Quyết định số 170/2006/QĐ-UBND ngày 20/09/2006 Ban hành Quy định trách nhiệm quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 170/2006/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Thành phố Hà Nội
- Ngày ban hành: 20-09-2006
- Ngày có hiệu lực: 05-10-2006
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-01-2010
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1184 ngày (3 năm 2 tháng 29 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 01-01-2010
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 170/2006/QĐ-UBND | Hà Nội, ngày 20 tháng 9 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
- Căn cứ Luật xây dựng số 16/2003/QH 11 ngày 26 tháng 11 năm 2003;
- Căn cứ Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng;
- Căn cứ Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
- Căn cứ Thông tư số 12/2005/TT-BXD ngày 15/7/2005 của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn một số nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng và điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân trong hoạt động xây dựng;
- Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số …/TTr/GĐCL-SXD ngày …..tháng 8 năm 2006.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định trách nhiệm quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn thành phố Hà nội.
Điều 2: Quyết định này thực hiện trên địa bàn Thành phố Hà nội và có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3: Chánh văn phòng UBND Thành phố, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện; các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn thành phố; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận : | TM.UỶ BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN HÀ NỘI
(ban hành kèm theo Quyết định số: 170 /2006/QĐ-UBND ngày 20 tháng 9 năm 2006 của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục đích, yêu cầu:
Làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các Cấp, các Ngành trực thuộc UBND Thành phố trong công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trong phạm vi địa giới hành chính Thành phố Hà Nội.
Điều 2. Phạm vi đối tượng áp dụng:
Quy định này áp dụng đối với các Sở, Ban, Ngành, UBND các quận, huyện, phường, xã, thị trấn thuộc UBND Thành phố trong công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng; các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu, tổ chức và cá nhân có liên quan trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng; công tác khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, bảo hành, bảo trì, quản lý và sử dụng công trình xây dựng trong phạm vi địa giới hành chính Thành phố Hà Nội.
Chương II
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN CHUYÊN MÔN
Điều 3. Sở Xây dựng
Sở Xây dựng là cơ quan giúp Uỷ ban nhân dân Thành phố thống nhất quản lý Nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng trong phạm vi địa giới hành chính Thành phố Hà Nội và có trách nhiệm:
1. Trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố ban hành các Quy định, văn bản hướng dẫn triển khai các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn Hà nội.
2. Phổ biến, hướng dẫn Uỷ ban nhân dân cấp quận, huyện, Sở có quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn Thành phố thực hiện nội dung các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước và của Thành phố Hà Nội về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
3. Tổ chức, hướng dẫn kiểm tra định kỳ (theo phụ lục 2 của thông tư số 12/2005/TT-BXD) đối với các công trình xây dựng trọng điểm, quan trọng của Thành phố, công trình nếu xảy ra sự cố có thể gây ra thảm hoạ (quy định tại Điều 28 khoản 1 Nghị định 209/2004/NĐ-CP) và kiểm tra đột xuất việc tuân thủ các quy định của Nhà nước và Thành phố về quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn. Xử lý và kiến nghị xử lý các vi phạm về chất lượng công trình xây dựng.
4. Phối hợp với các Sở có quản lý công trình xây dựng chuyên ngành khi kiểm tra công trình xây dựng chuyên ngành trên địa bàn.
5. Hướng dẫn chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc chủ quản lý sử dụng công trình về nghiệp vụ giải quyết sự cố đối với các công trình xây dựng trên địa bàn; báo cáo Bộ Xây dựng kết quả giải quyết sự cố của chủ đầu tư, chủ sở hữu, hoặc chủ quản lý sử dụng.
6. Hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra công tác kiểm tra chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn theo quy định của Nhà nước và của UBND Thành phố.
7. Tổ chức thực hiện việc giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn.
8. Theo dõi, kiểm tra, phân loại định kỳ công tác quản lý chất lượng của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng; lựa chọn, giới thiệu các tổ chức cá nhân thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng cho các hoạt động xây dựng trên địa bàn.
9. Viện Kỹ thuật Xây dựng là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Xây dựng, có trách nhiệm giúp Sở Xây dựng quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn Thành phố Hà Nội trong công tác kiểm tra chất lượng xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông, thuỷ lợi, hạ tầng kỹ thuật, kiểm định chất lượng xây dựng, vật liệu xây dựng, công tác nghiên cứu ứng dụng và phổ biến khoa học công nghệ xây dựng.
10. Báo cáo UBND Thành phố định kỳ, đột xuất về việc tuân thủ quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng và tình hình chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn.
11. Giúp UBND Thành phố tổng hợp tình hình chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn để báo cáo Bộ Xây dựng định kỳ 6 tháng, 1 năm.
Điều 4. Các Sở có quản lý công trình xây dựng chuyên ngành: Sở giao thông công chính; Sở công nghiệp; Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn.
1. Các Sở có quản lý công trình xây dựng chuyên ngành có trách nhiệm quản lý chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành trên địa bàn: Sở Giao thông công chính chịu trách nhiệm đối với công trình xây dựng giao thông, kỹ thuật hạ tầng đô thị; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm đối với công trình xây dựng thủy lợi, đê, nông lâm ngư nghiệp; Sở Công nghiệp chịu trách nhiệm đối với công trình xây dựng đường dây tải điện, trạm cấp, chuyển tải, biến áp, nhà máy phát điện, nhà máy sản xuất công nghiệp, các công trình xăng dầu, khí đốt.
2. Thực hiện các công việc nêu tại các khoản 1, 3, 10 tại Điều 3 Quy định này đối với công trình xây dựng chuyên ngành trên địa bàn.
3. Phối hợp với Sở Xây dựng thực hiện các công việc nêu tại các khoản 3, 4, 6 tại Điều 3 đối với công trình xây dựng chuyên ngành trên địa bàn.
4. Báo cáo định kỳ 6 tháng, 1 năm về tình hình chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành trên địa bàn gửi Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo UBND Thành phố, Bộ Xây dựng.
5. Các Sở có quản lý công trình xây dựng chuyên ngành phải tổ chức bộ phận chuyên trách để giúp Giám đốc Sở thực hiện nhiệm vụ nêu trên.
Điều 5. Các Sở, Ngành có dự án đầu tư xây dựng
1. Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng đối với các dự án đầu tư xây dựng thuộc Sở, Ngành; tổ chức bộ phận theo dõi, hướng dẫn, và tổng hợp công tác quản lý chất lượng.
2. Phối hợp với Sở Xây dựng và Sở có quản lý công trình xây dựng chuyên ngành tổ chức kiểm tra chất lượng công trình, dự án đầu tư xây dựng thuộc Sở, Ngành mình .
3. Tổng hợp tình hình, báo cáo định kỳ 6 tháng, 1 năm về tình hình chất lượng công trình xây dựng thuộc Sở, Ngành quản lý, gửi Sở xây dựng và Sở có quản lý công trình xây dựng chuyên ngành (nếu công trình xây dựng chuyên ngành).
4. Chỉ đạo đơn vị quản lý, sử dụng công trình thuộc Sở, Ngành, tổ chức thực hiện bảo trì công trình xây dựng theo quy trình bảo trì công trình xây dựng tại Điều 31, 32, 33, 34 Nghị định 209/2004/NĐ-CP
Điều 6. Sở Tài chính, kho bạc Hà nội
1. Hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát đôn đốc chủ đầu tư thực hiện quyết toán vốn đầu tư xây dựng theo quy định của Nhà nước và của UBND Thành phố.
2. Thực hiện thanh quyết toán vốn đầu tư với các dự án tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng theo quy định của Nhà nước và của UBND Thành phố.
Chương III
TRÁCH NHIỆM CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN CÁC CẤP
Điều 7. Uỷ ban nhân dân quận, huyện
Uỷ ban nhân dân quận, huyện có trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn quận, huyện. Phòng Xây dựng - Đô thị là cơ quan chuyên môn trực thuộc Uỷ ban Nhân dân quận, huyện, chịu sự hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn của Sở Xây dựng, Sở có quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, tham mưu giúp UBND quận, huyện thực hiện nhiệm vụ nêu trên.
Phòng Xây dựng - Đô thị quận, huyện có trách nhiệm:
1. Trình UBND quận, huyện ban hành các văn bản triển khai thực hiện công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng.
2. Hướng dẫn UBND phường, xã, thị trấn, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng, thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
3. Kiểm tra định kỳ, đột xuất việc tuân thủ quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng đối với các chủ đầu tư có công trình xây dựng trên địa bàn; phối hợp với Sở Xây dựng kiểm tra công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng khi có yêu cầu.
4. Tổ chức kiểm tra hồ sơ nghiệm thu giai đoạn xây dựng hoàn thành, hồ sơ nghiệm thu hoàn thành đưa hạng mục công trình, công trình vào sử dụng (theo phụ lục 2 của Thông tư số 12/2005/TT-BXD) đối với công trình thuộc dự án đầu tư do quận huyện, phường, xã, thị trấn quyết định đầu tư.
5. Theo dõi, đề xuất và phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất, các cơ quan, đơn vị quản lý nhà, chủ sở hữu, chủ quản lý sử dụng kiểm tra, thống kê tình trạng nhà công sở, nhà ở, các khu nhà tập thể, chung cư xuống cấp không đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Phối hợp với các Sở có quản lý công trình xây dựng chuyên ngành trong công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành.
6. Hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết và lập hồ sơ sự cố công trình xây dựng. Đề xuất hướng giải quyết những hư hỏng công trình lân cận do việc thi công xây dựng công trình mới gây ra.Trường hợp cần thiết UBND quận, huyện có văn bản đề nghị Sở Xây dựng hướng dẫn để tổ chức thực hiện.
7. Kiến nghị xử lý các vi phạm về chất lượng công trình xây dựng với UBND quận, huyện, hoặc cấp có thẩm quyền.
8. Tổng hợp tình hình, báo cáo định kỳ 6 tháng, 1 năm về tình hình chất lượng công trình xây dựng thuộc quận, huyện quản lý. Báo cáo định kỳ 3 tháng/1lần danh mục các công trình dự án khởi công xây dựng trên địa bàn (theo mẫu phụ lục 01) về Sở Xây dựng để tổng hợp, theo dõi, kiểm tra.
Điều 8. Uỷ ban nhân dân phường, xã, thị trấn
1. Tiếp nhận, xác nhận thông báo khởi công của chủ đầu tư đối với các công trình xây dựng trên địa bàn; phân công cán bộ theo dõi, tổ chức thực hiện việc quản lý, kiểm tra quá trình thi công theo giấy phép xây dựng, nội dung biển báo công trường, các điều kiện đảm bảo vệ sinh môi trường: hàng rào thi công, màn che công trình, thoát nước thi công, giải pháp thu gom nước thải, rác thải xây dựng, nhà vệ sinh tạm thời, giấy phép sử dụng tạm thời hè, đường.
2. Lập danh mục, theo dõi các công trình dự án khởi công xây dựng trên địa bàn phường, xã, thị trấn (theo mẫu phụ lục 02). Định kỳ 3 tháng /1lần báo cáo UBND quận, huyện thông qua Phòng Xây dựng - đô thị để tổng hợp, theo dõi, kiểm tra.
3. Phối hợp với Phòng Xây dựng - Đô thị lập danh mục công trình xẩy ra sự cố trên địa bàn phường, xã, thị trấn, báo cáo UBND quận, huyện. Theo dõi chất lượng sử dụng các công trình: dân dụng, công nghiệp, giao thông, thuỷ lợi, hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn; Trường hợp công trình không đảm bảo an toàn cho người sử dụng, cần thực hiện ngay biện pháp khẩn cấp ngăn chặn kịp thời, đồng thời báo cáo, đề xuất hướng xử lý với các cấp có thẩm quyền.
4. Theo dõi, kiểm tra tình hình xây dựng nhà ở riêng lẻ trên địa bàn. Trường hợp phát hiện công trình không đảm bảo an toàn cho người sử dụng; công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ, hoặc các công trình lân cận công trình đang xây dựng, có dấu hiệu không bảo đảm chất lượng hoặc có nguy cơ xẩy ra sự cố sụp đổ, phải có biện pháp ngăn chặn kịp thời, tổ chức di chuyển người, tài sản, đồng thời báo cáo với UBND quận, huyện để giải quyết.
Chương III
TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG CỦA CÁC TỔ CHỨC THAM GIA HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG
Điều 9. Chủ đầu tư xây dựng công trình
Chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về chất lượng công trình xây dựng được quy định tại các chương III, IV, V của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP và các văn bản quy phạm, pháp luật có liên quan.
1. Phê duyệt nhiệm vụ, phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng và giám sát công tác khảo sát xây dựng; kiểm tra, nghiệm thu báo cáo kết quả khảo sát xây dựng.
2. Lập nhiệm vụ thiết kế, phê duyệt nhiệm vụ thiết kế, tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc theo quy định tại Thông tư 05/2005/TT-BXD ( đối với công trình phải thi tuyển thiết kế kiến trúc).
3. Chịu trách nhiệm tổ chức thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán, tổng dự toán đối với những công trình xây dựng phải lập dự án theo quy định tại Điều 16 của Nghị định 16/2005/NĐ-CP ; ký, đóng dấu xác nhận tính pháp lý của sản phẩm thiết kế (theo mẫu phụ lục 1D, Thông tư số 12/2005/TT-BXD)
4. Trường hợp chủ đầu tư không đủ điều kiện năng lực tự thực hiện các công việc trong khoản 1, 2, 3 thì phải triển khai thực hiện theo các quy định pháp luật hiện hành.
5. Chủ đầu tư thành lập Ban quản lý dự án hoặc thuê tổ chức tư vấn quản lý dự án theo quyết định của người quyết định đầu tư theo quy định tại Điều 35 của Nghị định 16/2005/NĐ-CP ; Đối với công trình sửa chữa hoặc xây dựng mới có quy mô nhỏ, đơn giản có vốn đầu tư dưới 1 tỷ đồng thì chủ đầu tư có thể không lập Ban quản lý dự án nhưng phải được sự chấp thuận của người quyết định đầu tư. Chủ đầu tư phải cử người quản lý dự án và thuê các tổ chức tư vấn thiết kế, giám sát thi công xây dựng để giúp thực hiện.
6. Kiểm tra và thực hiện đầy đủ các điều kiện trước khi khởi công xây dựng công trình theo quy định tại Điều 72 Luật Xây dựng; có trách nhiệm thông báo khởi công công trình với uỷ ban nhân dân phường, xã, thị trấn tại nơi xây dựng công trình theo quy định của UBND Thành phố.
7. Khi có đủ điều kiện năng lực giám sát thi công xây dựng theo quy định tại Điều 62 của Nghị định 16/NĐ-CP thì chủ đầu tư tự tổ chức giám sát chất lượng thi công xây dựng công trình theo quy định tại Điều 21 của Nghị định 209/NĐ-CP : Kiểm tra sự phù hợp năng lực của nhà thầu thi công xây dựng công trình với hồ sơ dự thầu và hợp đồng xây dựng; kiểm tra giám sát chất lượng vật tư, vật liệu và thiết bị công trình do nhà thầu thi công xây dựng công trình cung cấp theo yêu cầu của thiết kế; kiểm tra, giám sát thường xuyên trong quá trình thi công xây dựng công trình. Trường hợp chủ đầu tư không đủ điều kiện năng lực giám sát thi công xây dựng theo quy định thì chủ đầu tư giao cho tổ chức tư vấn quản lý dự án thực hiện (nếu đủ điều kiện năng lực theo quy định) hoặc thuê tư vấn giám sát thi công xây dựng.
8. Chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu thi công xây lắp lập sổ nhật ký thi công xây dựng công trình. Chủ đầu tư, nhà thầu giám sát thi công xây dựng của chủ đầu tư, giám sát tác giả thiết kế, nhà thầu thi công xây lắp phải ghi vào sổ nhật ký theo các nội dung quy định tại Nghị định 209/2004/NĐ-CP và Thông tư số 12/TT-BXD.
9. Yêu cầu tổ chức tư vấn thiết kế thực hiện công tác giám sát tác giả theo Điều 22 Nghị định 209/2004/NĐ-CP
10.Tổ chức nghiệm thu công việc xây dựng, bộ phận công trình xây dựng, giai đoạn thi công xây dựng, các hạng mục công trình và công trình xây dựng theo các Điều 23, 24, 25, 26 Nghị định 209/2004/NĐ-CP Đối với những công việc xây dựng khó khắc phục khiếm khuyết khi triển khai các công việc tiếp theo ( như thi công phần ngầm, phần khuất, các hạng mục công trình chịu lực quan trọng), chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu thiết kế cùng tham gia nghiệm thu.
11. Thường xuyên kiểm tra và đôn đốc công tác giám sát thi công xây dựng do Ban quản lý dự án, tổ chức tư vấn quản lý dự án và nhà thầu giám sát thi công xây dựng thực hiện.
12. Tổ chức bàn giao công trình cho chủ sở hữu, chủ sử dụng công trình sau khi đã nghiệm thu hoàn thành công trình theo quy định. Chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu thiết kế, nhà sản xuất thiết bị công trình, cung cấp quy trình vận hành, sử dụng, bảo trì công trình, thiết bị để giao cho chủ sở hữu, chủ sử dụng, phục vụ cho công tác vận hành, sử dụng bảo trì công trình, thiết bị.
13. Tổ chức thực hiện bảo hành công trình xây dựng, bao gồm: kiểm tra tình trạng công trình, phát hiện tình trạng hư hỏng để yêu cầu nhà thầu thi công xây dựng, nhà thầu cung ứng thiết bị công trình kịp thời sửa chữa, thay thế; giám sát và nghiệm thu công việc khắc phục, sửa chữa của nhà thầu thi công xây dựng và nhà thầu cung ứng thiết bị công trình; xác nhận hoàn thành bảo hành công trình xây dựng cho nhà thầu thi công xây dựng và nhà thầu cung ứng thiết bị công trình.
14. Giải quyết sự cố công trình xây dựng theo quy định tại Điều 35 và Điều 36 của Nghị định 209/2004/NĐ-CP
15. Chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc kiểm tra, chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình đối với công trình xây dựng khi xảy ra sự cố có thể gây ra thảm họa được quy định tại Điều 28 khoản 1 Nghị định 209/2004/NĐ-CP theo quy định hiện hành của Nhà nước và UBND Thành phố.
16. Mua bảo hiểm công trình.
17. Lập Báo cáo về tình hình chất lượng công trình theo mẫu tại phụ lục 4 của Thông tư số 12/2005/TT-BXD gửi Sở Xây dựng để quản lý, theo dõi và kiểm tra.
Điều 10. Nhà thầu khảo sát xây dựng
Chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và pháp luật về chất lượng kết quả khảo sát được quy định tại chương III của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP và các văn bản quy phạm, pháp luật có liên quan.
1. Chỉ được ký kết hợp đồng thực hiện các công việc khảo sát phù hợp với điều kiện năng lực hoạt động khảo sát xây dựng công trình.
2. Chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và pháp luật về tính trung thực và chính xác của kết quả khảo sát; phải bồi thường thiệt hại khi:
a) Thực hiện không đúng nhiệm vụ khảo sát.
b) Khảo sát sai thực tế gây phát sinh khối lượng.
c) Sử dụng các thông tin, tài liệu, quy chuẩn, tiêu chuẩn về khảo sát xây dựng không phù hợp.
d) Các hư hỏng, sự cố công trình do lỗi khảo sát gây ra trong niên hạn sử dụng công trình.
Tuỳ theo mức độ vi phạm còn bị xử lý theo quy định của pháp luật .
3. Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp.
Điều 11. Nhà thầu thiết kế xây dựng công trình
Chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và pháp luật về chất lượng thiết kế được quy định tại chương IV của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP và các văn bản quy phạm, pháp luật có liên quan.
1. Chỉ được nhận thầu thiết kế xây dựng công trình phù hợp với điều kiện năng lực hoạt động thiết kế xây dựng công trình, năng lực hành nghề thiết kế xây dựng công trình.
2. Chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ đầu tư về chất lượng thiết kế xây dựng công trình và phải bồi thường thiệt hại khi đề ra nhiệm vụ khảo sát hoặc sử dụng thông tin, tài liệu, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, giải pháp kỹ thuật, công nghệ không phù hợp gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình xây dựng và các hư hỏng, sự cố công trình do lỗi thiết kế gây ra trong niên hạn sử dụng công trình. Tuỳ theo mức độ vi phạm còn bị xử lý theo quy định của pháp luật .
3. Giám sát tác giả trong quá trình thi công xây dựng công trình theo quy định tại điều 22 Nghị định 209/2004/NĐ-CP
4. Lập quy trình bảo trì công trình xây dựng trên cơ sở các tiêu chuẩn kỹ thuật bảo trì công trình xây dựng tương ứng.
5. Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp.
Điều 12. Nhà thầu tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình
Chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và pháp luật về chất lượng giám sát thi công xây dựng công trình. Nhiệm vụ và trách nhiệm của nhà thầu tư vấn giám sát được quy định tại chương V của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan
1. Chỉ được nhận thầu giám sát thi công xây dựng công trình phù hợp với điều kiện năng lực hoạt động giám sát thi công xây dựng công trình, năng lực hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình .
2. Thực hiện công việc giám sát theo đúng hợp đồng đã ký kết.
3. Không được thông đồng với nhà thầu thi công thi công xây dựng, với chủ đầu tư xây dựng công trình hoặc có các hành vi vi phạm khác làm sai lệch kết quả giám sát.
4. Bồi thường thiệt hại do:
a) Người giám sát làm sai lệch kết quả giám sát đối với khối lượng thi công không đúng thiết kế.
b) Công việc giám sát không tuân thủ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng gây ra các hư hỏng, sự cố công trình trong niên hạn sử dụng công trình.
Tuỳ theo mức độ vi phạm còn bị xử lý theo quy định của pháp luật.
5. Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp.
Điều 13. Nhà thầu thi công xây dựng công trình
Chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và pháp luật về chất lượng công trình xây dựng được quy định tại chương V của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP và các văn bản quy phạm, pháp luật có liên quan.
1. Chỉ được nhận thầu thi công xây dựng công trình phù hợp với điều kiện năng lực hoạt động thi công xây dựng.
2. Chịu trách nhiệm quản lý chất lượng thi công xây dựng ở các nội dung sau: lập hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với yêu cầu, tính chất, quy mô công trình xây dựng; thi công xây dựng theo đúng thiết kế, tiêu chuẩn xây dựng, bảo đảm chất lượng, tiến độ, an toàn và vệ sinh môi trường; thực hiện các thí nghiệm kiểm tra vật liệu, sản phẩm xây dựng; lập và ghi nhật ký thi công xây dựng công trình theo quy định; nghiệm thu nội bộ và lập bản vẽ hoàn công cho bộ phận công trình xây dựng, hạng mục công trình xây dựng và công trình xây dựng hoàn thành; chuẩn bị tài liệu làm căn cứ nghiệm thu và lập phiếu yêu cầu chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu.
3. Chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và pháp luật về chất lượng công việc do mình đảm nhận và do các nhà thầu phụ thực hiện; bồi thường thiệt hại khi vi phạm hợp đồng, sử dụng vật liệu không đúng chủng loại, thi công không bảo đảm chất lượng hoặc gây hư hỏng, gây ô nhiễm môi trường và các hành vi vi phạm khác gây ra hư hỏng công trình xây dựng, sự cố công trình trong niên hạn sử dụng công trình. Tuỳ theo mức độ vi phạm còn bị xử lý theo quy định của pháp luật.
4. Trong thời gian bảo hành, phải tổ chức khắc phục ngay các hư hỏng do lỗi của nhà thầu thi công xây dựng, cung ứng và lắp đặt thiết bị trong công trình khi có yêu cầu của chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc chủ quản lý sử dụng công trình.
5. Mua bảo hiểm theo quy định của pháp luật về bảo hiểm .
Điều 14. Chủ sở hữu, đơn vị hoặc người quản lý sử dụng công trình
Chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng công trình xây dựng sau khi đưa công trình vào khai thác sử dụng được quy định tại chương VI của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP và các văn bản quy phạm, pháp luật có liên quan.
1. Trong thời gian bảo hành, có trách nhiệm xem xét phát hiện hư hỏng, yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng, nhà thầu cung ứng thiết bị sửa chữa, thay thế. Trường hợp các nhà thầu không đáp ứng được việc bảo hành, chủ sở hữu hoặc chủ quản lý sử dụng công trình có quyền lấy kinh phí từ tiền bảo hành để thuê nhà thầu khác thực hiện.
2. Tổ chức thực hiện bảo trì công trình xây dựng theo quy trình bảo trì công trình xây dựng. Đối với các công trình xây dựng đang sử dụng nhưng chưa có quy trình bảo trì, chủ sở hữu, đơn vị hoặc chủ quản lý sử dụng công trình phải thuê tổ chức tư vấn kiểm định lại chất lượng công trình xây dựng và lập quy trình bảo trì công trình xây dựng.
3. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc chất lượng công trình xây dựng bị xuống cấp do không thực hiện quy trình bảo trì công trình xây dựng theo quy định.
Điều 15 : Cơ quan cấp trên đơn vị quản lý sử dụng công trình
1. Hướng dẫn, chỉ đạo, đơn vị quản lý sử dụng công trình tổ chức thực hiện bảo trì công trình theo quy định tại Điều 31, 32, 33, 34 Nghị định 209/2004/NĐ-CP
2. Kiểm tra định kỳ, đột xuất việc tuân thủ các quy định về quản lý khai thác sử dụng công trình của đơn vị quản lý sử dụng.
3. Chủ trì, phối hợp với UBND quận huyện, đơn vị quản lý sử dụng công trình kiểm tra, thống kê tình trạng chất lượng công trình không đảm bảo an toàn cho người sử dụng, có giải pháp xử lý cụ thể, báo cáo với cấp thẩm quyền theo theo quy định.
4. Tổng hợp tình hình, báo cáo định kỳ 6 tháng, 1 năm về tình hình chất lượng công trình đang sử dụng thuộc phạm vi quản lý; kịp thời báo cáo các công trình không đảm bảo an toàn cho việc vận hành, khai thác, sử dụng về Sở Xây dựng, Sở có quản lý công trình xây dựng chuyên ngành.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 16. Chế độ báo cáo về chất lượng công trình xây dựng
1. Sở có công trình xây dựng chuyên ngành; Sở, Ngành có dự án đầu tư xây dựng; Uỷ ban nhân dân quận, huyện báo cáo theo mẫu của Bộ Xây dựng, gửi về Sở Xây dựng mỗi năm 2 kỳ: kỳ 1 trước ngày 15 tháng 6 và kỳ 2 trước ngày 10 tháng 12 hàng năm.
2. Chủ đầu tư báo cáo theo mẫu tại Phụ lục 4 Thông tư 12/2005/TT-BXD gửi Sở Xây dựng, đồng thời gửi Sở có quản lý công trình xây dựng chuyên ngành ( nếu là công trình xây dựng chuyên ngành ) mỗi năm 2 kỳ trước ngày 15 tháng 6 và trước ngày 10 tháng 12 hàng năm và báo cáo khi hoàn thành công trình xây dựng.
3. Sở Xây dựng có trách nhiệm tổng hợp, viết báo cáo trình UBND Thành phố phê duyệt, để báo cáo Bộ Xây dựng về tình hình chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn.
Điều 17. Xử lý vi phạm
1.Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn Hà nội có hành vi vi phạm pháp luật về công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng, tuỳ theo mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật, xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 126/2004/NĐ-CP hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp vi phạm về quản lý chất lượng công trình xây dựng gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại.
2.Sở Xây dựng, các Sở có quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, UBND các quận, huyện theo dõi, kiểm tra sự tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng của các tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng; xác định các tổ chức, cá nhân có nhiều vi phạm ảnh hưởng đến chất lượng công trình, đề nghị cấp có thẩm quyền không cho phép hoạt động xây dựng trên địa bàn thành phố.
Điều 18. Điều khoản thi hành
Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành của Thành phố; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, phường, xã, thị trấn; chủ đầu tư các công trình xây dựng; các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn Thành phố Hà nội chịu trách nhiệm thực hiện Quy định này.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị các tổ chức, cá nhân có liên quan phản ánh thông qua Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo với UBND Thành phố xem xét, quyết định.
PHỤ LỤC SỐ 1
UBND QUẬN, HUYỆN.......... | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
BÁO CÁO TÌNH HÌNH CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN THÁNG...&.../200..
( Định kỳ 3 tháng/lần vào ngày cuối của từng Quý trong năm đối với các công trình xây dựng từ 6 tầng trở lên, nhà ở riêng lẻ của dân không cần báo cáo mục 1&3 )
Kính gửi: Sở Xây dựng Hà Nội
UBND quận, huyện............................báo cáo tình hình quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng đối với các chủ đầu tư có công trình xây dựng trên địa bàn như sau:
1. Công trình xây dựng khởi công:
TT | Tên công trình/Địa điểm xây dựng | Dự án thuộc nhóm/Tổng vốn đầu tư | Tên Chủ đầu tư/ Cấp Quyết định đầu tư | Diện tích XD/ Tổng diện tích sàn/ Số tầng | Tên nhà thầu thi công XD | Hình thức quản lý Dự án | Hình thức quản lý chất lượng CTXD | Ngày/tháng/năm khởi công/ Dự kiến thời gian hoàn thành | ||
CĐT trực tiếp quản lý dự án (thành lập BQLDA) | CĐT thuê TVQLDA ( tên tổ chức TV) | CĐT tự tổ chức GS | Thuê tổ chức TVGS ( tên tổ chức TVGS) |
| ||||||
1 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
... |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2. Sự cố công trình xây dựng:
TT | Tên công trình/Địa điểm xây dựng | Dự án thuộc nhóm | Tên Chủ đầu tư | Tên nhà thầu Thi công xây dựng | Tên nhà thầu Tư vấn giám sát | Giờ/Ngày/tháng xảy ra sự cố | Mô tả tóm tắt sự cố/ Tình hình giải quyết hậu quả sự cố |
1 |
|
|
|
|
|
|
|
... |
|
|
|
|
|
|
|
3. Tình hình kiểm tra chất lượng công trình xây dựng:
TT | Tên công trình được kiểm tra/Địa điểm xây dựng | Dự án thuộc nhóm | Tên Chủ đầu tư | Thành phần Đoàn kiểm tra | Nội dung Kiểm tra | Kết quả kiểm tra |
1 |
|
|
|
|
|
|
... |
|
|
|
|
|
|
PHỤ LỤC SỐ 2
UBND PHƯỜNG, XÃ............... | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
BÁO CÁO TÌNH HÌNH CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN THÁNG...&.../200..
( Định kỳ 3 tháng/lần vào ngày cuối của từng Quý trong năm , kể cả nhà ở riêng lẻ của dân tự xây dựng)
Kính gửi: UBND quận, huyện...
UBND phường, xã............................báo cáo tình hình quản lý trật tự xây dựng đối với các chủ đầu tư có công trình xây dựng trên địa bàn như sau:
1. Công trình xây dựng khởi công:
TT | Tên công trình/Địa điểm xây dựng | Dự án thuộc nhóm/Tổng vốn đầu tư | Tên Chủ đầu tư/ Cấp Quyết định đầu tư | Diện tích XD/ Tổng diện tích sàn/ Số tầng | Tên nhà thầu thi công XD | Hình thức quản lý Dự án | Hình thức quản lý chất lượng CTXD | Ngày/tháng/năm khởi công/ Dự kiến thời gian hoàn thành | ||
CĐT trực tiếp quản lý dự án (thành lập BQLDA) | CĐT thuê TVQLDA ( tên tổ chức TV) | CĐT tự tổ chức GS | Thuê tổ chức TVGS ( tên tổ chức TVGS) |
| ||||||
1 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
... |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2. Sự cố công trình xây dựng:
TT | Tên công trình/Địa điểm xây dựng | Dự án thuộc nhóm | Tên Chủ đầu tư | Tên nhà thầu Thi công xây dựng | Tên nhà thầu Tư vấn giám sát | Giờ/Ngày/tháng xảy ra sự cố | Mô tả tóm tắt sự cố/ Tình hình giải quyết hậu quả sự cố |
1 |
|
|
|
|
|
|
|
... |
|
|
|
|
|
|
|
3. Tình hình kiểm tra về đảm bảo trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường theo Quy định của Thành phố:
TT | Tên công trình được kiểm tra/Địa điểm xây dựng | Dự án thuộc nhóm | Tên Chủ đầu tư | Thành phần Đoàn kiểm tra | Nội dung Kiểm tra | Kết quả kiểm tra |
1 |
|
|
|
|
|
|
... |
|
|
|
|
|
|