cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 03/2007/QĐ-BYT ngày 15/01/2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế Phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục đến năm 2010 (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 03/2007/QĐ-BYT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Bộ Y tế
  • Ngày ban hành: 15-01-2007
  • Ngày có hiệu lực: 20-02-2007
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 13-08-2014
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2731 ngày (7 năm 5 tháng 26 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 13-08-2014
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 13-08-2014, Quyết định số 03/2007/QĐ-BYT ngày 15/01/2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế Phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục đến năm 2010 (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 3005/QĐ-BYT ngày 13/08/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế Công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật về y tế tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2013”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ Y TẾ

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Số: 03/2007/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 15 tháng 01 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG CÁC NHIỄM KHUẨN LÂY TRUYỀN QUA ĐƯỜNG TÌNH DỤC ĐẾN NĂM 2010

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Nghị định số 49/2003/NĐ-CP ngày 15/5/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Quyết định số 36/2004/QĐ-BYT ngày 17/03/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn 2020;
Theo đề nghị của ông Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam - Bộ Y tế
,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục đến năm 2010 (bản kèm theo) với những nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu Chương trình hành động phòng, chống các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục đến năm 2010 (sau đây gọi tắt là Chương trình hành động phòng, chống STI):

a) Mục tiêu chung:

Hạ thấp tỷ lệ mắc STI trong cộng đồng, góp phần khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3% vào năm 2010.

b) Mục tiêu cụ thể đến năm 2010:

- 100% số quận, huyện có cán bộ phụ trách chương trình phòng, chống STI;

- Khống chế tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm STI dưới 10%;

- Trên 80% dân số ở độ tuổi 15 - 49 có hiểu biết cơ bản về STI;

- 80% các trường hợp STI đã phát hiện được chẩn đoán và điều trị đúng theo hướng dẫn quốc gia;

- 100% phụ nữ có thai quản lý tại tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và 80% tại tuyến huyện ở những tỉnh triển khai giám sát trọng điểm được xét nghiệm sàng lọc giang mai;

- 100% đơn vị Da liễu cấp tỉnh được cung ứng đủ thuốc, hoá chất sinh phẩm và các trang thiết bị thiết yếu phục vụ chẩn đoán và điều trị STI;

- 20 tỉnh thực hiện giám sát trọng điểm STI;

- 100% các đối tượng có hành vi nguy cơ cao đến khám tại các cơ sở da liễu được tư vấn và tự nguyện làm xét nghiệm phát hiện HIV.

2. Các giải pháp thực hiện:

2.1. Giải pháp xã hội

a) Tăng cường sự ủng hộ, tham gia chương trình phòng, chống STI của chính quyền các cấp và các ban ngành, đoàn thể có liên quan:

- Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động lãnh đạo chính quyền địa phương và các ban ngành đoàn thể liên quan như:Lao động Thương binh xã hội, Công an, Hội phụ nữ, Thanh niên, Hội nông dân....ủng hộ và tham gia chương trình phòng, chống STI tại cộng đồng;

- Phối hợp với các ngành lao động - thương binh và xã hội, công an để quản lý và điều trị STI cho các đối tượng đang ở trong trại giam, trại tạm giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, cơ sở chữa bệnh và cơ sở bảo trợ xã hội.

b) Tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh và ban hành các chính sách, chế độ, quy định liên quan đến lĩnh vực phòng, chống STI.

2.2. Giải pháp kỹ thuật

a) Đẩy mạnh công tác thông tin - giáo dục - truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho các đối tượng can thiệp của Chương trình về nguy cơ lây nhiễm HIV và khả năng lây truyền HIV qua đường tình dục:

- Liên tục triển khai các hoạt động thông tin - giáo dục -truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS, trong đó có lồng ghép nội dung tuyên truyền về phòng, chống STI nhằm nâng cao nhận thức, giảm sự lo ngại của người mắc STI khi tiếp cận các dịch vụ y tế để triển khai tốt hơn công tác phòng, chống HIV/AIDS;

- Phối hợp và đa dạng hoá các hình thức thông tin - giáo dục - truyền thông về phòng, chống STI.

b) Tăng c­ường các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV qua đường tình dục, quản lý các STI:

- Vận động sử dụng và tạo điều kiện tiếp cận với bao cao su để khuyến khích hành vi tình dục an toàn đặc biệt đối với nữ giới trong độ tuổi sinh đẻ;

- Phát hiện và điều trị sớm các nhiễm khuẩn lây truyền qua đ­ường tình dục cho nữ giới và nam giới ở trong độ tuổi sinh sản.

- Xét nghiệm sàng lọc giang mai và một số STI (nếu có điều kiện) cho phụ nữ có thai.

c) Nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị và quản lý STI:

- Áp dụng phương pháp chẩn đoán, điều trị theo căn nguyên ở tuyến tỉnh, phương pháp tiếp cận hội chứng ở tuyến cơ sở;

- Nâng cấp phòng xét nghiệm tuyến tỉnh để chẩn đoán chính xác các căn nguyên gây bệnh: Cung cấp đủ trang thiết bị và sinh phẩm chẩn đoán STI cho các cơ sở da liễu tuyến trung ương và tuyến tỉnh;

- Tổ chức các đợt khám bệnh tại các cơ sở vui chơi giải trí, trại giam, trại tạm giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, cơ sở chữa bệnh và cơ sở bảo trợ xã hội;

- Phát hiện và điều trị sớm giang mai bẩm sinh và lậu mắt trẻ sơ sinh;

- Cung ứng đầy đủ thuốc thiết yếu;

- Đa dạng hoá các phương pháp tiếp cận và điều trị cho bạn tình của người mắc STI.

d) Nghiên cứu khoa học:

- Nghiên cứu sự kháng thuốc của vi khuẩn để đưa ra các phác đồ điều trị thích hợp;

- Điều tra dịch tễ học của STI và tỷ lệ nhiễm HIV trong số các người bệnh STI;

- Nghiên cứu và áp dụng mô hình tổ chức phòng, chống STI có hiệu quả;

- Nghiên cứu các căn nguyên gây ra các hội chứng STI;

- Nghiên cứu để áp dụng các kỹ thuật cao vào chẩn đoán và điều trị.

2.3. Giải pháp nâng cao năng lực về quản lý và tăng cường nguồn lực

a) Hoàn thiện cơ chế quản lý, điều hành chương trình.

 b) Tăng cường năng lực cho mạng lưới làm công tác phòng, chống STI;

c) Hoàn thiện hệ thống thu thập số liệu, báo cáo và quản lý chương trình phòng, chống STI;

d) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động của chương trình phòng, chống STI tại các tuyến.

đ) Huy động nguồn lực trong nước từ các chương trình y tế ở trung ương, địa phương, các tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ để đảm bảo nguồn lực cho chương trình phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Cục phòng chống HIV/AIDS Việt Nam chủ trì và phối hợp với Vụ Điều trị, Viện Da liễu Quốc gia, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia, Viện Dinh dưỡng, Trung tâm truyền thông giáo dục sức khoẻ - Bộ Y tế có nhiệm vụ hướng dẫn lập kế hoạch, phối hợp với các đơn vị tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống STI cũng như triển khai các hoạt động theo dõi đánh giá chương trình phòng, chống STI.

2. Đơn vị da liễu tuyến tỉnh chủ trì và phối hợp với Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh, thành phố, các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm lập kế hoạch, tổ chức triển khai và theo dõi đánh giá các hoạt động phòng, chống STI trên địa bàn tỉnh, thành phố.

3. Trung tâm y tế dự phòng huyện phối hợp với các đơn vị liên quan đến chương trình phòng, chống STI trong địa bàn huyện tổ chức triển khai các hoạt động tại quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, và các xã, phường, thị trấn.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo.

Điều 4. Các ông, bà Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Điều trị, Vụ Pháp chế, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng y tế các ngành và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

BỘ TRƯỞNG




Trần Thị Trung Chiến

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VẰN BẢN