những thiếu sót, hạn chế trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
8. Thủ trưởng các sở, ban ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị, các tổ chức thanh tra trên địa bàn tỉnh trong phạm vi, quyền hạn của mình có trách nhiệm lập kế hoạch cụ thể, khẩn trương triển khai thực hiện Chỉ thị này.
Chánh Thanh tra tỉnh có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, kiểm tra việc triển khai thực hiện nội dung Chỉ thị này và định kỳ thường xuyên báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi chỉ đạo./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |