cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 39/2006/QĐ-UBND ngày 25/08/2006 Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của ban quản lý các Khu công nghiệp do tỉnh Quảng Nam (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 39/2006/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Quảng Nam
  • Ngày ban hành: 25-08-2006
  • Ngày có hiệu lực: 04-09-2006
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 30-09-2013
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2583 ngày (7 năm 28 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 30-09-2013
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 30-09-2013, Quyết định số 39/2006/QĐ-UBND ngày 25/08/2006 Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của ban quản lý các Khu công nghiệp do tỉnh Quảng Nam (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 27/2013/QĐ-UBND ngày 20/09/2013 Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý các khu công nghiệp Quảng Nam”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 39/2006/QĐ-UBND

Tam Kỳ, ngày 25 tháng 8 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA BAN QUẢN LÝ CÁC KHU CÔNG NGHIỆP QUẢNG NAM

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 36/CP ngày 24/4/1997 của Chính phủ về ban hành Quy chế Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao;

Căn cứ Quyết định số 46/1998/QĐ-TTg ngày 24/02/1998 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Ban Quản lý các Khu công nghiệp Quảng Nam;

Căn cứ Quyết định số 81/2005/QĐ-UBND ngày 02/12/2005 của UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quy định về quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, tiền lương, cán bộ, công chức, viên chức cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và cán bộ quản lý công ty nhà nước thuộc UBND tỉnh Quảng Nam;

Xét đề nghị của Trưởng ban Ban Quản lý các Khu công nghiệp và của

Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh tại Tờ trình số 387/TTr- SNV ngày 22/7/2006,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý các Khu công nghiệp Quảng Nam.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 691/QĐ-CT ngày 15/3/1999 của UBND tỉnh Quảng Nam.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh, Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Hải

 

QUY ĐỊNH

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA BAN QUẢN LÝ CÁC KHU CÔNG NGHIỆP QUẢNG NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 39/2006/QĐ-UBND ngày 25 tháng 8 năm 2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam)

Chương I

VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN

Điều 1. Vị trí, chức năng

Ban quản lý các Khu công nghiệp Quảng Nam (dưới đây gọi tắt là Ban Quản lý các KCN) là cơ quan hành chính, thực hiện chức năng quản lý các KCN trên địa bàn tỉnh theo Quy định tại Điều 27, Nghị định số 36/CP ngày 24/4/1997 của Chính phủ về ban hành Quy chế Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao; Ban Quản lý các KCN Quảng Nam chịu sự chỉ đạo và quản lý về tổ chức, biên chế và kinh phí hoạt động của UBND tỉnh Quảng Nam; chịu sự chỉ đạo trực tiếp về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; thực hiện trách nhiệm, quyền hạn theo cơ chế uỷ quyền của các Bộ, Ngành, Trung ương và của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam.

Ban Quản lý các Khu công nghiệp Quảng Nam có tư cách pháp nhân, có con dấu hình quốc huy và được mở tài khoản để hoạt động.

Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn

1. Xây dựng Điều lệ quản lý KCN trên cơ sở Điều lệ mẫu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành trình UBND tỉnh phê duyệt.

2. Tổ chức xây dựng và quản lý thực hiện quy hoạch chi tiết, tiến độ xây dựng và phát triển KCN bao gồm: Quy hoạch phát triển công trình kết cấu hạ tầng; quy hoạch bố trí ngành nghề; tham gia phát triển công trình kết cấu hạ tầng ngoài KCN liên quan và khu dân cư phục vụ cho công nhân lao động làm việc tại KCN.

3. Đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng trong và ngoài KCN liên quan để bảo đảm việc xây dựng và đưa vào hoạt động đồng bộ theo đúng quy hoạch và tiến độ được duyệt.

4. Hỗ trợ vận động thu hút đầu tư vào các KCN.

5. Tiếp nhận hồ sơ đầu tư, tổ chức thẩm định và cấp Giấy phép đầu tư cho các dự án đầu tư trong và ngoài nước theo thẩm quyền; tham mưu cho UBND tỉnh trong việc cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư đối với các dự án đầu tư trong nước vào các KCN, được UBND tỉnh phân cấp.

6. Phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước về lao động trong việc kiểm tra, thanh tra các quy định của pháp luật về hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, an toàn lao động và tiền lương.

7. Quản lý các hoạt động của doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ trong KCN.

8. Thoả thuận với các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng KCN trong việc định giá cho thuê lại đất gắn liền với công trình kết cấu hạ tầng đã xây dựng, các loại phí dịch vụ theo đúng chính sách pháp luật hiện hành.

9. Cấp, điều chỉnh và thu hồi các loại Giấy phép, Giấy chứng nhận, Chứng chỉ thuộc thẩm quyền hoặc uỷ quyền.

10. Được mời đại diện tham dự các cuộc họp của các cơ quan Chính phủ và UBND cấp tỉnh khi bàn về việc hình thành, xây dựng, phát triển và quản lý các KCN.

11. Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Giấy phép đầu tư và giải quyết các tranh chấp kinh tế theo yêu cầu của các đương sự trong các KCN.

12. Báo cáo định kỳ và hằng năm theo quy định của pháp luật về việc hình thành, xây dựng, phát triển và quản lý các KCN về Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân và UBND tỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ - Ngành liên quan.

13. Xây dựng và thực hiện đồng bộ Chương trình cải cách hành chính của tỉnh; thống nhất áp dụng mô hình “một cửa tại chỗ” trong tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính; áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001: 2000 đã được chứng nhận.

14. Thực hiện các nhiệm vụ khác do các Bộ, Ngành, Trung ương, UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh uỷ quyền.

Chương II

CƠ CẤU TỔ CHỨC, BIÊN CHẾ

Điều 3. Cơ cấu tổ chức

1. Lãnh đạo Ban: Ban Quản lý các KCN có Trưởng ban và không quá 02 Phó Trưởng ban.

a) Trưởng ban:

- Do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Chủ tịch UBND tỉnh;

- Là người đứng đầu Ban Quản lý, chịu trách nhiệm chung, chịu trách nhiệm trước pháp luật và UBND tỉnh theo nhiệm vụ được phân công; đồng thời chịu trách nhiệm trước các Bộ, ngành có liên quan khi được uỷ quyền.

b) Phó Trưởng ban:

- Do Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Trưởng ban;

- Là người giúp việc cho Trưởng ban, chịu trách nhiệm trước Trưởng ban và trước pháp luật về những nhiệm vụ được phân công.

c) Các uỷ viên: hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm.

2. Các đơn vị trực thuộc giúp việc cho Trưởng ban a) Văn phòng.

b) Phòng Kế hoạch và Đầu tư. c) Phòng Hỗ trợ doanh nghiệp.

d) Đại diện Ban Quản lý các Khu công nghiệp tại từng Khu công nghiệp.

Việc thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức; việc bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng (và tương đương) do Trưởng ban Quản lý các KCN quyết định.

Tuỳ theo yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn, Trưởng ban Quản lý các KCN xây dựng Đề án và phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ trình UBND tỉnh quyết định việc tăng, giảm số lượng và đổi tên (kể cả các đơn vị sự nghiệp) các đơn vị trực thuộc.

3. Đơn vị sự nghiệp trực thuộc Trung tâm Phát triển hạ tầng.

Căn cứ các quy định của pháp luật, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn và tình hình thực tế của địa phương, Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp xây dựng đề án thành lập đơn vị sự nghiệp trực thuộc trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Giám đốc, Phó Giám đốc do Trưởng ban Quản lý các KCN quyết định.

Điều 4. Biên chế

1. Biên chế của các đơn vị trực thuộc giúp việc cho Trưởng ban là biên chế hành chính, do Trưởng ban phân bổ theo Quyết định của UBND tỉnh trong kế hoạch hằng năm.

2. Biên chế của các đơn vị sự nghiệp là biên chế sự nghiệp khác, do Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt theo quy định hiện hành của nhà nước.

3. Trưởng ban Quản lý các KCN chịu trách nhiệm bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với chức danh, tiêu chuẩn ngạch công chức, viên chức theo quy định của nhà nước về công tác cán bộ.

Chương III

QUAN HỆ LÀM VIỆC

Điều 5. Quan hệ với cấp trên

Ban Quản lý các KCN chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thực hiện theo cơ chế phân cấp, uỷ quyền (nếu có).

Ban Quản lý các KCN chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp và toàn diện của UBND tỉnh về mọi hoạt động đầu tư phát triển công nghiệp trong các KCN.

Điều 6. Quan hệ với các Sở - Ban - Ngành và UBND các huyện, thị xã

Lãnh đạo Ban có trách nhiệm quan hệ phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với những cơ quan, đơn vị liên quan. Trong trường hợp cần thiết thì xây dựng quy chế phối hợp triển khai công việc một cách thường xuyên và có hiệu quả để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Điều 7. Quan hệ với tổ chức Đảng, đoàn thể

Ban Quản lý các KCN thực hiện mối quan hệ công tác với các cấp uỷ Đảng, đoàn thể trong Ban và cấp uỷ Đảng cấp trên theo đúng Điều lệ và các quy định hiện hành.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Trưởng ban Quản lý các KCN căn cứ Quy định này và các văn bản pháp luật khác có liên quan, ban hành quy chế làm việc; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo của Ban Quản lý; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức giúp việc và đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ban.

Điều 9. Trong quá trình thực hiện, nếu có những vấn đề chưa phù hợp, cần sửa đổi, bổ sung, Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp đề nghị UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) xem xét, quyết định./.