cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 202/2006/QĐ-UBND ngày 16/11/2006 Ban hành quy chế quản lý vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 202/2006/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Ngày ban hành: 16-11-2006
  • Ngày có hiệu lực: 01-12-2006
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 03-09-2010
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1372 ngày (3 năm 9 tháng 7 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 03-09-2010
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 03-09-2010, Quyết định số 202/2006/QĐ-UBND ngày 16/11/2006 Ban hành quy chế quản lý vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 40/2010/QĐ-UBND ngày 24/08/2010 Ban hành Quy chế về quản lý vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 202/2006/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 16 tháng 11 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ QUẢN LÝ VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 27/CP ngày 20 tháng 4 năm 1995 của Chính phủ về quản lý, sản xuất, cung ứng và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp;
Căn cứ Thông tư số 042005//TT-BCN ngày 27/4/2006 của Bộ Công nghiệp về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2005/TT-BCN ngày 29/3/2005 của Bộ Công nghiệp hướng dẫn việc quản lý, sản xuất, kinh doanh cung ứng và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.
Căn cứ công văn số 5899/BCN-KTAT ngày 24/10/2006 của Bộ Công nghiệp trả lời Sở Công nghiệp về việc UBND Thành phố Hà Nội ủy quyền cho Sở Công nghiệp cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp cho các doanh nghiệp thuộc thẩm quyền thành phố quản lý là đúng với quy định pháp luật hiện hành;
Căn cứ Quyết định số 133/2004/QĐ-UB ngày 23 tháng 8 năm 2004 của UBND thành phố Hà Nội về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế cán bộ công chức Sở Công nghiệp Hà Nội;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công nghiệp Hà Nội tại tờ trình số 944/TTr-SCN ngày 02 tháng 11 năm 2006 về việc ban hành “Quy chế về quản lý vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế về quản lý vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố; Giám đốc Sở: Công nghiệp, Tư pháp, Lao động thương binh & xã hội, Tài nguyên môi trường và nhà đất, Công an Thành phố Hà Nội; Chủ tịch UBND các Quận, Huyện; các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Đ/c Chủ tịch UBNDTP (để b/c);
- Bộ Công nghiệp (để b/c);
- Các đ/c Phó Chủ tịch UBND TP;
- Như điều 3;
- V1, V2, CN, KT, TH;
- Lưu VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phí Thái Bình

 

QUY CHẾ

VỀ QUẢN LÝ SỬ DỤNG VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 202/2006/QĐ-UBND ngày 16 tháng 11 năm 2006 của UBND Thành phố Hà Nội)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

Quy chế này cụ thể hóa một số vấn đề trong quản lý sử dụng vật liệu nổ công nghiệp (sau đây viết tắt là VLNCN) đối với các tổ chức trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Quy chế này không áp dụng đối với các lực lượng vũ trang.

Điều 2. Giải thích từ ngữ:

Trong quy chế này, các từ ngữ được hiểu như sau:

1. “Vật liệu nổ công nghiệp” bao gồm thuốc nổ và các loại phụ kiện nổ sử dụng trong công nghiệp, nghiên cứu khoa học và các mục đích dân dụng khác.

a) “Thuốc nổ” là hóa chất đặc biệt hoặc hỗn hợp các hóa chất đặc biệt mà khi có tác động cơ học, hóa học, điện hoặc nhiệt học đạt đến một liều lượng nhất định và trong một điều kiện nhất định sẽ gây ra phản ứng hóa học biến chúng thành năng lượng nổ và phá hủy môi trường xung quanh.

b) “Phụ kiện nổ” bao gồm dây cháy chậm, dây nổ, dây dẫn nổ, các loại kíp nổ, mồi nổ, hạt nổ, rơle nổ, các loại đạn chuyên dụng và các loại phụ kiện nổ khác.

c) Thuốc nổ, phụ kiện nổ tự chế tạo hoặc chế tạo từ thuốc phóng, thuốc nổ thu hồi sau xử lý bom, đạn, mìn chưa qua chế biến và kiểm tra chất lượng sản phẩm, chưa được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép sử dụng; các hóa chất, bán thành phẩm để chế biến thành thuốc nổ mà tự nó không gây ra cháy nổ trong quá trình sản xuất, vận chuyển và bảo quản riêng rẽ không được coi là VLNCN.

2. “Sử dụng VLNCN” là hoạt động dùng VLNCN trong thăm dò, khai thác mỏ, xây dựng, điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học và các lĩnh vực khác theo quy trình đã được xác định.

3. “Bảo quản VLNCN” là hoạt động cất giữ VLNCN trong kho hoặc trong quá trình vận chuyển, đến nơi sử dụng theo những quy định riêng nhằm đảm bảo nguyên vẹn chất lượng, số lượng VLNCN và không để xảy ra cháy, nổ.

4. “Dịch vụ nổ mìn” là hoạt động nổ mìn của bên có chức năng tiến hành nổ mìn nhằm thực hiện hợp đồng với bên có nhu cầu nổ mìn đáp ứng một mục đích nhất định được pháp luật cho phép.

5. “Người chỉ huy nổ mìn” là người chịu trách nhiệm tổ chức và trực tiếp chỉ huy đơn vị thực hiện việc nổ mìn theo thiết kế hoặc phương án nổ mìn đã được duyệt, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện đầy đủ các quy định về kỹ thuật và an toàn trong quá trình nổ mìn.

Chương 2:

SỬ DỤNG VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP

Điều 3. Vận chuyển VLNCN

Việc vận chuyển VLNCN trên địa bàn Thành phố Hà Nội phải được cơ quan Công an có thẩm quyền cấp phép vận chuyển. Đơn vị vận chuyển VLNCN phải thực hiện đúng các quy định TCVN 4586:1997 vật liệu nổ công nghiệp yêu cầu an toàn trong vận chuyển, bảo quản và sử dụng.

Điều 4. Điều kiện để được sử dụng VLNCN

1. Điều kiện về chủ thể.

Giấy phép sử dụng VLNCN chỉ được cấp cho các tổ chức đảm bảo các điều kiện sau đây:

a. Có trụ sở chính đóng trên địa bàn Thành phố Hà Nội, có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội cấp. Bao gồm các công ty sau: Công ty TNHH; Công ty Cổ phần; Doanh nghiệp được cổ phần hóa từ doanh nghiệp Nhà nước mà Nhà nước không giữ cổ phần chi phối.

b. Có hợp đồng thi công các công trình: xây dựng đường giao thông, thủy lợi, thủy điện, khai thác mỏ ở các tỉnh khác, hợp đồng được ký kết tuân thủ các quy định của pháp luật.

c. Có giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự để làm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện do Công an Thành phố cấp.

d. Có giấy xác nhận đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy để làm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện do Công an Thành phố cấp.

2. Điều kiện về cơ sở vật chất - kỹ thuật.

Đối với các đơn vị do UBND Thành phố Hà Nội quản lý khi thi công các công trình ở các tỉnh khác, xa khu dân cư, cách xa các công trình trọng điểm, phải có kho bảo quản thiết bị nổ mìn, phương tiện vận chuyển VLNCN thỏa mãn các quy định tại TCVN 4586:1997. Trường hợp đơn vị không có kho, không có phương tiện vận chuyển, phải ký hợp đồng thuê của các đơn vị đã được phép thực hiện nhiệm vụ này.

3. Điều kiện về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

a. Lãnh đạo và người lao động của đơn vị sử dụng VLNCN có liên quan tới VLNCN phải được đào tạo, huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ tương xứng với chức trách đảm nhiệm.

b. Người chỉ huy nổ mìn do Thủ trưởng đơn vị sử dụng VLNCN ký quyết định bổ nhiệm phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:

+ Tốt nghiệp từ trung cấp trở lên đối với các ngành: khai thác mỏ, hóa chất, sĩ quan công bình, vũ khí đạn, công nghệ hóa thuốc phóng, thuốc nổ và có thâm niên công tác trong lĩnh vực có sử dụng hoặc liên quan tới VLNCN ít nhất hai năm đối với trình độ đại học, cao đẳng và ba năm đối với trình độ trung cấp kỹ thuật.

+ Trường hợp tốt nghiệp từ trung cấp trở lên các ngành kỹ thuật không liên quan đến VLNCN, muốn được bổ nhiệm là người chỉ huy nổ mìn phải học tập để nắm vững kỹ thuật nổ mìn, có thâm niên công tác tại lĩnh vực có sử dụng hoặc liên quan tới VLNCN ít nhất ba năm đối với trình độ đại học, cao đẳng; bốn năm đối với trình độ trung cấp kỹ thuật và được Sở Công nghiệp phối hợp với các cơ quan có chức năng đào tạo về lĩnh vực VLNCN tổ chức huấn luyện, kiểm tra sát hạch về kỹ thuật an toàn và được cấp giấy chứng nhận.

c. Thợ mìn hoặc người lao động làm việc có liên quan tới VLNCN như: vận chuyển, bốc xếp, điều khiển phương tiện vận chuyển, áp tải, bảo vệ, thủ kho, phục vụ thi công bãi mìn, ngoài việc được đào tạo có chứng chỉ chuyên môn phù hợp, còn phải được Sở Công nghiệp phối hợp với các cơ quan có chức năng đào tạo về lĩnh vực VLNCN tổ chức huấn luyện, kiểm tra sát hạch về kỹ thuật an toàn và được cấp giấy chứng nhận.

4. Điều kiện về sức khỏe.

Người lãnh đạo, người lao động của đơn vị sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải có đủ sức khỏe theo quy định hiện hành đối với từng ngành nghề cụ thể.

5. Điều kiện về bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ.

a. Có phương án bảo vệ an ninh trật tự.

b. Có phương án, phương tiện thiết bị đảm bảo phòng chống cháy, nổ theo các quy định hiện hành.

c. Có các biện pháp và phương tiện đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động và các giải pháp công nghệ xử lý chất thải, bảo vệ môi trường.

Điều 5. Quyền của đơn vị được phép sử dụng VLNCN

1. Được phép mua VLNCN của đơn vị được phép kinh doanh VLNCN để thực hiện mục đích sử dụng của đơn vị.

2. Xin trả lại, cấp lại giấy phép sử dụng VLNCN.

3. Khiếu nại hoặc khởi kiện về quyết định thu hồi giấy phép sử dụng VLNCN hoặc quyết định xử lý khác của cơ quan Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Nghĩa vụ của đơn vị được phép sử dụng VLNCN

Đối với các đơn vị có giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp do Bộ Công nghiệp cấp, UBND các tỉnh cấp hoặc các đơn vị có chức năng làm dịch vụ nổ mìn, khi thực hiện thi công các công trình có sử dụng VLNCN phải:

1. Đăng ký giấy phép sử dụng VLNCN, phương án nổ mìn với Sở Công nghiệp và công an cấp tỉnh nơi tiến hành nổ mìn.

2. Chấp thuận các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, trật tự an toàn xã hội với công an cấp tỉnh nơi tiến hành nổ mìn.

3. Thông báo với Thanh tra lao động tỉnh, chính quyền địa phương nơi tiến hành nổ mìn, thời gian, địa điểm, quy mô nổ mìn, khoảng cách an toàn và các điều kiện an toàn khác trước khi nổ mìn.

4. Đăng ký với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh nơi tiến hành nổ mìn, các loại vật liệu nổ và phương tiện nổ (theo Thông tư số 23/2003/TT-LĐTBXH ngày 03/11/2003 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội).

5. Chỉ được phép mua VLNCN của các đơn vị được phép kinh doanh VLNCN. Quá trình mua, bán VLNCN phải được thực hiện theo các quy định của pháp luật về ký kết và thực hiện hợp đồng.

6. Bố trí cán bộ, công nhân hoặc người làm các công việc có liên quan đến VLNCN có trình độ tương xứng với chức trách đảm nhiệm.

7. Vận chuyển VLNCN trên các phương tiện đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

8. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi thiệt hại do việc sử dụng VLNCN gây ra.

9. Đơn vị được phép sử dụng VLNCN khi không còn nhu cầu sử dụng hoặc giấy phép sử dụng VLNCN hết hạn, bị thu hồi mà VLNCN vẫn còn dư thì phải bán lại toàn bộ khối lượng VLNCN còn tồn đó cho đơn vị được phép kinh doanh VLNCN.

10. Đơn vị sử dụng VLNCN phải có đủ hệ thống sổ sách ghi chép, lưu chứng từ ban đầu, thẻ kho, phiếu nhập kho, phiếu xuất kho, thống kê đầy đủ mọi hoạt động mua bán, xuất, nhập, tồn kho, tiêu hủy VLNCN. Các sổ sách nêu trên phải được bảo quản lưu trữ theo các quy định hiện hành.

11. Lập báo cáo định kỳ 6 tháng và một năm gửi Sở Công nghiệp theo mẫu quy định vào trước ngày 15 tháng 6 đối với báo cáo 6 tháng và trước ngày 15 tháng 12 đối với báo cáo năm.

Chương 3:

THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP SỬ DỤNG VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP

Điều 7. Hồ sơ xin cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp

Hồ sơ xin cấp giấy phép sử dụng VLNCN được lập thành hai (02) bộ và nộp tại Sở Công nghiệp, mỗi bộ gồm:

1. Đơn xin cấp giấy phép sử dụng VLNCN.

2. Giấy xác nhận đủ điều kiện an ninh, trật tự do Công an Thành phố cấp.

3. Bản sao hợp lệ Quyết định thành lập đơn vị, đăng ký kinh doanh.

4. Bản sao hợp lệ Giấy phép hoạt động khoáng sản đối với các đơn vị hoạt động khoáng sản; Quyết định trúng thầu thi công công trình hoặc hợp đồng nhận thầu, giấy ủy quyền thực hiện hợp đồng thi công công trình.

5. Thiết kế hoặc phương án nổ mìn được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

6. Hồ sơ thiết bị nổ mìn, biên bản nghiệm thu kho bảo quản VLNCN thỏa mãn các quy định tại TCVN 4568:1997.

7. Quyết định bổ nhiệm người chỉ huy nổ mìn, thợ mìn, thủ kho VLNCN do Thủ trưởng đơn vị ký kèm theo các văn bằng, chứng chỉ của chỉ huy nổ mìn thợ mìn, thủ kho VLNCN và những người lao động có liên quan tới VLNCN.

Điều 8. Việc cấp lại giấy phép sử dụng VLNCN

Hồ sơ xin cấp lại giấy phép sử dụng VLNCN được lập thành hai (02) bộ và nộp tại Sở Công nghiệp trước 30 ngày khi giấy phép sử dụng VLNCN hết hạn, mỗi bộ gồm:

1. Đơn xin cấp lại giấy phép sử dụng VLNCN.

2. Giấy phép sử dụng VLNCN do cơ quan có thẩm quyền cấp trước đó.

3. Nội dung của hồ sơ được quy định tại Điều 7 (nếu có sự thay đổi).

Điều 9. Cấp mới, cấp lại giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp

1. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Công nghiệp sẽ tiến hành kiểm tra, thẩm định. Nếu đơn vị xin cấp giấy phép sử dụng VLNCN có đủ điều kiện quy định tại Điều 4, Điều 7 thì Sở Công nghiệp sẽ cấp mới, cấp lại giấy phép sử dụng VLNCN cho đơn vị xin cấp giấy phép sử dụng VLNCN. Trường hợp đơn vị xin cấp giấy phép sử dụng VLNCN không đủ điều kiện cấp giấy phép, Sở Công nghiệp phải trả lời cho đơn vị xin cấp giấy phép sử dụng VLNCN bằng văn bản và nêu rõ lý do chưa cấp giấy phép.

2. Sở Công nghiệp không thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép cho các tổ chức sử dụng VLNCN trong khu vực nội thành và khu vực dân cư tập trung trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Điều 10. Thời hạn giấy phép sử dụng VLNCN

1. Đối với các đơn vị sử dụng VLNCN để phá dỡ, xây dựng công trình: thủy lợi, thủy điện, san gạt mặt bằng, giao thông, xây dựng phụ thuộc vào thời hạn thi công công trình, nhưng không quá 02 năm.

2. Đối với các đơn vị sử dụng VLNCN để hoạt động khoáng sản phụ thuộc vào thời gian được phép hoạt động khoáng sản, nhưng không quá 5 năm.

Chương 4:

THẨM QUYỀN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP

Điều 11. Trách nhiệm, quyền hạn của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội

Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về VLNCN trên địa bàn và ủy quyền cho Sở Công nghiệp:

1. Cấp mới, cấp lại, thu hồi giấy phép sử dụng VLNCN cho các đơn vị sử dụng VLNCN trên địa bàn đối với các đơn vị được quy định tại mục 1, điều 4.

2. Xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong quản lý, kinh doanh, vận chuyển và sử dụng VLNCN trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Điều 12. Trách nhiệm, quyền hạn của Sở Công nghiệp Hà Nội

Sở Công nghiệp Hà Nội là cơ quan chuyên môn giúp UBND Thành phố Hà Nội thực hiện chức năng quản lý nhà nước về VLNCN trên địa bàn có nhiệm vụ và quyền hạn sau:

1. Chủ trì và phối hợp với các sở, ban, ngành của Thành phố Hà Nội xây dựng trình UBND Thành phố Hà Nội ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quản lý sử dụng VLNCN trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

2. Tuyên truyền, phổ biến và kiểm tra việc chấp hành pháp luật về VLNCN đối với mọi tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến VLNCN trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

3. Chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong quản lý, kinh doanh, vận chuyển và sử dụng VLNCN trên địa bàn Thành phố.

4. Sở Công nghiệp Hà Nội tiếp nhận thẩm định hồ sơ, cấp mới, cấp lại, thu hồi giấy phép sử dụng VLNCN cho các đơn vị sử dụng VLNCN trên địa bàn được quy định tại mục 1, điều 4.

5. Đầu mối, phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền tổ chức huấn luyện, kiểm tra sát hạch và cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp.

6. Tiếp nhận việc đăng ký giấy phép hoạt động VLNCN và thẩm định phương án nổ mìn đối với tất cả các đơn vị có hoạt động liên quan đến VLNCN trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

7. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất kiểm tra việc thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường của các đơn vị sử dụng VLNCN.

8. Định kỳ sáu tháng, một năm lập báo cáo gửi UBND Thành phố, Bộ Công nghiệp về tình hình quản lý và sử dụng VLNCN trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Điều 13. Trách nhiệm, quyền hạn của Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội

1. Phối hợp cùng các ngành liên quan kiểm tra, thanh tra định kỳ kỹ thuật an toàn, bảo hộ lao động đối với các đơn vị kinh doanh, vận chuyển và sử dụng VLNCN trên địa bàn.

2. Phối hợp với Sở Công nghiệp và các cơ quan có thẩm quyền tổ chức huấn luyện, kiểm tra sát hạch kỹ thuật an toàn VLNCN và cấp giấy chứng nhận kỹ thuật an toàn VLNCN.

Điều 14. Trách nhiệm, quyền hạn của Công an Thành phố Hà Nội

1. Chủ trì, phối hợp với Sở Công nghiệp và các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm về an ninh, trật tự trong quản lý, kinh doanh, vận chuyển, bảo quản và sử dụng VLNCN trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

2. Cấp giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự, giấy phép vận chuyển VLNCN cho đơn vị có đủ điều kiện theo quy định hiện hành.

3. Giám sát các đơn vị kinh doanh, vận chuyển và sử dụng VLNCN về các điều kiện phòng cháy, chữa cháy, an ninh, trật tự.

4. Phối hợp với Sở Công nghiệp và các cơ quan có thẩm quyền tổ chức huấn luyện, kiểm tra sát hạch và cấp giấy chứng nhận kết quả huấn luyện phòng cháy chữa cháy cho người lao động trước khi tiếp xúc VLNCN.

Điều 15. Trách nhiệm, quyền hạn của Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất Hà Nội

1. Cấp giấy phép về môi trường cho các đơn vị có sử dụng VLNCN theo quy định của Luật bảo vệ môi trường và kiểm tra việc thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Điều 16. Các sở, ngành chuyên môn, UBND các huyện, xã, phường, thị trấn theo chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm

1. Chủ động phối hợp với Sở Công nghiệp và các cơ quan chức năng quản lý tình hình vận chuyển, bảo quản và sử dụng VLNCN trên địa bàn, kết hợp với việc bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh, trật tự nơi có hoạt động liên quan đến VLNCN.

2. Tuyên truyền, giáo dục việc thi hành pháp luật về VLNCN, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về VLNCN trên địa bàn.

Chương 5:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 17. Xử lý vi phạm

1. Nghiêm cấm các hoạt động sản xuất, nghiên cứu chế thử, kinh doanh cung ứng, trao đổi, chuyển nhượng, vay mượn, xuất khẩu, nhập khẩu, bảo quản, vận chuyển và sử dụng VLNCN trái với các quy định tại Nghị định số 27/CP ngày 20/4/1995; Nghị định số 47/CP ngày 12/8/1996; Nghị định số 64/2005/NĐ-CP ngày 16/5/2005; Thông tư số 02/2005/TT-BCN; Thông tư số 04/2006/TT-BCN ngày 27/4/2006 của Bộ Công nghiệp về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2005/TT-BCN ngày 29/3/2005 của Bộ Công nghiệp, các quy định tại Quy định này và các quy định khác của pháp luật về VLNCN.

2. Những hành vi sau đây được coi là vi phạm và sẽ bị xem xét, xử lý:

a. Không có giấy phép kinh doanh VLNCN mà tiến hành mua bán VLCN.

b. Sử dụng VLNCN mà không có giấy phép sử dụng VLNCN hoặc giấy phép sử dụng VLNCN đã hết hạn.

c. Sử dụng VLNCN khi không đủ các điều kiện quy định để gây ra sự cố tai nạn cho người, thiết bị, công trình và môi trường sinh thái.

d. Bố trí cán bộ, công nhân hoặc người làm công việc có liên quan tới VLNCN không có trình độ tương xứng với chức trách đảm nhiệm.

đ. Vận chuyển VLNCN trên các phương tiện không được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

e. Người được giao quản lý, thủ kho, bảo vệ, áp tải, điều khiển phương tiện vận tải, thi công nổ mìn hoặc làm các công việc có liên quan tới VLNCN không thực hiện đúng quy định làm thất thoát, cháy nổ gây thiệt hại về người và tài sản.

3. Tùy theo tính chất mức độ vi phạm của các tổ chức, cá nhân trong các hoạt động liên quan tới VLNCN mà xử phạt hành chính theo Nghị định 64/2005/NĐ-CP ngày 16/5/2005 của Chính phủ hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 18. Tổ chức thực hiện

Sở Công nghiệp chủ trì phối hợp với UBND Quận Huyện, các cơ quan chức năng tuyên truyền và tổ chức triển khai thực hiện tốt quy chế này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phí Thái Bình

 

CÁC VĂN BẢN CÓ LIÊN QUAN

1. Luật bảo vệ môi trường số: 52/2005/QH11 ngày 29/11/2005 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Nghị định số: 27/CP ngày 20 tháng 4 năm 1995 của Chính phủ về quản lý, sản xuất, cung ứng và sử dụng VLNCN.

3. Nghị định số: 47/CP ngày 12 tháng 8 năm 1996 của Chính phủ về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

4. Nghị định số: 08/2001/NĐ-CP ngày 22 tháng 02 năm 2001 của Chính phủ quy định về điều kiện an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

5. Nghị định số 64/2005/NĐ-CP ngày 16/5/2005 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý vật liệu nổ công nghiệp.

6. Nghị định 150/2005/NĐ-CP ngày 12/12/2005 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội.

7. Thông tư số: 02/2001/TT-BCA ngày 26 tháng 6 năm 2001 của Bộ Công an hướng dẫn thi hành Nghị định số: 08/2001/NĐ-CP ngày 22 tháng 02 năm 2001 của Chính phủ.

8. Thông tư số: 02/2005/TT-BCN ngày 29 tháng 3 năm 2005 của Bộ Công nghiệp hướng dẫn quản lý, sản xuất, kinh doanh cung ứng và sử dụng VLNCN.

9. Thông tư số: 04/2006/TT-BCN ngày 27 tháng 4 năm 2006 của Bộ Công nghiệp về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2005/TT-BCN ngày 29/3/2005 của Bộ Công nghiệp hướng dẫn quản lý, sản xuất, kinh doanh cung ứng và sử dụng VLNCN.