Quyết định số 245/2006/QĐ-UBND ngày 10/11/2006 Phê duyệt Đề án phát triển xã hội hoá thể dục thể thao tỉnh Bình Dương đến năm 2010 (Tình trạng hiệu lực không xác định)
- Số hiệu văn bản: 245/2006/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Bình Dương
- Ngày ban hành: 10-11-2006
- Ngày có hiệu lực: 20-11-2006
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 19-01-2022
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 5539 ngày (15 năm 2 tháng 4 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 19-01-2022
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 245/2006/QĐ-UBND | Thủ Dầu Một, ngày 10 tháng 11 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
V/V PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN XÃ HỘI HOÁ THỂ DỤC THỂ THAO TỈNH BÌNH DƯƠNG ĐẾN NĂM 2010
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/04/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục thể thao; Nghị định số 53/2006/NĐ-CP ngày 25/5/2006 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập; Quyết định số 1336/QĐ-UBTDTT ngày 30/6/2005 của Uỷ ban Thể dục Thể thao về phê duyệt đề án “Phát triển xã hội hoá thể dục thể thao đến năm 2010”;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Thể dục Thể thao tỉnh Bình Dương tại Tờ trình số 35/TTr-TDTT ngày 10/10/2006 về việc phê duyệt Đề án phát triển xã hội hoá TDTT tỉnh Bình Dương đến năm 2010,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Phát triển xã hội hoá thể dục thể thao đến năm 2010” của tỉnh Bình Dương bao gồm những nội dung như sau:
1. Quan điểm về xã hội hoá thể dục thể thao:
a) Xã hội hoá là đa dạng các chủ thể tham gia hoạt động nhằm huy động rộng rãi tiềm năng vào nguồn lực của mọi thành phần kinh tế, xã hội nhằm phát triển sự nghiệp thể dục thể thao. Nhà nước tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong quá trình xã hội hoá và tiếp tục tăng cường đầu tư trong các hoạt động thể dục thể thao nhưng thay đổi cơ cấu đầu tư theo hướng hiệu quả hơn, có cơ chế hợp lý để khuyến khích sự đóng góp của xã hội cả về tài chính lẫn vật chất và trí tuệ.
b) Xã hội hoá thể dục thể thao là tạo điều kiện để mọi người dân được luyện tập và được thụ hưởng các thành quả thể dục thể thao ngày càng cao. Xã hội hoá là phương thức nhằm thực hiện công bằng xã hội trong lĩnh vực thể dục thể thao, Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp của cá nhân, đơn vị tham gia hoạt động thể dục thể thao thuộc các thành phần kinh tế, các lực lượng xã hội.
c) Xã hội hoá là quá trình chuyển đổi phương thức quản lý, chuyển một phần công việc của Nhà nước cho người dân vào các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội thực hiện nhưng Nhà nước không giảm trách nhiệm, không giảm ngân sách cho các hoạt động thể dục thể thao.
2. Các giải pháp chính để đẩy mạnh xã hội hoá thể dục thể thao
a) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về xã hội hoá thể dục thể thao.
- Sở Thể dục Thể thao phối hợp với các cấp uỷ Đảng, Chính quyền và các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, quan điểm, mục tiêu và nội dung thực hiện xã hội hoá thể dục thể thao của tỉnh đến nhân dân và cán bộ công chức ngành thể dục thể thao tỉnh.
- Phổ biến, giới thiệu, học tập những kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình điểm trong quá trình thực hiện xã hội hoá hoạt động thể dục thể thao.
b) Tăng cường quản lý Nhà nước và đổi mới cơ chế quản lý để phù hợp với xu thế xã hội hoá:
- Sở Thể dục Thể thao điều chỉnh bổ sung quy hoạch ngành, các đề án, kế hoạch, tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh chế độ chính sách liên quan đến thể dục thể thao; đồng thời kiểm tra giám sát việc triển khai thực hiện. Chuyển giao các hoạt động tác nghiệp cho đơn vị sự nghiệp, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về thể dục thể thao và các cơ sở ngoài công lập thực hiện trên cơ sở tuân thủ theo quy định quản lý hiện hành của Nhà nước.
- Đẩy mạnh cải cách hành chánh để nâng cao hiệu quả quản lý ngành từ tỉnh đến cơ sở. Phân cấp, quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, phạm vi giải quyết công việc của từng cấp, tách các đơn vị sự nghiệp ra khỏi khối quản lý Nhà nước để tránh tình trạng chồng chéo chức năng.
- Phân loại các đơn vị, các cơ sở thể dục thể thao công lập có điều kiện để chuyển đổi thành đơn vị sự nghiệp có thu hoặc cổ phần hoá, chuyển sang mô hình ngoài công lập.
- Xây dựng cơ chế hợp đồng trách nhiệm, giao kế hoạch và khoán kinh phí cho tổ chức xã hội thực hiện nhiệm vụ phát triển từng môn thể thao.
- Tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân đăng ký hoạt động, đăng ký hành nghề trong lĩnh vực dịch vụ thể dục thể thao.
- Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ quản lý của ngành để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Nâng cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ công chức.
- Kiện toàn bộ phận thanh tra chuyên ngành để thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật tại các cơ sở thể dục thể thao (công lập và ngoài công lập). Kiểm tra tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên môn của các cơ sở thể dục thể thao; chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm và khen thưởng đối với những cơ sở thực hiện tốt. Kiểm tra việc sử dụng cơ sở vật chất và đất dành cho hoạt động thể dục thể thao ở các địa phương; kiên quyết ngăn chặn, đề xuất xử lý việc lấn chiếm hoặc sử dụng sai mục đích đối với đất đai, công trình thể dục thể thao.
- Uỷ ban nhân dân các cấp, cơ quan tham mưu quản lý Nhà nước về thể dục thể thao công khai quy hoạch xây dựng các công trình thể dục thể thao và các điều kiện, chính sách để khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phục vụ phát triển thể dục thể thao trên nguyên tắc bình đẳng trong đầu tư giữa các thành phần kinh tế và đảm bảo tối đa lợi ích công cộng.
3. Mục tiêu xã hội hoá thể dục thể thao của tỉnh đến năm 2010
a) Một số chỉ tiêu cơ bản đến năm 2010
- Phấn đấu đạt trên 23% dân số tập luyện thể dục thể thao thường xuyên và gia đình thể thao đạt trên 16%.
- Các cơ sở thể dục thể thao ngoài công lập và các lực lượng tham gia vào quá trình xã hội hoá đảm bảo đáp ứng từ 30% - 50% nhu cầu dịch vụ thể dục thể thao tuỳ theo từng loại hình, huy động vốn từ xã hội đạt 40% tổng mức đầu tư cho toàn bộ hoạt động thể dục thể thao.
- Chuyển đổi một số cơ sở công lập hiện do Nhà nước quản lý thành các đơn vị sự nghiệp có thu. Thực hiện thí điểm cổ phần hóa hoặc giao khoán cho các tổ chức xã hội, tư nhân quản lý một số cơ sở thể thao công lập.
- Phấn đấu có 80% bộ môn thành lập Liên đoàn, Hội hoặc Ban chuyên môn cấp tỉnh.
b) Thể dục, thể thao quần chúng:
- Đa dạng hoá hình thức tổ chức, hoạt động phong trào và các loại hình tập luyện phù hợp với điều kiện từng nơi, từng đối tượng, thu hút sự tham gia đông đảo của quần chúng.
- Phát triển các môn thể dục thể thao hiện đại song song với việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy các môn thể thao truyền thống dân tộc.
- Tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng dân cư thành lập các câu lạc bộ sức khỏe, các đội thể thao trong cộng đồng dân cư… từng địa phương lấy chỉ tiêu số Câu lạc bộ, số cơ sở dịch vụ thể thao năm 2006 của địa phương làm chuẩn, để phấn đấu mỗi năm tăng số lượng Câu lạc bộ, cơ sở dịch vụ từ 10% - 15% (trong giai đoạn 2006 – 2010).
- Tiếp tục tăng cường các hoạt động liên tịch để đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao trong các đối tượng quần chúng.
- Nhân rộng mô hình lớp năng khiếu thể thao, hình thành các Câu lạc bộ thể thao trong trường học các cấp. Phấn đấu 100% số trường đảm bảo giảng dạy thể dục nội khóa theo chương trình quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có 60% số trường tổ chức cho học sinh tập luyện thể thao ngoại khóa.
- 50 - 60% người cao tuổi, 35 - 40% người khuyết tật tham gia tập luyện thường xuyên.
- Phấn đấu đạt từ 80 – 90% cán bộ, huấn luyện viên, hướng dẫn viên, cộng tác viên, trọng tài thể thao cơ sở được bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ, chuyên môn.
- Sở Thể dục Thể thao kết hợp với Đài Phát thanh Truyền hình Bình Dương, Báo Bình Dương thực hiện các chuyên mục phổ biến, hướng dẫn luyện tập thể dục thể thao phổ thông cho quần chúng nhân dân.
- Tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” coi đây là nhiệm vụ quan trọng để phát triển sự nghiệp thể dục thể thao quần chúng và đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động thể dục thể thao.
c) Thể thao thành tích cao:
- Khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập Câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp, các đơn vị doanh nghiệp tài trợ và quản lý trực tiếp các Câu lạc bộ, đội tuyển thể thao. Xem xét chuyển thêm một số đội tuyển thể thao cho các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đầu tư và quản lý theo phương châm xã hội hoá. Cổ phần hoá một số câu lạc bộ thể thao có đủ điều kiện.
- Đổi mới việc tổ chức các giải thể thao theo hướng chuyển sang các Liên đoàn, Hội thể thao cấp tỉnh tổ chức giải. Sở Thể dục Thể thao thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đồng thời tập trung chỉ đạo đầu tư xây dựng hệ thống đào tạo huấn luyện, quản lý kế hoạch đào tạo, giao kế hoạch chỉ tiêu đào tạo, chỉ tiêu thành tích cho các Liên đoàn, Hội.
- Tiếp tục vận động các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế xã hội, tư nhân trong và ngoài tỉnh tài trợ tổ chức các giải thể thao của tỉnh và quốc tế do tỉnh đăng cai tổ chức.
- Khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào các hoạt động đào tạo vận động viên, mở Trung tâm đào tạo tài năng thể thao theo mô hình dân lập, bán công.
- Tham dự các lớp tập huấn theo chương trình hợp tác quốc tế về thể thao của tỉnh, của Uỷ ban Thể dục Thể thao Việt Nam để tiếp thu những kỹ thuật chuyên môn mới, tiếp cận phương pháp huấn luyện hiện đại, trao đổi chuyên gia, đào tạo cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên, trọng tài thể thao và những vấn đề khác có liên quan đến thể dục thể thao…
- Khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập, tài trợ, ủng hộ Quỹ hỗ trợ phát triển tài năng thể thao, Quỹ hỗ trợ vận động viên, Quỹ phát triển phong trào thể thao (từng môn)... Vận động thành lập các Câu lạc bộ cổ động viên, Câu lạc bộ những người hâm mộ thể thao.
d) Đổi mới phương thức hoạt động ở các đơn vị thể thao công lập:
- Tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức, chuyên môn hoá đơn vị sự nghiệp, đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước về thể dục thể thao từ tỉnh đến cơ sở.
- Tạo cơ chế linh hoạt, mở rộng khả năng tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp thể dục thể thao. Đa dạng hoá hình thức hoạt động, lấy thu bù chi tiến tới tự chủ một phần về tài chính.
- Đơn vị sự nghiệp thể thao (Trung tâm thể dục thể thao, Sân vận động, Nhà thi đấu, Trường năng khiếu...) phải được sử dụng và khai thác tối đa hiệu quả các công trình cơ sở vật chất đã đầu tư. Sân vận động, nhà thi đấu tỉnh, huyện, thị phải là nơi thường xuyên tổ chức các hoạt động để phục vụ nhu cầu hưởng thụ của nhân dân.
- Đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực đào tạo: Trường Năng khiếu thể thao tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức, đầu tư trang thiết bị, trang bị phương tiện dụng cụ, xây dựng cơ sở vật chất luyện tập, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, huấn luyện viên và hiệu quả đào tạo đảm bảo đáp ứng việc cung cấp lực lượng vận động viên kế thừa của tỉnh.
đ) Đối với các cơ sở thể thao ngoài công lập:
- Tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các cơ sở thể thao như: Trung tâm đào tạo thể thao, câu lạc bộ thể thao…
- Thực hiện các quy định về thành lập, hoạt động, xử lý vi phạm, giải thể ... đối với các cơ sở thể thao ngoài công lập theo thẩm quyền của các cơ quan chức năng và quy định của pháp luật.
- Thực hiện quản lý Nhà nước đối với các cơ sở thể thao ngoài công lập theo phạm vi, chức năng, nhiệm vụ và phân cấp. Sở Thể dục Thể thao tỉnh tham mưu cho Uỷ ban nhân dân các cấp quản lý hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.
- Khuyến khích liên doanh, liên kết giữa các thành phần kinh tế với các đơn vị công lập để khai thác, sử dụng hiệu quả hệ thống cơ sở vật chất thể dục thể thao. Thí điểm hình thức giao khoán quyền sử dụng các công trình, tài sản của Nhà nước cho các cơ sở ngoài công lập khai thác có thời hạn.
- Cơ quan quản lý Nhà nước về thể thao hỗ trợ việc đào tạo nghiệp vụ chuyên môn, giới thiệu công nghệ, trang bị kiến thức kỹ thuật, tuyên truyền pháp luật, chính sách quy định đối với cơ sở thể dục thể thao ngoài công lập.
- Bình đẳng trong việc tổ chức, tham gia các hoạt động giữa các đơn vị công lập, ngoài công lập.
e) Đối với tổ chức xã hội - nghề nghiệp về thể thao
- Thành lập Liên đoàn, Hội thể thao đối với những bộ môn có đủ điều kiện còn lại. Phấn đấu đến năm 2010 có 80% bộ môn có Liên đoàn, Hội thể thao cấp tỉnh.
- Phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý Nhà nước với tổ chức xã hội - nghề nghiệp về thể thao. Định kỳ họp giao ban, sơ tổng kết với các tổ chức Liên đoàn, Hội thể thao tỉnh, thông qua đó triển khai các phương hướng nhiệm vụ của ngành.
4. Tiến độ thực hiện:
a) Giai đoạn 2006-2007:
Phổ biến, triển khai Đề án phát triển xã hội hóa hoạt động thể dục thể thao của tỉnh. Hướng dẫn các huyện – thị xã xây dựng đề án, kế hoạch triển khai xã hội hóa hoạt động thể dục thể thao đến năm 2010. Cuối năm 2007 tổ chức Hội nghị sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm.
b) Giai đoạn 2008 – 2010:
- Tiếp tục triển khai các chủ trương, chính sách khuyến khích và Đề án phát triển xã hội hóa thể dục thể thao đến năm 2010.
- Nhân rộng các điển hình về xã hội hóa, phấn đấu đạt 100% các chỉ tiêu đề ra.
- Tổng kết, đánh giá kết quả triển khai của 2 giai đoạn, rút kinh nghiệm, điều chỉnh bổ sung và xây dựng đề án xã hội hóa thể dục thể thao giai đoạn tiếp theo.
Điều 2. Sở Thể dục Thể thao có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành liên quan, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện Đề án đạt mục tiêu đề ra.
Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã và Thủ trưởng các cơ quan đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |