cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 101/2006/QĐ-UBND ngày 06/11/2006 Quy định về hoạt động quảng cáo và viết, đặt biển hiệu trên địa bàn thành phố Đà Nẵng do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 101/2006/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Thành phố Đà Nẵng
  • Ngày ban hành: 06-11-2006
  • Ngày có hiệu lực: 16-11-2006
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 05-06-2014
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2758 ngày (7 năm 6 tháng 23 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 05-06-2014
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 05-06-2014, Quyết định số 101/2006/QĐ-UBND ngày 06/11/2006 Quy định về hoạt động quảng cáo và viết, đặt biển hiệu trên địa bàn thành phố Đà Nẵng do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 3658/QĐ-UBND ngày 05/06/2014 Bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 101/2006/QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngày 6 tháng 11 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ HOẠT ĐỘNG QUẢNG CÁO VÀ VIẾT, ĐẶT BIỂN HIỆU TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Pháp lệnh Quảng cáo số 39/2001/PL-UBTVQH10 ngày 16 tháng 11 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 24/2003/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2003 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Quảng cáo;
Căn cứ Thông tư số 43/2003/TT-BVHTT ngày 16 tháng 7 năm 2003 của Bộ Văn hoá Thông tin hướng dẫn thực hiện Nghị định số 24/2003/NDD-CP ngày 13 tháng 3 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Quảng cáo;
Căn cứ Thông tư số 79/2005/TT-BVHTT ngày 08 tháng 12 năm 2005 của Bộ Văn hoá Thông tin sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư số 43/2003/TT-BVHTT ngày 16 tháng 7 năm 2003 của Bộ Văn hoá-Thông tin;
Căn cứ Nghị định số 11/2006/NĐ-CP ngày 18 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hoá-Thông tin,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định một số vấn đề về hoạt động quảng cáo và viết, đặt biển hiệu trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Điều 2. Giám đốc Sở Văn hoá-Thông tin chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Giao thông-Công chính tổ chức hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai thực hiện Quy định nêu trên.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND thành phố, Giám đốc Sở Văn hoá- Thông tin, Chủ tịch UBND các quận, huyện, phường, xã, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 4;
- Bộ Tư pháp;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố;
- TT.HĐNDTP;
- CT, các PCT;
- Sở Tư pháp;
- Trung tâm Công báo TP;
- Các cơ quan báo, đài;
- Lưu: VT, VX.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Văn Minh

 

QUY ĐỊNH

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ HOẠT ĐỘNG QUẢNG CÁO VÀ VIẾT, ĐẶT BIỂN HIỆU TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 101 /2006/QĐ-UBND ngày 06 tháng 11 năm 2006 của Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng:

1. Phạm vi điều chỉnh:

a) Các hoạt động quảng cáo ngoài trời và trong khuôn viên nơi diễn ra các hoạt động liên hoan, hội thảo, hội chợ, trưng bày, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

b) Việc viết và đặt biển hiệu của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

2. Đối tượng áp dụng:

a) Tổ chức, cá nhân hoạt động quảng cáo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

b) Tổ chức, cá nhân hoạt động viết và đặt biển hiệu trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

c) Các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị chức năng có liên quan đến hoạt động quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo, viết và đặt biển hiệu trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Điều 2. Phương tiện, hình thức quảng cáo thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy định này, bao gồm:

Các loại quảng cáo thể hiện trên bảng, biển, pa-nô, trạm chờ xe, buồng điện thoại, hộp đèn, lưới đèn, vật phát quang và các vật thể trên không, dưới nước (sau đây gọi tắt là bảng quảng cáo).

Các loại quảng cáo trên băng rôn, phướn, màn hình điện tử.

Các loại quảng cáo trên dù che, xe đẩy, thùng hàng, mái hiên, dây cờ, áp phích.

Điều 3. Yêu cầu về hoạt động quảng cáo:

1. Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo phải thực hiện đúng các quy định tại Pháp lệnh Quảng cáo số 39/2001/PL-UBTVQH10 ngày 16 tháng 11 năm 2001, Nghi định số 24/2003/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2003 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Quảng cáo, các văn bản pháp luật liên quan và tại quy định này.

2. Các tổ chức, cá nhân khi thực hiện các loại phương tiện quảng cáo phải đảm bảo an toàn về kết cấu xây dựng, phòng cháy chữa cháy, an toàn về điện, an toàn giao thông và có chế độ bảo trì trong suốt thời gian thực hiện quảng cáo; chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi sự cố do phương tiện quảng cáo của mình gây ra.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Cấm quảng cáo tại các khu vực, địa điểm, vị trí sau đây:

1. Trụ sở cơ quan Đảng, Nhà nước, các đoàn thể; cơ quan ngoại giao, trường học, bệnh viện, doanh trại quân đội, công an; những nơi dành cho tuyên truyền, cổ động chính trị.

2. Tượng đài, đài tưởng niệm, bia tưởng niệm, di tích lịch sử, đình, đền, chùa, nhà thờ, thánh thất, nghĩa trang.

3. Trong hành lang an toàn đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, đường hàng không, hành lang an toàn đê bao, cầu, cống, an toàn lưới điện.Trên cầu; ngang qua đường giao thông; trong giao lộ, vòng xoay (trừ những nơi được UBND thành phố cho phép sử dụng ).

4. Những vị trí làm hạn chế tầm nhìn của người tham gia giao thông, trên đèn tín hiệu giao thông, bảng chỉ dẫn công cộng.

Điều 5. Cấm các hình thức quảng cáo sau đây:

1. Phát tán các loại tờ rơi, tờ gấp quảng cáo trên đường phố.

2. Dán tờ rơi, áp phích; in, vẽ số điện thoại lên tường nhà, tường rào, thân cây, trụ điện và các vật dụng đặt trên đường phố.

3. Dùng loa phóng thanh hoặc các hình thức khác quảng cáo trên các phương tiện di động gây tiếng ồn vượt quá độ ồn cho phép theo tiêu chuẩn Việt Nam.

4. Dùng chất liệu phản quang hoặc dùng đèn chiếu sáng gây ảnh hưởng xấu đến người tham gia giao thông và môi trường sinh hoạt tại khu vực quảng cáo.

5. Quảng cáo trên nóc nhà, sàn mái.

6. Quảng cáo để lộ khung sườn, nghiêng ngả, tróc sơn, phai màu, rỉ rét, bôi xoá.

7. Quảng cáo che khuất toàn bộ mặt tiền công trình, nhà ở; quảng cáo che khuất biển báo giao thông, khẩu hiệu, panô cổ động chính trị và ảnh lãnh tụ; quảng cáo không phù hợp với quy hoạch đô thị, an toàn công trình, cảnh quan kiến trúc.

8. Quảng cáo bằng hình thức tập hợp nhiều người, nhiều phương tiện giao thông diễu hành trên đường phố, nơi công cộng hoặc các hình thức khác ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông.

Điều 6. Quy định kích thước, số lượng, thời gian, vị trí đối với từng loại phương tiện quảng cáo:

1. Bảng quảng cáo:

a) Bảng quảng cáo có diện tích trên 100m2 không được đặt trong khu vực trung tâm thành phố (Trừ các bảng quảng cáo có quy hoạch riêng).

b) Bảng quảng cáo có diện tích từ 20m2 đến 100m2 đặt tại các công trình, nhà ở trong thành phố phải tuân thủ các quy định như sau:

- Chiều cao bảng không quá 5 mét, chiều dài không vượt quá giới hạn mặt tường tại vị trí đặt bảng. Số lượng không quá 2 bảng.

- Không được đặt tại mặt tiền nhà.

- Đối với công trình, nhà ở 4 tầng trở xuống, bảng phải ốp vào mặt tường bên, chiều cao của bảng không được nhô lên quá sàn mái 1,5 mét

- Đối với công trình, nhà ở 5 tầng trở lên thì phải ốp toàn bộ bảng vào mặt tường bên.

c) Bảng quảng cáo đặt trên khoảng đất trống dọc theo các tuyến đường trong thành phố không được xâm phạm chỉ giới xây dựng; bảng đặt dọc theo Quốc lộ thì mép ngoài cùng của bảng phải sau mốc lộ giới.

d) Đối với mặt tiền công trình, nhà ở, được đặt các loại bảng quảng cáo sau:

- Bảng quảng cáo ngang:

Mỗi tầng chỉ được đặt một bảng; chiều cao 1m; chiều ngang không được vượt quá giới hạn chiều ngang mặt tiền công trình, nhà ở; chiều dày 0,2m;

Vị trí đặt: Ốp sát vào ban công, mép dưới bảng trùng với mép dưới của sàn ban công hoặc mái hiên.

- Bảng quảng cáo đứng:

Chiều ngang là 0,70m; chiều dày 0,2m; chiều cao tương ứng với chiều cao của mỗi tầng nhưng không vượt quá 2 tầng.

- Vị trí đặt: Bảng chỉ được đặt bên phải của công trình (nhìn từ ngoài vào) và phải ốp sát vào mép tường đứng; mép dưới bảng trùng với mép dưới của sàn ban công, mép trên trùng vào mép dưới sàn ban công của 1 hoặc 2 tầng tiếp theo.

Đối với nhà trệt chỉ được đặt 1 bảng ngang và 1 bảng đứng; chiều cao mỗi bảng không quá 1 mét.

đ) Đối với bảng, hộp đèn quảng cáo đặt trên dải phân cách phải có bản vẽ thiết kế. Kích thước, tầm cao của bảng quảng cáo phải phù hợp, hài hoà với độ rộng của từng dải phân cách và cảnh quan chung của mỗi tuyến đường. Khoảng cách tối thiểu giữa các trụ là 100 mét, khoảng cách mép ngoài của bảng, hộp đèn đến bó vỉa làn phân cách tối thiểu là 0,5 mét, chiều cao đặt bảng, hộp đèn tối thiểu 3,5 mét tính từ mặt đường.

e) Trên buồng điện thoại, trạm chờ xe chỉ được quảng cáo một mặt và cho một loại sản phẩm, hàng hoá.

g) Đối với bảng quảng cáo có chân đặt trên vỉa hè, chỉ cho phép đặt trên những vỉa hè có bề rộng từ 4,5 mét trở lên. Kích thước bảng cao 1 mét, ngang 0,7 mét, chiều cao đế chân 0,4 mét.

2. Màn hình quảng cáo bằng điện tử:

a) Màn hình quảng cáo bằng điện tử phải lắp đặt đúng địa điểm được quy hoạch.

b) Chỉ phát hình và không phát âm thanh.

c) Nội dung và thời lượng phát hình phải được Sở Văn hoá-Thông tin thẩm định và đồng ý bằng văn bản.

3. Băng rôn, phướn quảng cáo:

Việc sử dụng băng rôn, phướn quảng cáo cho các cuộc liên hoan, hội nghị, hội thảo, hội chợ, khai trương, chiêu sinh, khuyến mãi, trưng bày, triển lãm, giới thiệu hàng hoá, biểu diễn nghệ thuật, thi đấu thể dục thể thao, vui chơi giải trí, phải tuân thủ các quy định sau:

a) Băng rôn, phướn quảng cáo không được dùng màu đỏ làm nền.

b) Kích thước:

- Băng rôn: Chiều dài không quá 7 mét, chiều cao không quá 1 mét.

- Phướn: Chiều cao không quá 3 mét, chiều ngang không quá 1 mét.

c) Số lượng: mỗi cửa hàng, cửa hiệu được treo không quá 2 băng rôn trong một đợt quảng cáo.

đ) Vị trí treo:

- Chỉ được treo từ mái hiên trở vào đối với cửa hàng, cửa hiệu hoặc trong khuôn viên diễn ra liên hoan, hội nghị, hội thảo, hội chợ, khai trương, chiêu sinh, khuyến mãi, trưng bày, triển lãm, giới thiệu hàng hoá, biểu diễn nghệ thuật, thi đấu thể dục-thể thao, vui chơi giải trí.

- Trên vỉa hè, dải phân cách, phải treo đúng vào các vị trí được quy hoạch.            

4. Việc quảng cáo trên các phương tiện dù che, xe đẩy, thùng hàng, dây cờ, áp phích không phải xin phép, nhưng chỉ được quảng cáo ở phía bên trong nơi kinh doanh, hội chợ, triển lãm, giới thiệu hàng hoá.

Điều 7. Quy định về khoảng cách đặt quảng cáo đối với một số khu vực, địa điểm:

1. Khoảng cách đặt quảng cáo đối với tượng đài, đài tưởng niệm, bia tưởng niệm:

a) Bảng dưới 10m2 phải đặt cách 30 mét.

b) Bảng 10m2 đến dưới 20m2 phải đặt cách 50 mét.

c) Bảng 20m2 trở lên phải đặt cách 200 mét.

2. Khoảng cách đặt quảng cáo đối với nơi làm việc của cơ quan nhà nước, cơ quan ngoại giao, di tích lịch sử, đình, đền, chùa, nhà thờ, thánh thất, nghĩa trang; trường học, bệnh viện, doanh trại quân đội, công an, địa điểm cổ động chính trị:

a) Tại các cửa hàng trong phạm vi 30 mét tính từ ranh giới của các cơ quan, địa điểm nói trên, chỉ được đặt bảng dưới 10m2 .

b) Bảng 10m2 trở lên phải đặt cách 30 mét.

3. Khoảng cách đặt quảng cáo ở hai đầu cầu:

a) Đối với cầu trên đường trong khu vực đô thị:

Theo chiều dọc cầu, tính từ đuôi mố ra mỗi bên:

- 50 mét đối với cầu có chiều dài từ 60 mét trở lên.

- 30 mét đối với cầu có chiều dài dưới 60 mét.

Trường hợp cầu có đường dốc lên, dốc xuống, lắp đặt bảng quảng cáo từ hết chân dốc.

Theo chiều ngang của cầu, tính từ mép lan can ngoài cùng của cầu ra mỗi bên 7 mét.

b) Đối với cầu trên đường ngoài khu vực đô thị:

Theo chiều dọc cầu, tính từ đuôi mố ra mỗi bên:

- 50 mét đối với cầu có chiều dài từ 60 mét trở lên.

- 30 mét đối với cầu có chiều dài dưới 60 mét.

Trường hợp cầu có đường dốc lên, dốc xuống, lắp đặt bảng quảng cáo từ hết chân dốc.

Theo chiều ngang của cầu, tính từ phạm vi tiếp giáp với cầu, kể từ điểm ngoài cùng của kết cấu cầu ra mỗi bên:

- 150 mét đối với cầu có chiều dài trên 300 mét.

- 100 mét đối với cầu có chiều dài từ 60 mét đến 300 mét.

- 50 mét đối với cầu có chiều dài từ 20 mét đến dưới 60 mét.

- 20 mét đối với các cầu có chiều dài dưới 20 mét.

Điều 8. Quy định về quản lý kiến trúc cảnh quan đô thị và an toàn trong quảng cáo:

1. Quản lý kiến trúc cảnh quan đô thị: Đối với các trục đường chính có yêu cầu cao về kiến trúc quy định tại Phụ lục I Quyết định số 19/2006/QĐ-UBND ngày 10/3/2006 của UBND thành phố ban hành Quy định về quản lý quy hoạch xây dựng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng: hồ sơ xin phép quảng cáo phải có ý kiến thống nhất của Sở Xây dựng.

2. Quản lý an toàn trong thiết kế và thi công:

a) Đối với bảng quảng cáo dưới 20 m2: hồ sơ xin phép quảng cáo phải có bản vẽ chi tiết, mô tả kích thước, vị trí lắp đặt, và chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm về an toàn xây dựng bảng quảng cáo.

b) Đối với bảng quảng cáo từ 20m2 trở lên: Trước khi thi công phải có giấy phép xây dựng của Sở Xây dựng và chủ đầu tư phải tổ chức giám sát và nghiệm thu công trình bảo đảm an toàn chất lượng theo quy định của Luật xây dựng và Nghị định 209/2004/NĐ-CP ngày 16-12-2004 của Chính phủ.

Điều 9. Hạn chế quảng cáo đối với một số loại hàng hoá:

Quảng cáo cho các loại hàng hoá như băng vệ sinh, bao cao su, thuốc chữa bệnh ngoài da, thuốc tẩy giun sán, dung dịch vệ sinh phụ nữ chỉ được đặt tại các cửa hàng chuyên doanh hoặc cửa hàng có đăng ký kinh doanh buôn bán dược phẩm. Mỗi cửa hàng chỉ được treo, đặt một bảng quảng cáo, diện tích không quá 1m2.

Điều 10. Quy định đối với biển hiệu:

Biển hiệu đặt tại trụ sở, nơi kinh doanh của tổ chức, cá nhân thì không phải xin phép, nhưng hình thức, nội dung thể hiện và vị trí đặt biển hiệu phải theo đúng quy định tại Điều 29 và Điều 30 Quy chế hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 11/2006/NĐ-CP ngày 18-01-2006 của Chính phủ và phải tuân thủ các quy định sau đây:

1. Trên biển hiệu chỉ được thể hiện logo (biểu tượng) đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền, không được quảng cáo bất cứ loại hàng hoá, dịch vụ nào. Biểu tượng không được chiếm quá 1/4 diện tích biển hiệu.

2. Kích thước biển hiệu:

a) Chiều cao: không quá 1 mét.

b) Chiều dài: không được vượt quá giới hạn chiều ngang của mặt tiền công trình.

c) Chiều dày: không quá 0,2 mét.

3. Số lượng biển hiệu:

Mỗi cơ quan, tổ chức chỉ được viết, đặt một biển hiệu tại cổng.Tại trụ sở hoặc nơi kinh doanh độc lập với tổ chức, cá nhân khác, chỉ được viết, đặt một biển hiệu ngang và không quá hai biển hiệu dọc.

Đối với cao ốc có nhiều cơ quan, tổ chức đặt văn phòng thì mỗi cơ quan, tổ chức chỉ được đặt một biển hiệu.

4. Vị trí đặt biển hiệu:

Biển hiệu chỉ được viết, đặt sát cổng, hoặc mặt trước của trụ sở, nơi kinh doanh của tổ chức, cá nhân. Biển hiệu phải được đặt ốp sát vào ban công tầng một hoặc trên mái hiên (đối với nhà trệt); mép dưới biển hiệu đặt trùng với mép dưới của sàn ban công tầng một hoặc mái hiên. Biển hiệu và thiết bị chiếu sáng không được lấn chiếm không gian công cộng và không được đặt trên vỉa hè.

Đối với cao ốc có nhiều cơ quan, tổ chức đặt văn phòng thì khu vực đặt biển hiệu của cơ quan, tổ chức nằm trong khuôn viên của cao ốc. Kích thước và vị trí đặt biển hiệu do đơn vị quản lý cao ốc quy định, nhưng phải đảm bảo an toàn, mỹ quan.

Chương III

THANH TRA, KIỂM TRA, XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 10. Thanh tra Sở Văn hoá -Thông tin có trách nhiệm tổ chức, phối hợp với các ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân các quận, huyện tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý hoặc kiến nghị xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong hoạt động quảng cáo và viết, đặt biển hiệu.

Điều 11. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 12.

Xử lý đối với các hoạt động quảng cáo, viết, đặt biển hiệu được thực hiện trước ngày Quy định này có hiệu lực thi hành:

1. Các quảng cáo đã được cấp phép trước khi Quy định này có hiệu lực thi hành thì vẫn được thực hiện cho đến khi hết thời hạn ghi trong giấy phép.

2. Các biển hiệu viết, đặt không đúng với Quy định này thì chậm nhất sau 60 ngày, kể từ ngày Quy định này có hiệu lực thi hành phải tháo dỡ hoặc sửa chữa lại cho phù hợp.

Điều 13. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức và cá nhân phản ánh về Sở Văn hoá -Thông tin thành phố để nghiên cứu, tổng hợp trình Uỷ ban nhân dân thành phố sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.