cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 58/2006/QĐ-UBND ngày 21/11/2006 Về Quy định phân cấp quản lý công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Long An do Ủy ban nhân dân tỉnh Long An ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 58/2006/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Long An
  • Ngày ban hành: 21-11-2006
  • Ngày có hiệu lực: 01-12-2006
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 30-12-2011
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1855 ngày (5 năm 1 tháng )
  • Ngày hết hiệu lực: 30-12-2011
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 30-12-2011, Quyết định số 58/2006/QĐ-UBND ngày 21/11/2006 Về Quy định phân cấp quản lý công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Long An do Ủy ban nhân dân tỉnh Long An ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 54/2011/QĐ-UBND ngày 20/12/2011 Về phân cấp quản lý công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Long An do Ủy ban nhân dân tỉnh Long An ban hành (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LONG AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 58/2006/QĐ-UBND

Tân An, ngày 21 tháng 11 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÂN CẤP QUẢN LÝ CÔNG TRÌNH THỦY LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi số 32/2001/PL-UBTVQH10 ngày 04/04/2001 và Pháp lệnh Đê điều số 26/2000/PL-UBTVQH10 ngày 24/08/2000 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

Căn cứ Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi và Nghị định số 171/2003/NĐ-CP ngày 26/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Đê điều;

Qua xem xét ý kiến của Sở Tư pháp tại công văn số 807/STP-VBQP ngày 14/8/2006 về việc góp ý văn bản qui phạm pháp luật;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tại công văn số 1509/TTr-SNN ngày 09/11/2006,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định phân cấp quản lý công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Long An.

Điều 2. Giao cho Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức triển khai, hướng dẫn thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban ngành tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã thi hành quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau mười ngày kể từ ngày ký và thay thế cho Quyết định số 3540/1999/QĐ-UB ngày 25/11/1999 của UBND tỉnh Long An./.

 

 

Nơi nhận:
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh;
- CT, các PCT. UBND tỉnh;
- Cục KTVB (Bộ Tư pháp);
- Như điều 3;
- Chi cục Thủy lợi;
- Lưu: VT, CCTL, Nh.
QD-58

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Dương Quốc Xuân

 

QUY ĐỊNH

PHÂN CẤP QUẢN LÝ, XÂY DỰNG VÀ SỬA CHỮA CÔNG TRÌNH THỦY LỢI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 58 /2006/QĐ-UBND, ngày 21 tháng 11 năm 2006 của UBND tỉnh Long An)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng và phạm vi điều chỉnh

1. Quy định này áp dụng đối với tất cả các đê điều và công trình thủy lợi (sau đây gọi tắt là công trình thủy lợi) đã được xây dựng và đưa vào quản lý, khai thác trên địa bàn tỉnh Long An, ngoại trừ những công trình do Trung ương quản lý;

2. Tùy theo quy mô, năng lực, mức độ phức tạp về kỹ thuật và vị trí của công trình để phân cho các cấp chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý (tỉnh, huyện và xã).

Điều 2. Nguyên tắc phân cấp

1. Phân cấp quản lý công trình thủy lợi phải đảm bảo tính hệ thống; UBND tỉnh thống nhất quản lý Nhà nước về nguồn nước mặt và công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh;

2. Công trình do cấp nào quản lý thì cấp đó trực tiếp tổ chức quản lý và đầu tư tu bổ, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp theo đúng quy định của Nhà nước. Trong một hệ thống công trình nếu hai, ba cấp quản lý thì cấp quản lý cao hơn chủ trì đề xuất tổ chức và thống nhất về quy trình vận hành hệ thống để đảm bảo hài hòa lợi ích chung.

Chương II

PHÂN CẤP QUẢN LÝ, XÂY DỰNG, SỬA CHỮA CÔNG TRÌNH THỦY LỢI

Điều 3. Phân loại công trình

1. Đối với sông, rạch, kênh mương

a) Hệ thống kênh tạo nguồn, kênh trục chính (gọi chung là hệ thống trục chính) là các sông, rạch, kênh làm nhiệm vụ dẫn nước tưới tiêu liên tỉnh, liên huyện, có ý nghĩa chiến lược cho một khu vực rộng lớn;

b) Hệ thống kênh cấp I là các kênh, rạch tưới, tiêu nối trực tiếp với hệ thống trục chính;

c) Hệ thống kênh cấp II là các kênh, rạch tưới, tiêu nối trực tiếp với hệ thống kênh cấp I;

d) Hệ thống kênh cấp III là các kênh, rạch tưới, tiêu nối trực tiếp với hệ thống kênh cấp II;

đ) Hệ thống kênh nội đồng là các kênh tưới, tiêu nối trực tiếp với hệ thống kênh cấp III.

2. Đối với công trình đê, bờ bao

a) Đê ngăn mặn, ngăn triều cường là đê ven sông, rạch lớn làm nhiệm vụ chính là ngăn mặn, ngăn triều cường cao không cho tràn vào trong đồng (Đê ven sông Vàm Cỏ, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, Rạch Cát, Sông Tra, v.v…);

b) Đê bao vùng cây công nghiệp, cây ăn trái lâu năm là đê chống lũ, ngăn mặn, phèn để bảo vệ cây công nghiệp, cây ăn trái;

c) Đê bao khu vực dân cư, khu công nghiệp là đê bao bảo vệ khu dân cư, khu công nghiệp, loại đê này phải đảm bảo vững chắc, bền vững lâu dài;

d) Đê bao chống lũ tháng tám (đê bao lửng) vùng Đồng Tháp Mười là đê bao tạm thời có cao trình thấp, xây dựng cho từng khu vực nhỏ trong vùng ngập lụt để bảo vệ sản xuất trong một thời gian ngắn, khi lũ chính vụ về cho ngập lụt để cải tạo đồng ruộng.

3. Đối với cống

a) Cống cấp I (đầu mối) là các cống nhận nước từ hệ thống trục chính làm nhiệm vụ dẫn nước cho hệ thống kênh cấp I, các cống điều tiết trên hệ thống trục chính;

b) Cống cấp II là các cống nhận nước từ hệ thống kênh cấp I làm nhiệm vụ dẫn nước cho hệ thống kênh cấp II, các cống điều tiết trên hệ thống kênh cấp I;

c) Cống cấp III là các cống nhận nước từ hệ thống kênh cấp II làm nhiệm vụ dẫn nước cho hệ thống kênh cấp III, các cống điều tiết trên hệ thống kênh cấp II;

d) Cống nội đồng là cống đầu kênh và điều tiết trên kênh nội đồng.

4. Đối với trạm bơm

a) Trạm bơm lớn là trạm bơm có quy mô phục vụ tưới, tiêu trên 2.000 ha;

b) Trạm bơm vừa là trạm bơm có quy mô phục vụ tưới, tiêu từ 500 ha đến 2.000 ha;

c) Tram bơm nhỏ là trạm bơm có quy mô phục vụ dưới 500 ha.

Điều 4. Phân cấp quản lý công trình thủy lợi

1. Công trình thủy lợi phân cho cấp tỉnh quản lý

a) Các kênh trục chính, kênh cấp I, kênh cấp II,… có diện tích phục vụ từ 300 ha trở lên; các kênh giáp ranh tỉnh, huyện; công trình thủy lợi ven biên giới Việt Nam – Campuchia;

b) Đê ngăn lũ, ngăn triều cường ven sông, rạch lớn (đê ven sông Vàm Cỏ, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, Rạch Cát, Sông Tra,…), đê cặp các kênh do cấp tỉnh quản lý kênh;

c) Các cống cấp I (đầu mối); các cống dưới đê do cấp tỉnh quản lý có khẩu độ rộng từ 1,0 mét trở lên hoặc cống tròn có khẩu độ từ F 80 cm trở lên;

d) Danh mục công trình do tỉnh quản lý như bảng phụ lục kèm theo;

2. Công trình thủy lợi phân cho cấp huyện, thị xã quản lý (gọi chung là cấp huyện)

a) Các công trình thủy lợi ngoài các danh mục quy định thẩm quyền cấp tỉnh quản lý được phân cấp giao cấp huyện quản lý;

b) UBND huyện, thị xã căn cứ tình hình thực tế tại địa phương để thực hiện phân cấp công trình thủy lợi cho xã, phường trực tiếp quản lý;

c) Danh mục công trình phân cấp cấp huyện quản lý như bảng phụ lục kèm theo.

Điều 5. Trách nhiệm quản lý, xây dựng và sửa chữa công trình thủy lợi được phân cấp

1. Trách nhiệm chung

a) Việc phân cấp cho mỗi cấp quản lý trực tiếp các công trình thủy lợi phải thống nhất nguyên tắc quản lý của hệ thống. Trách nhiệm bảo vệ công trình thủy lợi, bảo vệ nguồn nước là trách nhiệm của mỗi người dân, do đó chính quyền các cấp, nhất là cơ sở phải tuyên truyền, giáo dục và vận động nhân dân tham gia bảo vệ công trình và phát hiện những hành vi vi phạm để báo cho các cơ quan chức năng và chính quyền xử lý theo các quy định của pháp luật bất kể công trình do cấp nào trực tiếp quản lý;

b) Khi có sự cố hư hỏng đột xuất công trình xẩy ra, chính quyền địa phương huy động lực lượng và phương tiện tại chỗ để xử lý kịp thời bảo vệ sản xuất, hạn chế sự phát triển hư hỏng, bảo vệ an toàn công trình. Đồng thời báo cáo cho cấp trực tiếp quản lý để có phương án sửa chữa ổn định.

2. Trách nhiệm các cấp

a) Cấp tỉnh

- Lập quy hoạch thủy lợi tỉnh, vùng; xây dựng quy trình vận hành cho các hệ thống công trình thủy lợi mà cấp tỉnh trực tiếp quản lý công trình đầu mối;

- Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch vận hành, bảo vệ, tu bổ, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo định kỳ và đột xuất các công trình thủy lợi được phân cấp;

- Thực hiện các nhiệm vụ theo thẩm quyền về quản lý, khai thác và bảo vệ đê điều và công trình thủy lợi trên địa bàn của tỉnh.

b) Cấp huyện

- Chịu trách nhiệm lập quy hoạch thủy lợi nội đồng; xây dựng quy trình vận hành cho các công trình thủy lợi được phân cấp huyện trực tiếp quản lý (kể cả công trình phân cấp xã quản lý);

- Phân cấp và hướng dẫn cấp xã trực tiếp quản lý công trình theo khả năng và tình hình thực tế;

- Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch bảo vệ, tu bổ, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo công trình định kỳ và đột xuất theo các công việc được phân cấp quản lý;

- Thực hiện các nhiệm vụ theo thẩm quyền về quản lý, khai thác và bảo vệ đê điều và công trình thủy lợi trên địa bàn huyện.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 6. Tổ chức bộ máy quản lý

1. Chi cục Thủy lợi là cơ quan tham mưu cho Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực tiếp quản lý các công trình thủy lợi được phân cấp cho cấp tỉnh quản lý;

2. Mỗi huyện, thị xã có Trạm Thủy lợi (Trực thuộc Chi cục Thủy lợi theo hệ thống chuyên ngành) phối hợp với Phòng Kinh tế tham mưu UBND huyện, thị xã thực hiện quản lý các công trình thủy lợi được phân cấp cho cấp huyện, thị xã quản lý.

Điều 7. Triển khai thực hiện

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về quản lý công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh và chịu trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn, tổ chức thực hiện quy định này./.