Quyết định số 2445/2006/QĐ-UBND ngày 23/10/2006 Phê duyệt đề án thực hiện Nghị Quyết 6c/2006/NQ-HĐND về Đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2006-2010 (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 2445/2006/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
- Ngày ban hành: 23-10-2006
- Ngày có hiệu lực: 23-10-2006
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 11-08-2012
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2119 ngày (5 năm 9 tháng 24 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 11-08-2012
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2445/2006/QĐ-UBND | Huế, ngày 23 tháng 10 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 6C/2006/NQ-HĐND CỦA HĐND TỈNH THỪA THIÊN HUẾ VỀ “ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC BẢO VỆ, CHĂM SÓC VÀ GIÁO DỤC TRẺ EM TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN 2006-2010”
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003.
Căn cứ Nghị quyết số 6c/2006/NQ-HĐND ngày 28/7/2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về “Đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2006-2010”
Theo đề nghị của Chủ nhiệm Uỷ ban DS,GĐ&TE tỉnh Thừa Thiên Huế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt đề án “Đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2006-2010” với những nội dung chính như sau:
1.1. Mục tiêu:
Nâng cao chất lượng cuộc sống của mọi trẻ em; thực hiện các quyền cơ bản và đáp ứng các nhu cầu phát triển của trẻ em; tạo điều kiện cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn và lành mạnh, phát triển hài hoà về thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức; trẻ em lang thang, mồ côi, bị khuyết tật, sống trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có cơ hội học tập và vui chơi; góp phần phát triển toàn diện nguồn nhân lực để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước.
1.2. Nhiệm vụ:
a. Giảm tỷ lệ tử vong của trẻ em <1 tuổi xuống dưới 15%o.
b. Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em < 5 tuổi xuống dưới 20%.
c. Tỷ lệ trẻ em 5 tuổi đến trường, lớp mẫu giáo đạt 95-98%.
d. Tỷ lệ trẻ em khuyết tật được giáo dục hoà nhập trong các trường phổ thông đạt 50%.
e. 100% huyện, thành phố và 40% xã, phường, thị trấn có điểm vui chơi được trang bị các thiết bị phù hợp và bảo đảm có hoạt động.
f. Nâng tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được chăm sóc trên 90%, chú trọng đối tượng là trẻ em mồ côi, trẻ em khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, trẻ em nghèo ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tích cực ngăn chặn và trợ giúp để đến năm 2010 giảm được ít nhất 90% trẻ em lang thang kiếm sống.
g. Phấn đấu trên 98% trẻ em dưới 5 tuổi được làm giấy khai sinh đúng thời hạn.
h. Ngăn chặn tệ nạn xã hội trong lứa tuổi trẻ em như ma tuý, trẻ em vi phạm pháp luật; quan tâm giúp đỡ trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS. Đấu tranh và giải quyết kịp thời, kiên quyết mọi hành vi xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em.
i. Phấn đấu đến năm 2010 có 100% huyện, thành phố và 50% xã, phường, thị trấn xây dựng quỹ bảo trợ trẻ em.
1.3. Giải pháp thực hiện
1.3.1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp, đặc biệt ở cấp cơ sở.
a. Công tác BV,CS&GDTE cần được sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền. Xây dựng và thực hiện chương trình/kế hoạch hành động vì trẻ em ở các cấp với những chỉ tiêu, biện pháp cụ thể, các mục tiêu thiết thực và khả thi nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển toàn diện của trẻ em.
b. Chỉ đạo việc lồng ghép và ưu tiên giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác BV,CS&GDTE trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
c. Chỉ đạo phối hợp giữa các ban ngành, địa phương, các tổ chức xã hội, các đơn vị kinh tế...tham gia xây dựng mô hình “ Xã phường phù hợp với trẻ em ”. Xây dựng phong trào toàn dân tham gia BV, CS&GDTE, ngăn ngừa các tệ nạn xã hội ảnh hưởng đến trẻ em và gia đình. Nâng cao nhận thức, kỹ năng cho người dân trong việc bảo vệ trẻ em và kỹ năng sống cho các trẻ em .
d. Từng bước giải quyết các nguyên nhân làm gia tăng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như kinh tế gia đình khó khăn, bất ổn trong quan hệ gia đình, bạo lực đối với trẻ em, thiếu quan tâm và phối hợp giữa gia đình và nhà trường.v.v...
e. Lồng ghép các chương trình, hoạt động BV,CS&GDTE với các chương trình khác như giảm nghèo, dạy nghề, hướng nghiệp, tạo việc làm...
f. Phát hiện và nhân rộng các sáng kiến, mô hình của người dân và cộng đồng trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
1.3.2. Ổn định và nâng cao năng lực tổ chức bộ máy:
a. Tiếp tục kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy làm công tác BV,CS&GDTE ở các cấp, các ngành, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chuyên trách DS,GĐ&TE ; đảm bảo đủ số lượng và nâng cao chất lượng cán bộ, nhất là đối với cán bộ ở xã, phường, thị trấn.
b. Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng xây dựng và quản lý các hoạt động về trẻ em cho đội ngũ cán bộ làm công tác BV,CS&GDTE ở các cấp đủ năng lực tham mưu cho lãnh đạo; chú trọng đội ngũ cán bộ chuyên trách và cộng tác viên, tình nguyện viên cơ sở để thực hiện các mục tiêu chương trình hành động vì trẻ em có hiệu quả.
c. Các ngành, đoàn thể có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác xã hội phù hợp với chức năng nhiệm vụ BV,CS&GDTE, xây dựng cơ chế chính sách thích hợp với các loại hình hoạt động công tác xã hội đối với trẻ em
d. Xây dựng và thực hiện các chính sách, chế độ phù hợp cho cán bộ DS,GĐ&TE xã, phường, thị trấn.
1.3.3. Tăng cường công tác truyền thông giáo dục nâng cao nhận thức:
a. Đẩy mạnh công tác truyền thông vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức và tạo chuyển biến tích cực trong mọi hành động vì trẻ em, thực sự dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em, tạo điều kiện thuận lợi để các em thực hiện đầy đủ các quyền cơ bản và bổn phận của mình.
b. Tập trung tuyên truyền để mọi người hiểu đầy đủ các nội dung của Công ước quốc tế về Quyền trẻ em; Luật BV,CS&GDTE và các văn bản khác có liên quan đến BV,CS&GDTE để nâng cao vai trò và trách nhiệm của mọi người đối với trẻ em.
c. Phối hợp lồng ghép hoạt động BV,CS&GDTE với hoạt động của các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức. Phát triển phong trào “Toàn dân bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ” đẩy mạnh xã hội hoá trong công tác BV,CS&GDTE.
d. Ổn định và phát triển mạng lưới truyền thông, giáo dục tư vấn bảo vệ trẻ em từ tỉnh đến cơ sở. Đào tạo kiến thức và kỹ năng truyền thông về bảo vệ trẻ em cho đội ngũ cán bộ chuyên trách về công tác trẻ em và đội ngũ tuyên truyền viên DS,GĐ&TE.
e. Tăng cường nội dung và thời lượng tuyên truyền về công tác BV,CS&GDTE trên các kênh thông tin đại chúng, xây dựng các thông điệp, các sản phẩm truyền thông mẫu để phổ biến cho cộng đồng. Phát huy vai trò và sự tham gia của trẻ em trong công tác truyền thông, vận động xã hội về BV,CS&GDTE .
1.3.4. Tổ chức tốt công tác vận động xây dựng Quỹ Bảo trợ trẻ em.
Thực hiện đa dạng hoá các hình thức vận động đóng góp tự nguyện của mọi người, mọi gia đình, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, các lực lượng xã hội, các tổ chức quốc tế và các hình thức vận động khác theo từng thời kỳ.
1.3.5. Kinh phí thực hiện các mục tiêu đề án.
Kinh phí để thực hiện các mục tiêu đề án: ngoài nguồn ngân sách chi đã giao cho các sở, ban, ngành liên quan để thực hiện mục tiêu theo chuyên ngành, hằng năm Uỷ ban nhân dân tỉnh bố trí từ 0,15 đến 0,2% ngân sách chi thường xuyên bổ sung cho Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu cơ bản nhất cho các hoạt động sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn hàng năm cũng dành nguồn ngân sách với tỷ lệ thích hợp cho chương trình này ở cấp mình. Ngoài ra huy động các nguồn lực khác như xổ số “Vì trẻ thơ”, vận động sự ủng hộ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để phục vụ công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Điều 2. Tổ chức thực hiện:
1.Giao cho Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch- Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Y tế, Sở Giáo dục- Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Văn hoá - Thông tin, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thể dục Thể Thao, Sở Tư pháp, Công an tỉnh và các Sở, Ngành có liên quan khác, UBND các huyện và thành phố Huế tổ chức triển khai thực hiện đề án.
2. Căn cứ nội dung đề án, Uỷ ban dân số, Gia đình và Trẻ em tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể, UBND các huyện và thành phố Huế xây dựng và tổ chức các kế hoạch hoạt động theo định kỳ 5 năm và hằng năm phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, hướng dẫn kiểm tra, giám sát và tổng hợp tình hình thực hiện đề án để báo cáo UBND tỉnh, tổ chức sơ kết tình hình thực hiện đề án vào năm 2008 và tổng kết đề án vào năm 2010.
3. Căn cứ nội dung đề án, UBND các huyện, thành phố Huế xây dựng và thực hiện các kế hoạch hoạt động hằng năm phù hợp với địa phương, tổng hợp và báo cáo định kỳ hằng năm với UBND tỉnh và Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em tỉnh.
4. Các sở, ban, ngành, đoàn thể xây dựng kế hoạch thực hiện các nội dung của đề án có liên quan đến ngành mình phụ trách được qui định tại khoản 1 điều 2 của Quyết định này.
5. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội tham gia triển khai đề án trong phạm vi hoạt động của mình.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh văn phòng UBND tỉnh, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể liên quan, Chủ tịch UBND các huyện/thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |