cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 1734/2006/QĐ-UBND ngày 05/09/2006 Quy định chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 1734/2006/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Vĩnh Long
  • Ngày ban hành: 05-09-2006
  • Ngày có hiệu lực: 15-09-2006
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 04-05-2010
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1327 ngày (3 năm 7 tháng 22 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 04-05-2010
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 04-05-2010, Quyết định số 1734/2006/QĐ-UBND ngày 05/09/2006 Quy định chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 926/QĐ-UBND ngày 04/05/2010 Công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long ban hành từ năm 1976 đến ngày 30/6/2007 đã hết hiệu lực thi hành”. Xem thêm Lược đồ.

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG

---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1734/2006/QĐ-UBND

Vĩnh Long, ngày 05 tháng 9 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ, KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, KINH TẾ TRANG TRẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 16/2003/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 88/2005/NĐ-CP ngày 17/7/2005 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác;

Căn cứ Nghị quyết số 35/2006/NQ-HĐND ngày 13 tháng 7 năm 2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VII, kỳ họp thứ 7 về việc tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng cuối năm 2006;

Xét đề nghị của Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành quy định chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

(Kèm Quy định chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển kinh tế tập thể và kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long).

Điều 2. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Liên minh các hợp tác xã tỉnh Vĩnh Long chủ trì và phối hợp với các ngành chức năng có liên quan, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện quy định nêu ở Điều 1 Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký và được đăng trên Công báo cấp tỉnh.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trương Văn Sáu

 

QUY ĐỊNH

CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ VÀ KINH TẾ TRANG TRẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1734/2006/QĐ-UBND, ngày 05 tháng 9 năm 2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long)

Phần 1

CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRANG TRẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG

Trong những năm qua sản xuất nông nghiệp đã có những bước phát triển, trong sản xuất lúa năng suất và sản lượng ngày càng tăng trong chăn nuôi xuất hiện nhiều mô hình làm ăn lớn (nuôi thuỷ sản, bò, heo, gà...) có giá trị cao đạt hiệu quả tốt góp phần giải quyết việc làm cho vùng nông thôn, tăng thu nhập cho gia đình và xã hội.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp vẫn còn phổ biến kinh tế hộ quy mô nhỏ nhiều nông sản có chất lượng cao nhưng sản lượng ít, một số nông sản sản lượng lớn, nhưng chất lượng thiếu đồng đều, số lượng thiếu tập trung chưa đủ đáp ứng khi có nhu cầu lớn cung ứng cho thị trường… để từng bước khắc phục tình trạng nhỏ lẻ, nâng cao quy mô sản xuất, khuyến khích ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tăng chất lượng và hiệu quả sản xuất chuẩn bị hội nhập kinh tế quốc tế thì chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại nông nghiệp là một trong những yêu cầu cần thiết, khách quan.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Những đặc trưng của Kinh tế trang trại

1. Kinh tế trang trại là hình thức tổ chức sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp - nông thôn, chủ yếu dựa vào hộ gia đình, nhằm mở rộng qui mô và hiệu quả sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông thủy sản.

2. Trang trại vừa kết hợp sử dụng nguồn lao động gia đình vừa thuê mướn thêm lao động bên ngoài theo thời vụ hoặc thường xuyên.

3. Chủ trang trại là những người có ý chí làm giàu, có kiến thức về khoa học và quản lý kinh tế, có kinh nghiệm trực tiếp điều hành sản xuất, biết áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

4. Mục đích sản xuất của trang trại là tạo ra khối lượng hàng hoá với quy mô lớn, hiệu quả cao theo những ngành hàng đúng quy hoạch, phù hợp mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp. Trang trại có mức độ tập trung hoá, chuyên môn hoá các điều kiện và yếu tố sản xuất cao hơn hẳn kinh tế hộ gia đình, thể hiện ở quy mô sản xuất như: đất đai, vốn, lao động, giá trị sản xuất, tỉ xuất hàng hoá nông, lâm, thuỷ sản…

5. Tiêu chí để xác định kinh tế trang trại theo Thông tư Liên tịch số 69/2000/TTLT/BNN-TCTK, ngày 23/6/2000 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng Cục Thống kê và Thông tư số 74/2003/TT-BNN ngày 04/7/2003 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về xác định tiêu chí kinh tế trang trại.

Điều 2. Phạm vi điều chỉnh:

Quy định này áp dụng một số chính sách ưu đãi đầu tư đối với kinh tế trang trại nhằm khuyến khích phát triển, mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản; gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

Điều 3. Đối tượng áp dụng:

Đối tượng được hưởng các chính sách ưu đãi kinh tế trang trại là hộ gia đình, hộ công nhân viên Nhà nước và lực lượng vũ trang, hộ thành thị (gọi chung là hộ gia đình) sản xuất nông nghiệp, thủy sản hoặc sản xuất nông nghiệp thủy sản là chính, đồng thời có kiêm nhiệm các hoạt động dịch vụ phi nông nghiệp.

Chương II

CÁC CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRANG TRẠI

Điều 4. Thực hiện chính sách của Trung ương:

Các Sở, ngành liên quan tiếp tục cụ thể hóa các chính sách của Trung ương về đất đai, lao động, đầu tư, tín dụng, khoa học công nghệ, thị trường, thuế, bảo hộ tài sản... và hướng dẫn trang trại được hưởng các chính sách theo qui định hiện hành một cách thuận lợi và có hiệu quả.

Điều 5. Những chính sách của tỉnh.

Ngoài các chính sách của Trung ương mà trang trại được hưởng như trên, các trang trại còn được hưởng các chính sách khuyến khích phát triển của tỉnh như sau:

1. Chính sách khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công

- Trang trại được ưu tiên hỗ trợ từ các chương trình, dự án của Nhà nước về khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công và phát triển nông thôn do ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, ngành công nghiệp quản lý và triển khai thực hiện hàng năm.

- Các trang trại có dự án, kế hoạch sản xuất phù hợp quy hoạch về chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp và phát triển nông thôn được các đơn vị sự nghiệp tư vấn về kỹ thuật và được hỗ trợ kinh phí ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật theo nội dung và định mức các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công.

2. Chính sách thông tin

Các trang trại được hỗ trợ thông tin thương mại, thị trường, kỹ thuật, các chương trình xúc tiến thương mại bao gồm:

- Được cấp bản tập tin nông nghiệp và nông thôn Vĩnh Long, các tài liệu khoa học công nghệ khác do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát hành theo định kỳ.

- Ưu tiên được mời tham dự các hội thảo về thương mại điện tử, dự báo thị trường, dịch vụ khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và dịch vụ tổng hợp trong nông nghiệp.

3. Chính sách xúc tiến thương mại

Trang trại được hỗ trợ về xúc tiến thương mại, tư vấn xây dựng thương hiệu các sản phẩm. Được hỗ trợ chi phí thuê mặt bằng khi tham gia triển lãm, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh, từ nguồn xúc tiến thương mại của tỉnh.

4. Chính sách đào tạo - tập huấn

Các chủ trang trại được chọn cử đưa đi đào tạo, bồi dưỡng theo các chuyên đề về nâng cao năng lực quản lý, khoa học công nghệ phục vụ sản xuất, phát triển trang trại được hỗ trợ 100% kinh phí đào đạo.

5. Chính sách ứng dụng kỹ thuật công nghệ mới:

Trang trại ứng dụng kỹ thuật mới, công nghệ mới, cải tiến thiết bị công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và bảo vệ môi trường được hỗ trợ đầu tư từ quỹ phát triển khoa học - công nghệ của tỉnh.

Chương III

THẨM QUYỀN CÔNG NHẬN TRANG TRẠI VÀ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ƯU ĐÃI TRANG TRẠI

Điều 6. Thẩm quyền, trình tự thủ tục để được công nhận trang trại.

Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại thuộc Uỷ ban nhân dân huyện, thị; địa phương nơi trang trại sản xuất, theo Công văn số 261/HTX, ngày 20 tháng 5 năm 2004 của Cục Hợp tác xã.

Điều 7. Thẩm quyền, cấp chứng nhận ưu đãi trang trại Thẩm quyền quyết định chứng nhận ưu đãi kinh tế trang trại là Uỷ ban nhân dân tỉnh.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Trách nhiệm của địa phương và cơ quan chuyên ngành:

1. Uỷ ban nhân dân huyện, thị lập quy hoạch phát triển kinh tế trang trại theo hướng quy hoạch chung của tỉnh về sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản và phát triển nông thôn; hướng dẫn cho chủ trang trại xây dựng dự án sản xuất kinh doanh và trình tự thủ tục để được cấp giấy công nhận kinh tế trang trại và thủ tục chứng nhận ưu đãi đầu tư.

2. Các Ngân hàng Thương mại có kế hoạch hỗ trợ cho các chủ trang trại vay vốn đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, mở rộng quy mô phát triển sản xuất.

3. Các Sở, ngành có liên quan hướng dẫn cụ thể và thực hiện đúng các chính sách của Trung ương và địa phương cho các trang trại.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Là cơ quan tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh theo dõi việc tổ chức thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển trang trại của Trung ương và tỉnh, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định cấp chứng nhận ưu đãi trang trại

b) Tổng hợp, dự toán kinh phí thực hiện chính sách hàng năm phối hợp Sở Tài chính cân đối nguồn vốn trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 9. Trách nhiệm hướng dẫn và thi hành

1. Giám đốc các Sở, Lãnh đạo Ban, ngành tỉnh liên quan theo chức năng nhiệm vụ quyền hạn, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cụ thể hóa nội dung chính sách, có trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn và tổ chức thi hành quy định này.

2. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị căn cứ nội dung, phối hợp, tổ chức thực hiện, định kỳ sáu tháng, một năm báo cáo về Uỷ ban nhân dân tỉnh và đồng gởi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp báo cáo các cơ quan Trung ương và Uỷ ban nhân dân tỉnh.

Điều 10. Xử lý các tổ chức cá nhân sai phạm

Các tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách ưu đãi đối với kinh tế trang trại để trục lợi, khi phát hiện sẽ bị thu hồi các nguồn hỗ trợ và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Phần II

QUY ĐỊNH CÁC CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ, KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ HỢP TÁC XÃ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG

Căn cứ Luật Hợp tác xã ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 164/2003/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ. Quy định chi tiết thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 88/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã.

Căn cứ vào tình hình thực tế của phong trào kinh tế tập thể tỉnh nhà, Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định một số chính sách nhằm thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển vững chắc trong thời gian tới,

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này áp dụng một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích nhằm phát triển kinh tế hợp tác xã tỉnh Vĩnh Long trong thời gian tới.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

- Hợp tác xã, Quỹ tín dụng nhân dân, Liên hiệp Hợp tác xã (gọi chung là Hợp tác xã) đăng ký hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 1996 và đăng ký bổ sung Điều lệ, thực hiện theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2003.

- Hợp tác xã thành lập và đăng ký hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2003.

Điều 3. Các chính sách hỗ trợ, khuyến khích kinh tế tập thể bao gồm

1. Chính sách hỗ trợ, khuyến khích thành lập Hợp tác xã

2. Chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hợp tác xã

3. Chính sách đất đai

4. Chính sách thuế

5. Quỹ hỗ trợ Hợp tác xã

6. Chính sách tín dụng

7. Chính sách hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại

8. Chính sách hỗ trợ ứng dụng đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công.

9. Chính sách hỗ trợ Hợp tác xã đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống của cộng đồng xã viên và tham gia các chương trình phát triển kinh tế xã hội.

Chương II

NỘI DUNG CÁC CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ, KHUYẾN KHÍCH KINH TẾ HỢP TÁC XÃ

Điều 4. Những chính sách tỉnh vận dụng Nghị định số 88/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005, thực hiện tại địa phương đối với Hợp tác xã như sau:

1. Về công tác đào tạo, bồi dưỡng:

a) Đối tượng đào tạo, bồi dưỡng:

- Các chức danh trong Ban quản trị, Ban chủ nhiệm, Ban kiểm soát, Kế toán trưởng.

- Cán bộ, nhân viên làm công việc chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ của các Hợp tác xã.

b) Mức hỗ trợ kinh phí:

- Hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cho các đối tượng nêu trên (gồm chi phí học tập và ăn, ở), theo từng chương trình đào tạo, bồi dưỡng cụ thể.

- Mức chi theo hướng dẫn của trên.

c) Kính phí hỗ trợ được dự toán và đưa vào ngân sách tỉnh hàng năm.

2. Về chính sách đất đai:

a) Đất làm trụ sở Hợp tác xã. Nếu các địa phương còn quỹ đất công thì xem xét cấp cho các Hợp tác xã làm trụ sở mà không thu tiền và cấp quyền sử dụng đất (tài sản này thuộc sở hữu không chia, khi Hợp tác xã không sử dụng hoặc giải thể thì giao lại cho địa phương).

b) Đất làm nhà xưởng sản xuất, kinh doanh của Hợp tác xã, các địa phương ưu tiên cho Hợp tác xã thuê hoặc chuyển quyền sử dụng đất ưu đãi hơn các tổ chức, cá nhân khác.

c) Nếu Hợp tác xã có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất, được cho nợ phần thuế chuyển mục đích sử dụng đó.

Điều 5. Những chính sách thực hiện theo hướng dẫn trên:

1. Chính sách hỗ trợ khuyến khích thành lập Hợp tác xã.

2. Chính sách thuế.

3. Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã.

4. Chính sách tín dụng.

5. Chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại.

6. Chính sách hỗ trợ ứng dụng đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công.

7. Chính sách hỗ trợ Hợp tác xã đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống cộng đồng xã viên và tham gia các chương trình phát triển kinh tế xã hội.

Đối với những chính sách này các ngành chức năng của tỉnh có liên quan đến thực hiện chính sách phải tích cực triển khai hướng dẫn thực hiện tốt theo trách nhiệm của mình.

Đối với các huyện, thị kiểm tra, đôn đốc thực hiện có hiệu quả các chính sách này hỗ trợ thiết thực cho các Hợp tác xã phát triển.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 6. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

1. Liên minh Hợp tác xã tỉnh Vĩnh Long:

- Là cơ quan đầu mối giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện nội dung quy định nầy.

- Phối kết hợp với các Sở, ngành, huyện, thị tổ chức thực hiện nội dung quy định này.

- Là đơn vị chủ trì, phối hợp với các trường của tỉnh thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hợp tác xã theo quy định này.

2. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị tổ chức triển khai, hướng dẫn các Hợp tác xã thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ Hợp tác xã và theo điều kiện, quyền hạn của mình mà có những giúp đỡ thiết thực cho Hợp tác xã về vật chất cũng như chỉ đạo.

3. Sở Tài nguyên - Môi trường chủ trì, phối hợp với các huyện, thị tổ chức thực hiện các chính sách về đất đai.

4. Cục Thuế Vĩnh Long chủ trì, phối hợp với các huyện, thị tổ chức thực hiện chính sách về thuế.

5. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Vĩnh Long triển khai tổ chức thực hiện các chính sách về tín dụng.

6. Sở Kế hoạch - Đầu tư chủ trì, phối hợp với các huyện, thị tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ thành lập Hợp tác xã mới và hoạt động xúc tiến thương mại cho Hợp tác xã.

7. Các Sở, ngành có liên quan khác căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của ngành mình tổ chức thực hiện nội dung quy định này.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 7. Trách nhiệm thực hiện

Giám đốc các Sở, ngành, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã có trách nhiệm tổ chức thực hiện quy định này và báo cáo kết quả thực hiện theo quy định về chế độ thông tin, báo cáo của Uỷ ban nhân dân tỉnh./.