cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 06/2006/CT-UBND ngày 05/06/2006 Tăng cường công tác quản lý, quy hoạch, cấp phép thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 06/2006/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Ngày ban hành: 05-06-2006
  • Ngày có hiệu lực: 15-06-2006
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 19-01-2012
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2044 ngày (5 năm 7 tháng 9 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 19-01-2012
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 19-01-2012, Chỉ thị số 06/2006/CT-UBND ngày 05/06/2006 Tăng cường công tác quản lý, quy hoạch, cấp phép thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 151/QĐ-UBND ngày 19/01/2012 Công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng ban hành đến ngày 31/12/2011 hết hiệu lực thi hành”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/2006/CT-UBND

Đà Lạt, ngày 05 tháng 6 năm 2006

 

CHỈ THỊ

V/V TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, QUY HOẠCH, CẤP PHÉP THĂM DÒ, KHAI THÁC VÀ SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN NƯỚC DƯỚI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG.

Trong thời gian qua công tác quản lý tài nguyên nước đã đạt một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, tình trạng khai thác nước dưới đất không phép vẫn còn xảy ra; một số tổ chức cá nhân không có giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất lén lút thi công khoan giếng, do thiếu hiểu biết chuyên môn về địa chất thủy văn, kỹ thuật khoan, năng lực, thiết bị không đồng bộ, thi công không đúng kỹ thuật để xảy ra tình trạng sụt lún đất ở một số nơi; nước thải từ các nhà máy, bệnh viện và các khu dân cư chưa được xử lý tốt theo quy định… gây ô nhiễm và suy giảm nghiêm trọng nguồn tài nguyên nước mặt và nước dưới đất.

Nhằm khắc phục những yếu kém, tồn tại nêu trên và tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác và hành nghề khoan nước dưới đất trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật; căn cứ Chỉ thị số 02/2004/CT-BTNMT ngày 02/6/2004 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng yêu cầu:

1. Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng quán triệt và tăng cường kiểm tra việc triển khai Luật Tài nguyên nước, Nghị định số 149/2004/NĐ-CP ngày 27/7/2004 của Chính phủ quy định việc cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước.

1.1. Thống kê, điều ta, đánh giá hiện trạng khai thác nước dưới đất trên một số vùng trọng điểm của tỉnh; đánh giá mực nước hạ thấp, chất lượng nước đối với các công trình khai thác nước dưới đất tập trung.

1.2. Kiểm tra, lập danh bạ các giếng khoan khai thác đã bị hư hỏng không còn hoạt động, các giếng khoan quan trắc không còn sử dụng, các lỗ khoan thăm dò cũ và có biện pháp xử lý các lỗ khoan này, phòng tránh nhiễm bẩn nguồn nước dưới đất.

1.3. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc khai thác, hành nghề khoan nước dưới đất; ngăn chặn, đình chỉ hoặc đề nghị UBND tỉnh đình chỉ hành nghề đối với các tổ chức, cá nhân không đủ năng lực hành nghề, không thực hiện đầy đủ các quy định trong giấy phép.

1.4. Đình chỉ việc khai thác tài nguyên nước không đăng ký, không được cấp phép theo quy định của pháp luật.

1.5. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý tài nguyên và môi trường cấp huyện về công tác bảo vệ, khai thác, sử dụng bền vững nguồn nước dưới đất. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước và bảo môi trường cho nhân dân.

2. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt chỉ đạo Phòng Tài nguyên - Môi trường phối hợp các cơ quan chuyên môn tổ chức kiểm tra việc khai thác, hành nghề khoan nước dưới đất trên địa bàn.

2.1. Thống kê, tổng hợp và đánh giá về số lượng các giếng khoan:

- Đã được cấp phép hoặc đăng ký tại cơ quan chức năng

- Đang khai thác nhưng không có giấy phép khai thác

- Không sử dụng và chưa có biện pháp xử lý.

2.2. Ngăn chặn, đình chỉ và xử phạt vi phạm hành chính đối với việc khai thác nước không đăng ký, không được cấp phép theo quy định của pháp luật.

2.3. Đình chỉ, xử phạt hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền đình chỉ, xử phạt hành nghề khoan nước dưới đất đối với các tổ chức, cá nhân không đủ năng lực, kỹ thuật hành nghề, không thực hiện việc bảo vệ nguồn nước dưới đất trong quá trình hành nghề khoan theo Nghị định 34/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và Thông tư số 02/2005/TT-BTNMT ngày 24/6/2005 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện việc cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước theo Nghị định số 149/2004/NĐ-CP ngày 27/7/2004 của Chính phủ.

3. Các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có các hoạt động liên quan đến việc thăm dò, khai thác, sử dụng nước dưới đất và hành nghề khoan nước dưới đất đều phải xin phép hoặc đăng ký theo quy định của pháp luật (trừ các trường hợp không phải xin phép theo khoản a và b, mục 1, Điều 24 Luật Tài nguyên nước).

Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ban hành và được phổ biến rộng rãi đến các sở, ban, ngành, các địa phương và đoàn thể thuộc tỉnh, các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có hoạt động liên quan đến việc thăm dò, khai thác, sử dụng nước dưới đất và hành nghề khoan nước dưới đất trên địa bàn tỉnh để triển khai thực hiện./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Đức Hòa