Chỉ thị số 09/2006/CT-UBND ngày 30/05/2006 Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính nhà nước giai đoạn II (2006-2010) trên địa bàn tỉnh Điện Biên (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 09/2006/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Điện Biên
- Ngày ban hành: 30-05-2006
- Ngày có hiệu lực: 09-06-2006
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 08-04-2011
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1764 ngày (4 năm 10 tháng 4 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 08-04-2011
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09/2006/CT-UBND | Điện Biên, ngày 30 tháng 5 năm 2006 |
CHỈ THỊ
V/V TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN II (2006 - 2010) TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN
Thực hiện Chương trình tổng thể Cải cách Hành chính Nhà nước của Chính Phủ giai đoạn 2001 - 2010, Kế hoạch Cải cách Hành chính Nhà nước giai đoạn I (2001 - 2005) của tỉnh. Công tác Cải cách Hành chính Nhà nước của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực, nhất là về việc sắp xếp, kiện toàn lại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp; bước đầu đã ban hành và từng bước cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của từng tổ chức, khắc phục được sự chồng chéo, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước của các cơ quan hành chính, góp phần ổn định An ninh - Chính trị, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển Kinh tế - Xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, so với mục tiêu và nội dung của Kế hoạch Cải cách Hành chính giai đoạn I (2001 - 2005) của tỉnh, tiến độ triển khai còn chậm, hiệu quả thấp, chưa đồng bộ. Tình trạng trông chờ, thiếu chủ động, ngại thay đổi cách làm, cách nghĩ vẫn còn tồn tại ở một số đơn vị. Việc rà soát, cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, thực hiện cơ chế “một cửa”, thực hiện chế độ tài chính mới ở một số ngành, đơn vị, triển khai chưa nghiêm túc; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ công chức cơ sở chưa được chú trọng và quan tâm để đáp ứng theo cơ cấu ngành nghề, tiêu chuẩn của ngạch công chức.
Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại trên là do công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra giám sát chưa được thường xuyên; các cấp, các ngành chưa nhận thức đầy đủ vai trò và trách nhiệm của mình trước yêu cầu của công cuộc cải cách; việc chấp hành và duy trì kỷ luật hành chính chưa nghiêm.
Để tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nội dung Kế hoạch Cải cách Hành chính Nhà nước giai đoạn II (2006 - 2010) của tỉnh đã đề ra; các cấp, các ngành cần xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch 5 năm (2006 - 2010), tạo tiền đề cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế đáp ứng được yêu cầu xu thế hội nhập Quốc tế và khu vực, thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đã đề ra, UBND tỉnh yêu cầu:
1. Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thực hiện tốt việc tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung, chương trình cải cách hành chính Nhà nước của Chính phủ, của tỉnh đến toàn thể Cán bộ, Công chức trong đơn vị; căn cứ vào Chương trình Cải cách Hành chính của Chính phủ giai đoạn (2001 - 2010), Kế hoạch Cải cách Hành chính giai đoạn II (2006 - 2010) của tỉnh tiến hành xây dựng Kế hoạch Cải cách Hành chính của ngành, đơn vị phù hợp với điều kiện thực tế.
2. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, tham mưu cho Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của tỉnh, UBND tỉnh trong việc chỉ đạo các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có đơn vị sự nghiệp và các đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh xây dựng phương án giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ, thực hiện xong trong năm 2006.
3. Sở Nội vụ tham mưu cho Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của tỉnh, UBND tỉnh, chỉ đạo các ngành và các huyện, thị xã, thành phố trong việc ban hành cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ cấu tổ chức cho từng bộ máy; tiếp tục triển khai thực hiện cơ chế “một cửa”; thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan Nhà nước; xây dựng Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và cán bộ công chức cơ sở giai đoạn (2006 - 2010).
4. Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan tham mưu cho Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của tỉnh, UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành; kiểm tra, rà soát các thủ tục hành chính không còn phù hợp. Thực hiện tốt chức năng thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của pháp luật.
5. Sở Văn hoá - Thông tin chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và các cơ quan: Báo Điện Biên Phủ, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh xây dựng Kế hoạch tuyên truyền về Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước của Chính phủ, của ngành và của tỉnh.
6. Các Sở: Văn hoá - Thông tin, Giáo dục - Đào tạo, Y tế, Thể dục - Thể thao, căn cứ vào chủ trương xã hội hoá ghi trong Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ, tiến hành khảo sát, nghiên cứu đầy đủ các điều kiện, xây dựng Kế hoạch, tổ chức thực hiện, đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động Giáo dục, Y tế, Văn hóa và Thể dục Thể thao phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, trình UBND tỉnh phê duyệt để tổ chức thực hiện.
7. Các ngành có các đơn vị sự nghiệp trực thuộc chủ động phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nội vụ, chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp xây dựng đề án thực hiện giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ.
8. Căn cứ vào Nghị định của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương về phân cấp quản lý thuộc ngành, lĩnh vực quản lý. Các ngành của tỉnh, tham mưu cho UBND tỉnh tiến hành phân cấp quản lý từng lĩnh vực cho các cấp, các ngành, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh và của từng đơn vị.
9. Các Sở, Ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, căn cứ vào tình hình thực tế của ngành, địa phương mình tiến hành kiện toàn, thành lập Ban Chỉ đạo cải cách hành chính; Sở Nội vụ có trách nhiệm giúp Ban chỉ đạo Cải cách Hành chính của tỉnh hướng dẫn các ngành và các đơn vị cấp huyện triển khai nội dung này.
Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với Ban chỉ đạo Cải cách Hành chính của tỉnh, Sở Nội vụ theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc triển khai thực hiện Chỉ thị này ở các đơn vị trong tỉnh.
Nhận được Chỉ thị này yêu cầu các Sở, ban ngành tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khẩn trương, nghiêm túc triển khai thực hiện./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |