cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 4374/2006/QĐ-UBND ngày 28/11/2006 Ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của Ban Tôn giáo và Dân tộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

  • Số hiệu văn bản: 4374/2006/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
  • Ngày ban hành: 28-11-2006
  • Ngày có hiệu lực: 08-12-2006
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 21-01-2020
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 4792 ngày (13 năm 1 tháng 17 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 21-01-2020
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 21-01-2020, Quyết định số 4374/2006/QĐ-UBND ngày 28/11/2006 Ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của Ban Tôn giáo và Dân tộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 176/QĐ-UBND ngày 21/01/2020 Công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ban hành hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần năm 2019”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4374/2006/QĐ-UBND

Vũng Tàu, ngày 28 tháng 11 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN TÔN GIÁO VÀ DÂN TỘC TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 22/2004/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2004 của Chính phủ về kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác tôn giáo thuộc Ủy ban nhân dân các cấp;

Căn cứ Nghị định số 53/2004/NĐ-CP ngày 18 tháng 02 năm 2004 của Chính phủ về kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân tộc thuộc Ủy ban nhân dân các cấp;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 246/2004/TTLT-UBDT-BNV ngày 06 tháng 5 năm 2004 của Ủy ban Dân tộc và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân quản lý nhà nước về công tác dân tộc ở địa phương;

Căn cứ Thông tư số 25/2004/TT-BNV ngày 19 tháng 4 năm 2004 của Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân quản lý nhà nước về công tác tôn giáo ở địa phương;

Xét đề nghị của Ban Tôn giáo và Dân tộc tỉnh tại Tờ trình số 10/TTr-TGDT-VP ngày 03 tháng 10 năm 2006;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 962/TTr–SNV ngày 15 tháng 11 năm 2006,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế về tổ chức và hoạt động của Ban Tôn giáo và Dân tộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Quy chế gồm 04 chương, 11 Điều.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 7763/QĐ-UBND ngày 18 tháng 9 năm 2002 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành quy chế về tổ chức và hoạt động của Ban Tôn giáo và Dân tộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Tôn giáo và Dân tộc tỉnh và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Minh Sanh

 

QUY CHẾ

VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN TÔN GIÁO VÀ DÂN TỘC TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU
(Ban hành kèm theo quyết định số 4374 /2006/QĐ-UBND ngày 28 tháng 11 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu)

Chương I

VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN

Điều 1. Vị trí, chức năng

1.1. Ban Tôn giáo và Dân tộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh về công tác tôn giáo, công tác dân tộc; thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo sự ủy quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh và theo quy định của pháp luật.

1.2. Ban Tôn giáo và Dân tộc tỉnh chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của Ủy ban nhân dân tỉnh; đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ của Ban Tôn giáo Chính phủ và Ủy ban Dân tộc.

1.3. Ban Tôn giáo và Dân tộc tỉnh có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước tỉnh.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Về công tác tôn giáo

1.1. Trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các Quyết định, Chỉ thị về lĩnh vực công tác tôn giáo thuộc phạm vi quản lý;

1.2. Trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt các chương trình, kế hoạch công tác dài hạn và hàng năm, các dự án quan trọng thuộc lĩnh vực tôn giáo trên địa bàn tỉnh;

1.3. Hướng dẫn, kiểm tra và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, kế hoạch, dự án đã được cấp có thẩm quyền

phê duyệt; thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý;

1.4. Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra và tổ chức thực hiện trên địa bàn các địa phương trong tỉnh các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo; bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo hoặc không theo một tôn giáo nào của công dân, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật; bảo đảm sự bình đẳng giữa các tôn giáo trước pháp luật; chống mọi hành vi xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước;

1.5. Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét việc đề nghị sửa chữa, xây dựng các công trình thờ tự, tín ngưỡng, tôn giáo của các tổ chức tôn giáo theo quy định của pháp luật;

1.6. Được Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn cùng cấp thẩm định các yêu cầu của các cá nhân và tổ chức tôn giáo trên các lĩnh vực như:

- Tổ chức đại hội, hội nghị của các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh.

- Việc nhập tu, bổ nhiệm, phong chức, phong phẩm, thuyên chuyển các chức sắc, chức việc, nhà tu hành trên phạm vi tỉnh.

1.7. Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động quốc tế của các nhà tu hành, chức sắc, nhân sĩ tôn giáo theo quy định của pháp luật;

1.8. Làm đầu mối liên hệ giữa chính quyền địa phương với các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh;

1.9. Tham gia quản lý các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh có liên quan đến tôn giáo trên địa bàn tỉnh;

1.10. Nghiên cứu xây dựng, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh về chính sách và thực hiện chính sách đối với tổ chức tôn giáo và chức sắc, nhân sỹ tôn giáo theo phân cấp của cơ quan có thẩm quyền;

1.11. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và đoàn thể quần chúng có liên quan trong việc tuyên truyền và vận động quần chúng nhân dân, tín đồ, các chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo tại địa phương;

1.12. Thực hiện công tác hợp tác quốc tế về lĩnh vực công tác tôn giáo và các công tác được giao theo quy định của pháp luật và Ủy ban nhân dân tỉnh;

1.13. Thực hiện công tác khen thưởng và đề xuất cấp có thẩm quyền khen thưởng theo thẩm quyền về lĩnh vực công tác tôn giáo;

1.14. Thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý các vi phạm pháp luật trên các lĩnh vực công tác được Ủy ban nhân dân tỉnh giao theo quy định của pháp luật;

1.15. Hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về công tác tôn giáo đối với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

2. Về công tác dân tộc

2.1. Trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các quyết định, chỉ thị về lĩnh vực công tác dân tộc thuộc phạm vi quản lý;

2.2. Trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt các chương trình, kế hoạch công tác dài hạn và hàng năm, các dự án quan trọng thuộc lĩnh vực dân tộc trên địa bàn tỉnh;

2.3. Trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các biện pháp nhằm bảo đảm điều kiện cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh;

2.4. Hướng dẫn, kiểm tra và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch, dự án đã được phê duyệt; thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý;

2.5. Điều tra, theo dõi, tổng hợp về nguồn gốc lịch sử, sự phát triển của các dân tộc; đặc điểm thành phần dân tộc, kinh tế xã hội, đời sống văn hoá, phong tục tập quán và những vấn đề khác về dân tộc trên địa bàn tỉnh theo phân công, phân cấp;

2.6. Chủ trì, phối hợp với các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị xã hội ở địa phương trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước về quyền dùng tiếng nói, chữ viết; về phát triển giáo dục, mở mang dân trí, ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số; về chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh;

2.7. Chủ trì, phối hợp với các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị xã hội ở địa phương trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, dự án, mô hình thí điểm, các chính sách ưu đãi đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn do Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban Dân tộc giao;

2.8. Tổ chức, chỉ đạo thực hiện chính sách của Nhà nước về bảo đảm thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc, giữ gìn, tăng cường đoàn kết và tương trợ giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc ở địa phương;

2.9. Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện công tác định canh, định cư đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh;

2.10. Trình Ủy ban nhân dân tỉnh các biện pháp cụ thể để duy trì, bảo tồn và phát triển các tộc người trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo và tổ chức thực hiện sau khi đã được phê duyệt;

2.11. Tiếp đón, thăm hỏi đồng bào các dân tộc thiểu số; phối hợp với cơ quan nhà nước ở địa phương giải quyết các nguyện vọng chính đáng của đồng bào theo chế độ chính sách và quy định của pháp luật;

2.12. Tổ chức các cuộc gặp gỡ giữa các dân tộc để giao lưu trao đổi kinh nghiệm nhằm tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh;

2.13. Bồi dưỡng, lựa chọn những điển hình tập thể và cá nhân tiêu biểu, có uy tín là người dân tộc thiểu số ở địa phương gương mẫu thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm hạt nhân trong phong trào phát triển kinh tế, giữ gìn trật tự xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh; giúp Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo nhân rộng các điển hình tập thể, cá nhân tiêu biểu trên địa bàn tỉnh;

2.14. Phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức làm công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh;

2.15. Phối hợp với Sở Nội vụ trong việc bố trí tỷ lệ biên chế là người dân tộc thiểu số tại chỗ trong tổng số biên chế của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân các cấp có đông đồng bào dân tộc theo quy định của Nhà nước.

2.16. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực công tác dân tộc thuộc phạm vi quản lý;

2.17. Thực hiện công tác khen thưởng và đề xuất cấp có thẩm quyền khen thưởng theo thẩm quyền về lĩnh vực công tác dân tộc.

3. Về một số công tác khác

3.1. Tổ chức nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ; xây dựng hệ thống thông tin, lưu trữ, cung cấp số liệu vào công tác quản lý và chuyên môn nghiệp vụ;

3.2. Thực hiện công tác thông tin báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định với Ủy ban nhân dân tỉnh; Ủy ban Dân tộc và Ban Tôn giáo Chính phủ;

3.3. Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, thực hiện chế độ tiền lương và các chính sách, chế độ đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật, đào tạo và bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý.

3.4. Quản lý tài chính, tài sản của cơ quan theo quy định của pháp luật và phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh;

3.5. Quyết định và chỉ đạo thực hiện chương trình cải cách hành chính của cơ quan theo mục tiêu và nội dung được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt;

3.6. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Tôn giáo Chính phủ, Ủy ban Dân tộc giao cho.

Chương II

CƠ CẤU TỔ CHỨC, CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC

Điều 3. Cơ cấu tổ chức

3.1. Lãnh đạo Ban Tôn giáo và Dân tộc tỉnh:

3.1.1. Ban Tôn giáo và Dân tộc tỉnh có Trưởng ban và không quá 03 Phó Trưởng ban. Trưởng ban là người đứng đầu ban, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về toàn bộ các hoạt động của ban, đồng thời chịu trách nhiệm trước Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

Trưởng ban Tôn giáo và Dân tộc tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm theo các quy định của Đảng, nhà nước về công tác cán bộ và tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ.

3.1.2. Phó Trưởng ban là người giúp việc Trưởng ban, phụ trách một hoặc một số lĩnh vực công tác do Trưởng ban phân công và chịu trách nhiệm trước Trưởng ban về các nhiệm vụ công tác được giao. Phó Trưởng ban do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh bổ nhiệm theo các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ và tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ.

3.2. Cơ cấu tổ chức của Ban Tôn giáo và Dân tộc gồm:

- Văn phòng;

- Thanh tra;

- Phòng Phật Giáo, Cao Đài và các tôn giáo khác;

- Phòng Công Giáo và Tin Lành;

- Phòng Nghiệp vụ Dân tộc;

Căn cứ tình hình thực tế ở địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định thành lập các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ban Tôn giáo và Dân tộc tỉnh theo quy định của pháp luật.

Nhiệm vụ cụ thể của Văn phòng, Thanh tra Ban và các phòng chuyên môn trực thuộc Ban Tôn giáo và Dân tộc do Trưởng ban Tôn giáo và Dân tộc tỉnh quyết định trong phạm vi, nhiệm vụ của Ban.

Điều 4. Biên chế của Ban

Biên chế của Ban Tôn giáo và Dân tộc tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định trong tổng chỉ tiêu biên chế quản lý nhà nước của tỉnh được giao hàng năm theo đề nghị của Trưởng ban Tôn giáo và Dân tộc tỉnh sau khi thống nhất với Giám đốc Sở Nội vụ.

Trưởng ban Tôn giáo và Dân tộc tỉnh bố trí, sử dụng cán bộ, công chức phù hợp với tiêu chuẩn chức danh và ngạch công chức hiện hành của Nhà nước.

Chế độ tiền lương của công chức, viên chức của Ban Tôn giáo và Dân tộc tỉnh áp dụng theo ngạch, bậc lương công chức hành chính theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Chế độ làm việc

5.1. Ban Tôn giáo và Dân tộc tỉnh làm việc theo chế độ thủ trưởng.

5.2. Khi thực hiện các công việc do Trưởng ban Tôn giáo và Dân tộc tỉnh phân công, Phó Trưởng ban được sử dụng quyền hạn của Trưởng ban để giải quyết công việc. Các Phó Trưởng ban không được giải quyết công việc vượt quá thẩm quyền do Trưởng ban phân công.

5.3. Giúp việc Trưởng ban có Văn phòng, Thanh tra và các phòng chuyên môn, nghiệp vụ.

Văn phòng có Chánh Văn phòng, giúp việc cho Chánh Văn phòng có Phó Chánh Văn phòng. Thanh tra Ban có Chánh Thanh tra, giúp việc cho Chánh Thanh tra có Phó Chánh Thanh tra. Mỗi phòng có Trưởng phòng, giúp việc Trưởng phòng có Phó Trưởng phòng. Việc bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật Chánh, Phó văn phòng; Chánh, Phó Chánh Thanh tra; Trưởng, Phó Trưởng phòng do Trưởng ban quyết định theo phân cấp hiện hành về quản lý cán bộ.

Chương III

MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC

Điều 6. Đối với Ban Tôn giáo Chính phủ và Ủy ban Dân tộc

6.1. Ban Tôn giáo và Dân tộc tỉnh là tổ chức quản lý Nhà nước về tôn giáo và dân tộc cấp dưới năm trong hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương, chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ về công tác tôn giáo, công tác dân tộc của Ban Tôn giáo Chính phủ và Ủy Ban Dân tộc.

6.2. Chấp hành sự chỉ đạo và thực hiện các nhiệm vụ do Ban Tôn giáo Chính phủ và Ủy ban Dân tộc giao theo quy định về phân cấp quản lý. Thực hiện đầy đủ chế độ thông tin, báo cáo tình hình hoạt động của Ban cho Ban Tôn giáo Chính phủ và Ủy ban Dân tộc theo quy định.

6.3. Đề xuất, kiến nghị với Ban Tôn giáo Chính phủ và Ủy ban Dân tộc về những vấn đề có liên quan đến công tác tôn giáo và dân tộc của tỉnh.

Điều 7. Đối với Ủy ban nhân dân tỉnh

7.1. Chấp hành sự chỉ đạo và thực hiện các nhiệm vụ do Ủy ban nhân dân tỉnh giao. Thực hiện nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực hiện các mệnh lệnh hành chính; kịp thời báo cáo, xin ý kiến về những khó khăn, vướng mắc trong khi thi hành các mệnh lệnh hành chính, không để xảy ra tình trạng không thi hành, thi hành không nghiêm túc các mệnh lệnh hành chính hoặc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm thuộc thẩm quyền của Ban lên Ủy ban nhân dân tỉnh.

7.2. Trong quá trình thực thi nhiệm vụ được giao, có những vấn đề gì còn chồng chéo cần điều chỉnh, bổ sung thuộc chức năng quản lý nhà nước giữa Ban và các ngành liên quan, Ban Tôn giáo và Dân tộc tỉnh có trách nhiệm chủ động đề xuất trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định hoặc lập thủ tục để Ủy ban nhân dân tỉnh trình Ban Tôn giáo Chính phủ và Ủy ban Dân tộc hoặc Chính phủ xem xét, quyết định nếu thuộc thẩm quyền của Ban Tôn giáo Chính phủ và Ủy ban Dân tộc hoặc Chính phủ.

7.3. Thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo theo định kỳ hoặc đột xuất cho Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình tôn giáo và dân tộc của tỉnh theo quy định.

Điều 8. Đối với các sở, ban, ngành

8.1. Là mối quan hệ cùng cấp, phối hợp thực hiện những công việc thuộc lĩnh vực quản lý của mỗi cơ quan trên tinh thần hợp tác chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả nhằm thực hiện tốt chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc theo đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phục vụ cho sự phát triển chung của tỉnh. Ban Tôn giáo và Dân tộc tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan để thực hiện những nội dung công việc thuộc lĩnh vực quản lý của Ban Tôn giáo và Dân tộc nhưng đòi hỏi phải có sự phối hợp liên ngành. Trong trường hợp các sở, ban, ngành có liên quan không thống nhất được thì Ban Tôn giáo và Dân tộc tỉnh trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

8.2. Là mối quan hệ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của mỗi sở, ban, ngành. Ban Tôn giáo và Dân tộc tỉnh thực hiện đầy đủ những quy định quản lý nhà nước thuộc thẩm quyền của các cơ quan khác và ngược lại.

Điều 9. Đối với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã (gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện)

9.1. Ban Tôn giáo và Dân tộc tỉnh phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện triển khai, tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo tới các chức sắc, nhà tu hành, tín đồ và nhân dân trên địa bàn; triển khai thực hiện công tác dân tộc, các chính sách hỗ trợ, phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá, giữ vững quốc phòng, an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các công việc khác liên quan theo đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

9.2. Ban Tôn giáo và Dân tộc tỉnh trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ đối với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước tôn giáo và dân tộc; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành đối với cán bộ làm công tác tôn giáo và dân tộc ở cấp huyện.

9.3. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tôn giáo và dân tộc ở địa phương thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất liên quan tới công tác tín ngưỡng, tôn giáo, công tác dân tộc thuộc địa bàn quản lý về Ban Tôn giáo và Dân tộc tỉnh theo yêu cầu để tổng hợp chung toàn ngành; bố trí cán bộ, công chức chuyên trách thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác tôn giáo, công tác dân tộc trên địa bàn và được tính trong tổng số chỉ tiêu biên chế của huyện đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ hàng năm.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 10. Căn cứ vào các nội dung quy định tại Quy chế này, Trưởng ban Tôn giáo và Dân tộc tỉnh có trách nhiệm quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ trách nhiệm và lề lối làm việc trong nội bộ lãnh đạo Ban; giữa lãnh đạo Ban với Văn phòng, Thanh tra, các phòng chuyên môn, nghiệp vụ; nhiệm vụ cụ thể của Văn phòng, các phòng chuyên môn, nghiệp vụ và các quy định nội bộ khác.

Điều 11. Trưởng ban Tôn giáo và Dân tộc tỉnh có trách nhiệm triển khai thực hiện Quy chế này. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nếu có vấn đề gì cần bổ sung, sửa đổi cho phù hợp thì kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.