cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 1599/2006/QĐ-UBND ngày 14/08/2006 Về Quy chế bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng do Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 1599/2006/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Cao Bằng
  • Ngày ban hành: 14-08-2006
  • Ngày có hiệu lực: 24-08-2006
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 10-03-2011
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1659 ngày (4 năm 6 tháng 19 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 10-03-2011
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 10-03-2011, Quyết định số 1599/2006/QĐ-UBND ngày 14/08/2006 Về Quy chế bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng do Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 282/2011/QĐ-UBND ngày 28/02/2011 Ban hành Quy chế bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CAO BẰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 1599/2006/QĐ-UBND

Cao Bằng, ngày 14 tháng 08 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ BẢO VỆ AN TOÀN CÔNG TRÌNH LƯỚI ĐIỆN CAO ÁP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 16/11/2003;
Căn cứ Luật ban hành văn bản Quy phạm pháp luật ngày 03/12/2004;
Căn cứ Luật Điện lực ngày 03/12/2004;
Căn cứ Nghị định số: 106/2005/NĐ-CP ngày 17/8/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực về bảo vệ an toàn lưới điện cao áp;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công nghiệp Cao Bằng tại tờ trình số: 375/TTr-SCN ngày 03 tháng 8 năm 2006,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành theo Quyết định này Quy chế bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký. Các văn bản về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp của địa phương đã ban hành trước đây trái với Quy chế này đều không có hiệu lực.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Công nghiệp, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành liên quan, Giám đốc Điện lực Cao Bằng và UBND các huyện, Thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Bộ Công nghiệp;
- Cục kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- TT Tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, Ban, Ngành của tỉnh;
- Công ty điện lực I;
- C.ty Khoáng sản & LK Cao Bằng;
- C.ty Thủy điện & LK Cao Bằng;
- Các P.VP; CV; CN, XD, GT, NĐ;
- Lưu: VT. CN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Lô Ích Giang

 

QUY CHẾ

BẢO VỆ AN TOÀN CÔNG TRÌNH LƯỚI ĐIỆN CAO ÁP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1599/2006/QĐ-UBND ngày 14 tháng 8 năm 2006 của UBND tỉnh Cao Bằng)

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này được áp dụng cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc phê duyệt xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp, điện lực và các đơn vị thi công công trình trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, cho mọi tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động điện lực và nhân dân địa phương nơi có các công trình lưới điện cao áp.

Điều 2. Giải thích từ ngữ:

1. "Công trình lưới điện cao áp" là hệ thống bao gồm các công trình đường dây dẫn điện trên không, đường cáp điện ngầm, trạm biến áp, hành lang bảo vệ an toàn và đất sử dụng cho công trình có điện áp danh định từ 1000 V trở lên.

2. "Hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp" là khoảng không gian được giới hạn bởi chiều dài, chiều rộng, chiều cao, chạy dọc theo đường dây tải điện hoặc bao quanh trạm điện được quy định cụ thể theo từng cấp điện áp.

3. "Trạm điện" bao gồm các trạm phát điện, trạm biến áp, trạm cắt, trạm bù công suất phản kháng.

4. "Cáp điện ngầm" là dây dẫn điện chuyên dùng được bọc cách điện theo tiêu chuẩn, được đặt ngầm trong lòng đất hoặc dưới nước theo quy phạm.

5. "Đơn vị quản lý vận hành công trình lưới điện cao áp" là các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế được cấp Giấy phép hoạt động điện lực về quản lý và vận hành công trình lưới điện cao áp.

6. "Công trình" bao gồm các công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông, điện lực, thông tin liên lạc …

7. "Công trình vi phạm hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp" là nhà ở, công trình được triển khai mà toàn bộ hoặc một phần của nhà ở, công trình nằm trong hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp.

8. Lưới điện cao áp hiện đang sử dụng trong toàn tỉnh Cao Bằng có các cấp điện áp: 110 KV, 35 KV, 10 KV.

Điều 3. Trách nhiệm bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp

1. Bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp không những là trách nhiệm của Đơn vị quản lý vận hành nguồn, lưới điện, mà còn là trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và nhân dân địa phương, đặc biệt là nhân dân địa phương nơi có công trình lưới điện đi qua.

2. Khi phát hiện công trình lưới điện cao áp bị xâm phạm, bị phá hoại, bị cháy, bị sự cố nghiêm trọng thì đơn vị quản lý công trình lưới điện cao áp, Ủy ban nhân dân địa phương, công an, lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn có trách nhiệm phối hợp, khẩn trương khắc phục để hạn chế thiệt hại, đưa công trình trở lại hoạt động.

Chương 2.

XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH ĐIỆN VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG, DÂN DỤNG

Điều 4. Xây dựng công trình lưới điện cao áp

1. Các dự án công trình lưới điện cao áp phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt cấp mặt bằng xây dựng. Hồ sơ dự án điện phải có bản vẽ mặt bằng và trắc dọc của công trình thể hiện chiều cao của các khoảng vượt đường giao thông, đường thủy, khu dân cư ... có chấp nhận của UBND xã, phường nơi xây dựng dự án.

2. Sau khi dự án công trình điện được phê duyệt, chậm nhất 15 ngày, chủ đầu tư phải thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân địa phương, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân là chủ sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở, công trình xây dựng và tài sản khác nằm trong phạm vi hành lang công trình lưới điện cao áp biết.

3. Khi tu sửa, cải tạo, lắp đặt trang thiết bị điện và công trình điện có khả năng ảnh hưởng đến công trình công cộng hoặc công trình khác thì đơn vị điện lực phải phối hợp với tổ chức, cá nhân có liên quan để giải quyết.

4. Việc bồi thường về đất, tài sản trên đất và các hỗ trợ khác cho người đang sử dụng đất khi xây dựng công trình điện được thực hiện theo quy định của pháp luật.

5. Mọi tài sản và công trình được tạo lập sau khi đã nhận được thông báo thực hiện dự án điện lực mà vi phạm hành lang an toàn theo quy định của Quy chế này thì buộc phải phá dỡ và không được bồi thường.

6. Khi hoàn thành xây dựng công trình lưới điện cao áp, chủ đầu tư công trình phải thông báo ngay đến UBND các cấp của địa phương có công trình lưới điện để phối hợp quản lý.

Điều 5. Xây dựng công trình công cộng, dân dụng

1. Khi phê duyệt cấp mặt bằng xây dựng mới, cải tạo, mở rộng … công trình công cộng hoặc công trình dân dụng, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần xem xét khả năng ảnh hưởng đến hành lang an toàn của các công trình điện hiện có. Nếu có ảnh hưởng, cơ quan cấp phép phải yêu cầu chủ đầu tư công trình có thỏa thuận bằng văn bản với đơn vị quản lý lưới điện cao áp về các biện pháp bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không và an toàn trong quá trình xây dựng, cải tạo, sử dụng công trình này.

2. Khi tiến hành các công việc xây dựng công trình trên mặt đất, dưới lòng đất, ở gần hoặc trong hành lang bảo vệ đường dây dẫn điện trên không, có khả năng ảnh hưởng ở đến sự vận hành bình thường của đường dây, hoặc có nguy cơ gây sự cố, tai nạn về điện thì đơn vị tiến hành các công việc đó phải có sự thỏa thuận với đơn vị quản lý công trình lưới điện về các biện pháp bảo đảm an toàn cần thiết.

Điều 6. Đường dây dẫn điện trên không qua các công trình quan trọng

Trường hợp buộc phải xây dựng đường dây dẫn điện trên không qua các công trình có tầm quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng, những nơi thường xuyên tập trung đông người, các khu di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được nhà nước xếp hạng, thì đoạn đường dây dẫn điện trên không vượt qua các công trình và các địa điểm trên, phải được tăng cường các biện pháp an toàn về điện và xây dựng; Khoảng cách từ điểm thấp nhất của dây dẫn điện ở trạng thái võng cực đại đến mặt đất tự nhiên không được nhỏ hơn quy định trong bảng sau:

Điện áp

Đến 35 KV

Đến 110 KV

Khoảng cách

11 m

12 m

Điều 7. Khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp:

1. Khoảng cách giữa bất kỳ bộ phận nào của nhà ở, công trình với đường dây dẫn điện trên không, được quy định trong bảng sau:

Điện áp

Đến 22 KV

35 KV

110 KV

 

Dây bọc

Dây trần

Dây bọc

Dây trần

Dây trần

Khoảng cách an toàn phóng điện

1,0m

2,0m

1,5m

3,0m

4,0m

2. Khoảng cách tối thiểu từ dây dẫn điện đến điểm gần nhất của thiết bị, dụng cụ, phương tiện làm việc trong hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp, được quy định trong bảng sau:

Điện áp

Đến 22 KV

35 KV

110 KV

Khoảng cách an toàn phóng điện

4,0 m

4,0 m

6,0 m

3. Cấm sử dụng thiết bị, dụng cụ, phương tiện có khả năng vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện trong hành lang bảo vệ đường dây dẫn điện trên không. Trường hợp đặc biệt, do yêu cầu cấp bách của công tác quốc phòng, an toàn, phải có sự thỏa thuận với đơn vị quản lý công trình lưới điện về các biện pháp bảo đảm an toàn cần thiết.

Chương 3.

HÀNH LANG BẢO VỆ CÔNG TRÌNH LƯỚI ĐIỆN CAO ÁP

Điều 8. Hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không

1. Chiều dài hành lang được tính từ vị trí đường dây ra khỏi ranh giới bảo vệ của trạm điện này đến vị trí đường dây đi vào ranh giới bảo vệ của trạm điện kế tiếp.

2. Chiều rộng hành lang được giới hạn bởi hai mặt thẳng đứng về hai phía của đường dây, song song với đường dây, có khoảng cách từ dây ngoài cùng về mỗi phía khi dây ở trạng thái tĩnh theo quy định trong bảng sau:

Điện áp

Đến 22 KV

35 KV

110 KV

 

Dây bọc

Dây trần

Dây bọc

Dây trần

Dây trần

Khoảng cách

1,0m

2,0m

1,5m

3,0m

4,0m

3. Chiều cao hành lang được tính từ đáy móng cột đến điểm cao nhất của công trình, cộng thêm khoảng cách an toàn theo chiều thẳng đứng quy định trong bảng sau:

Điện áp

Đến 35 KV

110 KV

Khoảng cách

2,0 m

3,0 m

4. Hành lang bảo vệ an toàn các loại cáp điện đi trên mặt đất hoặc treo trên không là khoảng không gian dọc theo đường cáp điện và được giới hạn về các phía là 0,5 m tính từ mặt ngoài của sợi cáp ngoài cùng.

Điều 9. Nhà ở, công trình trong hành lang bảo vệ đường dây dẫn điện trên không

1. Điều kiện để nhà ở, công trình được tồn tại trong hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp đến 220 KV:

a) Mái lợp và tường bao quanh phải làm bằng vật liệu không cháy;

b) Nếu mái lợp, khung nhà và tường bao bằng kim loại thì phải nối đất theo quy định về kỹ thuật nối đất;

c) Không gây cản trở đường ra vào để kiểm tra, bảo dưỡng, thay thế các bộ phận công trình lưới điện cao áp;

d) Khoảng cách từ bất kỳ bộ phận nào của nhà ở, công trình đến dây dẫn điện gần nhất khi dây ở trạng thái tĩnh không được nhỏ hơn khoảng cách quy định trong bảng sau:

Điện áp

Đến 35 KV

Đến 110 KV

Khoảng cách

3,0 m

4,0 m

2. Chủ sở hữu hoặc người sử dụng nhà ở, công trình đã được phép tồn tại trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không, không được sử dụng mái hoặc bất kỳ bộ phận nào của nhà ở, công trình vào những mục đích có thể vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp và phải tuân thủ các quy định về bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không khi sửa chữa, cải tạo nhà ở, công trình.

Điều 10. Cây trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không

1. Trong thành phố, thị xã, thị trấn: Cây không được cao hơn dây dẫn thấp nhất và khoảng cách từ điểm bất kỳ của cây đến dây dẫn khi dây ở trạng thái tĩnh, không nhỏ hơn khoảng cách quy định trong bảng sau:

Điện áp

Đến 35 KV

110 KV

Khoảng cách

Dây bọc

Dây trần

Dây trần

0,7 m

1,5 m

2,0 m

2. Đối với đường dây ngoài thành phố, thị xã, thị trấn thì khoảng cách từ điểm cao nhất của cây theo chiều thẳng đứng đến độ cao của dây dẫn thấp nhất khi dây ở trạng thái tĩnh, không nhỏ hơn khoảng cách quy định trong bảng sau:

