Quyết định số 207/2006/QĐ-UBND ngày 27/11/2006 Về Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- Số hiệu văn bản: 207/2006/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Thành phố Hà Nội
- Ngày ban hành: 27-11-2006
- Ngày có hiệu lực: 07-12-2006
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 07-05-2015
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 6563 ngày (17 năm 11 tháng 28 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 207/2006/QĐ-UBND | Hà Nội, ngày 27 tháng 11 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ ĐẶT TÊN, ĐỔI TÊN ĐƯỜNG, PHỐ VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng;
Căn cứ Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT ngày 20/3/2006 của Bộ Văn hóa Thông tin hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin tại Công văn số 1241/CV-VHTT ngày 11/10/2006,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 06/2001/QĐ-UB ngày 15/2/2001 của UBND Thành phố về việc ban hành Quy chế đặt, đổi tên đường phố, công viên, quảng trường và công trình văn hóa trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Giám đốc các Sở: Văn hóa và Thông tin, Giao thông Công chính, Tài nguyên môi trường và Nhà đất, Quy hoạch Kiến trúc, Tài chính, Chủ tịch UBND quận, huyện, thủ trưởng các sở, ban, ngành, các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
ĐẶT TÊN, ĐỔI TÊN ĐƯỜNG, PHỐ VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 207/2006/QĐ-UBND ngày 27 tháng 11 năm 2006 của UBND thành phố Hà Nội)
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Quy chế này quy định việc đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Điều 2. Việc đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng ở Thủ đô Hà Nội nhằm góp phần thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, quản lý hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các hoạt động giao dịch, kinh tế, văn hóa – xã hội của Thành phố; đồng thời góp phần giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa của dân tộc, nâng cao tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc và tình hữu nghị đoàn kết quốc tế.
Điều 3. Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Đại lộ là đường phố có quy mô lớn, có ý nghĩa đặc biệt và giữ vị trí quan trọng trong mạng lưới giao thông đô thị, đáp ứng yêu cầu hạ tầng kỹ thuật, thẩm mỹ và cảnh quan đô thị.
Tên đặt cho Đại lộ phải là sự kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng hoặc tên danh nhân tiêu biểu nhất mang tính quốc gia.
2. Đường là lối đi lại được xác định trong quy hoạch đô thị có quy mô lớn về chiều dài, chiều rộng, gồm các trục chính trên địa bàn đô thị, các tuyến đường vành đai, đường liên tỉnh.
3. Phố là lối đi lại được xác định trong quy hoạch đô thị, hai bên phố thường có các công trình kế tiếp nhau như nhà ở, cửa hàng, cửa hiệu, trụ sở cơ quan.
4. Ngõ là lối đi lại nhỏ từ đường, phố vào các cụm dân cư đô thị.
5. Ngách là lối đi lại hẹp từ ngõ đi sâu vào các cụm dân cư đô thị.
6. Công trình công cộng trong Quy chế này bao gồm quảng trường, công viên, vườn hoa, cầu, bến xe, công trình văn hóa – nghệ thuật, thể dục thể thao, y tế, giáo dục, công trình phục vụ du lịch, vui chơi giải trí.
Chương 2.
NGUYÊN TẮC ĐẶT TÊN, ĐỔI TÊN ĐƯỜNG, PHỐ VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG
Điều 4. Tất cả các đường, phố và công trình công cộng trong Thành phố Hà Nội được xây dựng theo quy hoạch đô thị, có đủ điều kiện cơ bản về cơ sở hạ tầng kỹ thuật hoặc được sử dụng ổn định thì được xem xét đặt tên.
Điều 5. Không đổi tên các đường, phố và công trình công cộng đã có tên quen thuộc gắn bó với lịch sử, truyền thống văn hóa của dân tộc và của Hà Nội đã ăn sâu vào trong tiềm thức, tình cảm của nhân dân qua nhiều thế hệ.
Trường hợp đường, phố và công trình công cộng đã đặt tên mà xét thấy không có ý nghĩa lịch sử văn hóa, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, không phải là nhân vật tiêu biểu của đất nước hoặc của Thành phố Hà Nội, gây ảnh hưởng, tác động xấu trong xã hội thì phải đổi tên, nhưng cần xem xét thận trọng.
Điều 6. Không chọn tên địa danh, danh nhân để đặt tên cho ngõ, ngách. Ngõ được gọi theo biển số nhà đầu ngõ, tính từ đầu phố kèm theo tên phố; ngách được gọi theo biển số nhà đầu ngách, tính từ đầu ngõ. Trường hợp những ngõ gắn với địa danh có ý nghĩa lịch sử - văn hóa đặc biệt thì xem xét đặc cách đặt tên riêng.
Điều 7. Tùy theo vị trí, cấp độ, quy mô, đặc điểm cụ thể, tên đặt cho đường, phố và công trình công cộng có thể sử dụng: Tên địa danh, tên các danh nhân (kể cả Danh nhân Văn hóa thế giới) để đặt tên tương xứng với ý nghĩa của địa danh, tầm quan trọng của sự kiện lịch sử và công lao của danh nhân, theo các nguyên tắc sau:
1. Tên địa danh được chọn để đặt tên đường, phố và công trình công cộng phải là những địa danh nổi tiếng, có ý nghĩa và giá trị tiêu biểu về lịch sử - văn hóa của đất nước hoặc của Hà Nội, địa danh đã quen dùng từ xa xưa, ăn sâu trong tiềm thức của nhân dân, tên địa phương kết nghĩa hoặc có mối quan hệ đặc biệt.
2. Tên danh nhân bao gồm cả danh nhân nước ngoài được chọn đặt tên đường, phố và công trình công cộng ở Hà Nội phải là người tiêu biểu trong những người nổi tiếng, có đức, có tài, có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng bảo vệ tổ quốc và Thành phố hoặc có đóng góp đặc biệt cho đất nước, có công lớn trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật, khoa học kỹ thuật, được nhân dân suy tôn và thừa nhận.
Danh nhân thuộc các lĩnh vực này được chọn đặt tên phải là người đã mất trước thời điểm xét đặt tên đường, phố ít nhất 10 năm (trừ những trường hợp rất đặc biệt).
3. Những danh nhân còn có ý kiến đánh giá khác nhau hoặc chưa rõ ràng về mặt lịch sử thì chưa xem xét đặt tên cho từng đường, phố và công trình công cộng. Không đặt tên cho đường, phố hoặc công trình công cộng bằng các tên gọi khác nhau của một danh nhân trên cùng một địa bàn đô thị.
4. Tên di tích, danh thắng được chọn để đặt tên đường, phố và công trình công cộng phải có giá trị lịch sử - văn hóa, nghệ thuật kiến trúc tiêu biểu, quen thuộc với nhân dân và đã được xếp hạng theo quy định của Luật Di sản văn hóa.
5. Các tên khác được chọn để đặt cho đường, phố và công trình công cộng phải có ý nghĩa tiêu biểu, mang đậm bản sắc văn hóa của Thủ đô và của cả nước.
Chương 3.
THẨM QUYỀN VÀ QUY TRÌNH XEM XÉT, QUYẾT ĐỊNH VIỆC ĐẶT TÊN, ĐỔI TÊN ĐƯỜNG, PHỐ VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG
Điều 8. Hội đồng nhân dân Thành phố có thẩm quyền quyết định đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng có quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng. Các công trình công cộng khác do Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định việc đặt tên.
Điều 9. UBND Thành phố có trách nhiệm thành lập Hội đồng tư vấn về đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng để giúp UBND Thành phố, HĐND Thành phố trong việc đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn Thành phố.
Điều 10. Hội đồng tư vấn về đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng có nhiệm vụ nghiên cứu, đóng góp ý kiến để hoàn chỉnh hồ sơ đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trước khi trình UBND Thành phố và HĐND Thành phố xem xét.
Thành viên của Hội đồng tư vấn bao gồm các nhà khoa học, các nhà quản lý, các cơ quan chuyên môn (Sở Văn hóa và Thông tin, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Giao thông Công chính, Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất), Hội Khoa học lịch sử, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật và các đoàn thể khác. Hội đồng tư vấn do Sở Văn hóa thông tin làm cơ quan thường trực, Tổ thư ký gồm thành viên của các cơ quan có liên quan.
Điều 11. Quy trình đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng gồm các bước sau:
Bước 1: Lập danh mục đường, phố và công trình công cộng cần đặt tên hoặc sửa đổi hàng năm, kể cả các đường phố trong thị trấn, theo thứ tự ưu tiên và căn cứ vào tiêu chuẩn quy định.
Bước 2: Tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng các đường, phố và công trình công cộng theo danh mục đã lập.
Bước 3: Thu thập, tổng hợp thông tin, lập hồ sơ chi tiết cho việc đặt tên và sửa đổi tên đường, phố và công trình công cộng. Sau đó lấy ý kiến của UBND quận, huyện sở tại.
Bước 4: Tham khảo ý kiến của các tổ chức hữu quan, các cơ quan chuyên môn, khoa học; Sau đó xin ý kiến Hội đồng tư vấn đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng của Thành phố, Ban Văn hóa – Xã hội HĐND Thành phố để bổ sung hồ sơ chi tiết cho việc đặt tên hoặc đổi tên đường, phố và công trình công cộng. Công bố công khai dự kiến đặt tên hoặc đổi tên đường, phố và công trình công cộng để nhân dân tham gia góp ý kiến.
Bước 5: Báo cáo UBND Thành phố về dự kiến đặt tên và sửa đổi tên đường, phố và công trình công cộng.
Bước 6: Lấy ý kiến của Bộ Văn hóa Thông tin trước khi trình UBND Thành phố, HĐND Thành phố phê duyệt.
Bước 7: UBND Thành phố ra Quyết định hoặc trình HĐND Thành phố ra Nghị quyết.
Bước 8: Tổ chức thực hiện Nghị quyết của HĐND Thành phố và Quyết định của UBND thành phố về việc đặt tên và đổi tên đường, phố và công trình công cộng.
Chương 4.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN VIỆC ĐẶT TÊN, ĐỔI TÊN ĐƯỜNG, PHỐ VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG
Điều 12. Sở Văn hóa và Thông tin là cơ quan thường trực, có trách nhiệm:
1. Nghiên cứu ngân hàng dữ liệu quỹ tên đường, phố và công trình công cộng;
2. Tổng hợp danh mục đường, phố và công trình công cộng cần đặt tên, đổi tên hàng năm;
3. Thành lập đoàn nghiên cứu, khảo sát đặt tên, đổi tên đường, phố mới ở Hà Nội bao gồm các thành viên đại diện: Sở Văn hóa và Thông tin, Sở Giao thông Công chính, Sở Tài nguyên và Môi trường và Nhà Đất, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Ban Văn hóa – Xã hội của HĐND Thành phố, Văn phòng UBND Thành phố, UBND quận, huyện sở tại để phối hợp nghiên cứu và thống nhất đề xuất.
4. Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của chính quyền địa phương có đường, phố và công trình công cộng đề nghị được đặt tên, đổi tên và trao đổi thống nhất danh sách tên với chính quyền sở tại. Đồng thời có trách nhiệm trả lời, giải quyết toàn bộ đơn thư đề nghị, khiếu nại có liên quan đến việc đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng ở Hà Nội.
5. Chuẩn bị tài liệu và tổ chức các cuộc họp Hội đồng tư vấn đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng; lấy ý kiến và tổ chức các cuộc họp của các cấp, ngành liên quan.
6. Hoàn thiện hồ sơ trình UBND Thành phố, HĐND Thành phố phê duyệt.
7. Sau khi có Nghị quyết của HĐND Thành phố và Quyết định của UBND Thành phố, Sở Văn hóa và Thông tin có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền để nhân dân được biết về các đường, phố và công trình công cộng mới được đặt tên hoặc sửa đổi tên.
Điều 13. Trách nhiệm của các cơ quan liên quan
UBND các quận, huyện có trách nhiệm hàng năm cung cấp danh mục đường, phố nằm trong quy hoạch đô thị theo thứ tự ưu tiên, tình trạng đường phố mới đã hình thành, có đầy đủ thông tin về kích thước, đặc điểm kiến trúc và có bản đồ kèm theo. Đồng thời có trách nhiệm phối hợp khảo sát đường phố với Đoàn khảo sát liên ngành của Thành phố.
Sở Giao thông công chính tổ chức gắn biển đường, phố và công trình công cộng chậm nhất không quá 1 tháng sau khi có Nghị quyết của HĐND Thành phố hoặc Quyết định của UBND Thành phố về việc đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Sở Tài nguyên môi trường và Nhà đất có trách nhiệm tổ chức gắn biển số nhà, gắn biển số ngõ, chậm nhất không quá 6 tháng sau khi có Nghị quyết của HĐND Thành phố và Quyết định của UBND Thành phố.
Điều 14. Sở Văn hóa và Thông tin là cơ quan thường trực chịu trách nhiệm lập dự toán kinh phí hàng năm cho công tác đặt, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính có trách nhiệm cấp phát kinh phí theo quy định hiện hành.
Chương 5.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 15. Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin chủ trì phối hợp với các Sở, Ngành liên quan và UBND các quận, huyện tổ chức triển khai việc thực hiện Quy chế này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề cần bổ sung, sửa đổi, Sở Văn hóa và Thông tin có trách nhiệm tổng hợp ý kiến và đề xuất, trình UBND Thành phố xem xét, quyết định.