cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 02/2007/QĐ-BTM ngày 08/01/2007 Về Quy chế cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa Mẫu AK để hưởng các ưu đãi theo Hiệp định Thương mại hàng hóa thuộc Hiệp định khung về Hợp tác kinh tế toàn diện giữa ASEAN và Đại Hàn Dân Quốc ban hành bởi Bộ trưởng Bộ Thương mại (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 02/2007/QĐ-BTM
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Bộ Thương mại
  • Ngày ban hành: 08-01-2007
  • Ngày có hiệu lực: 09-02-2007
  • Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 01-11-2007
  • Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 2: 13-08-2009
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-07-2014
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2699 ngày (7 năm 4 tháng 24 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 01-07-2014
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 01-07-2014, Quyết định số 02/2007/QĐ-BTM ngày 08/01/2007 Về Quy chế cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa Mẫu AK để hưởng các ưu đãi theo Hiệp định Thương mại hàng hóa thuộc Hiệp định khung về Hợp tác kinh tế toàn diện giữa ASEAN và Đại Hàn Dân Quốc ban hành bởi Bộ trưởng Bộ Thương mại (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Thông tư số 20/2014/TT-BCT ngày 25/06/2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương Quy định thực hiện Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định khu vực thương mại tự do ASEAN-Hàn Quốc”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ THƯƠNG MẠI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 02/2007/QĐ-BTM

Hà Nội, ngày 08 tháng 01 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN XUẤT XỨ HÀNG HÓA MẪU AK ĐỂ HƯỞNG CÁC ƯU ĐÃI THEO HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI HÀNG HÓA THUỘC HIỆP ĐỊNH KHUNG VỀ HỢP TÁC KINH TẾ TOÀN DIỆN GIỮA CÁC CHÍNH PHỦ CỦA CÁC NƯỚC THÀNH VIÊN THUỘC HIỆP HỘI CÁC QUỐC GIA ĐÔNG NAM Á VÀ CHÍNH PHỦ ĐẠI HÀN DÂN QUỐC

BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI

Căn cứ Hiệp định Thương mại hàng hóa thuộc Hiệp định khung về Hợp tác kinh tế toàn diện giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Đại Hàn Dân Quốc đã ký chính thức tại Ku-a-la Lăm-pơ, Ma-lai-xi-a ngày 24 tháng 08 năm 2006;

Căn cứ Nghị định của Chính phủ số 29/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2004 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thương mại;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Xuất Nhập khẩu,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa Mẫu AK để hưởng các ưu đãi theo Hiệp định Thương mại hàng hóa thuộc Hiệp định khung về Hợp tác kinh tế toàn diện giữa các Chính phủ của các nước thành viên thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Chính phủ Đại Hàn Dân Quốc (trong Quy chế và các Phụ lục đính kèm Quyết định này sẽ gọi tắt là Quy chế cấp C/O Mẫu AK).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Xuất Nhập khẩu, Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Tài chính;
- Uỷ ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế;
- Các Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực thuộc Bộ Thương mại;
- Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng Bộ Thương mại;
- Vụ Pháp chế, Vụ Chính sách thương mại đa
 biên, Vụ Thương mại điện tử (đưa lên website
 của Bộ Thương mại);
- Văn phòng Bộ;
- Lưu: VT, XNK (7).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Phan Thế Ruệ

 

QUY CHẾ

CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN XUẤT XỨ HÀNG HÓA MẪU AK
(Ban hành kèm theo Quyết định số 02 /2007/QĐ-BTM ngày 08 tháng 01 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Thương mại về việc ban hành Quy chế cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa Mẫu AK để hưởng các ưu đãi theo Hiệp định Thương mại hàng hóa thuộc Hiệp định khung về Hợp tác kinh tế toàn diện giữa các Chính phủ của các nước thành viên thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Chính phủ Đại Hàn Dân Quốc)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Định nghĩa

1. Hiệp định Thương mại hàng hóa thuộc Hiệp định khung về Hợp tác kinh tế toàn diện giữa các Chính phủ của các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Chính phủ Đại Hàn Dân Quốc (sau đây gọi tắt là Hiệp định AKFTA) là Hiệp định đã được ký kết chính thức tại Ku-a-la Lăm-pơ, Ma-lai-xi-a ngày 24 tháng 08 năm 2006.

2. Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa Mẫu AK (sau đây gọi tắt là C/O Mẫu AK) là Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá do Tổ chức cấp C/O Mẫu AK cấp.

3. Tổ chức cấp C/O Mẫu AK (sau đây gọi tắt là Tổ chức cấp C/O) là các đơn vị được Bộ Thương mại ủy quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ Mẫu AK cho hàng hoá Việt Nam để hưởng các ưu đãi theo Hiệp định AKFTA được nêu chi tiết tại Phụ lục VII của Quy chế này. Danh sách này có thể được Bộ Thương mại điều chỉnh bổ sung trong từng thời kỳ.

4. Người đề nghị cấp C/O Mẫu AK (sau đây gọi tắt là Người đề nghị cấp C/O) bao gồm người xuất khẩu, nhà sản xuất, người đại diện có giấy ủy quyền hợp pháp của người xuất khẩu hoặc nhà sản xuất. Trong trường hợp đề nghị cấp C/O Mẫu AK giáp lưng (Back - to - Back C/O), người nhập khẩu của nước thành viên trung gian phải đồng thời là người xuất khẩu nộp đơn xin cấp C/O Mẫu AK giáp lưng tại nước thành viên trung gian đó.

5. Mạng eCOsys là hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử của Việt Nam có địa chỉ tại: http://ecosys.mot.gov.vn.

Điều 2. Hàng hoá được cấp C/O Mẫu AK

Hàng hoá được cấp C/O Mẫu AK là hàng hoá đáp ứng được đầy đủ các điều kiện về xuất xứ quy định tại Phụ lục I của Quy chế này và thuộc Danh mục hàng hoá ban hành kèm theo Quyết định của Bộ Tài chính quy định về hàng hoá thuộc chương trình ưu đãi thuế quan ASEAN – Hàn Quốc.

Điều 3. Trách nhiệm của người đề nghị cấp C/O

Người đề nghị cấp C/O có trách nhiệm:

1. Lập và nộp hồ sơ thương nhân cho Tổ chức cấp C/O đối với thương nhân đề nghị cấp C/O lần đầu;

2. Lập và nộp hồ sơ đề nghị cấp C/O Mẫu AK đầy đủ cho Tổ chức cấp C/O;

3. Chứng minh hàng hoá xuất khẩu đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ và tạo điều kiện thuận lợi cho Tổ chức cấp C/O trong việc xác minh xuất xứ hàng hoá;

4. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của nội dung khai trong hồ sơ thương nhân và hồ sơ xin cấp C/O Mẫu AK cũng như xuất xứ của hàng hóa xuất khẩu, kể cả trong trường hợp được người xuất khẩu uỷ quyền;

5.Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ điện tử trong trường hợp gửi hồ sơ đề nghị cấp C/O qua mạng eCOsys;

6. Báo cáo kịp thời cho Tổ chức cấp C/O tại nơi thương nhân đã đề nghị cấp về những lô hàng bị nước nhập khẩu từ chối cho hưởng thuế suất ưu đãi AKFTA mặc dù đã được cấp C/O của Việt Nam (nếu có);

7. Lưu trữ hồ sơ đề nghị cấp C/O.

Điều 4. Trách nhiệm của Tổ chức cấp C/O

Tổ chức cấp C/O có trách nhiệm:

1. Hướng dẫn Người đề nghị cấp C/O nếu được yêu cầu;

2. Tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ thương nhân và hồ sơ đề nghị cấp C/O Mẫu AK;

3. Xác minh thực tế xuất xứ của sản phẩm khi cần thiết;

4. Cấp C/O Mẫu AK khi hàng hóa đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 2 của Quy chế này;

5. Lưu trữ hồ sơ C/O;

6. Gửi mẫu chữ ký của những người được ủy quyền ký C/O và con dấu của Tổ chức cấp C/O cho Bộ Thương mại (Vụ Xuất Nhập khẩu) theo quy định của Bộ Thương mại;

7. Giải quyết các khiếu nại về C/O theo thẩm quyền;

8. Giữ bí mật hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc kiểm tra, xác nhận xuất xứ;

9. Thực hiện chế độ báo cáo và các yêu cầu khác theo quy định của Bộ Thương mại.

Chương II

THỦ TỤC CẤP C/O MẪU AK

Điều 5. Đăng ký hồ sơ thương nhân

1. Khi nộp đơn đề nghị cấp C/O Mẫu AK lần đầu tiên cho Tổ chức cấp C/O, Người đề nghị cấp C/O phải nộp những giấy tờ sau:

a) Đăng ký mẫu chữ ký của người được ủy quyền ký Đơn đề nghị cấp C/O Mẫu AK và con dấu của thương nhân (Phụ lục VIII);

b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của thương nhân (bản sao có dấu sao y bản chính);

c) Giấy chứng nhận đăng ký mã số thuế (bản sao có dấu sao y bản chính);

d) Danh mục các cơ sở sản xuất của thương nhân (Phụ lục IX).

2. Mọi sự thay đổi trong hồ sơ thương nhân phải được thông báo cho Tổ chức cấp C/O nơi đã đăng ký trước khi đề nghị cấp C/O Mẫu AK. Trong trường hợp không có thay đổi gì, hồ sơ thương nhân vẫn phải được cập nhập hai (02) năm một lần.

3. Người đề nghị cấp C/O chỉ được cấp C/O Mẫu AK tại nơi đã đăng ký hồ sơ thương nhân.

Điều 6. Bộ hồ sơ đề nghị cấp C/O Mẫu AK

1. Bộ hồ sơ đề nghị cấp C/O Mẫu AK gồm:

a) Đơn đề nghị cấp C/O Mẫu AK đã được kê khai hoàn chỉnh và hợp lệ (Phụ lục VI);

b) Bộ C/O Mẫu AK đã được khai hoàn chỉnh gồm một (01) bản chính và hai (02) bản sao;

c) Tờ khai hải quan đã làm thủ tục hải quan;

d) Hoá đơn thương mại;

đ) Vận tải đơn.

2. Nếu xét thấy cần thiết, Tổ chức cấp C/O có thể yêu cầu Người đề nghị cấp C/O cung cấp thêm các chứng từ liên quan đến sản phẩm xuất khẩu như: Tờ khai hải quan nhập khẩu nguyên phụ liệu; giấy phép xuất khẩu; hợp đồng mua bán; hóa đơn giá trị gia tăng mua bán nguyên phụ liệu trong nước; mẫu nguyên phụ liệu hoặc sản phẩm xuất khẩu và các chứng từ khác để chứng minh xuất xứ của sản phẩm xuất khẩu.

3. Trường hợp đề nghị cấp C/O Mẫu AK giáp lưng, bộ hộ sơ sẽ gồm:

a) Đơn đề nghị cấp C/O Mẫu AK;

b) C/O Mẫu AK bản gốc hoặc bản sao có công chứng của người đề nghị cấp C/O Mẫu AK giáp lưng (Back – to – Back C/O);

c) Tờ khai hải quan đã hoàn thành thủ tục hải quan;

d) Tờ khai hải quan chuyển tiếp đã làm thủ tục hải quan;

đ) Hoá đơn thương mại;

e) Vận tải đơn.

4. Các loại giấy tờ quy định tại các Điểm c, d, đ của Khoản 1, Khoản 2 và các Điểm c, d, đ và e của Khoản 3 của Điều này là bản sao có chữ ký và đóng dấu xác nhận sao y bản chính của người đứng đầu hoặc người được ủy quyền của đơn vị hay tổ chức, hoặc có chữ ký và đóng dấu của cơ quan công chứng đồng thời có kèm theo bản chính để đối chiếu.

Điều 7. Tiếp nhận Bộ hồ sơ đề nghị cấp C/O Mẫu AK

Khi Người đề nghị cấp C/O nộp hồ sơ, cán bộ tiếp nhận có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ. Cán bộ tiếp nhận phải thông báo cụ thể yêu cầu bằng văn bản, lập giấy biên nhận bộ hồ sơ và giao cho Người đề nghị cấp một bản khi Tổ chức cấp C/O yêu cầu xuất trình thêm những chứng từ quy định tại Khoản 2, Điều 6 của Quy chế này hoặc khi Người đề nghị cấp C/O yêu cầu. Đối với trường hợp phải xác minh thêm thì cần nêu rõ thời hạn theo quy định tại Điều 9 của Quy chế này.

Điều 8. Thời hạn cấp C/O Mẫu AK

1. Thời hạn cấp C/O Mẫu AK không quá ba (03) ngày làm việc kể từ thời điểm Người đề nghị cấp C/O nộp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ.

2. Trong trường hợp cần thiết, Tổ chức cấp C/O cũng có thể tiến hành kiểm tra tại nơi sản xuất nếu thấy rằng việc kiểm tra trên hồ sơ là chưa đủ căn cứ để cấp C/O Mẫu AK hoặc phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật đối với các C/O Mẫu AK đã cấp trước đó. Kết quả kiểm tra này phải được ghi biên bản. Biên bản phải được cán bộ kiểm tra, Người đề nghị cấp C/O ký. Trong trường hợp Người đề nghị cấp C/O không ký vào biên bản, cán bộ kiểm tra sẽ ký xác nhận sau khi nêu rõ lý do. Thời hạn cấp C/O Mẫu AK đối với trường hợp này không quá năm (05) ngày làm việc kể từ ngày Người đề nghị cấp nộp hồ sơ đầy đủ.

3. Trong mọi trường hợp, thời hạn xác minh không được làm cản trở việc giao hàng hoặc thanh toán của người xuất khẩu, trừ khi ảnh hưởng này do lỗi của người xuất khẩu.

Điều 9. Cấp sau C/O Mẫu AK

Trong trường hợp vì sai sót của cán bộ cấp C/O hoặc vì các trường hợp bất khả kháng của người đề nghị cấp C/O, Tổ chức cấp C/O sẽ cấp C/O Mẫu AK cho hàng hoá đã được giao trong thời hạn không quá một (01) năm kể từ ngày giao hàng. C/O Mẫu AK được cấp trong trường hợp này phải đóng dấu “cấp sau và có hiệu lực từ khi giao hàng” bằng tiếng Anh: “ISSUED RETROACTIVELY”.

Điều 10. Cấp lại C/O Mẫu AK

Trong trường hợp C/O Mẫu AK bị mất, thất lạc hoặc hư hỏng, Tổ chức cấp C/O Mẫu AK có thể cấp lại bản sao chính thức C/O Mẫu AK và bản sao thứ hai (Duplicate) trong thời hạn không quá năm (05) ngày kể từ khi nhận được đơn đề nghị cấp lại có kèm theo bản sao thứ ba (Triplicate) của lần cấp đầu tiên, có đóng dấu vào Ô số 12 “sao y bản chính” bằng tiếng Anh: “CERTIFIED TRUE COPY”.

Điều 11. Từ chối cấp C/O Mẫu AK

1. Tổ chức cấp C/O có quyền từ chối cấp C/O Mẫu AK trong các trường hợp sau:

a) Người đề nghị cấp C/O Mẫu AK chưa thực hiện việc đăng ký hồ sơ thương nhân theo quy định tại Điều 5 của Quy chế này;

b) Bộ hồ sơ đề nghị cấp C/O Mẫu AK không chính xác, không đầy đủ như quy định tại Điều 6 của Quy chế này;

c) Bộ hồ sơ có mâu thuẫn về nội dung;

d) Xuất trình Bộ hồ sơ cấp C/O không đúng nơi đã đăng ký hồ sơ thương nhân;

đ) Mẫu C/O AK được khai bằng chữ viết tay, hoặc bị tẩy xóa, hoặc mờ không đọc được, hoặc được in bằng nhiều màu mực;

e) Hàng hoá không đáp ứng đủ tiêu chuẩn xuất xứ hoặc không xác định được chính xác xuất xứ theo các tiêu chuẩn xuất xứ của Phụ lục I của Quy chế này;

ê) Có căn cứ hợp pháp chứng minh sản phẩm không có xuất xứ AKFTA hoặc Người đề nghị cấp C/O có hành vi gian dối, thiếu trung thực trong việc chứng minh nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.

2. Khi từ chối cấp C/O Mẫu AK, Tổ chức cấp C/O phải thông báo rõ lý do bằng văn bản cho Người đề nghị cấp C/O biết trong thời hạn ba (03) ngày làm việc kể từ ngày từ chối.

Điều 12. Những vấn đề khác

Những vấn đề chưa được đề cập từ Điều 5 đến Điều 11 sẽ được quy định tại Phụ lục V của Quy chế này.

Chương III

TỔ CHỨC QUẢN LÝ VIỆC CẤP C/O MẪU AK

Điều 13. Lưu trữ hồ sơ

Bản sao C/O Mẫu AK do Tổ chức cấp C/O cấp và hồ sơ đề nghị cấp C/O Mẫu AK phải được Tổ chức cấp C/O, người xuất khẩu, người đề nghị cấp C/O lưu trữ trong vòng ba (03) năm kể từ ngày C/O được cấp. Riêng đối với C/O Mẫu AK được cấp, người xuất khẩu, người đề nghị cấp C/O phải lưu đúng bản sao do Tổ chức cấp C/O đã cấp. Bản phô tô sao y của bản sao C/O Mẫu AK này chỉ có giá trị tham khảo.

Điều 14. Thẩm quyền ký C/O Mẫu AK

1. Chỉ những người được Bộ trưởng Bộ Thương mại uỷ quyền và đã hoàn thành thủ tục đăng ký mẫu chữ ký với Bộ Thương mại để chuyển đến Ban Thư ký ASEAN mới được quyền ký cấp C/O Mẫu AK.

2. C/O Mẫu AK mang chữ ký của người không thỏa mãn Khoản 1 của Điều này sẽ bị Hải quan nước thành viên nhập khẩu từ chối cho hưởng ưu đãi.

3. Trường hợp phát hiện sai phạm trong hoạt động của các Tổ chức cấp C/O, Bộ Thương mại sẽ đình chỉ hoạt động cấp C/O của Tổ chức cấp C/O đó.

Điều 15. Cơ quan đầu mối

Vụ Xuất nhập khẩu là cơ quan đầu mối thực hiện những công việc sau:

1. Hướng dẫn, kiểm tra việc cấp C/O để đảm bảo việc cấp C/O Mẫu AK được thực hiện đúng quy định.

2. Là đầu mối làm các thủ tục đăng ký mẫu chữ ký và con dấu của các Tổ chức cấp C/O của Việt Nam với Ban Thư ký của ASEAN và chuyển mẫu chữ ký và con dấu của các Tổ chức cấp C/O của các nước thành viên cho cơ quan Hải quan Việt Nam.

3. Giúp Bộ trưởng Bộ Thương mại giải quyết những vấn đề có liên quan đến việc thực hiện Quy chế cấp C/O Mẫu AK.

Điều 16. Chế độ báo cáo cập nhật thông tin

1. Tổ chức cấp C/O phải thực hiện chế độ cập nhật thông tin hàng ngày (kể cả trường hợp không cấp được C/O nào trong ngày) về tình hình cấp C/O Mẫu AK và gửi về Bộ Thương mại. Việc cập nhật thông tin tuân theo chuẩn do Bộ Thương mại quy định.

2. Trong trường hợp sau năm (05) ngày làm việc kể từ ngày báo cáo gần nhất, nếu chưa nhận được báo cáo nói trên, Bộ Thương mại sẽ có công văn nhắc nhở lần thứ nhất. Trong thời hạn mười (10) ngày làm việc kể từ ngày báo cáo gần nhất, nếu vẫn chưa nhận được báo cáo nói trên, Bộ Thương mại sẽ có văn bản nhắc nhở lần thứ hai. Sau mười lăm ngày (15) làm việc kể từ ngày báo cáo gần nhất, nếu vẫn không nhận được báo cáo nói trên, Bộ Thương mại sẽ ra quyết định đình chỉ việc cấp C/O Mẫu AK của Tổ chức đó và công khai trên trang web của Bộ Thương mại.

Điều 17. Phát hành C/O Mẫu AK

1. Văn phòng Bộ Thương mại có trách nhiệm phối hợp với Vụ Xuất nhập khẩu để in C/O Mẫu AK và phát hành cho các Tổ chức cấp C/O.

2. Tổ chức cấp C/O trực tiếp bán C/O Mẫu AK cho Người đề nghị cấp và phải thực hiện việc quyết toán theo quy định.

Điều 18. Lệ phí cấp C/O Mẫu AK

Người đề nghị cấp C/O phải nộp phí cấp C/O cho Tổ chức cấp C/O theo quy định. Việc quy định mức lệ phí C/O và thời gian thực hiện sẽ do Bộ Tài chính quy định cụ thể.

Chương IV

GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 19. Cơ quan giải quyết khiếu nại

Người đề nghị cấp C/O Mẫu AK có quyền khiếu nại lên chính Tổ chức cấp C/O đã cấp. Tổ chức cấp C/O đó phải trả lời trong thời hạn ba (03) ngày làm việc. Trong trường hợp không thỏa mãn với trả lời nói trên, Người đề nghị cấp C/O Mẫu AK có quyền khiếu nại lên Bộ trưởng Thương mại hoặc khởi kiện ra Tòa án Hành chính theo quy định của pháp luật về khiếu nại và tố cáo.

Điều 20. Xử lý vi phạm

Mọi hành vi gian lận về C/O Mẫu AK sẽ bị xử lý theo quy định của Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại. Trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, tuỳ theo tính chất và mức độ, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp việc vi phạm gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Điều 21. Thu hồi C/O Mẫu AK đã cấp

Tổ chức cấp C/O sẽ thu hồi C/O Mẫu AK đã cấp trong những trường hợp sau:

1. Người đề nghị cấp C/O Mẫu AK giả mạo bất kỳ chứng từ nào trong bộ hồ sơ đã nộp. Ngoài ra, Tổ chức cấp C/O sẽ đưa tên Người đề nghị cấp C/O Mẫu AK giả mạo chứng từ, lời khai vào danh sách những Người đề nghị cấp C/O cần áp dụng các biện pháp kiểm tra chặt chẽ hơn khi cấp C/O, đồng thời thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi giả mạo chứng từ;

2. C/O Mẫu AK được cấp không phù hợp các tiêu chuẩn xuất xứ.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 22. Thực hiện Quy chế

Trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh vướng mắc, các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Thương mại để giải quyết theo địa chỉ:

Bộ Thương mại, Vụ Xuất Nhập khẩu

21 Ngô Quyền, Hà Nội

Điện thoại: 04-8262538

Fax: 04-8264696

Email: co@mot.gov.vn

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN