cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 20/2006/CT-UBND ngày 05/06/2006 Về việc chấn chỉnh và tăng cường trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước trong công tác tiếp công dân, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố do Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 20/2006/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Ngày ban hành: 05-06-2006
  • Ngày có hiệu lực: 15-06-2006
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 13-09-2014
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 3012 ngày (8 năm 3 tháng 2 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 13-09-2014
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 13-09-2014, Chỉ thị số 20/2006/CT-UBND ngày 05/06/2006 Về việc chấn chỉnh và tăng cường trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước trong công tác tiếp công dân, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố do Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Chỉ thị số 22/2014/CT-UBND ngày 03/09/2014 Triển khai thi hành Luật tiếp công dân trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN THÀNH PHỐ
HỒ CHÍ MINH DÂN

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
 Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Số : 20 /2006/CT-UBND

 

TP. Hồ Chí Minh, ngày 05 tháng 6 năm 2006

 

 

CHỈ THỊ

VỀ CHẤN CHỈNH VÀ TĂNG CƯỜNG TRÁCH NHIỆM CỦA THỦ TRƯỞNG ÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC TRONG CÔNG TÁC TIẾP CÔNG DÂN, GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP, KHIẾU NẠI, TỐ CÁO TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ.

Sau 7 năm thi hành Luật Khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, các cấp ủy Đảng, các cơ quan hành chính Nhà nước đã có nhiều cố gắng và đạt được những kết quả quan trọng trong công tác tiếp công dân, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo; góp phần nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của các cấp chính quyền.

Tuy nhiên, kết quả đạt được trong việc thi hành Luật Khiếu nại, tố cáo vẫn còn hạn chế, một số địa phương chưa thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở; một số cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo vi phạm thời hạn giải quyết; trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân và giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo vẫn còn bất cập, một bộ phận tinh thần trách nhiệm yếu kém; kỷ cương, kỷ luật trong bộ máy hành chính Nhà nước chưa chuyển biến kịp theo yêu cầu của thực tiễn; việc phối hợp giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo của sở, ngành và quận, huyện chưa đồng bộ còn gây phiền hà cho công dân và các chủ thể khác trong quá trình thực hiện quyền tranh chấp, khiếu nại, tố cáo.

Để tăng cường trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước trong công tác tiếp công dân, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo; Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị :

1. Tổ chức quán triệt sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đối với công tác tiếp công dân, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo:

a) Thủ trưởng các cấp, các ngành tiếp tục tổ chức quán triệt nội dung Chỉ thị 09-CT/TW ngày 06 tháng 3 năm 2002 của Ban Bí thư về một số vấn đề cấp bách cần thực hiện trong giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo hiện nay; Nghị quyết số 30/2004/QH11 ngày 15 tháng 6 năm 2004 của Quốc hội về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực quản lý hành chính Nhà nước; Chỉ thị số 18/2000/CT-TTg ngày 21 tháng 9 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác dân vận; Chỉ thị số 36/2004/CT-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh và tăng cường trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; tuyên truyền sâu, rộng Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật Đất đai và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo.

b) Thủ trưởng các cơ quan Báo-Đài tăng cường chỉ đạo đăng tải các nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật; giải đáp pháp luật nhằm nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật cho nhân dân; nêu gương điển hình người tốt, việc tốt trong việc chấp hành pháp luật; phê phán thái độ tắc trách, quan liêu, cửa quyền của cán bộ, công chức gây phiền hà đối với công dân trong công tác tiếp công dân, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và phê phán mạnh mẽ hành vi khiếu nại, tố cáo trái pháp luật.

Khi đưa tin, cơ quan Báo-Đài phải khách quan, trên cơ sở thẩm tra, xác minh cụ thể hoặc sử dụng kết luận của cơ quan có thẩm quyền; tránh tình trạng đưa tin một chiều.

2. Đẩy mạnh công tác tổ chức hòa giải ở cơ sở:

Thủ trưởng các cấp, các ngành tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác tổ chức hòa giải ở cơ sở. Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện; phường, xã, thị trấn nhanh chóng củng cố chất lượng đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở để hướng dẫn, giúp đỡ, thuyết phục các bên tranh chấp đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau trên cơ sở pháp luật nhằm đảm bảo đoàn kết trong nội bộ nhân dân và hạn chế đến mức thấp nhất phát sinh tranh chấp, khiếu nại, tố cáo từ cơ sở.

3. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính trong giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo:

Thủ trưởng các cấp, các ngành tăng cường các biện pháp cải cách thủ tục hành chính trong giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo; tạo sự liên thông trong giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo; giảm phiền hà cho công dân, hạn chế đến mức thấp nhất việc để hồ sơ tồn đọng; tăng cường tổ chức đối thoại công khai, dân chủ giữa các bên tranh chấp, giữa người khiếu nại với người bị khiếu nại và các bên liên quan trong quá trình giải quyết tranh chấp, khiếu nại.

4. Kiện toàn bộ máy tổ chức và nhân sự làm công tác tiếp công dân:

4.1. Về tên gọi của các tổ chức tiếp công dân:

a) Tổ chức tiếp công dân trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố có tên gọi là Văn phòng Tiếp công dân thành phố.

b) Lãnh đạo sở, ngành quyết định việc tổ chức tiếp công dân theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo và Nghị định số 89/CP ngày 07 tháng 8 năm 1997 của Chính phủ về ban hành Quy chế tổ chức tiếp công dân.

c) Tổ chức tiếp công dân trực thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện có tên gọi là Tổ Tiếp công dân, do Chánh hoặc Phó Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân quận, huyện kiêm nhiệm và trực tiếp điều hành.

d) Tổ chức tiếp công dân trực thuộc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, có tên gọi là Tổ Tiếp công dân, do Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trực tiếp chỉ đạo điều hành.

4.2. Về nhân sự làm công tác tiếp công dân:

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố quyết định biên chế, tổ chức của Văn phòng Tiếp công dân thành phố, trên cơ sở đề xuất của Chủ nhiệm Văn phòng Tiếp công dân thành phố và Giám đốc Sở Nội vụ.

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, căn cứ vào tình hình thực tế về vị trí địa lý, mật độ dân số, các dự án đầu tư phát triển trên địa bàn và tình hình tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, quyết định biên chế của Tổ Tiếp công dân, trên cơ sở thống nhất với Giám đốc Sở Nội vụ.

c) Cán bộ, công chức tiếp công dân phải là người có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn, có khả năng giải thích và nắm vững chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

d) Thủ trưởng các cấp, các ngành phải kiên quyết thay thế ngay những cán bộ, công chức không đủ phẩm chất hoặc thiếu trách nhiệm đối với công tác tiếp công dân.

5. Tổ chức tiếp công dân:

Việc tổ chức tiếp công dân của các cấp, các ngành phải đảm bảo thực hiện đúng theo quy định tại các Điều 74, 75, 76, 77 và Điều 79 Luật Khiếu nại, tố cáo và Nghị định số 89/CP ngày 07 tháng 8 năm 1997 của Chính phủ về ban hành Quy chế tổ chức tiếp công dân.

Tại nơi tiếp công dân, phải có nội quy nơi tiếp dân; phải niêm yết các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và Thành phố về tranh chấp, khiếu naị, tố cáo và tiếp công dân.

Thủ trưởng các cấp, các ngành phải sắp xếp lịch tiếp công dân định kỳ và bố trí cán bộ, công chức thực hiện việc tiếp công dân thường xuyên theo quy định của pháp luật. Lịch tiếp công dân của Thủ trưởng các cấp, các ngành phải được niêm yết công khai tại nơi tiếp công dân.

6. Đẩy mạnh việc tổ chức thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại có hiệu lực pháp luật:

a) Thủ trưởng các sở, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện tốt quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại có hiệu lực pháp luật của Trung ương, Ủy ban nhân dân thành phố và của cấp mình, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đồng thời nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước của chính quyền các cấp.

b) Đối với những vụ việc phức tạp, Thủ trưởng sở, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện phải chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan, công khai việc tổ chức thi hành quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại đối với các bên tranh chấp, người khiếu nại, người bị khiếu nại và các bên liên quan.

 7. Đổi mới việc triển khai công tác quy hoạch; phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư:

a) Thủ trưởng các sở, ngành thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện phải xây dựng cơ chế phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các Đoàn thể, tiếp tục quán triệt các chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác quy hoạch, về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; thực hiện đúng Quy chế dân chủ ở cơ sở; cung cấp đầy đủ các quyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, phương án về bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư cho từng hộ dân bị giải tỏa. Khắc phục nhanh tồn tại, thiếu sót nhằm đảm bảo tổ chức tốt hơn công tác tái định cư, dạy nghề và tạo việc làm, đảm bảo ổn định cuộc sống cho các hộ dân trong diện di dời, giải tỏa.

b) Thủ trưởng các sở, ngành thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện khẩn trương tập trung rà soát cơ sở pháp lý, củng cố hoàn chỉnh hồ sơ của các dự án đầu tư từ vốn ngân sách thành phố, vốn ODA; tích cực tham mưu đề xuất trình Ủy ban nhân dân thành phố giải quyết dứt điểm các khiếu nại, tố cáo của công dân theo đúng quy định pháp luật từ khi phát sinh; không để xảy ra tình trạng khiếu nại đông người, gay gắt, kéo dài trên địa bàn Thành phố.

8. Tăng cường vai trò và chất lượng tham mưu của các cơ quan chức năng trong công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố:

Thủ trưởng các sở, ngành chịu trách nhiệm về nội dung pháp lý của hồ sơ giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố ban hành văn bản giải quyết phải đảm bảo đúng thời gian pháp luật quy định. Hồ sơ phải đảm bảo trình tự, thủ tục, tài liệu chứng minh và có đánh số bút lục; hình thức văn bản phải áp dụng đúng theo quy định Luật Khiếu nại, tố cáo và Thông tư Liên tịch số 55/2005/TTLT-BNV-VPCP ngày 26 tháng 5 năm 2005 của Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ, hướng dẫn về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản.

9. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh chống vi phạm pháp luật của các chủ thể khi thực hiện quyền tranh chấp, khiếu nại, tố cáo:

a) Thủ trưởng các cấp, các ngành có biện pháp tích cực chủ động phòng ngừa, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật các chủ thể khi thực hiện việc tranh chấp, khiếu nại, tố cáo.

b) Giao Chánh Thanh tra thành phố chủ trì, phối hợp với Chủ nhiệm Văn phòng Tiếp công dân thành phố, Giám đốc Công an thành phố xây dựng quy chế, phương án chủ động phòng ngừa, đấu tranh chống vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn nơi tiếp công dân của các cấp, các ngành và nhà riêng của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; phát hiện, chỉ đạo xử lý kịp thời các cá nhân có hành vi khiếu nại, tố cáo trái pháp luật.

10. Trách nhiệm thi hành:

Chánh Thanh tra thành phố chủ trì phối hợp với Chủ nhiệm Văn phòng Tiếp công dân thành phố hướng dẫn việc thực hiện Chỉ thị này; chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ và Trường Cán bộ thành phố xây dựng kế hoạch, tổ chức đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức được bố trí làm công tác tiếp công dân, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo của sở, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp theo chương trình của Thanh tra Chính phủ.

11. Hiệu lực thi hành:

a) Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành.

b) Chỉ thị này thay thế Chỉ thị số 26/2001/CT-UB ngày 20 tháng 9 năm 2001 của Ủy ban nhân dân thành phố về chấn chỉnh và tăng cường công tác tiếp công dân trên địa bàn Thành phố và Chỉ thị số 19/2002/CT-UB ngày 18 tháng 10 năm 2002 của Ủy ban nhân dân thành phố về chấn chỉnh kỷ cương hành chính trong việc thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật của Trung ương và của Ủy ban nhân dân thành phố./.

 

Nơi nhận:        
- Thủ tướng Chính phủ;
- Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ;
- Thanh tra Chính phủ;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND thành phố;
- Ủy ban nhân dân thành phố;
- Ủy ban MTTQVN thành phố;
- Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố;
- Trụ sở TCD của TW Đảng và Nhà nước;
- Cục Kiểm tra văn bản-Bộ Tư pháp;
- Vụ Thanh tra XKT phía Nam (TTCP);
- VP/TU, các Ban của TU; các Ban của HĐN
D TP;
- Sở, ngành; Đoàn thể; Báo-Đài thành phố;
- Đảng ủy Khối Chính quyền thành phố;
- Thường trực Ban Chỉ đạo CCHC TP;
- Quận, huyện ủy; HĐND và UBND quận, huyện;
- Trung tâm Công báo thành phố;
- VPHĐ-UB: CPVP, các Tổ NCTH;
- Lưu (PC-Tg).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Đua