Chỉ thị số 116/2006/CT-UBTDTT ngày 26/05/2006 Về nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học ngành Thể dục thể thao giai đoạn 2006-2010 do Ủy ban Thể dục Thể thao ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 116/2006/CT-UBTDTT
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Uỷ ban Thể dục Thể thao
- Ngày ban hành: 26-05-2006
- Ngày có hiệu lực: 22-06-2006
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 26-01-2016
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 3505 ngày (9 năm 7 tháng 10 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 26-01-2016
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
UỶ BAN THỂ DỤC THỂ THAO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 116/2006/CT-UBTDTT | Hà Nội, ngày 26 tháng 05 năm 2006 |
CHỈ THỊ
VỀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO SAU ĐẠI HỌC NGÀNH THỂ DỤC THỂ THAO GIAI ĐOẠN 2006 - 2010
Trong những năm qua, công tác đào tạo sau đại học ngành Thể dục thể thao đạt được một số kết quả đáng khích lệ: Hệ thống đào tạo được xây dựng tương đối hoàn chỉnh bao gồm đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ chuyên ngành Thể dục thể thao; quy mô và chất lượng đào tạo ngày càng được nâng cao; nội dung, chương trình đào tạo từng bước được đổi mới phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của ngành. Sau khi tốt nghiệp, đa số thạc sĩ và tiến sĩ đã có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp Thể dục thể thao của đất nước.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo sau đại học của ngành hiện còn một số điểm yếu kém như: Thiếu quy hoạch chiến lược và định hướng đào tạo sau đại học theo từng chuyên ngành hẹp gây ra mất cân đối trong đội ngũ cán bộ khoa học; các chương trình hợp tác, liên kết đào tạo sau đại học với nước ngoài đạt hiệu quả chưa cao; công tác quản lý đào tạo ở một số khâu như tuyển sinh, kiểm tra, đánh giá trình độ học viên chưa chặt chẽ; đội ngũ giảng viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư thiếu nghiêm trọng; trình độ ngoại ngữ của nhiều học viên cao học và nghiên cứu sinh còn yếu; các phương tiện phục vụ cho học tập và nghiên cứu khoa học như: Tài liệu, sách, báo, tạp chí khoa học, thư viện điện tử, cơ sở nghiên cứu, trang thiết bị và môi trường thực nghiệm, nhất là thực nghiệm về thể thao thành tích cao còn thiếu và lạc hậu. Chương trình đào tạo chưa trang bị được các phương pháp nghiên cứu hiện đại cho học viên.
Nguyên nhân chủ yếu của những mặt hạn chế, yếu kém kể trên chủ yếu là do sự chỉ đạo đối với công tác đào tạo sau đại học chưa sâu sát; còn thiếu quy hoạch định hướng phát triển sau đại học của ngành; nội dung và phương thức đào tạo chưa phù hợp với yêu cầu và điều kiện thực tiễn; nguồn tuyển sinh ít, trình độ đầu vào của học viên cao học và nghiên cứu sinh nhìn chung còn thấp, nhất là ngoại ngữ; điều kiện và phương tiện đào tạo còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Để khắc phục những yếu kém nêu trên, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học giai đoạn 2006 – 2010, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục thể thao yêu cầu:
1. Các cơ sở đào tạo sau đại học trực thuộc Ủy ban Thể dục thể thao phải làm tốt các nhiệm vụ sau đây:
1.1. Tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 09/2005/QĐ-TTg ngày 11 tháng 01 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2005 – 2010"; Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 02 tháng 11 năm 2005 của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020.
1.2. Hoàn thiện chương trình các môn học theo hướng dẫn đào tạo tín chỉ; bổ sung một số môn học mới; xây dựng tiêu chí kiểm tra, đánh giá kết quả học tập các môn học; xây dựng mới chương trình khung đào tạo sau đại học và biên soạn giáo trình thống nhất trong toàn ngành; tạo điều kiện cho học viên cao học và nghiên cứu sinh cùng tham gia giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn của ngành Thể dục thể thao.
Xây dựng đề án trình Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép mở các mã số chuyên ngành đào tạo sau đại học thuộc các lĩnh vực Y – Sinh, Tâm lý, Quản lý và Kinh tế - xã hội học Thể dục thể thao.
1.3. Tăng cường đội ngũ cán bộ và trang thiết bị nghiên cứu khoa học hiện đại; phối hợp với các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia để nâng cao chất lượng đào tạo.
1.4. Nâng cao trình độ giảng viên đào tạo sau đại học; tăng cường quản lý chương trình, kế hoạch giảng dạy, đánh giá kết quả học tập các môn học và nghiên cứu khoa học. Xây dựng giáo trình điện tử, đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng hiện đại.
1.5. Xây dựng định hướng nội dung nghiên cứu khoa học từ nay đến 2010 phục vụ cho việc lựa chọn đề tài nghiên cứu. Thực hiện đầy đủ quy trình thành lập Hội đồng chấm luận văn cao hoc, luận án tiến sĩ theo đúng quy chế đào tạo sau đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
1.6. Xây dựng quy trình đào tạo liên thông từ bậc đại học, cao học đến nghiên cứu sinh; chú trọng việc dạy và học môn ngoại ngữ, từng bước chuẩn hóa yêu cầu học viên cao học, nghiên cứu sinh phải sử dụng thành thạo tối thiểu một trong năm ngoại ngữ theo quy định.
1.7. Xây dựng cơ sở dữ liệu đào tạo cao học, nghiên cứu sinh trong nước. Triển khai việc lập thư viện điện tử phục vụ yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo.
1.8. Mở rộng liên kết với các cơ sở đào tạo sau đại học ở nước ngoài; hàng năm, Viện Khoa học Thể dục thể thao tổ chức thi tuyển nghiên cứu sinh để lựa chọn những học viên giỏi gửi ra nước ngoài đào tạo.
1.9. Tăng cường quan hệ, hợp tác quốc tế trong đào tạo sau đại học; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên của cơ sở; trong đó chú trọng bồi dưỡng đội ngũ giảng viên trẻ; lập kế hoạch đào tạo cán bộ khoa học ngay từ bậc đại học.
1.10. Hàng năm lập kế hoạch bổ sung trang thiết bị phục vụ đào tạo sau đại học và nghiên cứu khoa học; tạo điều kiện cho học viên cao học và nghiên cứu sinh tiến hành thực nghiệm trên các thiết bị hiện đại. Chủ động liên kết với các cơ sở khoa học – công nghệ trong nước trong công tác giảng dạy, nghiên cứu.
2. Hàng năm, Vụ Kế hoạch Tài chính chịu trách nhiệm tổng hợp xây dựng kế hoạch ngân sách dành cho việc đào tạo sau đại học và mua sắm trang thiết bị phục vụ học tập và nghiên cứu khoa học trình lãnh đạo Ủy ban phê duyệt.
3. Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ sau đại học từ nay đến năm 2010; xây dựng các chế độ, chính sách đối với cán bộ, giảng viên thực hiện nhiệm vụ đào tạo sau đại học của ngành.
4. Các Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ sở đào tạo sau đại học trong việc phục vụ các nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ của ngành.
5. Chỉ thị này được phổ biến đến tất cả cán bộ, viên chức của các cơ sở đào tạo sau đại học trực thuộc Ủy ban Thể dục thể thao và của các đơn vị có liên quan.
Chỉ thị này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Giao Vụ Tổ chức cán bộ hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chỉ thị và định kỳ báo cáo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục thể thao./.
| BỘ TRƯỞNG |