Quyết định số 166/2006/QĐ-UBND ngày 14/11/2006 Ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2006-2010 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 166/2006/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Ngày ban hành: 14-11-2006
- Ngày có hiệu lực: 24-11-2006
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 09-01-2012
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1872 ngày (5 năm 1 tháng 17 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 09-01-2012
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 166/2006/QĐ-UBND | Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 14 tháng 11 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ GIAI ĐOẠN 2006 - 2010
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí số 48/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 của Quốc hội khóa 11;
Căn cứ Quyết định số 25/2006/QĐ-TTg ngày 26 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2006 - 2010.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Thủ trưởng các sở - ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
ỦY BAN NHÂN DÂN
| CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ GIAI ĐOẠN 2006 - 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 166/2006/QĐ-UBND ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố)
Thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để triển khai thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và thực hiện Chương trình hành động số 13-CTR/TU ngày 20 tháng 10 năm 2006 của Thành ủy về về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2006 - 2010 như sau:
I. Kế hoạch thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được thực hiện theo các chương trình cụ thể gồm:
Chương trình 1:
THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ TRONG QUẢN LÝ, SỬ DỤNG KINH PHÍ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC; QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TRỤ SỞ LÀM VIỆC VÀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VỐN VÀ TÀI SẢN NHÀ NƯỚC TẠI DOANH NGHIỆP
1.1. Quản lý thu chi ngân sách:
- Ngành Thuế, Hải quan phải thực hiện công khai, dân chủ, công bằng trong việc ấn định mức thuế từ cơ sở nhằm chống tham nhũng và thất thu thuế.
- Sở Tài chính phối hợp các ngành có liên quan tiếp tục rà soát lại hệ thống định mức, tiêu chuẩn, chế độ còn thiếu hoặc không phù hợp báo cáo Bộ Tài chính hoặc trình Hội đồng nhân dân thành phố quyết định theo thẩm quyền để làm cơ sở thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
- Thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính trong các cơ quan hành chính Nhà nước theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2005 của Chính phủ. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cơ chế tự chủ tài chính gắn với tự chịu trách nhiệm theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ; đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa đối với các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao.
- Mua sắm trang thiết bị, tài sản cố định phải có dự toán được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Việc mua sắm phải thực hiện đấu thầu theo quy định tại Thông tư số 121/2000/TT-BTC ngày 29 tháng 12 năm 2000 của Bộ Tài chính. Việc mua sắm phương tiện đi lại thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính.
Đối với xe ô tô chuyên dùng phục vụ công tác đặc thù của ngành, căn cứ yêu cầu thực tế thật cần thiết và khả năng cân đối ngân sách quận - huyện, giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện báo cáo Hội đồng nhân dân quận - huyện xem xét quyết định.
- Thực hiện cơ chế thanh toán qua ngân hàng, kho bạc đối với việc mua sắm tài sản công, các khoản thu của hải quan, thu thuế doanh nghiệp; các khoản thu, chi ngân sách được thực hiện qua hệ thống thanh toán điện tử của Kho bạc Nhà nước.
- Bố trí ngân sách Nhà nước cho những nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm cần ưu tiên đã được cấp có thẩm quyền tuyển chọn, phê duyệt; không bố trí kinh phí cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ chưa đủ thủ tục, không ứng dụng được vào thực tế.
- Bảo đảm các điều kiện để thực hiện các chương trình mục tiêu theo đúng tiến độ quy định và có hiệu quả; tổ chức lồng ghép các chương trình có cùng tính chất, thực hiện trên cùng một địa bàn; giảm chi phí quản lý chương trình, chi phí trung gian, tập trung kinh phí chương trình cho đối tượng được thụ hưởng theo quy định.
- Thực hiện công khai việc sử dụng ngân sách Nhà nước và các nguồn tài chính được giao, công khai mua sắm phương tiện đi lại, công khai quản lý, sử dụng trụ sở làm việc trong cơ quan, đơn vị để tạo điều kiện kiểm tra, giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đưa công tác này thành nề nếp trong các cơ quan, đơn vị.
- Thanh tra thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải đưa thành nội dung kế hoạch thanh tra của các cấp, các ngành nhằm phát hiện và ngăn ngừa kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật. Kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định.
1.2. Quản lý, sử dụng đất đai, trụ sở làm việc:
- Các sở - ngành, Ủy ban nhân dân quận - huyện, trong phạm vi quản lý của mình thực hiện việc kiểm tra, rà soát diện tích đất đai, trụ sở làm việc đang quản lý để bố trí sử dụng hợp lý, đúng chế độ, tiêu chuẩn quy định đảm bảo tiết kiệm, chống lãng phí.
- Các cơ quan, đơn vị, tổ chức Nhà nước thực hiện rà soát diện tích sử dụng đất được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất để xác định giá trị quyền sử dụng đất tính vào giá trị tài sản của đơn vị theo quy định tại Nghị định số 13/2006/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, tổ chức có trách nhiệm bảo toàn quỹ đất được giao, bảo đảm sử dụng đất đúng mục đích và chịu trách nhiệm về việc quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật.
- Tiếp tục thực hiện Quyết định số 80/2001/QĐ-TTg ngày 24 tháng 5 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý, sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước của các cơ quan hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước; kiên quyết thu hồi diện tích nhà, đất bỏ trống, cho thuê, sử dụng không đúng mục đích được giao.
1.3. Quản lý vốn và tài sản Nhà nước trong doanh nghiệp:
- Kiểm soát chặt chẽ quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, ngăn chặn kịp thời tiêu cực, sai trái trong định giá, đấu giá tài sản của doanh nghiệp, xác định tỷ lệ giá trị tài sản của Nhà nước trong giá trị tài sản của doanh nghiệp cổ phần; công khai hóa việc mua bán cổ phần của doanh nghiệp được chuyển đổi. Kiên quyết không chuyển giao nhà, đất mà doanh nghiệp cho thuê, bỏ trống, sử dụng không hiệu quả khi thực hiện cổ phần hóa.
- Tổng Giám đốc, Giám đốc các Công ty Nhà nước phải thực hiện công khai theo đúng quy định của pháp luật về tài chính trong doanh nghiệp, công khai quản lý, sử dụng mặt bằng, nhà xưởng, mua sắm trang bị tài sản, phương tiện đi lại…
- Thực hiện chế độ kiểm toán bắt buộc đối với doanh nghiệp có vốn Nhà nước. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những người được giao quản lý các doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện các giao dịch kinh doanh với doanh nghiệp thuộc sở hữu của người thân.
1.4. Ban hành quy định thực hiện
Thông tư số 98/2006/TT-BTC ngày 20 tháng 10 năm 2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn về trách nhiệm bồi thường vật chất và xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức khi gây thiệt hại tiền của, tài sản của Nhà nước và nhân dân theo quy định của pháp luật.
Chương trình 2:
THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ TRONG ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ BẢN CÁC DỰ ÁN SỬ DỤNG NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC, TIỀN VÀ TÀI SẢN NHÀ NƯỚC
2.1. Lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch:
Việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chung; quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và quy hoạch xây dựng phải phù hợp với định hướng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, với khả năng của nền kinh tế và bảo đảm có hiệu quả. Quy hoạch, kế hoạch được duyệt phải công khai theo quy định của pháp luật.
2.2. Lập, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư:
- Việc lập, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; quy hoạch xây dựng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bảo đảm thực hiện đúng các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong xây dựng; phù hợp với khả năng bố trí nguồn vốn; đạt hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái.
- Tất cả các dự án đầu tư trước khi quyết định đầu tư đều phải xác định rõ nguồn vốn đầu tư, bảo đảm cân đối đủ nguồn vốn để thực hiện dự án đúng tiến độ. Bố trí vốn ngân sách theo nguyên tắc tập trung, tuyệt đối không bố trí dàn trải vốn đầu tư, gây nợ đọng khối lượng xây dựng.
2.3. Trong khảo sát, thiết kế xây dựng công trình:
- Việc khảo sát, thiết kế xây dựng công trình tuân thủ đúng quy trình, quy phạm khảo sát, thiết kế do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành.
- Việc thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng công trình phải theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành.
2.4. Lập, thẩm định, phê duyệt tổng dự toán, dự toán công trình:
Việc lập thẩm định, phê duyệt tổng dự toán, dự toán công trình phải căn cứ vào định mức, đơn giá, tiêu chuẩn xây dựng do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành và phù hợp với thiết kế xây dựng công trình đã phê duyệt. Tuyệt đối không có trường hợp điều chỉnh tổng dự toán công trình trái với quy định của pháp luật.
2.5. Lựa chọn nhà thầu, tổ chức tư vấn giám sát thực hiện dự án đầu tư:
Dự án đầu tư phải được thông báo công khai việc mời thầu trên các phương tiện thông tin đại chúng và tổ chức đấu thầu theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu để lựa chọn nhà thầu, tổ chức tư vấn giám sát.
2.6. Thực hiện dự án, đấu thầu, thi công công trình:
- Thực hiện nghiêm túc Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng trong quá trình triển khai dự án đầu tư và thi công công trình.
- Dự án đầu tư chỉ được thực hiện, công trình chỉ được thi công khi dự án đầu tư đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm đủ nguồn vốn theo tiến độ. Đình chỉ hoặc hủy bỏ các dự án đầu tư được duyệt không nằm trong quy hoạch, không bảo đảm các điều kiện quy định, không đúng quy trình, thủ tục đầu tư.
- Việc giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án đầu tư xây dựng phải đảm bảo tiến độ thực hiện dự án. Việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng phải công khai, khách quan, công bằng và theo quy định của pháp luật.
- Việc thi công công trình tuân thủ đúng thiết kế, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng; đúng tiến độ thi công đã được phê duyệt. Tất cả các chủ đầu tư, chủ dự án phải chịu trách nhiệm kiểm tra, yêu cầu nhà thầu thực hiện đúng thời gian thi công, thi công đúng thiết kế, sử dụng đúng nguyên liệu, vật liệu theo đúng tiêu chuẩn chất lượng, yêu cầu kỹ thuật, bảo đảm chất lượng công trình và tiến độ thi công.
- Tổ chức tư vấn giám sát thi công công trình có trách nhiệm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết với chủ đầu tư, chủ dự án; phát hiện và ngăn chặn kịp thời hành vi tiêu cực, gây lãng phí trong quá trình thi công. Đảm bảo chất lượng công trình; ngăn chặn thông đồng giữa tổ chức tư vấn giám sát thi công công trình với chủ đầu tư, chủ dự án và nhà thầu để thu lợi bất chính.
- Ngăn chặn tình trạng người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn và nhà thầu cùng một cơ quan, đơn vị để chống tình trạng khép kín trong đầu tư xây dựng.
- Bố trí cán bộ có năng lực, phẩm chất làm nhiệm vụ quản lý dự án.
2.7. Cấp, thanh toán, quyết toán vốn cho dự án đầu tư:
- Đảm bảo cấp vốn cho dự án đúng tiến độ, trong phạm vi tổng dự toán, dự toán công trình hoặc giá trúng thầu đã được duyệt; việc thanh toán vốn đầu tư theo đúng khối lượng hoàn thành được nghiệm thu; việc kiểm tra, giám sát sử dụng vốn và thẩm tra quyết toán công trình phải đúng quy định về quản lý vốn đầu tư. Không ứng trước vốn từ ngân sách Nhà nước cho dự án chưa được phê duyệt.
- Đối với dự án đầu tư đã được phê duyệt và bố trí vốn, nhưng chậm khởi công xây dựng, thực hiện điều chuyển vốn cho dự án đầu tư khác theo quy định hiện hành.
2.8. Bố trí nguồn vốn thực hiện dự án đầu tư:
- Việc bố trí nguồn vốn thực hiện dự án đầu tư phải phù hợp với danh mục dự án đầu tư được duyệt, tính chất, quy mô, tiến độ, yêu cầu của dự án đầu tư và khả năng của ngân sách Nhà nước. Vốn ngân sách Nhà nước được sử dụng để tập trung đầu tư cho các dự án phát triển hạ tầng và dự án khác không vì mục tiêu lợi nhuận.
- Có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ, nhằm ngăn chặn việc chuyển nguồn vốn vay trong dự án đầu tư thành nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp, trừ trường hợp có nguyên nhân khách quan được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Chương trình 3:
THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ TRONG QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NHÀ CÔNG VỤ
- Nhà công vụ chỉ được sử dụng cho cán bộ, công chức thuê để ở và sinh hoạt theo đúng đối tượng, tiêu chuẩn và diện tích theo quy định trong thời gian công tác tại thành phố Hồ Chí Minh theo sự phân cấp quản lý của thành phố; không được sử dụng cho mục đích khác, không được chuyển thành tài sản của doanh nghiệp, tổ chức hoặc sở hữu cá nhân.
- Cơ quan quản lý nhà công vụ phải thường xuyên kiểm tra về tình trạng sử dụng và việc chấp hành nội quy sử dụng nhà công vụ. Trường hợp không còn đủ điều kiện sử dụng nhà công vụ như: chuyển công tác, sử dụng không đúng mục đích, tự ý sang nhượng hoặc chiếm dụng thì cơ quan quản lý nhà công vụ chịu trách nhiệm xử lý theo quy định.
- Đối với tổ chức, cá nhân bố trí, quản lý, sử dụng nhà công vụ không đúng quy định, phải được xử lý trách nhiệm hành chính; nếu làm thất thoát tài sản Nhà nước, thì tùy theo mức độ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.
Chương trình 4:
THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ TRONG QUẢN LÝ, SỬ DỤNG CÁC CÔNG TRÌNH PHÚC LỢI CÔNG CỘNG
- Cơ quan, tổ chức được giao quản lý, sử dụng công trình phúc lợi công cộng (công viên, cầu, đường, vệ sinh môi trường,...) phải có kế hoạch bảo quản, khai thác, tu bổ và sử dụng có hiệu quả.
- Mở rộng thực hiện cơ chế khoán chi, đấu thầu công tác vệ sinh môi trường, chăm sóc cây xanh, duy tu giao thông, công tác quét thu gom, vận chuyển, xử lý rác.
- Năm 2007, thực hiện đấu thầu vận chuyển hành khách công cộng để nâng cao chất lượng dịch vụ công, tiết kiệm chi phí, giảm trợ giá.
- Năm 2007, triển khai thực hiện đề án: Tổ chức và cá nhân tham gia chi trả phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác, nhằm nâng cao ý thức cộng đồng bảo vệ môi trường, thu hút mạnh nguồn vốn trong xã hội để giảm một phần chi từ ngân sách.
Chương trình 5:
THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ TRONG KHAI THÁC VÀ SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN
- Sở Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân quận - huyện thường xuyên kiểm tra các quy hoạch sử dụng đất để đề xuất điều chỉnh hoặc bãi bỏ các quy hoạch không còn phù hợp; kiểm tra việc công khai minh bạch trong công tác quy hoạch sử dụng đất; lập kế hoạch điều chỉnh các quy hoạch không phù hợp gây hạn chế trong việc phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Kiên quyết xử lý, thu hồi các trường hợp được giao đất nhưng không sử dụng đúng mục đích, đúng thời hạn.
- Hoàn thành quy hoạch để làm cơ sở quản lý, khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên: nước, khoáng sản, rừng và các nguồn tài nguyên khác trên địa bàn thành phố, chấm dứt tình trạng khai thác trái phép các nguồn tài nguyên, khoáng sản, gây lãng phí, thất thoát và ảnh hưởng đến môi trường.
- Sở Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân quận - huyện tăng cường kiểm tra phát hiện, chịu trách nhiệm xử lý kịp thời mọi hành vi vi phạm về quản lý, khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên, khoáng sản theo quy định của pháp luật.
- Đối với quỹ đất dành cho các dự án kinh doanh hạ tầng đô thị, trung tâm thương mại, nhà ở, các cơ sở dịch vụ có vị trí kinh doanh thuận lợi phải thực hiện cơ chế đấu thầu công khai.
Chương trình 6:
THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ TRONG ĐÀO TẠO, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG LAO ĐỘNG VÀ THỜI GIAN LAO ĐỘNG TRONG KHU VỰC NHÀ NƯỚC
6.1. Về công tác đào tạo, bồi dưỡng:
Từ nay đến năm 2010, để thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, các cấp, các ngành từ thành phố đến cơ sở cần xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, dài hạn phù hợp với từng thời kỳ phát triển của đất nước một cách khoa học dựa trên các yếu tố như: đối tượng đào tạo, loại hình đào tạo, thời gian, sự cần thiết phải đào tạo. Trong đó cần chú ý các nội dung sau:
- Đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh: trên cơ sở quy hoạch cán bộ, công chức 5 năm và hàng năm, các cơ quan, đơn vị cần xác định các chức danh, số lượng và khối lượng từng chức danh cần được đào tạo, bồi dưỡng. Từ đó, xác định nội dung cần đào tạo, bồi dưỡng một cách thiết thực, hàng năm đơn vị có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng những kiến thức cần thiết đối với các chức danh đó, nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức. Hạn chế việc đào tạo dàn trải không rõ mục đích, gây lãng phí thời gian, công sức, tiền của.
Ngoài ra các đơn vị cần thực hiện tốt công tác quy hoạch các chức danh thuộc diện cán bộ chủ chốt để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn sẵn sàng đáp ứng việc bổ nhiệm khi có nhu cầu.
- Từng bước khắc phục và đi đến chấm dứt tình trạng trùng lắp các chương trình trong công tác đào tạo, bồi dưỡng.
Để tiết kiệm công sức, thời gian, chi phí cho Nhà nước và người học, các trường và cơ sở đào tạo thuộc thành phố cần nghiên cứu xây dựng nội dung chương trình các lớp học (lớp bồi dưỡng, trung cấp, cử nhân…) sao cho nội dung không trùng lắp, rút ngắn thời gian học, không dạy lại những nội dung mà người học đã được học ở trình độ tương đương, chú trọng hơn việc liên hệ với thực tiễn, giải quyết tình huống bởi đối tượng đào tạo đa số là những cán bộ, công chức đã được đào tạo ở bậc Đại học, có lý luận và kinh nghiệm thực tiễn (Ví dụ: người đã tốt nghiệp Đại học chỉ cần học thêm môn xây dựng Đảng được công nhận trình độ trung cấp chính trị khi xét bổ nhiệm).
- Đổi mới việc đánh giá chất lượng đào tạo: Sau khi được đào tạo, bồi dưỡng, ngoài chứng chỉ, văn bằng được cấp, hàng năm cơ sở đào tạo cần phối hợp với đơn vị sử dụng cán bộ, công chức tổ chức khảo sát đánh giá kết quả và hiệu suất làm việc của cán bộ, công chức với các tiêu chí thích hợp. Kết quả và hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức là thước đo chính của kết quả đào tạo.
6.2. Quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động trong khu vực Nhà nước:
- Xác định công việc các chức danh:
+ Để đảm bảo bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả, đơn vị quản lý và sử dụng cán bộ, công chức cần xác định rõ các công việc mà cán bộ, công chức phải làm; khối lượng công việc phải hoàn thành; khả năng hoàn thành, đó là cơ sở quan trọng để đánh giá năng lực cán bộ, công chức.
+ Xây dựng mô hình tổ chức, quản lý, phân công công việc, bố trí sắp xếp nhân sự, xác định lại các chức danh cần thiết, qua đó có kế hoạch đào tạo, tuyển dụng, luân chuyển, bố trí cán bộ, công chức phù hợp với năng lực sở trường, qua đó tạo điều kiện cho cán bộ, công chức phát huy hết khả năng chuyên môn, hạn chế tình trạng bố trí trái ngành nghề vừa lãng phí vừa tốn kém chi phí đào tạo lại.
- Giảm thời gian hội họp:
+ Cơ quan được chủ trì nghiên cứu đề xuất một đề án, một chủ trương, một công việc phải chủ động chuẩn bị và lấy ý kiến các cơ quan liên quan. Nội dung Tờ trình ghi rõ điểm nào còn ý kiến khác nhau. Khi cần thiết tổ chức cuộc họp chỉ bàn những vấn đề có ý kiến khác nhau, không trình bày lại toàn bộ nội dung. Chánh văn phòng các cơ quan, đơn vị chỉ xếp lịch họp khi việc chuẩn bị đạt yêu cầu.
+ Phát huy vai trò, trách nhiệm cá nhân của người lãnh đạo tại các cơ quan, đơn vị theo chức năng, thẩm quyền đã được quy định, những công việc không thuộc trách nhiệm tập thể thì không nhất thiết họp (trừ những trường hợp đặc biệt cần thiết).
- Phân cấp công tác tuyển dụng công chức:
Thực hiện phân cấp công tác tuyển dụng công chức cho các đơn vị có nhu cầu cần sử dụng công chức, song phải được công khai tiêu chuẩn, chức danh cần tuyển để bảo đảm tính công khai minh bạch, cạnh tranh, công bằng trong tuyển dụng. Sở Nội vụ thành phố chỉ xem xét, bổ nhiệm vào ngạch, bậc cho công chức khi hết thời gian tập sự hoặc dự bị, trên cơ sở đề xuất của đơn vị sử dụng công chức. Mở rộng việc thi tuyển công chức từ thành phố đến cơ sở.
Chương trình 7:
CHỐNG LÃNG PHÍ VÀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM TRONG TIÊU DÙNG CỦA NHÂN DÂN
- Sở Văn hóa và Thông tin chủ trì phối hợp với các ngành chức năng liên quan xây dựng mô hình mẫu về tổ chức lễ hội, đám cưới, đám tang và các hoạt động văn hóa khác, đảm bảo triệt để tiết kiệm, lành mạnh, văn minh và giữ gìn thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa dân tộc để vận động nhân dân thực hiện, tạo dư luận xã hội hưởng ứng các mô hình mẫu; phê phán các hiện tượng xa hoa, lãng phí trái với thuần phong mỹ tục; hướng dẫn các quận - huyện, phường - xã, thị trấn vận động nhân dân thực hiện các quy chế, quy ước về tổ chức lễ hội, đám cưới, đám tang và các hoạt động văn hóa khác; theo dõi và chỉ đạo thực hiện thông qua hệ thống Ban Chỉ đạo phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở các cấp.
- Cán bộ, công chức Nhà nước phải gương mẫu thực hiện những mô hình mẫu quy chế, quy ước về tổ chức lễ hội, đám cưới, đám tang và những hoạt động văn hóa khác đã hướng dẫn và vận động nhân dân cùng thực hiện, tạo phong trào sâu rộng trong toàn thành phố.
- Các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp thuộc thành phố cần tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong đảng viên, cán bộ, công nhân viên và quần chúng nhân dân tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 27/CT-TW của Bộ Chính trị Trung ương Đảng về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Phát huy vai trò của cơ quan, đơn vị, của địa phương nơi cán bộ, công chức, đảng viên cư trú trong việc giám sát “Cán bộ, công chức, đảng viên thực hiện văn minh trong việc cưới”. Đồng thời lồng ghép những nội dung này vào các tiêu chuẩn khi xem xét, đánh giá, bình chọn các danh hiệu văn hóa như: Gia đình văn hóa, ấp - khu phố văn hóa, đơn vị văn hóa, công sở văn minh - sạch đẹp - an toàn, phường - xã, thị trấn văn hóa của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở.
- Các cơ quan thông tin tuyên truyền đại chúng như báo, đài đẩy mạnh việc định hướng dư luận, xây dựng ý thức chấp hành và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cán bộ, công chức, Đảng viên và quần chúng nhân dân, thông qua các bài báo, tin phóng sự nêu gương điển hình tiêu biểu và mạnh dạn phê phán các hiện tượng lãng phí tiền bạc, thời gian, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Thông qua cơ quan ngôn luận, báo, đài nhân rộng các mô hình văn minh tiết kiệm trong việc tang, việc cưới và lễ hội, mô hình biến lễ tang đau thương thành hoạt động xã hội từ thiện, vận động từ việc tang đóng góp ủng hộ cho người nghèo và hoạt động xã hội từ thiện khác.
II. Tổ chức thực hiện:
1. Giao trách nhiệm Thủ trưởng các sở - ngành sau đây triển khai cụ thể từng Chương trình để Ủy ban nhân dân thành phố ban hành từ nay đến tháng 12 năm 2006:
- Sở Tài chính trực tiếp triển khai Chương trình 1 và là cơ quan tổng hợp Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo nội dung chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt của Ủy ban nhân dân thành phố.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư trực tiếp triển khai Chương trình 2.
- Sở Xây dựng trực tiếp triển khai Chương trình 3.
- Sở Giao thông - Công chính trực tiếp triển khai Chương trình 4; riêng nội dung khoán, đấu thầu công tác vệ sinh môi trường do Sở Tài nguyên và Môi trường trực tiếp triển khai.
- Sở Tài nguyên và Môi trường trực tiếp triển khai Chương trình 5.
- Sở Nội vụ và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trực tiếp triển khai Chương trình 6.
- Sở Văn hóa và Thông tin trực tiếp triển khai Chương trình 7.
2. Yêu cầu:
Thủ trưởng các sở - ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước và Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và kế hoạch nêu trên xây dựng chương trình kế hoạch hành động cụ thể thực hiện ở cơ quan, đơn vị mình từ năm 2006 đến năm 2010 và hướng dẫn các đơn vị cơ sở triển khai kế hoạch thực hiện tại từng đơn vị cơ sở và định kỳ 06 tháng, năm, các đơn vị được giao nhiệm vụ triển khai 07 Chương trình nêu trên có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện cho Ủy ban nhân dân thành phố và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng và lãng phí thành phố để báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương và Chính phủ theo quy định (đồng gửi 01 bản cho Sở Tài chính để giúp Ủy ban nhân dân thành phố tổng hợp theo dõi thực hiện Kế hoạch này)./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |