Quyết định số 186/2006/QĐ-UBND ngày 29/12/2006 Về việc cấp phép cho xe ôtô tải lưu thông trong giờ cao điểm, lưu thông ban ngày vào nội đô thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 186/2006/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Ngày ban hành: 29-12-2006
- Ngày có hiệu lực: 29-12-2006
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 29-09-2007
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 274 ngày (0 năm 9 tháng 4 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 29-09-2007
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 186/2006/QĐ-UBND | Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 29 tháng 12 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
SỐ 186/2006/QĐ-UBND CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH VỀ CẤP PHÉP CHO XE ÔTÔ TẢI LƯU THÔNG TRONG GIỜ CAO ĐIỂM LƯU THÔNG BAN NGÀY VÀO NỘI ĐÔ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 29 tháng 6 năm 2001;
Thực hiện Quyết định số 262/2004/QĐ-UB ngày 29 tháng 11 năm 2004 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về hạn chế xe vận tải nặng lưu thông trong khu vực nội đô thành phố Hồ Chí Minh; Quyết định số 621/QĐ-UB ngày 11 tháng 02 năm 2003, Quyết định số 878/QĐ-UB ngày 07 tháng 3 năm 2003, Quyết định số 2390/QĐ-UB ngày 27 tháng 6 năm 2003 và Quyết định số 4565/QĐ-UB ngày 24 tháng 10 năm 2003 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc cấm xe vận tải nhẹ lưu thông hàng ngày vào giờ cao điểm trong khu vực nội đô thành phố Hồ Chí Minh;
Xét đề nghị của Công an thành phố tại Tờ trình số 93/TTr-CATP(PV11) ngày 14 tháng 12 năm 2006; ý kiến của Sở Tư pháp tại Công văn số 4120/STP-VB ngày 27 tháng 12 năm 2006,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng
Quyết định này quy định về việc cấp phép cho xe ôtô vận tải lưu thông trong giờ cao điểm, lưu thông ban ngày vào nội đô thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là cấp phép); được áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan trên địa bàn thành phố.
Điều 2. Thẩm quyền cấp phép
1. Giao cho Công an thành phố thực hiện việc cấp giấy phép cho xe ôtô vận tải lưu thông vào nội đô trong giờ cao điểm, lưu thông ban ngày vào nội đô thành phố Hồ Chí Minh.
2. Đối với các loại xe, phương tiện ngoài đối tượng được quy định tại khoản 1 và 2 Điều 3 Quyết định này, Công an thành phố cấp phép và phù hiệu cho từng xe cụ thể sau khi có văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân thành phố.
Điều 3. Đối tượng được cấp phép
1. Các loại xe tải, xe chuyên dùng, xe máy chuyên dùng phục vụ dịch vụ công ích, công trình công cộng theo Điều 1 Quyết định số 2390/QĐ-UB ngày 27 tháng 6 năm 2003 và Điều 5 Quyết định số 262/2004/QĐ-UB ngày 29 tháng 11 năm 2004, được cấp phép và phù hiệu lưu thông dài hạn tất cả các tuyến đường (kể cả đường cấm xe tải) trong giờ cao điểm bao gồm:
a) Xe sửa chữa công trình điện của Công ty Điện lực thành phố;
b) Xe ứng cứu thông tin của Bưu điện thành phố;
c) Xe sửa chữa công trình chiếu sáng công cộng; cầu đường; cấp thoát nước; vận chuyển rác; xe máy chăm sóc công viên cây xanh của các doanh nghiệp; xe cứu hộ cứu nạn của Công an thành phố, Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy;
d) Xe của lực lượng Công an, Thanh tra giao thông công chính làm nhiệm vụ.
2. Các xe tải, xe chuyên dùng của đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp và tư nhân được xét cấp phép lưu thông ngoài giờ cao điểm trên một số tuyến đường cụ thể với thời hạn nhất định, bao gồm:
a) Xe chở tiền của các ngân hàng, kho bạc Nhà nước;
b) Xe chở hàng phục vụ bệnh viện, cây giống, con giống, vắc xin, nước sạch, thực phẩm tươi sống không thể đông lạnh;
c) Xe chở hàng hóa, thực phẩm phục vụ ngành hàng không, đường sắt, các bếp ăn tập thể và cơ sở kinh doanh ăn uống;
d) Xe chở bê tông tươi và thi công các công trình buộc phải thi công ban ngày.
3. Ngoài các loại xe, phương tiện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, việc cấp phép cho các loại xe, phương tiện khác lưu thông vào nội đô thành phố trong giờ cao điểm phải được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân thành phố.
Điều 4. Trình tự cấp phép
1. Hồ sơ cấp phép bao gồm:
a) Chứng minh nhân dân của chủ phương tiện (nếu chủ phương tiện không trực tiếp đến nộp hồ sơ cấp phép phải có giấy ủy quyền hoặc cùng chung hộ khẩu) hoặc giấy giới thiệu (nếu là cơ quan, công ty, doanh nghiệp...);
b) Công văn của cơ quan hoặc tổ chức, đơn của cá nhân có nhu cầu vận chuyển hoặc được phục vụ, trình bày rõ lý do, số lượng phương tiện, địa điểm, lộ trình (có sơ đồ kèm theo), thời gian lưu thông cần được cấp phép;
c) Giấy tờ phương tiện (photo kèm bản chính để đối chiếu): Giấy chứng nhận đăng ký xe, sổ kiểm định kỹ thuật;
d) Đối với xe quá tải, quá khổ phải có giấy phép của ngành giao thông vận tải theo quy định;
e) Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hợp đồng thuê xe.
2. Thời gian giải quyết:
Thời gian cấp phép không quá 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
3. Thời hạn của giấy phép:
Thời hạn của giấy phép được cấp theo yêu cầu của đơn vị, cá nhân nhưng tối đa không quá 06 tháng.
4. Lệ phí cấp phép: thực hiện theo quy định của Thông tư số 76/2004/TT-BTC ngày 29 tháng 7 năm 2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp và quản lý, sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Điều 5. Tổ chức thực hiện
1. Công an thành phố có trách nhiệm:
a) Tiếp nhận hồ sơ và cấp phép lưu thông theo quy định tại Quyết định này và phải đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân xin phép. Trường hợp cấp phép cho các loại xe, phương tiện ngoài khoản 1 và 2 Điều 3 Quyết định này, Công an thành phố tiếp nhận hồ sơ và đề xuất cho Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định.
b) Ban hành mẫu phù hiệu dán trên kính xe phía trước đối với các loại xe được cấp phép lưu thông vào nội đô thành phố trong giờ cao điểm, lưu thông vào ban ngày để thuận tiện cho việc giám sát, kiểm tra.
c) Chỉ đạo và kiểm tra Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra khảo sát lộ trình lưu thông để cấp phép và phù hiệu cho từng xe theo quy định nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống ùn tắc giao thông.
d) Tổ chức kiểm tra việc thực hiện của các đối tượng được cấp phép kể cả hàng hóa vận chuyển theo giấy phép.
2. Công an thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông - Công chính để triển khai thực hiện các nội dung tại Quyết định này; tổng hợp những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện, kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, điều chỉnh.
3. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được cấp phép:
a) Thực hiện đúng quy định trong giấy phép;
b) Các đơn vị, cá nhân không thực hiện đúng các nội dung quy định trong giấy phép sẽ bị thu hồi giấy phép.
Điều 6. Điều khoản thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký; bãi bỏ Công văn số 3508/UB-ĐT ngày 28 tháng 7 năm 2003 của Ủy ban nhân dân thành phố về ủy quyền cấp phép lưu hành cho các loại xe tải chuyên dùng cần thiết ra vào nội đô thành phố và lưu thông trong giờ cao điểm, vào đường cấm.
2. Các giấy phép lưu hành do Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ - Công an thành phố đã cấp trước khi Quyết định này có hiệu lực, vẫn có giá trị thực hiện đến khi hết hạn.
3. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Công an thành phố, Giám đốc Sở Giao thông - Công chính, Thủ trưởng các sở - ngành của thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |