cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 05/2007/QĐ-BNN ngày 22/01/2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sửa đổi Quyết định 38/2006/QĐ-BNN quy định phòng chống bệnh Lở mồm long móng gia súc (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 05/2007/QĐ-BNN
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Ngày ban hành: 22-01-2007
  • Ngày có hiệu lực: 16-02-2007
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 15-07-2016
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 3437 ngày (9 năm 5 tháng 2 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 15-07-2016
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 15-07-2016, Quyết định số 05/2007/QĐ-BNN ngày 22/01/2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sửa đổi Quyết định 38/2006/QĐ-BNN quy định phòng chống bệnh Lở mồm long móng gia súc (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/05/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ
PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 05/2007/QĐ-BNN

Hà Nội, ngày 22 tháng 01 năm 2007 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC SỬA ĐỔI QUYẾT ĐỊNH SỐ 38/2006/QĐ-BNN NGÀY 16/5/2006 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH PHÒNG CHỐNG BỆNH LỞ MỒM LONG MÓNG GIA SÚC

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Pháp lệnh Thú y ngày 29 tháng 4 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 12 tháng 11 năm 1996; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 86/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Thú y,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Sửa đổi Điều 9, điểm b, c khoản 3, khoản 5 Điều 10 và Điều 11 của quy định về phòng chống bệnh Lở mồm long móng gia súc ban hành kèm theo Quyết định số 38/2006/QĐ-BNN ngày 16/5/2006 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như sau:

"Điều 9. Công bố dịch

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định công bố xã có dịch khi dịch xuất hiện ở 1 thôn trở lên và có đủ điều kiện công bố dịch theo quy định tại Điều 17 của Pháp lệnh Thú y.

2. Cơ quan thú y có thẩm quyền thông báo kết quả xét nghiệm bệnh tại xã có dịch.

Điều 10. Xử lý ổ dịch

1. Cách ly và nuôi nhốt gia súc mắc bệnh

Chủ nuôi gia súc khi phát hiện gia súc nhiễm bệnh phải nuôi cách ly và báo ngay cho trưởng thôn hoặc nhân viên thú y.

2. Xác minh và chẩn đoán

Khi nhận được thông báo, trong phạm vi một ngày cán bộ thú y huyện phải tiến hành xác minh và lấy mẫu chẩn đoán bệnh.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm

a) Chỉ đạo trưởng thôn và nhân viên thú y kiểm tra, giám sát chủ nuôi gia súc thực hiện cách ly gia súc mắc bệnh với gia súc khỏe, nhốt trâu, bò, lợn, dê, cừu tại chuồng hoặc nơi cố định; giúp cán bộ thú y huyện lấy mẫu bệnh phẩm; thống kê số lượng, loài gia súc mắc bệnh, số hộ gia đình có gia súc mắc bệnh, tổng đàn gia súc cảm nhiễm trong thôn.

b) Lập chốt kiểm dịch động vật tạm thời trên các trục đường giao thông chính ra vào xã có dịch và vùng khống chế với sự tham gia của lực lượng thú y, công an, dân quân tự vệ… trực 24/24 giờ nhằm ngăn chặn không đưa gia súc, sản phẩm gia súc ra ngoài xã có dịch. Đặt biển báo khu vực có dịch, hướng dẫn tránh đi qua xã có dịch. Tổ chức phun khử trùng các phương tiện vận chuyển từ xã có dịch đi ra ngoài.

c) Thực hiện tiêu hủy gia súc mắc bệnh trong xã có dịch

- Đối tượng tiêu hủy

+ Tiêu hủy bắt buộc toàn bộ số lợn, dê, cừu, hươu, nai trong cùng một ô chuồng nếu trong ô chuồng đó có con mắc bệnh với triệu chứng lâm sàng điển hình mà không phải chờ kết quả xét nghiệm. Trường hợp còn nghi ngờ phải nuôi cách ly chờ kết quả xét nghiệm, nếu kết quả dương tính thì tiêu hủy. Việc tiêu hủy gia súc bệnh phải thực hiện theo hướng dẫn và giám sát của cơ quan thú y;

+ Tiêu hủy bắt buộc trâu bò mắc bệnh trong các trường hợp sau:

* Trâu, bò mắc bệnh trong ổ dịch xuất hiện lần đầu tiên tại thôn;

* Trâu, bò mắc bệnh với týp vi rút LMLM mới hoặc týp vi rút đã lâu không xuất hiện trên địa bàn tỉnh.

+ Đối với trâu, bò không thuộc diện nêu trên thì khuyến khích tiêu hủy hoặc có thể nuôi giữ nhưng phải quản lý chặt chẽ như sau:

* Đánh dấu và có sổ sách theo dõi theo hướng dẫn của Cục Thú y;

* Nuôi cách ly với đàn gia súc chưa mắc bệnh và theo dõi sức khỏe thường xuyên, tăng cường chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng;

* Được giết mổ tiêu thụ tại xã theo hướng dẫn của thú y;

* Được phép vận chuyển ra khỏi xã để tiêu thụ sau hai năm tính từ ngày con vật khỏi triệu chứng lâm sàng.

- Cách tiêu hủy

+ Đốt: đào hố, cho gia súc vào hồ và đốt bằng củi, than, xăng, dầu. Sau đó lấp đất và nện chặt;

+ Chôn: đào hố có kích thước tùy theo số lượng gia súc cần tiêu hủy, cho gia súc mắc bệnh xuống hố, phun thuốc sát trùng hoặc đổ vôi bột lên bề mặt gia súc và lấp đất. Khoảng cách từ bề mặt gia súc chôn đến mặt hố chôn tối thiểu là 1 mét, nện đất trên bề mặt thật chặt;

+ Địa điểm đốt, chôn được ghi vào sổ và trên bản đồ của xã để lưu giữ.

đ) Vệ sinh, tiêu độc khử trùng

- Tại ổ dịch

+ Vệ sinh cơ giới: Thu gom chất thải, phân rác ở nơi nuôi nhốt gia súc bị bệnh để đốt hoặc chôn; rửa nền chuồng, dụng cụ chăn nuôi bằng nước xà phòng. Công việc này do chủ gia súc thực hiện;

+ Vệ sinh hóa chất: Sau khi vệ sinh cơ giới, để khô và tiến hành phun hóa chất khử trùng thích hợp với từng đối tượng. Công việc này do đội chống dịch của xã thực hiện.

- Vùng xung quanh ổ dịch

+ Chủ chăn nuôi gia súc phải tổ chức vệ sinh cơ giới chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, tránh tiếp xúc với vùng có dịch;

+ Đội chống dịch của xã tổ chức phun thuốc khử trùng khu vực chăn nuôi, chuồng trại, rắc vôi bột ở đường làng, ngõ xóm.

e) Tiêm phòng vắc xin bao vây

- Tổ chức tiêm phòng vắc xin cho trâu, bò, dê, cừu, lợn nái, lợn đực giống ở vùng khống chế, tiêm từ ngoài vào trong. Sau khi tiêm được 14 ngày, tiến hành tiêm cho động vật cảm nhiễm ở vùng dịch nhưng không mắc bệnh; không tiêm cho gia súc đã khỏi triệu chứng lâm sàng (trong trường hợp không tiêu hủy).

- Huy động lực lượng tiêm phòng và hỗ trợ tiêm phòng; người trực tiếp tham gia tiêm phòng phải là nhân viên thú y hoặc người đã qua tập huấn.

- Chi cục Thú y tỉnh hướng dẫn, quản lý và giám sát việc tiêm phòng.

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện được Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền ra quyết định tiêu hủy gia súc mắc bệnh dựa trên chính sách hỗ trợ của Chính phủ sau khi có đề nghị bằng văn bản của Chi cục Thú y.

5. Không được buôn bán gia súc, sản phẩm gia súc cảm nhiễm với bệnh; không tổ chức triển lãm, tham quan, vui chơi trong xã có dịch.

6. Chế độ báo cáo: trong thời gian có dịch, Ủy ban nhân dân cấp dưới có trách nhiệm báo cáo hàng ngày lên Ủy ban nhân dân cấp trên, cơ quan thú y cấp dưới có trách nhiệm báo cáo hàng ngày lên cơ quan thú y cấp trên cho đến khi có quyết định công bố hết dịch;

Ngay khi xảy ra dịch, Chi cục Thú y phải thông báo ngay cho Chi cục Thú y các tỉnh, thành phố lân cận biết để chủ động phòng, chống bệnh.

Điều 11. Kiểm soát vận chuyển

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo chính quyền địa phương các cấp, các ngành thực hiện các nhiệm vụ cụ thể sau:

1. Xác định thôn, xã, huyện có dịch để khoanh vùng ổ dịch và lập các chốt kiểm dịch tạm thời có người trực 24/24 giờ, có biển báo, hướng dẫn giao thông; ngăn cấm việc đưa gia súc và sản phẩm của chúng ra ngoài xã có dịch. Tại các chốt này phải có phương tiện và chất sát trùng để xử lý mọi đối tượng ra khỏi xã có dịch;

2. Không được vận chuyển gia súc cảm nhiễm với bệnh LMLM và sản phẩm của chúng ra khỏi xã có dịch.

3. Gia súc không mắc bệnh, sản phẩm gia súc được lấy từ gia súc không mắc bệnh LMLM được phép vận chuyển trong các trường hợp sau:

a) Gia súc, sản phẩm gia súc tại các xã thuộc vùng khống chế được phép vận chuyển để tiêu thụ trong phạm vi huyện.

b) Vận chuyển để tiêu thụ trong phạm vi tỉnh:

- Gia súc, sản phẩm gia súc tại vùng đệm;

- Gia súc, sản phẩm gia súc của cơ sở chăn nuôi được công nhận an toàn dịch bệnh LMLM tại vùng khống chế.

c) Vận chuyển ra khỏi tỉnh để tiêu thụ:

- Gia súc, sản phẩm gia súc ngoài vùng đệm;

- Gia súc, sản phẩm gia súc của cơ sở chăn nuôi được công nhận an toàn dịch bệnh LMLM tại vùng đệm".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Cục trưởng Cục Thú y, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan và Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

BỘ TRƯỞNG




Cao Đức Phát