cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 07/2006/CT-UBND ngày 19/07/2006 Tăng cường quản lý vệ sinh môi trường đô thị do tỉnh Gia Lai ban hành

  • Số hiệu văn bản: 07/2006/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Gia Lai
  • Ngày ban hành: 19-07-2006
  • Ngày có hiệu lực: 29-07-2006
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 28-09-2020
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 5175 ngày (14 năm 2 tháng 5 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 28-09-2020
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 28-09-2020, Chỉ thị số 07/2006/CT-UBND ngày 19/07/2006 Tăng cường quản lý vệ sinh môi trường đô thị do tỉnh Gia Lai ban hành bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 23/2020/QĐ-UBND ngày 18/09/2020 Về bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số : 07/2006/CT-UBND

Pleiku, ngày 19 tháng 7 năm 2006

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG ĐÔ THỊ

Những năm gần đây, tốc độ đô thị hoá ở tỉnh ta phát triển khá nhanh, góp phần tích cực trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, việc tổ chức quy hoạch, quản lý xây dựng phát triển các khu đô thị nói chung, còn nhiều tồn tại yếu kém, có nơi còn thiếu công tác quy hoạch chi tiết, chưa đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển và quản lý đô thị, tình trạng xây dựng không phép hoặc trái phép, phá vỡ quy hoạch; Xâm phạm các di tích văn hoá lịch sử và cảnh quan bị thay đổi; Hệ thống công trình kết cấu hạ tầng bảo vệ môi trường còn thiếu và chưa đồng bộ; Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chăn nuôi ...còn đan xen trong khu dân cư; Các loại chất thải chưa được thu gom xử lý kịp thời, đúng qui định, dẫn đến môi trường đô thị ngày càng ô nhiễm, làm giảm mỹ quan đô thị, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe đời sống và kết quả sản xuất của nhân dân, gây bất bình trong xã hội.

Để khắc phục những tình trạng trên, từng bước nâng cao chất lượng môi trường, xây dựng và phát triển các đô thị của tỉnh nhà trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ công bằng xã hội vả bảo vệ môi trường. Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện một số nội dung sau:

1. Tổ chức phổ biến, tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân quán triệt quan điểm, mục tiêu và đường lối phát triển đô thị trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá; Tích cực tham gia các phong trào xây dựng đô thị xanh, sạch, đẹp, giữ gìn nếp sống văn minh. Quán triệt và trực tiếp chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đưa mục tiêu nhiệm vụ bảo vệ môi trường vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường vào các chương trình, dự án phát triển đô thị sát hợp với tình hình thực tế của địa phương.

2. Trong công tác qui hoạch, xây dựng các khu đô thị mới hoặc chỉnh trang đô thị với qui mô lớn, cần chú ý bố trí diện tích đất hợp lý cho các nhu cầu về cảnh quan môi trường và xây dựng các hệ thống công trình kết cấu hạ tầng bảo vệ môi trường sau đây:

a. Hệ thống công trình thu gom, xừ lý nước thải tập trung; hệ thống tiêu thoát nước mưa; hệ thống cơ sở thu gom tập kết, xử lý, tái chế chất thải rắn, rác thải độc hại (rác thải y tế);

b. Hệ thống cấp thoát nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất;

c Hệ thống công viên, khu vui chơi giải trí, công trình vệ sinh công cộng;

d. Hệ thống cây xanh, vùng nước;

e. Khu vực mai táng;

- Khi xây dựng các Đề án liên quan đến quy hoạch xây dựng vùng, xây đô thị trên địa bàn tỉnh thuộc thẩm quyền xét duyệt hoặc phê duyệt của UBND tỉnh thì các Sở, Ban ngành được giao nhiệm vụ soạn thảo Đề án và các Đề án do UBND các huyện, thị xã, thành phố trình UBND tỉnh phải đảm bảo nội dung quy hoạch bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;

- Các Đề án quy hoạch xây dụng thuộc thẩm quyền xét duyệt của UBND các huyện, thị xã, thành phố phải có nội dung quy hoạch bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật trước khi xét duyệt.

3. Công tác quản lý môi trường đô thị phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau đây:

- Có kết cấu hạ tầng về bảo vệ môi trường phù hợp với quy hoạch đô thị, khu dân cư tập trung đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

- Bảo đảm các yêu cầu cảnh quan, vệ sinh môi trường đô thị, có thiết bị, phương tiện thu gom, tập trung chất thải rắn trong sinh hoạt phù hợp với khối lượng, chủng loại chất thải và đủ khả năng tiếp nhận chất thải đã được phân loại tại nguồn từ các hộ gia đình trong khu dân cư, bệnh viện, cơ sở y tế;

- Chấm dứt tình trạng đổ rác và xả nước thải chưa qua xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường vào các sông, kênh rạch, ao, hồ, khu dân cư; xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường các lưu vực sông; Nhất là đối với lưu vực sông Ba, các vùng trọng điểm như: Thành phố Pleiku, thị xã An Khê, thị trấn Ayun Pa;

- Thu gom và xử lý toàn bộ rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp, y tế bằng các phương pháp thích hợp, trong đó ưu tiên cho việc tái sử dụng, tái chế chất thải, hạn chế tối đa khối lượng rác chôn lấp, đặc biệt là các đô thị thiếu mặt bằng làm bãi chôn lấp; cần có hệ thống thoát nước, xử lý nước thải và bảo vệ nguồn nước;

- Thực hiện Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; kiên quyết đình chỉ hoạt động hoặc buộc di dời đối với những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong khu dân cư nhưng không có giải pháp khắc phục có hiệu quả; kiên quyết không bố trí các loại hình công nghiệp độc hại trong thành phố, thị xã, gần các khu đông dân cư;

- Niêm yết quy định về giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, hạn chế hợp lý mức độ gia tăng các phương tiện có liên quan gây ra ô nhiễm môi trường, và thực hiện các biện pháp giảm khí độc, khói, bụi thải từ các phương tiện giao thông và trong thi công xây dựng công trình công cộng;

- Cần đẩy mạnh phong trào xã hội hóa trong công tác bảo vệ môi trường, khôi phục củng cố phát huy truyền thống của các địa phương như: phong trào trồng cây "xanh - sạch - đẹp".

4. Thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường của UBND các cấp, cơ quan chuyên môn, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; Các lực lượng chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm về bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và các quy định khác của pháp luật.

Nhận được Chỉ thị này yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, có biện pháp tổ chức, triển khai thực hiện./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Phạm Thế Dũng