Chỉ thị số 10/2006/CT-UBND ngày 19/05/2006 Về tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 10/2006/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Đắk Lắk
- Ngày ban hành: 19-05-2006
- Ngày có hiệu lực: 29-05-2006
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 19-10-2014
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 3065 ngày (8 năm 4 tháng 25 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 19-10-2014
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/2006/CT-UBND | Buôn Ma Thuột, ngày 19 tháng 05 năm 2006 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC
Nước là nguồn tài nguyên đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường, quyết định sự tồn tại, phát triển bền vững của đất nước nói chung và tỉnh ta nói riêng. Mặt khác, nước cũng gây ra tai họa cho con người và môi trường. Trong thời gian qua việc quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy vậy, việc thực thi công tác quản lý tài nguyên nước còn có nhiều bất cập và chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt là quản lý hoạt động thăm dò, khai thác nước dưới đất không theo quy hoạch, không xin phép, vi phạm quy định bảo vệ tài nguyên nước, gây tổn hại đến số lượng và chất lượng nguồn nước.
Để chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao trách nhiệm các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, hộ gia đình, cá nhân trong việc bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, Ban, Ngành của tỉnh, UBND các huyện, thành phố Buôn Ma Thuột theo chức năng nhiệm vụ được giao, tập trung thực hiện tốt các công việc sau đây:
1. Đối với sở Tài nguyên và Môi trường:
a. Quán triệt và tăng cường triển khai thực thi Luật Tài nguyên nước; Nghị định 179/1999/NĐ-CP ngày 30/12/1999 của Chính phủ quy định việc thi hành Luật Tài nguyên nước; Nghị định 149/2004/NĐ-CP ngày 27/7/2004 của Chính phủ quy định việc cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; Quyết định số 05/2003/QĐ-BTNMT ngày 04/9/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc cấp phép thăm dò, khai thác, hành nghề khoan nước dưới đất; Nghị định 34/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến quản lý bảo vệ nguồn nước có hiệu quả.
b. Tổ chức kiểm tra, thanh tra việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, hành nghề khoan nước dưới đất; ngăn chặn, đình chỉ việc khai thác nước không đăng ký, không được cấp phép theo quy định của pháp luật; đình chỉ hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền đình chỉ hành nghề đối với tổ chức, cá nhân không đủ năng lực kỹ thuật hành nghề, không thực hiện việc bảo vệ nguồn nước dưới đất trong quá trình hành nghề; tăng cường kiểm tra, theo dõi quá trình thi công các giếng thăm dò, khai thác nước dưới đất.
c. Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Xây dựng, Sở Khoa học và Công nghệ lập kế hoạch điều tra đánh giá hiện trạng khai thác sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, mức độ ô nhiễm nguồn nước; trước mắt tập trung điều tra đánh giá hiện trạng khai thác sử dụng nước dưới đất trên địa bàn tỉnh, đánh giá mực nước hạ thấp, chất lượng nước đối với các công trình khai thác nước dưới đất tập trung; xác định mức độ ảnh hưởng của việc khai thác tới cạn kiệt, ô nhiễm, sụt lút nền đất, nứt đất, khoanh vùng mực nước hạ thấp quá mức, xác định các công trình có nguồn nước bị ô nhiễm, cạn kiệt, báo cáo cơ quan có thẩm quyền để có biện pháp xử lý, khắc phục.
d. Kiểm tra, lập danh bạ các giếng khoan khai thác đã bị hư hỏng không còn hoạt động, các giếng khoan quan trắc không còn sử dụng, các lỗ khoan thăm dò cũ để có biện pháp xử lý các lỗ khoan này, phòng tránh nhiễm bẩn nước dưới đất.
đ. Phối hợp với UBND các huyện, thành phố Buôn Ma Thuột rà soát, hướng dẫn cấp phép các công trình khai thác nước, xả nước thải vào nguồn nước theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
e. Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng chiến lược quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước, trước mắt thực hiện các vùng trọng điểm bao gồm: các khu đô thị, khu công nghiệp, vùng khai thác nước tập trung, vùng khó khăn nguồn nước, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt để thực hiện.
f. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ ngành Tài nguyên và Môi trường ở cấp huyện và cấp xã về công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước và bảo vệ môi trường cho cộng đồng.
g. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước trình Ủy ban tỉnh ban hành để thực hiện.
h. Ngoài công việc đột xuất, định kỳ sáu tháng một lần, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm báo cáo công tác đã thực hiện, những khó khăn và những đề xuất trong công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh gửi Ủy ban nhân dân tỉnh và Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
2. Đối với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Buôn Ma Thuột:
a. Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc khai thác sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn; ngăn chặn, tạm đình chỉ việc khai thác nước không đăng ký, không được cấp phép theo quy định của pháp luật; đề nghị cơ quan có thẩm quyền đình chỉ hành nghề đối với tổ chức, cá nhân không đủ năng lực kỹ thuật hành nghề khoan nước, khai thác nước mặt, nước ngầm... không thực hiện việc bảo vệ nguồn nước dưới đất trong quá trình hành nghề; tăng cường kiểm tra, theo dõi quá trình thi công các giếng thăm dò, khai thác nước dưới đất.
b. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn rà soát lại tất cả các hoạt động khảo sát, thăm dò, khai thác nước ngầm, xả nước thải vào nguồn nước; tổ chức kiểm tra thủ tục của các đơn vị, cá nhân hoạt động thăm dò, khai thác, hành nghề khoan nước ngầm trên địa bàn; đình chỉ hoạt động các trường hợp hành nghề khoan thăm dò nước ngầm, khai thác nước tập trung mà không có giấy phép của UBND tỉnh hoặc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tiến hành xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 34/CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước. Tổ chức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên nước đến tất cả các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn.
c. Sáu tháng một lần, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Buôn Ma Thuột có trách nhiệm báo cáo công tác đã thực hiện, những khó khăn và những đề xuất trong công tác quản lý tài nguyên nước ở địa phương gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng UBND tỉnh. Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
3. Đối với các Sở, Ban, Ngành, các tổ chức, cá nhân có liên quan:
a. Các Sở, Ban, Ngành, các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm hướng dẫn, phổ biến, tuyên truyền giáo dục mọi người dân chấp hành tốt Luật Tài nguyên nước và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tăng cường công tác bảo vệ nguồn nước tránh sự suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm, chú trọng lĩnh vực khoan khai thác nước ngầm và xả nước thải vào nguồn nước.
b. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính bố trí kinh phí cho các hoạt động điều tra hiện trạng khai thác sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; quy hoạch chiến lược khai thác sử dụng tài nguyên nước nói chung và tài nguyên nước dưới đất nói riêng tại các vùng dân cư tập trung, các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nhà máy... theo quy định hiện hành của pháp luật.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐĂKLĂK |