cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 23/2006/CT-UBND ngày 06/07/2006 Tăng cường quản lý và đẩy mạnh công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 23/2006/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Quảng Bình
  • Ngày ban hành: 06-07-2006
  • Ngày có hiệu lực: 16-07-2006
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 30-06-2009
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1080 ngày (2 năm 11 tháng 20 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 30-06-2009
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 30-06-2009, Chỉ thị số 23/2006/CT-UBND ngày 06/07/2006 Tăng cường quản lý và đẩy mạnh công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 30/06/2009 Tăng cường quản lý, đẩy mạnh công tác đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23/2006/CT-UBND

Đồng Hới, ngày 06 tháng 7 năm 2006

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ VÀ ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC ĐƯA LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI

Đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài là một hoạt động kinh tế - xã hội góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao trình độ nghề nghiệp cho người lao động; đồng thời góp phần thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.

Trong những năm qua, thực hiện Nghị định số 81/2003/NĐ-CP ngày 17/7/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ luật lao động về người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài; Nhà nước khuyến khích các cơ quan, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội tham gia vào việc mở rộng thị trường, tìm đối tác hợp đồng để tạo điều kiện cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với pháp luật Quốc tế, pháp luật Việt Nam và pháp luật nước sở tại.

Ở Tỉnh ta, tuy chưa có doanh nghiệp, tổ chức được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy phép hoạt động trực tiếp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhưng với sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương và các trung tâm giới thiệu việc làm, thông qua các doanh nghiệp ở các Bộ, Ngành Trung ương và các tỉnh bạn, từ năm 2003 đến nay bình quân mỗi năm tỉnh ta có gần 1.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập ngoại tệ gửi về giúp đỡ gia đình và nâng cao đời sống cho người lao động.

Tuy nhiên, hiện nay số lượng người lao động ở tỉnh ta chưa có việc làm còn nhiều, khả năng giải quyết việc làm trong tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu. Để giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao trình độ nghề nghiệp cho người lao động và chuẩn bị nguồn lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh trong giai đoạn hiện nay, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn nâng cao nhận thức, tăng cường tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về xuất khẩu lao động; tuyên truyền và phổ biến rộng rãi nội dung Nghị định số 81/2003/NĐ-CP ngày 17/7/2003; Nghị định số 141/2005/NĐ-CP ngày 11/11/2005 của Chính phủ quy định hướng dẫn thực hiện và quản lý lao động đi làm việc ở nước ngoài đến tận xã, phường, thị trấn và người lao động. Củng cố, nâng cao năng lực hoạt động của các trung tâm giới thiệu việc làm hiện có. Khuyến khích các doanh nghiệp, đơn vị có tham gia hoạt động xuất khẩu lao động xây dựng đề án, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để đề nghị Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cấp giấy phép hoạt động trực tiếp xuất khẩu lao động.

2. Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tích cực mở rộng quan hệ với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, Ngành Trung ương để tranh thủ sự giúp đỡ trong việc xuất khẩu lao động của Tỉnh. Đồng thời phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp ở các Bộ, Ngành Trung ương và các tỉnh bạn đến tuyển lao động ở tỉnh ta đi làm việc ở nước ngoài. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh tăng cường hỗ trợ các trung tâm giới thiệu việc làm trên địa bàn tỉnh để nâng cao khả năng hoạt động của các trung tâm trong công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài thực sự có hiệu quả.

3. Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tích cực nghiên cứu chính sách, cải cách thủ tục để khuyến khích và tạo điều kiện cho người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài được vay vốn thuận lợi.

4. Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng công an các cấp nắm chắc tình hình các tổ chức, cá nhân hoạt động liên quan đến lĩnh vực đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài để phòng ngừa, phát hiện và kịp thời xử lý các vi phạm pháp luật về xuất khẩu lao động. Phối hợp với các ngành liên quan tuyên truyền, phát động phong trào quần chúng tham gia phòng chống, tố giác tội phạm trong lĩnh vực xuất khẩu lao động.

5. Trường dạy nghề, các trung tâm giới thiệu việc làm thường xuyên kiện toàn tổ chức và hoạt động, tích cực nghiên cứu thị trường lao động ở nước ngoài để có kế hoạch tổ chức dạy nghề, dạy ngoại ngữ, nâng cao trình độ nghề nghiệp cho người lao động, nhằm phù hợp và đáp ứng theo nhu cầu sử dụng lao động hiện nay của các nước.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thành lập Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động để tăng cường chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn. Thường xuyên phối hợp với các trung tâm giới thiệu việc làm để thực hiện việc tuyển chọn và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài bảo đảm có chất lượng, đúng quy định của pháp luật.

7. Các ngành chức năng, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tăng cường quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động để chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong việc tuyển chọn, đào tạo, thu phí của người lao động đảm bảo đúng chế độ, chính sách quy định của Nhà nước. Kiên quyết xử lý các hành vi lợi dụng chủ trương, chính sách của Nhà nước về xuất khẩu lao động để lừa đảo, làm thiệt hại đến kinh tế của người lao động; khuyến khích người lao động hăng hái tham gia tìm việc làm ở nước ngoài, tăng thu nhập cao, làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình và xã hội; góp phần thực hiện xóa đói, giảm nghèo có hiệu quả.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các tổ chức kinh tế trên địa bàn tỉnh tích cực tìm giải pháp phù hợp để tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị này.

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tích cực hưởng ứng, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đúng quy định của pháp luật.

Chỉ thị này được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Tổng cục dạy nghề (Bộ Lao động - TB&XH);
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Thường vụ Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Ban Pháp chế - HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- Sở Tư Pháp;
- UBND các huyện, thành phố;
- Báo Quảng Bình;
- Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình;
- Lưu VT - NCVX.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Công Thuật