cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 230/2006/QĐ-UBND ngày 06/10/2006 Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Trung tâm Dạy nghề người tàn tật tỉnh Bình Dương (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 230/2006/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Bình Dương
  • Ngày ban hành: 06-10-2006
  • Ngày có hiệu lực: 16-10-2006
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 06-09-2014
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2882 ngày (7 năm 10 tháng 27 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 06-09-2014
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 06-09-2014, Quyết định số 230/2006/QĐ-UBND ngày 06/10/2006 Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Trung tâm Dạy nghề người tàn tật tỉnh Bình Dương (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 2165/QĐ-UBND ngày 06/09/2014 Bãi bỏ văn bản do Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành từ năm 1997 đến năm 2013 không còn phù hợp với pháp luật hiện hành và tình hình thực tế của địa phương”. Xem thêm Lược đồ.

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 230/2006/QĐ-UBND

Thủ Dầu Một, ngày 06 tháng 10 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRUNG TÂM DẠY NGHỀ NGƯỜI TÀN TẬT TỈNH BÌNH DƯƠNG

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 02/2001/NĐ-CP ngày 09/01/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Bộ luật Lao động và Luật Giáo dục về dạy nghề;

Căn cứ Thông tư số 01/2002/TT-BLĐTBXH ngày 04/01/2002 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thành lập, đăng ký hoạt động và chia, tách, sáp nhập, đình chỉ hoạt động, giải thể cơ sở dạy nghề;

Căn cứ Thông tư số 19/2005/TTLT/BLĐTBXH-BTC-BKHĐT ngày 19/05/2005 của liên bộ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thi hành Nghị định số 81/CP ngày 23/11/1995 và Nghị định số 116/2004/NĐ-CP ngày 23/04/2004 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người tàn tật;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 892/TTr-LĐTBXH ngày 28/08/2006 và Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 714 /TTr-SNV ngày 27/09/2006,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Trung tâm Dạy nghề người tàn tật tỉnh Bình Dương.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Nội vụ; Giám đốc Sở Tài chính; Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Giám đốc Trung tâm Dạy nghề người tàn tật và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Hoàng Sơn

 
QUY ĐỊNH
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRUNG TÂM DẠY NGHỀ NGƯỜI TÀN TẬT TỈNH BÌNH DƯƠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 230/2006/QĐ-UBND ngày 06/10/2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Vị trí

Trung tâm Dạy nghề người tàn tật tỉnh Bình Dương (sau đây gọi tắt là Trung tâm) là tổ chức đào tạo nghề thuộc lĩnh vực hoạt động xã hội. Trung tâm là đơn vị sự nghiệp, chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Điều 2. Chức năng

Trung tâm có chức năng dạy xóa mù chữ, dạy bổ túc văn hóa, đào tạo nghề, đào tạo lại nghề, bổ túc nghề, tư vấn học nghề và hướng nghiệp cho người tàn tật trên địa bàn tỉnh.

Chương II

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN

Điều 3. Nhiệm vụ

1. Xây dựng kế hoạch dạy nghề theo quy định của pháp luật:

- Xây dựng kế hoạch dạy xóa mù chữ, dạy bổ túc văn hóa, dạy nghề ngắn hạn, dài hạn; bổ túc nghề và đào tạo lại nghề, nâng cao tay nghề cho học viên người tàn tật.

- Xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình giảng dạy phù hợp với dạng khuyết tật của người tàn tật và phù hợp với nguyên tắc xây dựng chương trình đào tạo nghề do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.

- Tổ chức tuyển sinh, kiểm tra phân loại sức khỏe theo dạng tật của học viên trước khi thực hiện quá trình đào tạo và tổ chức kiểm tra cuối khóa cho người học theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Tổ chức dạy xóa mù chữ, dạy bổ túc văn hóa, dạy nghề ngắn hạn, dài hạn, bổ túc và đào tạo lại nghề hoặc theo hợp đồng dạy nghề và theo nhu cầu của người tàn tật, tổ chức dạy nâng cao tay nghề hoặc gửi học viên người tàn tật đi học nghề tại các trường, các trung tâm dạy nghề không được Nhà nước cấp kinh phí đào tạo.

- Tổ chức dạy nghề đúng đối tượng, nội dung theo kế hoạch được giao; tổ chức sản xuất gắn với thực hành để tạo việc làm cho người tàn tật.

- Phối hợp với các sở, ngành, hội, đoàn thể, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, các Trung tâm giới thiệu việc làm trên địa bàn tỉnh tư vấn học nghề, hướng nghiệp tạo việc làm cùng các nguồn hàng gia công và nơi tiêu thụ sản phẩm theo quy định cho học viên người tàn tật.

2. Quản lý cán bộ, giáo viên, nhân viên; cơ sở vật chất, tài sản thuộc Trung tâm theo quy định của pháp luật.

3. Tổ chức và hỗ trợ để giáo viên được tham gia bồi dưỡng nâng cao trình độ, nghiệp vụ sư phạm.

4. Hỗ trợ nơi ăn, ở cho học viên người tàn tật có hoàn cảnh khó khăn trong thời gian học nghề tại Trung tâm.

5. Thực hiện chế độ thông tin báo cáo định kỳ và đột xuất tình hình thực hiện nhiệm vụ và kết quả đào tạo nghề cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

6. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giao.

Điều 4. Quyền hạn

1. Trung tâm có tư cách pháp nhân, được sử dụng con dấu riêng và được mở tài khoản để hoạt động.

2. Được ký kết hợp đồng dạy nghề, học nghề cho người tàn tật:

- Được liên kết với các cơ sở sản xuất, trung tâm dạy nghề, trường dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học trong và ngoài tỉnh để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghề theo quy định của pháp luật.

- Được tư vấn việc học nghề, hướng nghiệp giới thiệu tạo việc làm cho học viên sau khi tốt nghiệp khóa học của Trung tâm.

- Được ký hợp đồng giảng dạy đối với người có đủ tiêu chuẩn theo quy định đến tham gia giảng dạy tại Trung tâm.

- Được ký hợp đồng liên kết dạy nghề dài hạn phù hợp và liên kết hợp đồng mở các lớp dạy nghề theo nhu cầu của người tàn tật trên địa bàn tỉnh.

3. Được cấp hỗ trợ vốn từ Quỹ việc làm dành cho người tàn tật của tỉnh để đào tạo, đào tạo lại, bổ túc nghề cho lao động là người tàn tật.

4. Được hỗ trợ kinh phí dạy nghề ngắn hạn, nâng cao tay nghề cho lao động là người tàn tật, nội dung và định mức chi theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 81/CP đã được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở số lượng học viên thực tế học nghề tại Trung tâm sau khi được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt.

5. Được tiếp nhận kinh phí, nguồn quà hỗ trợ cho người tàn tật và ủng hộ xây dựng Trung tâm của các hội, đoàn thể, tổ chức kinh tế xã hội, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh tài trợ.

6. Được quản lý và sử dụng các tài sản của Trung tâm gồm các nguồn vốn do Nhà nước đầu tư; nguồn do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh trợ giúp theo đúng nội dung, mục đích và theo quy định của pháp luật.

Chương III

TỔ CHỨC BỘ MÁY VÀ BIÊN CHẾ

Điều 5. Tổ chức bộ máy

1. Lãnh đạo

Trung tâm có 01 Giám đốc điều hành. Chức vụ này do Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội bổ nhiệm, miễn nhiệm sau khi thỏa thuận với Giám đốc Sở Nội vụ.

2. Các phòng chức năng

- Phòng Tổ chức - Hành chính (gồm các bộ phận: tổ chức, hành chính, kế toán, bảo vệ, cấp dưỡng, tiếp nhận hồ sơ học nghề).

- Phòng Đào tạo nghề (gồm các bộ phận: y tế, giáo viên giảng dạy, theo dõi quá trình học tập của học viên, sử dụng và bảo quản trang thiết bị, dụng cụ học tập).

Mỗi phòng có 01 Trưởng phòng do Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định.

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các phòng do Giám đốc Trung tâm quy định trên cơ sở quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Trung tâm do Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành.

Điều 6. Biên chế

Biên chế của Trung tâm thuộc biên chế sự nghiệp của tỉnh do Uỷ ban nhân dân tỉnh giao.

Việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức của Trung tâm thực hiện theo quy định tại Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; Giám đốc Trung tâm căn cứ vào nhu cầu hoạt động và khả năng tài chính của Trung tâm để thực hiện giao kết hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.

Chương IV

CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC

Điều 7. Chế độ làm việc

1. Trung tâm hoạt động theo chương trình, kế hoạch công tác hàng năm được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giao và theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định trong bản Quy định này.

2. Trung tâm làm việc theo chế độ Thủ trưởng. Giám đốc Trung tâm là người đứng đầu, quyết định mọi vấn đề thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Trung tâm và chịu trách nhiệm cao nhất trước Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trước pháp luật về toàn bộ các hoạt động của Trung tâm.

3. Các Phòng làm việc theo chế độ Trưởng phòng, triển khai giải quyết công việc được lãnh đạo Trung tâm phân công theo từng lĩnh vực chuyên môn và chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Trung tâm về kết quả công việc được phân công. Các Trưởng phòng tham mưu giúp Giám đốc Trung tâm thực hiện chức năng, nhiệm vụ và các chỉ tiêu kế hoạch được giao.

4. Khi có những vấn đề phát sinh vượt quá thẩm quyền của Giám đốc Trung tâm, hay chưa được sự thống nhất ý kiến của các cơ quan chức năng liên quan, Giám đốc Trung tâm phải báo cáo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét cho ý kiến chỉ đạo giải quyết.

5. Về chế độ hội họp

Định kỳ (do Giám đốc Trung tâm quy định) Trung tâm tổ chức họp giao ban giữa lãnh đạo Trung tâm với các Trưởng phòng để nắm tình hình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua và chỉ đạo triển khai công tác trong thời gian tới.

Giữa năm Trung tâm tổ chức sơ kết 6 tháng và cuối năm tổ chức tổng kết công tác để đánh giá kết quả hoạt động của Trung tâm; đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ công tác cho thời gian tới.

Điều 8. Quan hệ công tác

1. Đối với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Trung tâm chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp của Sở. Giám đốc Trung tâm có trách nhiệm báo cáo kết quả hoạt động của Trung tâm theo quy định và tham mưu đề xuất với Sở về các lĩnh vực công tác do Trung tâm phụ trách.

2. Đối với các đơn vị trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Trung tâm có mối quan hệ phối hợp, bình đẳng với các đơn vị trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ công tác theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

3. Đối với các sở, ngành, đoàn thể, tổ chức kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị.

Trung tâm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị này để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Đồng thời các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động công tác của Trung tâm.

Chương V

TÀI CHÍNH CỦA TRUNG TÂM

Điều 9. Kinh phí hoạt động được hình thành từ các nguồn:

- Kinh phí sự nghiệp do Nhà nước cấp

- Kinh phí do tổ chức, đơn vị hợp đồng đào tạo, bổ túc nghề

- Kinh phí tự có do thực hành nghề kết hợp sản xuất

- Kinh phí do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tài trợ (nếu có)

- Các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Nội dung chi

- Chi cho hoạt động thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ được giao và các hoạt động sự nghiệp của Trung tâm.

- Chi đầu tư phát triển Trung tâm như: mua sắm trang thiết bị, sửa chữa tài sản... và các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 11. Việc sửa đổi, bổ sung hay hủy bỏ bất kỳ điều khoản nào trong bản Quy định này do Giám đốc Trung tâm đề nghị, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng Giám đốc Sở Nội Vụ thống nhất trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.