cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 08/2006/CT-UBND ngày 26/04/2006 Về tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng ô tô trên địa bàn tỉnh Phú Thọ (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 08/2006/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Phú Thọ
  • Ngày ban hành: 26-04-2006
  • Ngày có hiệu lực: 06-05-2006
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 17-04-2014
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2903 ngày (7 năm 11 tháng 18 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 17-04-2014
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 17-04-2014, Chỉ thị số 08/2006/CT-UBND ngày 26/04/2006 Về tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng ô tô trên địa bàn tỉnh Phú Thọ (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 831/QĐ-UBND ngày 17/04/2014 Công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ đầu đến ngày 31/12/2013 do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ ban hành”. Xem thêm Lược đồ.

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/2006/CT-UBND

Việt Trì, ngày 26 tháng 4 năm 2006

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH VẬN TẢI KHÁCH BẰNG Ô TÔ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thực hiện Luật Giao thông đường bộ và Nghị định số 92/2001/NĐ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2001 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô: trong thời gian qua hoạt động vận tải đường bộ nói chung, kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô nói riêng đã có những biến chuyển tích cực. Các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải khách đã cơ bản chấp hành đúng các quy định về kinh doanh vận tải bằng ô tô, từng bước nâng cao chất lượng phục vụ khách, đáp ứng kịp thời nhu cầu đi lại trong nhân dân.

Tuy nhiên, còn một số doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải khách chưa đủ điều kiện kinh doanh nhưng vẫn hoạt động, không chấp hành các nghĩa vụ về thuế khi kinh doanh vận tải; xe không sang tên đổi chủ; không đăng ký đúng ngành nghề kinh doanh vận tải; xe ô tô không ghi tên tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải bên ngoài của xe; xe quá niên hạn vẫn đưa sử dụng… Một số doanh nghiệp đã được cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh vận tải nhưng không chấp hành đúng các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn xe ô tô, người lái xe taxi, … đã gây mất trật tự an toàn trong kinh doanh vận tải.

Nguyên nhân của những tồn tại trên là ý thức chấp hành các quy định pháp luật về kinh doanh vận tải bằng ô tô của các tổ chức, cá nhân chưa cao; công tác quản lý Nhà nước về vận tải và trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh chưa chặt chẽ, chưa đầy đủ theo chức năng quy định; các lực lượng kiểm tra, kiểm soát chưa phối hợp hoạt động thường xuyên và xử lý chưa nghiêm đối với hành vi vi phạm.

Nhằm phát huy kết quả đạt được, khắc phục tồn tại, nhanh chóng lập lại trật tự, kỷ cương và tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về kinh doanh vận tải khách bằng ô tô, góp phần phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn; UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành trong tỉnh thực hiện nghiêm túc các nội dung sau:

1. Quán triệt, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung Luật Giao thông đường bộ, Nghị định số 92/2001/NĐ-CP ngày 11/12/2006 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, Quyết định số 4126/2001/QĐ-BGTVT ngày 05/12/2001 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành "Quy định vận tải bằng taxi", Quyết định số 09/2005/QĐ-BGTVT ngày 10/01/2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành " Quy định vận tải hành khách bằng ô tô theo tuyến cố định và vận tải khách bằng ô tô theo hợp đồng".

2. Các cơ quan thông tấn, báo chí, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Phú Thọ, Đài truyền thanh của các địa phương đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao ý thức chấp hành của tổ chức, công dân và tổ chức thực hiện của các cơ quan quản lý Nhà nước về trật tự an toàn giao thông đường bộ và kinh doanh vận tải khách bằng ô tô           .

3. Sở Giao thông vận tải:

- Hướng dẫn, chỉ đạo và phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải khách bằng ô tô nhưng xe chưa sang tên đổi chủ, chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chưa đủ điều kiện kinh doanh, chưa thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế.

- Chủ trì phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng taxi, thẩm định và cấp phù hiệu "xe hợp đồng", "chuyến xe chất lượng cao", "xe chạy tuyến cố định", "sổ nhật trình chạy xe". Chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp với Cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra kiên quyết xử lý nghiêm với các trường hợp kinh doanh vận tải khách không đúng quy định về kinh doanh vận tải khách bằng ô tô.

- Tăng cường quản lý công tác đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe. Có biện pháp ngăn ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm tệ lái xe nghiện ma tuý, bia rượu. Quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, không để nạn "xe dù", "bến cóc", tranh gianh khách và các tệ nạn khác xảy ra tại bến xe.

- Kiên quyết xử lý những cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ, có biểu hiện tiêu cực trong việc sát hạch cấp giấy phép lái xe, đăng kiểm xe ô tô và các hành vi bao che cho các vi phạm kinh doanh vận tải khách bằng ô tô trong khi thi hành nhiệm vụ.

4. Công an tỉnh:

- Chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông chủ trì với sự phối hợp của Thanh tra giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý kịp thời, kiên quyết các vi phạm trên các tuyến đường.

- Thực hiện việc cấp đăng ký sang tên, đổi chủ cho các chủ xe kinh doanh vận tải khách bằng ô tô được thuận lợi, nhanh chóng.

- Kiên quyết xử lý những cán bộ chiến sỹ không hoàn thành nhiệm vụ, có biểu hiện tiêu cực, bao che cho các vi phạm kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô trong khi thi hành nhiệm vụ.

5. Sở Khoa học Công nghệ:

- Tiến hành hướng dẫn các doanh nghiệp taxi, cá nhân kinh doanh vận tải khách bằng taxi thực hiện kiểm định, kẹp chì, dán tem đồng hồ Taxi mét cho xe taxi.

6. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Chỉ đạo thực hiện rà soát các doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vận tải, yêu cầu chủ doanh nghiệp kê khai bổ sung đủ các điều kiện, ngành nghề đăng ký theo quy định. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn khi thực hiện việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vận tải cho các chủ phương tiện phải ghi rõ ngành, nghề theo điều 3, Nghị định 92/2001/NĐ-CP ngày 11/12/2001 của Chính phủ.

- Cung cấp danh sách các chủ phương tiện đã được cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh vận tải cho cơ quan thuế để làm thủ tục đăng ký và nộp thuế theo quy định.

7. Cục thuế tỉnh:

- Tăng cường chỉ đạo công tác quản lý thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô.

8. UBND huyện, thành, thị:

- Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn lập danh sách các loại xe của các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô thuộc địa bàn; trên cơ sở đó rà soát các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh vận tải khách nhưng xe chưa sang tên, đổi chủ, chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chưa thực hiện các nghĩa vụ về thuế.

- Tăng cường các biện pháp quản lý Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng ô tô. Chỉ đạo Công an huyện, thành, thị chủ trì phối hợp với các đơn vị Chi cục thuế, các phòng, ban chức năng cấp huyện kiểm tra các phương tiện kinh doanh vận tải trên địa bàn quản lý và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về kinh doanh vận tải khách bằng ô tô theo thẩm quyền.

Hàng tháng các ngành chức năng báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh, đồng gửi Sở Giao thông vận tải tổng hợp về tình hình quản lý, hoạt động kinh doanh vận tải khách trên địa bàn.

UBND tỉnh giao Giám đốc Sở Giao thông vận tải tổ chức theo dõi, đôn đốc việc thực hiện chỉ thị này. Trong quá trình tổ chức thực hiện, có khó khăn vướng mắc, các ngành các cấp phản ảnh kịp thời về Sở Giao thông vận tải để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

 

 

TM.UỶ BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Hải