Chỉ thị số 16/2006/CT-UBND-ĐNg ngày 25/05/2006 Về Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện nếp sống văn hóa-văn minh đô thị và tăng cường biện pháp xử lý các hành vi vi phạm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành
- Số hiệu văn bản: 16/2006/CT-UBND-ĐNg
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Thành phố Đà Nẵng
- Ngày ban hành: 25-05-2006
- Ngày có hiệu lực: 04-06-2006
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 24-01-2019
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 4617 ngày (12 năm 7 tháng 27 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 24-01-2019
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 16/2006/CT-UBND | Đà Nẵng, ngày 25 tháng 05 năm 2006 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, VẬN ĐỘNG THỰC HIỆN NẾP SỐNG VĂN HÓA - VĂN MINH ĐÔ THỊ VÀ TĂNG CƯỜNG BIỆN PHÁP XỬ LÝ CÁC HÀNH VI VI PHẠM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Thành phố Đà Nẵng, kể từ khi trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương (1997), đã không ngừng vươn lên và đạt được nhiều thành tựu to lớn về chính trị - kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng. Công tác chỉnh trang đô thị, nâng cấp và xây dựng mới cơ sở hạ tầng đã tạo cho thành phố một diện mạo mới, góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế du lịch phát triển, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, phong trào thi đua thực hiện Nếp sống văn minh đô thị; phòng, chống tội phạm, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường và Chương trình thành phố 5 không đã được triển khai rộng khắp, góp phần xây dựng nếp sống văn hoá - văn minh đô thị gắn liền với việc chấp hành luật pháp và các quy định chung ở các địa phương, đơn vị.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được vẫn còn những tồn tại, yếu kém. Một bộ phận dân cư chưa có ý thức chấp hành pháp luật, giữ gìn trật tự, đảm bảo an toàn giao thông, giữ gìn vệ sinh môi trường đường phố và nơi công cộng, thiếu ý thức bảo vệ tài sản công, hành vi ứng xử, giao tiếp chưa phù hợp với nếp sống văn hóa - văn minh đô thị.
Để khắc phục tình trạng nêu trên và thực hiện nghiêm túc các quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực nếp sống văn hoá - văn minh đô thị; thông qua đó, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 25/2005/NQ-HĐND ngày 26 tháng 7 năm 2005 của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng khoá VII, nhiệm kỳ 2004-2009, kỳ họp thứ 5 về thực hiện Chương trình xây dựng “Thành phố 3 có: có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hoá - văn minh đô thị", Uỷ ban nhân dân thành phố chỉ thị:
1. Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các quận, huyện:
a) Căn cứ chức năng và nhiệm vụ của mình, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động toàn thể cán bộ, nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, ý thức xây dựng nếp sống văn hoá - văn minh đô thị.
b) Xây dựng các Nội quy, Quy định về nếp sống văn hoá - văn minh phù hợp với từng cơ quan, đơn vị, đồng thời tổ chức triển khai thực hiện các nội dung xây dựng nếp sống văn hoá - văn minh trong cơ quan, đơn vị mình.
c) Tổ chức tuyên truyền, vận động mọi tổ chức, cá nhân chấp hành các quy định tại Đề án xây dựng nếp sống văn hoá - văn minh đô thị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2010 (ban hành kèm theo Quyết định số 143/2005/QĐ-UBND ngày 03 tháng 10 năm 2005 của Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng), bao gồm: Không rải giấy vàng mã, tiền âm phủ, gạo muối, vật cúng trên đường; không đặt am miếu thờ và các vật thờ cúng ở nơi công cộng; không nằm trên đất, ghế, võng, chiếu… tại các vườn hoa, công viên, khu vực tượng đài, đài kỷ niệm, điểm di tích văn hoá - lịch sử, hè phố, nhà chờ xe buýt; không tắm, giặt tại các nơi: đài phun nước, bể chứa nước để làm cảnh trang trí, vòi phun nước công cộng, hai bờ sông Hàn từ cầu Thuận Phước đến cầu Tuyên Sơn; không treo, đặt để các vật dụng, phơi áo quần, chăn màn… nơi công cộng, phía mặt tiền đường phố, khu chung cư làm mất mỹ quan đô thị; các cửa hàng kinh doanh ăn uống phải trang bị đầy đủ phương tiện đựng rác thải, nước và thức ăn thừa cho từng bàn ăn; khách hàng phải bỏ rác thải, nước và thức ăn thừa đúng nơi quy định.
d) Tổ chức, chỉ đạo cho Thanh tra chuyên ngành, Đội Kiểm tra liên ngành, Đội kiểm tra quy tắc đô thị và các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm liên quan đến nếp sống văn hoá - văn minh đô thị được quy định tại các Nghị định của Chính phủ tập trung ở các lĩnh vực hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá, vệ sinh môi trường, trật tự công cộng, an toàn giao thông, bảo vệ tài sản công cộng, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khoẻ, việc tang, việc hiếu.
2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các quận, huyện: Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các xã, phường phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt nam cùng cấp tổ chức kiểm tra, rà soát việc xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước ở khu dân cư theo Nghị quyết số 15/2001/NQ-HĐND ngày 18/7/2001 của Hội đồng nhân dân thành phố về xây dựng và thực hiện quy ước ở khu dân cư trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; Quyết định số 193/2001/QĐ-UB ngày 18/12/2001 của Uỷ ban nhân dân thành phố ban hành Quy ước mẫu về xây dựng thôn (khối phố) văn hoá trên địa bàn thành phố; đồng thời, chỉ đạo các địa phương xây dựng Quy ước thực hiện nếp sống văn hoá - văn minh đô thị trên địa bàn khu dân cư (tổ dân phố, thôn) lồng ghép với việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”.
3. Giám đốc Sở Văn hoá-Thông tin:
a) Chỉ đạo biên soạn tài liệu tổng hợp các hành vi vi phạm hành chính liên quan đến nếp sống văn hoá - văn minh đô thị được quy định tại các Nghị định của Chính phủ để phổ biến rộng rãi cho các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện và nhân dân biết để thực hiện.
b) Phối hợp với Giám đốc Sở Tư pháp và Thủ trưởng các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình tổ chức tuyên truyền các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi liên quan với nếp sống văn hoá - văn minh đô thị đến toàn thể cán bộ, nhân dân sinh sống trên địa bàn thành phố; lựa chọn và tập trung tuyên truyền về một số hành vi mà người dân thành phố cần thực hiện ngay nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét trong việc thực hiện nếp sống văn hoá - văn minh đô thị trên địa bàn thành phố.
4. Lực lượng Thanh niên xung kích thành phố: Phối hợp với các cơ quan chức năng để quản lý địa bàn, đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở; kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm nếp sống văn hoá - văn minh đô thị và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.
5. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các hội, đoàn thể của thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác truyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên thực hiện nghiêm túc các quy định về nếp sống văn hoá - văn minh đô thị và nội dung Chỉ thị này.
6. Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng, Báo Đà Nẵng, Báo Công an thành phố Đà Nẵng và các cơ quan thông tin đại chúng các cấp của thành phố: Duy trì thường xuyên công tác tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức khác nhau nhằm nâng cao ý thức chấp hành các quy định về thực hiện nếp sống văn hoá - văn minh đô thị; kịp thời có các tin, bài, phóng sự phản ánh gương người tốt, việc tốt; đấu tranh, phê phán các hành vi vi phạm nếp sống văn hoá - văn minh đô thị.
7. Đề nghị các cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương đóng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về thực hiện nếp sống văn hoá - văn minh đô thị ở thành phố Đà Nẵng.
8. Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố theo dõi, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp và các địa phương đề xuất khen thưởng để kịp thời động viên những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Đề án xây dựng nếp sống văn hoá - văn minh đô thị.
Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các quận, huyện khẩn trương tổ chức triển khai Chỉ thị này; định kỳ phản ảnh với Sở Văn hoá - Thông tin thành phố về tình hình, kết quả thực hiện để tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân thành phố./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |