Quyết định số 2033/2006/QĐ-UBND ngày 05/09/2006 Về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo do Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 2033/2006/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
- Ngày ban hành: 05-09-2006
- Ngày có hiệu lực: 15-09-2006
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 02-06-2014
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2817 ngày (7 năm 8 tháng 22 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 02-06-2014
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2033/2006/QĐ-UBND | Huế, ngày 05 tháng 9 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH VỀ THẨM QUYỀN, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ.
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND ngày 03/12/2004;
Căn cứ Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2005;
Theo đề nghị của Chánh Thanh tra tỉnh tại Tờ trình số 212/TT-TTr ngày 04 tháng 7 năm 2006,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này “Quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký. Các văn bản trước đây của UBND tỉnh trái với Quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, Thành phố Huế, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể các cấp, các cơ quan đơn vị tại địa phương, các tổ chức và cá nhân có liên quan, chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM.ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
VỀ THẨM QUYỀN, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 2033 /2006/QĐ-UBND ngày 05 tháng 9 năm 2006 của UBND tỉnh)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Quy định này nhằm cụ thể hóa thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo, đáp ứng yêu cầu giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Quy định này không bao gồm trình tự giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai và việc xử lý đơn kiến nghị, phản ảnh của công dân.
Điều 2. Quy định này áp dụng cho tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết các quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại và những hành vi vi phạm pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân bị tố cáo.
Chương II
THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO
Mục 1. THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CỦA CÁC CẤP
Điều 3. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại.
a. Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã), Thủ trưởng cơ quan thuộc UBND huyện, thành phố có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp.
b. Chủ tịch UBND cấp huyện có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình; giải quyết khiếu nại mà Chủ tịch UBND xã, thủ trưởng cơ quan thuộc UBND huyện đã giải quyết nhưng còn khiếu nại.
c. Đối với cấp Sở và tương đương (gọi chung là cấp Sở): Giám đốc Sở có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của cán bộ công chức do mình quản lý trực tiếp; giải quyết khiếu nại mà thủ trưởng cơ quan thuộc Sở đã giải quyết nhưng còn khiếu nại.
d. Chủ tịch UBND tỉnh có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình; giải quyết khiếu nại mà Chủ tịch UBND cấp huyện đã giải quyết nhưng còn khiếu nại; giải quyết khiếu nại mà Giám đốc Sở hoặc tương đương đã giải quyết nhưng còn khiếu nại mà nội dung thuộc phạm vi quản lý của UBND cấp tỉnh.
Điều 4. Thẩm quyền giải quyết tố cáo.
Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật mà người bị tố cáo thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan nào thì cơ quan đó có trách nhiệm giải quyết.
Người bị tố cáo là thành viên của các tổ chức chính trị xã hội nào thì được xem xét giải quyết theo điều lệ và những quy định pháp luật của tổ chức chính trị xã hội đó.
Tố cáo hành vi vi phạm quy định về nhiệm vụ, công vụ của người thuộc cơ quan nào thì người đứng đầu cơ quan đó có trách nhiệm giải quyết.
Tố cáo hành vi vi phạm quy định về nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nào thì người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan đó có trách nhiệm giải quyết.
Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật mà nội dung liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của cơ quan nào thì cơ quan đó có trách nhiệm giải quyết. Tố cáo hành vi phạm tội do các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
Mục 2. TRÁCH NHIỆM THAM MƯU GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO
Điều 5. Trách nhiệm của cơ quan tham mưu các cấp trong giải quyết khiếu nại:
1. Đối với cấp huyện.
a. Các cơ quan chuyên môn cấp huyện có trách nhiệm thẩm tra, xác minh kết luận các nội dung khiếu nại trong lĩnh vực chuyên môn mình quản lý và báo cáo, kiến nghị Chủ tịch UBND cùng cấp xem xét, giải quyết.
b. Thanh tra huyện, thành phố có trách nhiệm kiểm tra, xác minh, kết luận những nội dung đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND huyện, thành phố có liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực; các quyết định giải quyết khiếu nại mà Chủ tịch UBND cấp xã, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn cấp huyện đã giải quyết nhưng còn khiếu nại và những đơn thư khiếu nại do Chủ tịch UBND huyện, thành phố giao; báo cáo, kiến nghị Chủ tịch UBND huyện, thành phố xem xét, giải quyết.
2. Đối với cấp tỉnh.
Các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh có trách nhiệm thẩm tra, xác minh kết luận các nội dung khiếu nại trong lĩnh vực chuyên môn do mình quản lý và báo cáo, kiến nghị Chủ tịch UBND cùng cấp xem xét giải quyết. Riêng đối với một số Sở, ngành có nhiệm vụ cụ thể như sau:
a. Sở Xây dựng có trách nhiệm thẩm tra, xác minh, kết luận nội dung đơn khiếu nại đòi lại nhà, đất trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa về nhà đất của Nhà nước ta trước đây; các vụ việc có liên quan đến công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng để báo cáo, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh xem xét giải quyết theo thẩm quyền.
b. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thẩm tra, xác minh, kết luận nội dung đơn khiếu nại về quyết định hành chính, hành vi hành chính trong quản lý đất đai được quy định tại Điều 162, Khoản 3 Điều 163, Khoản 1, 2 Điều 164 Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ để báo cáo, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
c. Thanh tra tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, xác minh, kết luận nội dung đơn khiếu nại các quyết định giải quyết khiếu nại mà Chủ tịch UBND huyện, thành phố, Giám đốc Sở hoặc cấp tương đương đã giải quyết nhưng còn khiếu nại và những nội dung khiếu nại có liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực; những đơn có nội dung không thuộc chức năng của các Sở, ngành để báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, giải quyết.
d. Đối với khiếu nại do cấp ủy hoặc Thủ trưởng cấp trên có ý kiến chỉ đạo (bằng văn bản) yêu cầu xem xét giải quyết thì Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức liên quan phải có trách nhiệm xem xét và báo cáo kết quả với cấp uỷ hoặc Thủ trưởng cấp trên đúng thời hạn đã quy định tại văn bản có ý kiến chỉ đạo.
e. Các cơ quan được giao nhiệm vụ thẩm tra, xác minh và đề xuất biện pháp giải quyết cho người giải quyết khiếu nại phải gửi báo cáo trước 05 ngày tính đến ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại (30 ngày) đã được quy định trong Luật Khiếu nại, tố cáo.
Điều 6. Trách nhiệm của người giải quyết tố cáo và cơ quan tham mưu giải quyết tố cáo.
1. Trách nhiệm của người giải quyết tố cáo.
a. Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người do mình quản lý trực tiếp.
b. Chủ tịch UBND cấp huyện có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, Trưởng ban, Phó trưởng ban thuộc UBND cấp huyện và những người khác do mình bổ nhiệm và quản lý trực tiếp.
c. Giám đốc Sở có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng thuộc Sở và những người khác do mình bổ nhiệm và quản lý trực tiếp.
d. Chủ tịch UBND tỉnh có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp huyện, Giám đốc, Phó Giám đốc Sở và những người khác do mình bổ nhiệm và quản lý trực tiếp.
2. Trách nhiệm của các cơ quan tham mưu giải quyết tố cáo.
a. Chánh Thanh tra cấp huyện có thẩm quyền: Xác minh, kết luận nội dung tố cáo, kiến nghị biện pháp xử lý tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND cấp huyện khi được giao; xem xét kết luận nội dung tố cáo mà Chủ tịch UBND cấp xã đã giải quyết nhưng có vi phạm pháp luật. Trong trường hợp phát hiện việc giải quyết có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới thì yêu cầu người đã giải quyết xem xét, giải quyết lại. Không áp dụng tình huống giải quyết vượt thẩm quyền đối với đơn tố cáo.
b. Chánh Thanh tra cấp Sở có thẩm quyền: Xác minh, kết luận nội dung tố cáo, kiến nghị biện pháp xử lý tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Giám đốc Sở khi được giao; xem xét, kết luận nội dung tố cáo mà Thủ trưởng cơ quan thuộc Sở đã giải quyết nhưng có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới. Trong trường hợp kết luận việc giải quyết có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới thì kiến nghị người đã giải quyết xem xét, giải quyết lại.
c. Chánh Thanh tra tỉnh có thẩm quyền: Xác minh, kết luận nội dung tố cáo, kiến nghị biện pháp xử lý tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND tỉnh khi được giao; xem xét, kết luận nội dung tố cáo mà Chủ tịch UBND cấp huyện, Giám đốc Sở đã giải quyết nhưng có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới. Trong trường hợp kết luận việc giải quyết có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới thì kiến nghị người đã giải quyết xem xét giải quyết lại.
Mục 3. HỘI ĐỒNG TƯ VẤN GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI
Điều 7. Hội đồng tư vấn giải quyết khiếu nại, tố cáo:
1. Đối với cấp xã.
a. Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND xã làm Chủ tịch Hội đồng,
b. Các thành viên khác gồm: Cán bộ Tư pháp, đại diện Mặt trận, các ban ngành cấp xã có liên quan làm thành viên; mời đại diện Hội Nông dân nếu khiếu nại liên quan đến nông dân; mời đại diện các tổ chức chính trị - xã hội: Phụ nữ, Thanh niên, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tham gia khi cần thiết; Tổ trưởng tổ dân phố ở đô thị; trưởng thôn, bản, làng đối với khu vực nông thôn.
2. Đối với cấp huyện.
a. Chánh Thanh tra hoặc Chánh Văn phòng UBND huyện làm Chủ tịch Hội đồng.
b. Các thành viên khác gồm Trưởng hoặc Phó phòng: Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường và các phòng, ban có liên quan; mời Hội Nông dân (nếu khiếu nại liên quan đến nông dân); mời đại diện HĐND huyện, Viện Kiểm sát, Toà án, Công an huyện tham gia Hội đồng nếu xét thấy cần thiết.
c. Tùy theo nội dung của từng vụ việc khiếu nại, Chủ tịch Hội đồng mời Thủ trưởng các cơ quan chức năng có liên quan làm thành viên bổ sung của Hội đồng.
3. Đối với cấp tỉnh.
a. Chánh Thanh tra hoặc Chánh Văn phòng UBND tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng.
b. Các thành viên khác gồm: Đại diện lãnh đạo cơ quan Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên & Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Trưởng phòng Nghiệp vụ 1 Thanh tra tỉnh, Trưởng phòng Tiếp dân hoặc Nội chính Văn phòng UBND tỉnh.
c. Tùy theo nội dung của từng vụ việc khiếu nại, Chủ tịch Hội đồng mời Thủ trưởng các cơ quan chức năng có liên quan, Chủ tịch UBND huyện, thành phố Huế làm thành viên bổ sung của Hội đồng.
Khi xét thấy cần thiết, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện có thể triệu tập Hội đồng tư vấn của cấp mình để tham mưu giúp Chủ tịch UBND giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền.
Điều 8. Trình tự báo cáo vụ việc khiếu nại ra Hội đồng tư vấn:
1. Căn cứ thời hạn giải quyết khiếu nại do luật định, sau khi hoàn thành nhiệm vụ kiểm tra, xác minh, cơ quan được giao thụ lý có trách nhiệm gửi báo cáo kết quả thẩm tra, xác minh kèm các hồ sơ, tài liệu có liên quan báo cáo Chủ tịch Hội đồng tư vấn xem xét trước khi đưa vụ việc ra Hội đồng tư vấn.
2. Chậm nhất sau 05 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh vụ việc khiếu nại cấp có thẩm quyền giải quyết phải tổ chức họp Hội đồng tư vấn giải quyết khiếu nại của cấp mình dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội đồng tư vấn (hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn).
3. Trường hợp các thành viên trong Hội đồng tư vấn có ý kiến khác nhau đối với vụ việc giải quyết khiếu nại, thì Chủ tịch UBND cấp có thẩm quyền giảI quyết khiếu nại triệu tập Hội đồng tư vấn của cấp mình để nghe và cho ý kiến giải quyết.
4. Hai (02) ngày sau khi họp Hội đồng tư vấn giải quyết khiếu nại thì Văn phòng UBND tỉnh, Văn phòng HĐND và UBND các huyện, thành phố phải ra thông báo kết luận về kết quả buổi họp.
5. Trong thời hạn ba (03) ngày kể từ ngày nhận được thông báo kết luận về kết quả phiên họp của Hội đồng tư vấn, cơ quan được giao thụ lý vụ việc khiếu nại có trách nhiệm dự thảo quyết định giải quyết khiếu nại gửi về Văn phòng UBND xem xét lần cuối về nội dung, hình thức văn bản và trình Chủ tịch UBND cấp mình ký ban hành quyết định giải quyết khiếu nại.
Chương III
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC GIẢI QUYẾT ĐƠN KHIẾU NẠI, TỐ CÁO
Mục 1. TIẾP NHẬN XỬ LÝ ĐƠN THƯ
Điều 9. Tiếp nhận đơn thư.
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân giải quyết khiếu nại, tố cáo có trách nhiệm bố trí cán bộ thường trực tiếp nhận đơn, phân loại theo nội dung đơn khiếu nại, tố cáo và đề xuất hướng xử lý cho người giải quyết khiếu nại, tố cáo xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Thời điểm tiếp nhận khiếu nại, tố cáo được tính theo ngày đến được ghi trong dấu công văn đến của cơ quan tiếp nhận hoặc kể từ ngày công dân gửi đơn trực tiếp cho bộ phận tiếp nhận đơn và được ghi vào sổ tiếp nhận đơn thư.
Điều 10. Xử lý đơn khiếu nại, tố cáo.
1. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của mình và không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 32 của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2005 người giải quyết khiếu nại phải thụ lý, đồng thời thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại và người giải quyết khiếu nại trước đó biết. Trường hợp không thụ lý giải quyết phải nêu rõ lý do.
2. Người giải quyết khiếu nại khi nhận được đơn khiếu nại có chữ ký của nhiều người thì phải hướng dẫn người khiếu nại viết thành đơn riêng để thực hiện quyền khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật. Việc hướng dẫn được thực hiện bằng văn bản hoặc trả lời trực tiếp cho người khiếu nại.
3. Đối với đơn khiếu nại, tố cáo không đủ điều kiện thụ lý theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo thì người giải quyết khiếu nại, tố cáo trả lời bằng văn bản 1 lần cho người khiếu nại, tố cáo biết rõ lý do. Không hướng dẫn đối với trường hợp đơn khiếu nại, kiến nghị, phản ảnh có nội dung, địa chỉ không rõ ràng.
4. Đối với đơn vừa có nội dung khiếu nại vừa có nội dung tố cáo thì người tiếp nhận đơn hướng dẫn đương sự tách riêng nội dung khiếu nại và tố cáo để gửi đến đúng cấp thẩm quyền giải quyết.
5. Đối với đơn khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết, đơn khiếu nại về vụ việc đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai, đơn đã hết thời hiệu, thời hạn khiếu nại tiếp theo quy định của pháp luật thì cơ quan nhận được đơn không thụ lý mà thông báo và hướng dẫn cho người khiếu nại bằng văn bản. Việc thông báo, hướng dẫn chỉ thực hiện một lần đối với một vụ việc. Trong trường hợp người khiếu nại gửi kèm theo các giấy tờ, tài liệu là bản gốc liên quan đến vụ việc khiếu nại thì cơ quan nhận được trả lại các giấy tờ, tài liệu đó cho người khiếu nại.
6. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Chánh Văn phòng HĐND và UBND các huyện, thành phố, Trưởng phòng hành chính - tổng hợp các sở, ban, ngành có trách nhiệm tham mưu cho Thủ trưởng cơ quan nhà nước cùng cấp xử lý đơn khiếu nại, tố cáo:
a. Đơn khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết thì hướng dẫn cho người khiếu nại gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định tại khoản 5 Điều này.
b. Đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết thì tham mưu Thủ trưởng có văn bản giao cho các cơ quan chức năng trực thuộc tiến hành kiểm tra, xác minh, kết luận các nội dung khiếu nại, tố cáo và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
7. Chánh Thanh tra các cấp, các Sở, ngành có trách nhiệm hướng dẫn cơ quan, tổ chức, đơn vị cùng cấp trong việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo; giúp thủ trưởng cơ quan Nhà nước cùng cấp trong việc tổng hợp tình hình đơn thư khiếu nại, tố cáo và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.
8. Cấp ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và thanh tra cùng cấp hoặc cấp trên, đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan báo chí, theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo có quyền chuyển đơn yêu cầu các cấp, các ngành xem xét, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân. Ngoài cơ quan và tổ chức trên, các cơ quan khác không có thẩm quyền chuyển đơn yêu cầu giải quyết. Nếu thuộc thẩm quyền thì thụ lý giải quyết và trả lời bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân chuyển đơn đến biết; nếu không thuộc thẩm quyền giải quyết thì gửi trả đơn cho đương sự và thông báo bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân đã chuyển đơn biết.
9. Đối với những đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các huyện, Sở, ngành nhưng quá thời hạn quy định hoặc được các cơ quan của Đảng, Nhà nước cấp trên nhiều lần chuyển hoặc hướng dẫn mà chưa được giải quyết thì giao trách nhiệm cho Chánh Thanh tra tỉnh hoặc Chánh Văn phòng UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, Giám đốc các Sở, ngành giải quyết, đồng thời có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết của các huyện, Sở, ngành và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền để xử lý kỷ luật đối với người thiếu trách nhiệm hoặc cố tình trì hoãn việc giải quyết khiếu nại đó.
Mục 2. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI.
Điều 11. Trình tự, thủ tục giải quyết đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền:
1. Nội dung quyết định thụ lý đơn.
Thành lập Đoàn kiểm tra có ít nhất hai người; thời hạn kiểm tra, xác minh không quá 20 ngày làm việc. Nếu vụ việc phức tạp, ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời gian có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày làm việc; phải xác định nội dung kiểm tra, xác minh; xác định trách nhiệm của các cơ quan có liên quan đến nội dung kiểm tra, xác minh vụ việc.
2. Trách nhiệm của cơ quan tham mưu hoặc Đoàn kiểm tra, xác minh:
a. Tiến hành thẩm tra, xác minh nội dung khiếu nại.
Phải làm việc với người khiếu nại để yêu cầu cung cấp chứng cứ và xác định nội dung khiếu nại;
Làm việc với người bị khiếu nại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và các cơ quan có liên quan đến nội dung vụ việc khiếu nại để củng cố chứng cứ.
Kiểm tra hiện trạng để đối chiếu chứng cứ (nếu có).
Tổ chức gặp gỡ giữa người khiếu nại, người bị khiếu nại và các cơ quan, tổ chức có liên quan để khẳng định tính chính xác của các chứng cứ.
Tất cả các cuộc làm việc nêu trên phải lập thành biên bản và được lưu giữ trong hồ sơ vụ việc.
b. Báo cáo kết quả kiểm tra: Người được giao nhiệm vụ kiểm tra, xác minh phải báo cáo bằng văn bản kết quả kiểm tra, xác minh vụ việc với người có thẩm quyền giải quyết.
c. Nếu vụ việc khiếu nại có tình tiết phức tạp, căn cứ để kết luận vụ việc không đảm bảo thì cần tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan chức năng và tranh thủ ý kiến tư vấn của cơ quan thanh tra, cơ quan chủ quản cấp trên.
3. Trách nhiệm của Thủ tưởng cơ quan hành chính nhà nước trong giải quyết khiếu nại.
a. Nếu vụ việc phức tạp, liên quan đến chính sách tôn giáo, có thể tác động đến xã hội và ảnh hưởng đến chính trị thì người giải quyết khiếu nại phải báo cáo cấp uỷ cùng cấp.
b. Tổ chức đối thoại: Người giải quyết khiếu nại lần đầu phải tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền, lợi ích hợp pháp có liên quan để làm rõ nội dung, xác định các căn cứ để ban hành quyết định giải quyết. Nếu vụ việc khiếu nại có tình tiết phức tạp, người giải quyết khiếu nại phải tổ chức họp Hội đồng tư vấn và xin ý kiến của cơ quan chủ quản cấp trên trước khi ban hành quyết định giải quyết khiếu nại.
c. Ban hành quyết định giải quyết khiếu nại: Căn cứ kết quả kiểm tra, xác minh của cơ quan tham mưu hoặc Đoàn kiểm tra, xác minh và kết quả cuộc gặp gỡ đối thoại, người giải quyết khiếu nại ban hành quyết định giải quyết khiếu nại. Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày ký quyết định giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại có trách nhiệm gửi quyết định giải quyết khiếu nại đến người khiếu nại, người bị khiếu nại, cơ quan cấp trên trực tiếp, cơ quan Thanh tra cùng cấp và cơ quan Thanh tra cấp trên trực tiếp; đồng thời gửi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật.
d. Giao nhận và công bố quyết định giải quyết khiếu nại: Quyết định giải quyết khiếu nại được giao trực tiếp (có ký nhận) hoặc gửi thư bảo đảm theo đường bưu điện cho người khiếu nại, người bị khiếu nại và các đơn vị, cá nhân có liên quan. Đối với những trường hợp khiếu nại có tính chất phức tạp, người khiếu nại có địa chỉ cư trú trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, giao trách nhiệm Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp với cơ quan kiểm tra, xác minh trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày ban hành Quyết định có trách nhiệm công bố Quyết định giải quyết khiếu nại của cấp có thẩm quyền; việc công bố quyết định phải được lập thành biên bản và lưu vào hồ sơ vụ việc.
4. Thời điểm người khiếu nại nhận quyết định giải quyết khiếu nại, được tính từ ngày ký nhận quyết định, ngày đến được ghi trong dấu của cơ quan bưu điện hoặc ngày công bố quyết định
Điều 12. Việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại.
1. Trong quá trình giải quyết khiếu nại các lần tiếp theo nếu xét thấy việc thi hành các quyết định hành chính bị khiếu nại, quyết định giải quyết khiếu nại trước đó sẽ gây hậu quả khó khắc phục thì người giải quyết khiếu nại phải ra quyết định hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ thi hành các quyết định đó.
Thời hạn tạm đình chỉ không vượt quá thời gian còn lại của thời hạn giải quyết đơn khiếu nại theo quy định của pháp luật. Khi xét thấy lý do của việc tạm đình chỉ không cần thiết nữa thì phải có quyết định hủy bỏ ngay quyết định tạm đình chỉ.
2. Đối với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai của Chủ tịch UBND tỉnh: Chủ tịch UBND huyện, thành phố, Giám đốc các Sở có liên quan phải có trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại lần hai có hiệu lực pháp luật, trừ những trường hợp Chủ tịch UBND tỉnh có quyết định cho tạm dừng thi hành quyết định đó.
3. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật, Chủ tịch UBND huyện, thành phố, Giám đốc Sở phải có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra và áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật và báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày công bố quyết định.
Mục 3. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC GIẢI QUYẾT TỐ CÁO
Điều 13. Trình tự, thủ tục giải quyết đơn tố cáo thuộc thẩm quyền:
1. Nội dung quyết định thành lập Đoàn: Cơ quan giải quyết tố cáo ban hành quyết định thành lập Đoàn thanh tra. Thành phần Đoàn thanh tra có ít nhất từ 2 đến 3 người (gồm cán bộ cơ quan Thanh tra và các ngành có liên quan).
a. Quy định thời gian kiểm tra, xác minh và báo cáo kết quả cho người có thẩm quyền giải quyết không quá 60 ngày làm việc. Nếu vụ việc phức tạp, đi lại khó khăn có thể gia hạn nhưng không quá 90 ngày.
b. Xác định nội dung kiểm tra, xác minh.
c. Quy định trách nhiệm của người bị tố cáo, các cơ quan có liên quan đến nội dung kiểm tra, xác minh vụ việc.
2. Trách nhiệm của cơ quan tham mưu:
a. Tiến hành kiểm tra, xác minh: Cơ quan hoặc Đoàn Thanh tra phải làm việc với người tố cáo để xác định nội dung và thu thập chứng cứ liên quan đến nội dung tố cáo (nếu có);
Trên cơ sở các nội dung tố cáo, Đoàn thanh tra yêu cầu người bị tố cáo giải trình các nội dung đơn tố cáo;
Xác minh làm rõ những nội dung tố cáo, quá trình kiểm tra nếu phát hiện các sai phạm khác, Đoàn thanh tra được phép mở rộng kiểm tra để củng cố chứng cứ phục vụ kết luận kiểm tra và phục vụ công tác quản lý của cấp có thẩm quyền.
b. Lập báo cáo kết quả kiểm tra: Trên cơ sở kết quả kiểm tra xác minh, cơ quan hoặc Đoàn thanh tra lập báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh, kết luận, kiến nghị đối với từng nội dung tố cáo và đề xuất hướng xử lý đối với người tố cáo, người bị tố theo quy định của pháp luật.
3. Trách nhiệm của cơ quan giải quyết tố cáo:
a. Ban hành thông báo kết luận giải quyết tố cáo: Căn cứ báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh, người có thẩm quyền giải quyết đơn tố cáo ban hành thông báo kết luận giải quyết tố cáo. Nội dung thông báo bao gồm các nội dung: Người bị tố cáo và nội dung tố cáo; nội dung tố cáo gồm bao nhiêu vụ việc; kết quả kiểm tra, kết luận bao nhiêu nội dung tố cáo đúng, tố cáo sai, tố cáo có đúng, có sai; hướng khắc phục, xử lý đối với người và cơ quan sai phạm nếu có. Những nội dung phát hiện ngoài nội dung tố cáo không đưa vào thông báo kết luận.
Thông báo kết luận phải gửi cho cơ quan cấp trên trực tiếp và cơ quan Thanh tra cùng cấp với cơ quan cấp trên trực tiếp và các cơ quan tổ chức có liên quan.
b. Quyết định xử lý tố cáo: Trên cơ sở kết luận về những hành vi vi phạm pháp luật của người bị tố cáo, người có thẩm quyền giải quyết đơn tố cáo ban hành quyết định xử lý tố cáo. Quyết định xử lý tố cáo phải gửi cho cơ quan cấp trên trực tiếp và cơ quan Thanh tra cùng cấp với cơ quan cấp trên trực tiếp và các cơ quan tổ chức có liên quan.
Nếu người bị tố cáo là đảng viên hoặc cấp uỷ viên thuộc diện quản lý của cấp uỷ các cấp mà đang giữ những chức vụ chủ chốt trong bộ máy quản lý nhà nước thì người có thẩm quyền giải quyết tố cáo phải mời đại diện Uỷ ban kiểm tra của cấp uỷ cùng cấp tham gia đoàn thanh tra giải quyết đơn tố cáo và trước khi ban hành quyết định xử lý tố cáo phải báo cáo với cấp uỷ trực tiếp quản lý về những vi phạm của cán bộ, đảng viên đó.
Chương IV
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CÔNG TÁC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO
Điều 14. UBND các cấp, các Sở, ngành thực hiện quản lý nhà nước về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong phạm vi quản lý của mình theo đúng quy định của pháp luật.
Điều 15. Cơ quan Thanh tra các cấp, các ngành chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng cùng cấp thực hiện quản lý Nhà nước về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong phạm vi thẩm quyền của mình và báo cáo với Thủ trưởng cùng cấp về tình hình chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của cấp dưới.
Điều 16. Thanh tra tỉnh, Thanh tra các huyện, thành phố và các Sở, ngành có trách nhiệm:
1. Tuyên truyền và giáo dục pháp luật cho công dân thực hiện đúng Luật Khiếu nại, tố cáo và các quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo.
2. Hướng dẫn cơ quan, tổ chức, đơn vị cùng cấp trong việc tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thi hành quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo.
3. Kiểm tra, thanh tra trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị cấp dưới của Thủ trưởng cùng cấp trong việc tiếp công dân, xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong trường hợp cần thiết, đề nghị Thủ trưởng cùng cấp triệu tập Thủ trưởng cơ quan, đơn vị cấp dưới họp để đề xuất biện pháp tổ chức chỉ đạo, xử lý đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp.
4. Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật về khiếu nại, tố cáo phải xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.
5. Kiến nghị các biện pháp nhằm chấn chỉnh công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc phạm vi quản lý của Thủ trưởng cơ quan cùng cấp.
6. Tổng hợp tình hình khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc trách nhiệm của Thủ trưởng cùng cấp, thực hiện chế độ báo cáo định kỳ theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và yêu cầu của cơ quan Thanh tra cấp trên.
Điều 17. Chủ tịch UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tạo điều kiện để các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Đại biểu HĐND, Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc, các tổ chức thành viên của Mặt trận, tổ chức Thanh tra nhân dân giám sát việc thi hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo tại địa phương; định kỳ báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo với HĐND cùng cấp, cơ quan hành chính Nhà nước và cơ quan Thanh tra cấp trên.
Điều 18. Việc khen thưởng và xử lý vi phạm pháp luật về khiếu nại, tố cáo đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân được thực hiện theo quy định tại các Điều 95, 96, 97, 98, 99, 100 của Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Khiếu nại, tố cáo có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01.6.2006.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 19. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc có những phát sinh mới thì Chủ tịch UBND, Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các cấp, các tổ chức, cá nhân phản ánh về UBND tỉnh (qua Thanh tra tỉnh) để tổng hợp và báo cáo UBND tỉnh kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.