Quyết định số 3913/2006/QĐ-UBND ngày 31/10/2006 Quy chế về tổ chức và hoạt động của Sở Ngoại vụ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu do Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ban hành
- Số hiệu văn bản: 3913/2006/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
- Ngày ban hành: 31-10-2006
- Ngày có hiệu lực: 10-11-2006
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 21-01-2020
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 4820 ngày (13 năm 2 tháng 15 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 21-01-2020
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3913/2006/QĐ-UBND | Vũng Tàu, ngày 31 tháng 10 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA SỞ NGOẠI VỤ TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND năm 2004;
Căn cứ Quyết định số 28/2005/QĐ-TTg ngày 01/02//2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thống nhất các hoạt động đối ngoại của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 22/2005/TTLT-BNG-BNV ngày 22/12/2005 của Bộ Ngoại giao và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý Nhà nước về hoạt động đối ngoại ở địa phương;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 881/TTr – SNV ngày 16/10/2006,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế về tổ chức và hoạt động của Sở Ngoại vụ tỉnh Bà Rịa–Vũng Tàu.
Quy chế gồm 04 chương, 12 điều.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 761/UB.TCCQ ngày 15/01/2002 của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về việc ban hành quy chế về tổ chức và hoạt động của Sở Ngọai vụ tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu.
Điều 3. Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Ngoại vụ và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY CHẾ
VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA SỞ NGOẠI VỤ TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3913/2006/QĐ – UBND ngày 31 tháng 10 năm 2006 của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu)
Chương I
VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN
Điều 1. Vị trí, chức năng
1. Sở Ngoại vụ là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước các hoạt động đối ngoại tại địa phương; thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo sự ủy quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh và theo quy định của pháp luật.
2. Sở Ngoại vụ chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và hoạt động của Ủy ban nhân dân tỉnh; đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ của Bộ Ngoại giao.
3. Sở Ngoại vụ có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và tài khoản tại Kho bạc Nhà nước tỉnh.
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch tổng thể dài hạn, năm năm và hàng năm về hoạt động đối ngoại, các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực quản lý của Sở phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;
2. Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh dự thảo báo cáo 06 tháng và 01 năm về hoạt động đối ngoại tại tỉnh; xây dựng dự thảo chương trình hoạt động đối ngoại hàng năm của tỉnh để báo cáo Bộ Ngoại giao tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
3. Trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các quyết định, chỉ thị, văn bản hướng dẫn, phân công, phân cấp quản lý nhà nước về hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh và chịu trách nhiệm về nội dung các văn bản đó;
4. Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đối ngoại, kế hoạch tổng thể về hoạt động đối ngoại của địa phương đã được duyệt; thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Sở;
5. Tổ chức và quản lý các đoàn ra và đoàn vào:
a) Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất quản lý các đoàn ra, đoàn vào;
b) Đối với đoàn vào: xây dựng kế hoạch, chương trình làm việc, tổ chức đón tiếp các đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh; chịu trách nhiệm phiên dịch trong các cuộc tiếp xúc và làm việc giữa lãnh đạo tỉnh với các đoàn khách quốc tế;
c) Đối với đoàn ra: tổng hợp và xây dựng kế hoạch đi công tác nước ngoài hàng năm của lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh và các đoàn đi nước ngoài thuộc quyền quản lý của tỉnh; tổ chức các đoàn đi công tác nước ngoài của lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh; theo dõi, quản lý các đoàn đi nước ngoài của cán bộ, công chức, nhân viên (kể cả nhân viên làm công theo chế độ hợp đồng dài hạn từ 01 năm trở lên) theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Liên hệ, tham khảo ý kiến các cơ quan trong nước có liên quan, cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài trước và trong thời gian đoàn đi công tác ở nước ngoài; kịp thời phối hợp với các cơ quan của Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan của tỉnh xử lý những vấn đề nhạy cảm, phức tạp trong quá trình đoàn đi công tác nước ngoài;
c) Kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Ngoại giao 02 tuần trước khi thực hiện đối với trường hợp đoàn ra, đoàn vào theo quy định tại khoản 1, Điều 4 Quy chế thống nhất quản lý các hoạt động đối ngoại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành kèm Quyết định số 28/2005/QĐ-TTg ngày 01 tháng 02 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ.
6. Công tác lãnh sự:
a) Phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện và quản lý công tác xuất nhập cảnh của người Việt Nam và người nước ngoài trên địa bàn tỉnh;
b) Phối hợp với các cơ quan xử lý những vấn đề nhạy cảm, phức tạp nảy sinh trong công tác lãnh sự trên địa bàn tỉnh;
c) Hướng dẫn, quản lý hoạt động của các cá nhân, tổ chức nước ngoài liên quan đến nhân thân, tài sản, đi lại, làm ăn, sinh sống, học tập, công tác, du lịch, kinh doanh, đầu tư trên địa bàn tỉnh tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.
7. Công tác thông tin, tuyên truyền báo chí:
Phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức đón tiếp, hướng dẫn và quản lý hoạt động của các phóng viên báo chí nước ngoài đến hoạt động tại tỉnh phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành; tổ chức các cuộc họp báo theo quy định của pháp luật;
8. Công tác với các tổ chức phi chính phủ và cá nhân nước ngoài:
a) Phối hợp với các cơ quan liên quan giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ và cá nhân nước ngoài tại địa phương theo quy định của pháp luật;
b) Tiếp nhận và triển khai các dự án do các tổ chức phi chính phủ và cá nhân nước ngoài theo quy định của pháp luật.
9. Công tác biên giới lãnh thổ quốc gia:
a) Là cơ quan thường trực của Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác biên giới biển quốc gia; giúp Ủy ban nhân dân tỉnh đánh giá tình hình quản lý công tác biên giới biển quốc gia; đề xuất ý kiến và các biện pháp quản lý thích hợp; tham gia xây dựng phương án giải quyết vấn đề biên giới biển với các nước liên quan;
b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng phương án, kế hoạch và tổ chức khảo sát đơn phương, song phương theo sự phân công của Ủy ban nhân dân tỉnh; phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện công tác phân giới, cắm mốc theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo phân giới cắm mốc của tỉnh;
c) Phối hợp với các ngành hữu quan theo dõi, tổng hợp và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Ngoại giao tình hình thực hiện các điều ước quốc tế về biên giới biển; quy chế quản lý biên giới biển và các tranh chấp nảy sinh trên vùng biển thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu;
d) Tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền pháp luật, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về biên giới lãnh thổ quốc gia; hướng dẫn, kiểm tra và phối hợp với Bộ Chỉ huy biên phòng tỉnh, Cảng vụ tỉnh và các cơ quan hữu quan quản lý các văn bản, tài liệu, bản đồ và hồ sơ về biên giới biển thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
10. Công tác kinh tế đối ngoại:
a) Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng chương trình hoạt động đối ngoại phục vụ phát triển kinh tế của địa phương;
b) Phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo chuyên đề giữa các doanh nghiệp, các đoàn đại sứ và các tổ chức khác nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh;
c) Phối hợp với các cơ quan liên quan giới thiệu, lựa chọn và thẩm tra các đối tác nước ngoài vào làm ăn và đầu tư tại địa phương theo sự phân công của Ủy ban nhân dân tỉnh;
d) Tham gia công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, xây dựng môi trường đầu tư phù hợp với đặc điểm của địa phương; hỗ trợ thông tin về kinh tế đối ngoại cho các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh.
11. Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài.
a) Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh nghiên cứu, xây dựng, đánh giá việc thực hiện chính sách về công tác người Việt Nam ở nước ngoài tại địa phương theo sự hướng dẫn của Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài trực thuộc Bộ Ngoại giao;
b) Phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh trong việc hỗ trợ, hướng dẫn thông tin, tuyên truyền, vận động và thực hiện chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài và thân nhân của họ có quan hệ với địa phương;
c) Phối hợp với các cơ quan có liên quan và các đoàn thể của tỉnh trong công tác triển khai và thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị; tổ chức họp mặt kiều bào của tỉnh nhân dịp Tết Nguyên đán hàng năm và giải quyết các vấn đề liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài; xây dựng các chương trình, đề án nhằm vận động, quy tụ và phát huy sức mạnh của kiều bào;
d) Tổng hợp, báo cáo theo định kỳ hoặc đột xuất tình hình công tác về người Việt Nam ở nước ngoài với Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài trực thuộc Bộ Ngoại giao.
12. Tổ chức hội nghị, hội thảo, ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế:
Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất quản lý các hoạt động về tổ chức hội nghị, hội thảo, ký kết và thực hiện các thỏa thuận quốc tế theo quy định của pháp luật; báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên khi có vấn đề phát sinh liên quan đến chính trị đối ngoại;
13. Phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho các Bộ, ban, ngành tiến hành các hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh khi có yêu cầu;
14. Công tác thông tin đối ngoại:
a) Phối hợp với các cơ quan có liên quan thu thập, phân tích, tổng hợp thông tin về tình hình chính trị - an ninh, kinh tế quốc tế và khu vực có tác động đến tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh phương hướng và giải pháp thực hiện;
b) Phổ biến đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, những chủ trương quan trọng trong từng lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng;
c) Giới thiệu về lịch sử, văn hoá, địa lý, truyền thống cách mạng, danh lam thắng cảnh và con người của tỉnh, giới thiệu tiềm năng và cơ hội đầu tư kinh doanh; danh mục các dự án kêu gọi đầu tư, cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư của tỉnh;
d) Phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng chương trình, kế hoạch về công tác thông tin đối ngoại của tỉnh trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; tổ chức theo dõi và triển khai hoạt động thông tin đối ngoại tại tỉnh.
15. Thực hiện chương trình cải cách hành chính theo mục tiêu và nội dung đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt;
16. Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các phòng và đơn vị sự nghiệp thuộc sở; quản lý biên chế, thực hiện chế độ tiền lương và chính sách, chế độ đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước thuộc phạm vi quản lý của Sở và phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh;
17. Tổ chức đào tạo và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ kiến thức đối ngoại cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh;
18. Tổng hợp, thống kê, báo cáo định kỳ và đột xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Ngoại giao về tình hình thực hiện nhiệm vụ đối ngoại được giao theo quy định của pháp luật;
19. Thực hiện công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý vi phạm pháp luật về hoạt động đối ngoại thuộc thẩm quyền của Sở theo quy định của pháp luật;
20. Quản lý tài chính, tài sản được giao và tổ chức thực hiện ngân sách được phân bổ theo quy định của pháp luật và phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh;
21. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật và phân công của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Chương II
CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC
Điều 3. Cơ cấu tổ chức
1. Lãnh đạo Sở
a) Sở Ngoại vụ có Giám đốc và không quá 03 Phó Giám đốc. Giám đốc Sở chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về toàn bộ hoạt động của Sở, đồng thời chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
Giám đốc Sở do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm theo các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ và tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ.
b) Phó Giám đốc Sở là người giúp việc cho Giám đốc Sở, phụ trách một hoặc một số lĩnh vực công tác do Giám đốc Sở phân công và chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở về các nhiệm vụ được giao.
Phó Giám đốc Sở do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm theo các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ và tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ.
2. Cơ cấu tổ chức của Sở
a) Các phòng gồm:
- Văn phòng;
- Thanh tra;
- Các phòng chuyên môn nghiệp vụ gồm:
+ Phòng Nghiệp vụ đối ngoại;
+ Phòng Thông tin đối ngoại và hợp tác quốc tế;
+ Phòng Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài.
b) Các đơn vị trực thuộc sở gồm:
- Trung tâm Dịch vụ đối ngoại tỉnh.
Việc thành lập, giải thể, bổ sung nhiệm vụ cho các đơn vị trực thuộc Sở do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định căn cứ vào đặc điểm, tình hình, yêu cầu và nhiệm vụ cụ thể về công tác đối ngoại tại địa phương và theo đề nghị của Giám đốc Sở Ngoại vụ và Giám đốc Sở Nội vụ.
Điều 4. Giám đốc Sở Ngoại vụ quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng, Thanh tra, các phòng chuyên môn, nghiệp vụ.
Điều 5. Biên chế của Sở
Biên chế của Sở Ngoại vụ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định trong tổng chỉ tiêu biên chế quản lý nhà nước của tỉnh được giao hàng năm theo đề nghị của Giám đốc Sở Ngoại vụ sau khi thống nhất với Giám đốc Sở Nội vụ.
Giám đốc Sở bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với tiêu chuẩn chức danh và ngạch công chức hiện hành của Nhà nước.
Chế độ tiền lương của công chức, viên chức của Sở Ngoại vụ áp dụng theo ngạch, bậc lương công chức, viên chức hành chính sự nghiệp theo quy định của pháp luật.
Điều 6. Chế độ làm việc
1. Sở Ngoại vụ làm việc theo chế độ thủ trưởng.
2. Khi thực hiện các công việc do Giám đốc Sở phân công, các Phó Giám đốc Sở được sử dụng quyền hạn của Giám đốc Sở để giải quyết công việc. Tuy nhiên, không được giải quyết công việc vượt quá thẩm quyền do Giám đốc Sở phân công.
3. Giúp việc cho Giám đốc Sở có Văn phòng, Thanh tra và các phòng chuyên môn nghiệp vụ.
Văn phòng có Chánh Văn phòng, giúp việc cho Chánh Văn phòng có Phó Chánh Văn phòng. Thanh tra Sở có Chánh Thanh tra, giúp việc cho Chánh Thanh tra có Phó Chánh Thanh tra. Mỗi phòng có Trưởng phòng, giúp việc Trưởng phòng có Phó Trưởng phòng. Việc bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật Chánh, Phó Chánh Văn phòng; Chánh, Phó Chánh Thanh tra; Trưởng, Phó Trưởng phòng do Giám đốc Sở quyết định theo phân cấp hiện hành về quản lý cán bộ.
Chương III
MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC
Điều 7. Đối với Bộ Ngoại giao
1. Sở Ngoại vụ là tổ chức quản lý nhà nước cấp dưới nằm trong hệ thống tổ chức nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Sở Ngoại vụ chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Ngoại giao.
2. Chấp hành sự chỉ đạo và thực hiện các nhiệm vụ do Bộ Ngoại giao giao. Thực hiện đầy đủ chế độ thông tin, báo cáo tình hình hoạt động của Sở cho Bộ Ngoại giao theo quy định.
3. Đề xuất, kiến nghị với Bộ Ngoại giao về những vấn đề có liên quan đến công tác đối ngoại của tỉnh.
Điều 8. Đối với Ủy ban nhân dân tỉnh
1. Chấp hành sự chỉ đạo và thực hiện các nhiệm vụ do Ủy ban nhân dân tỉnh giao. Thực hiện nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực hiện các mệnh lệnh hành chính; kịp thời báo cáo, xin ý kiến về những khó khăn, vướng mắc trong khi thi hành các mệnh lệnh hành chính, không để xảy ra tình trạng không thi hành, thi hành không nghiêm túc các mệnh lệnh hành chính hoặc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm thuộc thẩm quyền của Sở lên Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Trong quá trình thực thi nhiệm vụ được giao, có những vấn đề gì còn chồng chéo cần điều chỉnh, bổ sung thuộc chức năng quản lý Nhà nước giữa Sở và các ngành liên quan, Sở Ngoại vụ có trách nhiệm chủ động đề xuất trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định hoặc lập thủ tục để Ủy ban nhân dân tỉnh trình Bộ Ngoại giao hoặc Chính phủ xem xét, quyết định nếu thuộc thẩm quyền của Bộ Ngoại giao hoặc Chính phủ
3. Thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo theo định kỳ hoặc đột xuất cho Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình hoạt động đối ngoại của tỉnh và của Sở theo quy định.
Điều 9. Đối với các Sở, ngành
1. Là mối quan hệ cùng cấp, phối hợp thực hiện thuộc những quy định quản lý nhà nước của mỗi sở, ngành trên tinh thần hợp tác nhằm phục vụ sự phát triển chung của tỉnh; Sở Ngoại vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan để thực hiện những nội dung công việc thuộc lĩnh vực quản lý của Sở Ngoại vụ nhưng đòi hỏi phải có sự phối hợp liên ngành. Nếu các sở, ngành liên quan không thống nhất được thì Sở Ngoại vụ trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
2. Phối hợp với các sở, ngành để thực hiện công tác đối ngoại và công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần thực hiện tốt chính sách đối ngoại và chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài của Nhà nước.
Điều 10. Đối với các Ủy ban nhân dân cấp huyện
Sở Ngoại vụ cùng phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động đối ngoại ở địa phương. Đồng thời thông báo kịp thời cho Ủy ban nhân dân cấp huyện chủ trương, chính sách, quy định của Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Ngoại vụ về lĩnh vực đối ngoại để phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện tốt những quy định đó trên địa bàn toàn tỉnh.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 11. Căn cứ các nội dung được quy định tại Quy chế này, Giám đốc Sở Ngoại vụ có trách nhiệm ban hành quy định về chế độ làm việc và mối quan hệ giữa các phòng và các đơn vị trực thuộc Sở theo đúng quy định của pháp luật và tình hình thực tế của Sở Ngoại vụ.
Điều 12. Giám đốc Sở Ngoại vụ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện quy chế này. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vấn đề gì phát sinh cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thì Giám đốc Sở Ngoại vụ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.