Điện áp

Đến 35 KV

110 KV

Khoảng cách

Dây bọc

Dây trần

Dây trần

0,7 m

2,0 m

3,0 m

Điều 11. Cây ngoài hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không

1. Trường hợp cây ngoài hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không và ngoài thành phố, thị xã, thị trấn thì khoảng cách từ bộ phận bất kỳ của cây khi cây đổ đến bộ phận bất kỳ của đường dây, không nhỏ hơn khoảng cách quy định trong bảng sau:

Điện áp

Đến 35 KV

110 KV

Khoảng cách

0,7 m

1,0 m

2. Đối với cây có khả năng phát triển nhanh trong thời gian ngắn, có nguy cơ gây mất an toàn và những cây không thể chặt ngọn, tỉa cành hoặc nếu chặt ngọn, tỉa cành sẽ không còn hiệu quả kinh tế thì phải chặt bỏ và cấm trồng mới.

3. Lúa, hoa màu và cây trồng chỉ được trồng cách mép móng cột điện, móng néo ít nhất là 0,5m.

Điều 12. Khoảng cách giao chéo của đường dây dẫn điện trên không

1. Khoảng cách giao chéo của đường dây dẫn điện trên không với đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; chiều cao tối thiểu của dây dẫn điện tại điểm thấp nhất khi dây dẫn ở trạng thái võng cực đại, được quy định trong bảng sau:

Điện áp

Khoảng cách

Đến 35 KV

110 KV

Đối với đường bộ

7,0 m

7,0 m

Đối với đường sắt

7,5 m

7,5 m

Đến chiều cao tĩnh không theo cấp kỹ thuật của đường thủy nội địa

1,5 m

2,0 m

2. Trường hợp điểm cao nhất trên phương tiện vận chuyển có chiều cao lớn hơn 4,5 mét thì chủ phương tiện phải liên hệ với đơn vị quản lý công trình lưới điện cao áp để thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn cần thiết.

Điều 13. Hành lang bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm

Hành lang bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm được giới hạn như sau:

1. Chiều dài: Được tính từ vị trí cáp ra khỏi ranh giới phạm vi bảo vệ của trạm này đến vị trí vào ranh giới phạm vi bảo vệ của trạm kế tiếp.

2. Chiều rộng được giới hạn bởi:

a) Mặt ngoài của mương cáp, đối với cáp đặt trong mương cáp;

b) Hai mặt thẳng đứng cách mặt ngoài của vỏ cáp hoặc sợi cáp ngoài cùng về hai phía của đường cáp điện ngầm đối với cáp đặt trực tiếp trong đất, trong nước được quy định trong bảng sau:

Loại cáp điện

Đặt trực tiếp trong đất

Đặt trong nước

Đất ổn định

Đất không ổn định

Nơi không có tàu thuyền qua lại

Nơi có tàu thuyền qua lại

Khoảng cách

1,0 m

1,5 m

20,0 m

100,0 m

3. Chiều cao được tính từ mặt đất hoặc mặt nước đến:

a) Mặt ngoài của đáy móng mương cáp, đối với cáp đặt trong mương cáp;

b) Độ sâu thấp hon điểm thấp nhất của vỏ cáp là 1,5 m đối với cáp đặt trực tiếp trong đất hoặc trong nước.

Điều 14. Hành lang bảo vệ an toàn trạm điện

1. Đối với các trạm điện không có tường, rào bao quanh: Hành lang bảo vệ trạm điện được giới hạn bởi không gian bao quanh trạm điện, có khoảng cách đến các bộ phận mang điện gần nhất của trạm điện theo quy định trong bảng sau:

Điện áp

Đến 22 KV

35 KV

Khoảng cách

2,0 m

3,0 m

2. Đối với các trạm điện có tường hoặc hàng rào cố định bao quanh: Chiều rộng hành lang bảo vệ được giới hạn đến mặt ngoài của tường hoặc hàng rào; chiều cao hành lang được tính từ đáy móng sâu nhất của công trình trạm điện đến điểm cao nhất của trạm điện cộng thêm khoảng cách an toàn theo chiều thẳng đứng quy định trong bảng sau:

Điện áp

Đến 35 KV

110 KV

Khoảng cách

2,0 m

3,0 m

3. Nhà và công trình xây dựng gần hành lang bảo vệ an toàn của trạm điện phải đảm bảo không làm hư hỏng bất kỳ bộ phận nào của trạm điện; Không để nước thải xâm nhập làm hư hỏng công trình điện.

4. Không được xây dựng nhà ở, công trình và trồng các loại cây cao hơn 2m trong hành lang bảo vệ an toàn trạm điện; Không xâm phạm đường ra vào trạm điện, đường cấp thoát nước của trạm điện, đường cáp điện ngầm và đường dây dẫn điện trên không.

Chương 4.

QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ AN TOÀN CÔNG TRÌNH LƯỚI ĐIỆN CAO ÁP

Điều 15. Quản lý, vận hành công trình lưới điện cao áp

1. Đơn vị quản lý, vận hành công trình lưới điện cao áp có trách nhiệm:

a) Thường xuyên kiểm tra hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp trong phạm vi quản lý của mình để phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp. Khi phát hiện hành vi vi phạm, phải yêu cầu đối tượng vi phạm dừng ngay các hành vi vi phạm và báo cáo, phối hợp với chính quyền địa phương lập biên bản xử lý các hành vi vi phạm đó;

b) Kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng đường dây đúng thời hạn quy định. Không vận hành quá tải đối với đường dây vượt qua nhà ở, công trình;

c) Thống kê, theo dõi các vi phạm hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp trong phạm vi quản lý và báo cáo chính quyền địa phương xử lý theo quy định.

2. Việc chặt, tỉa cây để bảo đảm an toàn công trình lưới điện cao áp do đơn vị quản lý công trình lưới điện cao áp tổ chức thực hiện và phải thông báo cho chủ sở hữu cây biết trước năm ngày làm việc.

3. Trường hợp bắt buộc phải chặt cây để khắc phục sự cố, đơn vị quản lý công trình lưới điện cao áp phải thông báo ngay số cây cần chặt và bồi thường cho chủ sở hữu cây. Nếu không thông báo được cho chủ sở hữu cây thì phải thông báo với UBND cấp xã, phường sở tại trước khi chặt cây.

4. Nghiêm cấm lợi dụng việc xây dựng công trình điện, việc bảo vệ hoặc sửa chữa công trình lưới điện cao áp để chặt cây tùy tiện.

5. Đơn vị quản lý công trình lưới điện cao áp khi thực hiện nhiệm vụ sửa chữa định kỳ phải thông báo trước ba ngày cho tổ chức, cá nhân sử dụng đất nơi có đường dây dẫn điện trên không đi qua (Riêng sửa chữa đột xuất do sự cố thì thông báo trước khi thực hiện công việc). Trường hợp không thông báo được cho chủ sở hữu đất thì phải thông báo cho UBND cấp xã, phường sở tại trước khi thực hiện công việc.

Kiểm tra, sửa chữa xong, đơn vị quản lý công trình lưới điện cao áp phải khôi phục lại mặt bằng như trước khi sửa chữa.

6. Đơn vị quản lý vận hành, sửa chữa lưới điện phải thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn theo quy phạm kỹ thuật an toàn.

Điều 16. Các hành vi vi phạm về bảo vệ an toàn công trình điện và hành lang bảo vệ an toàn lưới điện

1. Vào trạm điện, tháo gỡ hoặc trèo lên các bộ phận công trình lưới điện khi không có nhiệm vụ.

2. Trộm cắp, ném bắn, gây hư hỏng các bộ phận của công trình lưới điện. Buộc gia súc, phương tiện, dụng cụ vào cột điện, tường rào trạm điện.

3. Thả diều, bóng bay, chơi máy bay có điều khiển từ xa hoặc các vật bay khác trong phạm vi bảo vệ công trình điện hoặc hành lang bảo vệ an toàn lưới điện.

4. Lắp đặt ăng ten, dây phơi, giàn giáo, biển hiệu, đèn quảng cáo và các vật dụng khác trong phạm vi bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp hoặc tại các vị trí mà khi bị đổ, rơi có thể va quệt vào công trình lưới điện cao áp.

5. Chặt cây, trồng cây, tỉa cành không đúng quy định trong phạm vi bảo vệ công trình điện hoặc trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện.

6. Chặt cây, tỉa cành ngoài phạm vi bảo vệ công trình điện hoặc ngoài hành lang bảo vệ an toàn lưới điện nhưng không có biện pháp an toàn để cây va quệt vào đường dây hoặc các bộ phận khác của công trình điện.

7. Bắn chim đậu trên dây điện, trạm điện; Quăng, ném bất kỳ vật gì lên đường dây điện; Đào đất gây lún sụt công trình lưới điện cao áp; Đắp đất vi phạm khoảng cách an toàn. Các hành vi vi phạm an toàn nền móng, tường rào trạm điện, cột điện hoặc các kết cấu, bộ phận khác của công trình điện.

8. Không đặt hệ thống biển báo, đèn tín hiệu, chỉ dẫn khu vực nguy hiểm tại vị trí công trình lưới điện theo quy định hoặc không đặt cột mốc, dấu hiệu dọc theo đường cáp ngầm trong đất.

9. Làm lều, quán, nhà cửa hoặc các công trình khác gây ảnh hưởng đến việc thoát nước, che chắn cửa thông gió, cản trở đường vào trạm điện.

10. Xếp, chứa các chất dễ cháy, nổ; Đốt rừng, đốt nương rẫy; Sử dụng các phương tiện thi công có độ cao vi phạm khoảng cách an toàn theo quy định hoặc gây chấn động mạnh gây hư hỏng cho công trình điện.

11. Tháo dỡ, tẩy xóa, che chắn gây hư hại các biển cấm, biển báo, tín hiệu an toàn ở cột điện, trong phạm vi bảo vệ công trình điện hoặc hành lang bảo vệ an toàn lưới điện, trạm điện, nhà máy điện.

12. Gây hư hại cột điện, dây điện, sứ cách điện, dây chống sét, dây tiếp địa, cáp điện và các bộ phận, kết cấu khác của công trình điện (Bao gồm cả lưới điện cao áp, hạ áp).

13. Xây mới, nâng cấp, cải tạo nhà ở, làm lều, quán hoặc các công trình khác vi phạm các quy định về bảo vệ an toàn công trình điện hoặc hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp.

14. Không đảm bảo các điều kiện về an toàn đối với nhà ở, công trình xây dựng hợp pháp đã được phép tồn tại trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp.

15. Thi công công trình trong lòng đất hoặc nạo vét lòng sông, xả chất thải, nước thải có chất ăn mòn … thuộc hành lang bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm.

16. Nổ mìn phá đá, làm đường .v.v… vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình điện và hành lang bảo vệ an toàn lưới điện.

17. Thiết kế, xây dựng, sửa chữa công trình điện không đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy định của pháp luật.

18. Sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp không đúng quy định, không được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Chương 5.

XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 17. Nguyên tắc xử lý vi phạm

1. Mọi hành vi vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp phải được xử lý triệt để và kịp thời ngay từ khi mới phát sinh. Mọi hậu quả do hành vi vi phạm gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.

2. Một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực chỉ bị xử phạt hành chính một lần. Việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực phải căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm và những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng theo quy định của Nghị định 74/2003/NĐ-CP để quyết định hình thức, biện pháp xử lý thích hợp.

3. Cá nhân, tổ chức bị xử lý hành chính về vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp có hành vi chống đối người thi hành công vụ, trì hoãn, trốn tránh thi hành quyết định xử phạt hoặc có những hành vi vi phạm khác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Nếu gây thiệt hại vật chất thì phải bồi thường theo quy định.

4. Việc xử lý vi phạm phải đảm bảo công khai và đúng pháp luật.

5. Người có thẩm quyền xử phạt hành chính về vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp mà dung túng, bao che không xử phạt hoặc xử phạt không kịp thời, không đúng quy định, thẩm quyền thì tùy theo tính chất, mức độ sai phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Nếu gây thiệt hại vật chất thì phải bồi thường theo quy định.

Điều 18. Trình tự xử lý các vi phạm

1. Kiểm tra, phát hiện và lập biên bản:

a) Đơn vị trực tiếp quản lý lưới điện cần thường xuyên cử cán bộ kiểm tra lưới điện và các thiết bị điện; Khi phát hiện các hành vi vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, phải thông báo ngay cho chủ công trình vi phạm để ngăn chặn và báo cáo cho chính quyền địa phương để phối hợp lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực;

b) Chính quyền xã, phường khi phát hiện hoặc được các tổ chức, cá nhân thông báo về hành vi vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, cần cử ngay cán bộ phụ trách quản lý trật tự xây dựng, Công an viên phụ trách địa bàn kết hợp với Tổ trưởng khu phố; Đơn vị quản lý vận hành điện sở tại đến xác minh, yêu cầu đình chỉ và lập biên bản vi phạm, đề xuất biện pháp xử lý, báo cáo Chủ tịch UBND xã, phường để xử lý theo quy định (chậm nhất không quá 24 giờ sau khi lập biên bản).

2. Căn cứ hồ sơ biên bản vi phạm, Chủ tịch UBND xã, phường ra quyết định xử phạt hành chính và buộc chủ công trình vi phạm phải ngừng ngay các hành vi vi phạm và khôi phục lại hiện trạng ban đầu.

3. Nếu chủ công trình vi phạm không tự chấp hành quyết định xử phạt hành chính của chính quyền địa phương, trong thời hạn tối đa là 5 (năm) ngày, đơn vị quản lý lưới điện cần có kiến nghị gửi Chủ tịch UBND xã, phường để ra quyết định cưỡng chế và tổ chức cưỡng chế dỡ bỏ vi phạm theo quy định. Kinh phí thực hiện cưỡng chế do chủ công trình vi phạm chịu trách nhiệm chi trả.

4. Trong trường hợp khó khăn phức tạp, vượt quá thẩm quyền theo phân cấp thì Chủ tịch UBND xã, phường báo cáo UBND huyện, thị xã để xin ý kiến chỉ đạo.

5. Trường hợp đặc biệt, Chủ tịch UBND huyện, thị xã có văn bản báo cáo Ban chỉ đạo của tỉnh để giải quyết theo quy định.

Điều 19. Hồ sơ xử lý vi phạm

1. Biên bản về hành vi vi phạm hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp (Có mẫu kèm theo quy chế này);

2. Biên bản tịch thu tang vật, phương tiện (nếu có) được sử dụng để vi phạm (Theo mẫu quy định trong Nghị định 74/2003/NĐ-CP).

3. Sơ đồ vị trí vi phạm thể hiện mức độ vi phạm của tổ chức, cá nhân.

4. Bản sao giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất và sở hữu nhà, công trình; Hồ sơ thiết kế; giấy phép xây dựng công trình.

5. Đơn thư khiếu nại, tố cáo (nếu có).

6. Các giấy tờ liên quan khác.

Điều 20. Hình thức, mức độ, thẩm quyền xử lý vi phạm

Hình thức, mức độ, thẩm quyền xử phạt vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình điện và hành lang bảo vệ an toàn lưới điện thực hiện theo Điều 10, Chương II và Điều 11, Chương III, Nghị định 74/2003/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ. (Trích kèm theo Quy chế này)

Chương 6.

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

Điều 21. Ủy ban nhân dân tỉnh

Thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp và chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp trong phạm vi quản lý của mình.

Điều 22. Ủy ban nhân dân cấp huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn

1. Triển khai, hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật của nhà nước, văn bản của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và tuyên truyền cho nhân dân về bảo vệ các công trình lưới điện trong địa phương.

2. Chỉ đạo, tổ chức kiểm tra định kỳ hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp trong địa bàn quản lý. Chịu trách nhiệm chính trong việc giải quyết các vi phạm trong địa bàn huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn.

3. Phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp trên địa bàn; Triển khai các biện pháp ngăn chặn, lập biên bản các hành vi cố ý vi phạm và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực theo phân cấp.

4. Chỉ đạo và tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ các công trình vi phạm hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp.

5. Báo cáo Ban Chỉ đạo cấp tỉnh các vướng mắc, tồn tại và đề xuất khen thưởng đơn vị, cá nhân có thành tích trong việc bảo vệ công trình lưới điện cao áp.

Điều 23. Sở Công nghiệp

1. Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản, quy định về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp và giám sát việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

2. Tổng hợp tình hình vi phạm hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp và đề xuất các giải pháp cụ thể để thực hiện tốt các quy định, luật pháp của nhà nước và các quy chế của tỉnh.

3. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ và công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực cho các huyện, thị xã; các xã, phường, thị trấn.

4. Giải quyết các khiếu nại, tố cáo và các vấn đề liên quan đến vi phạm hành lang bảo vệ an toàn  công trình lưới điện cao áp theo thẩm quyền.

Điều 24. Sở Xây dựng

1. Hướng dẫn nghiệp vụ kiểm tra, lập biên bản xử lý các công trình xây dựng vi phạm hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp cho các cấp, các ngành liên quan.

2. Hướng dẫn, kiểm tra các cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng, đảm bảo công trình không vi phạm hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp.

Điều 25. Công an tỉnh

1. Chỉ đạo Công an các huyện, thị xã; các xã, phường, thị trấn trong công tác bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp trong địa bàn quản lý.

2. Phối hợp với các Ngành, các cấp chính quyền xử lý các vi phạm hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp trên địa bàn.

Điều 26. Các đơn vị quản lý, vận hành công trình lưới điện cao áp

1. Thường xuyên tổ chức kiểm tra các đường dây dẫn điện và các trạm biến áp thuộc phạm vi quản lý của mình, nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp và thông báo cho UBND xã, phường, thị trấn để xử lý theo quy định.

2. Tuyên truyền phổ biến các quy định của nhà nước và địa phương về bảo vệ an toàn lưới điện cao áp; Phối hợp với các Sở, Ban, Ngành của tỉnh xử lý các vi phạm, hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp.

3. Cấp văn bản thỏa thuận về an toàn điện đối với công trình xây dựng trong thời hạn 07 (bảy) ngày làm việc kể từ khi nhận được yêu cầu của chủ công trình.

4. Báo cáo kịp thời và kèm theo sơ đồ mặt bằng hiện trạng của công trình vi phạm hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp trên địa bàn cho chính quyền địa phương.

5. Phân loại các trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền để xử lý.

6. Hướng dẫn thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho chủ sở hữu các công trình được phép tồn tại trong hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp.

Chương 7.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 27. Tổ chức thực hiện

1. Giám đốc Sở Công nghiệp Cao Bằng chịu trách nhiệm trách nhiệm hướng dẫn, triển khai và kiểm tra thực hiện Quy chế bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

2. Trong quá trình thực hiện Quy chế nếu có vướng mắc, các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện, thị xã, các đơn vị phản ánh về Sở Công nghiệp Cao Bằng để nghiên cứu, tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét, bổ sung./.

 

PHỤ LỤC

(Trích "Nghị định số: 74/2003/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ")

Chương II

Điều 10. Vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình điện và hành lang bảo vệ an toàn lưới điện

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 150.000 đồng đối với hành vi không có nhiệm vụ mà trèo lên cột điện, vào trạm điện.

2. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Thả diều, bóng bay, chơi máy bay có điều khiển từ xa hoặc các vật bay khác trong phạm vi bảo vệ công trình điện hoặc hành lang bảo vệ an toàn lưới điện; Buộc gia súc, phương tiện, dụng cụ vào cột điện, tường rào trạm điện;

b) Lắp đặt ăng ten, dây phơi, biển hộp, đèn quảng cáo hoặc các vật dụng khác trong phạm vi bảo vệ công trình điện, trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện hoặc tại các vị trí mà khi bị đổ, rơi gây mất an toàn cho đường dây hoặc các bộ phận khác của công trình điện, đe dọa tính mạng con người;

c) Chặt cây, trồng cây, tỉa cành không đúng quy định trong phạm vi bảo vệ công trình điện hoặc trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện;

d) Chặt cây, tỉa cành ngoài phạm vi bảo vệ công trình điện hoặc ngoài hành lang bảo vệ an toàn lưới điện nhưng không có biện pháp an toàn để cây va quệt vào đường dây hoặc các bộ phận khác của công trình điện.

3. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 700.000 đồng đối với hành vi vi phạm an toàn nền móng, tường rào trạm điện, cột điện hoặc các kết cấu, bộ phận khác của công trình điện.

4. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không đặt hệ thống biển báo, đèn tín hiệu, chỉ dẫn khu vực nguy hiểm tại vị trí công trình điện theo quy định hoặc không đặt cột mốc hoặc dấu hiệu dọc theo đường cáp ngầm trong đất;

b) Xếp, chứa các chất dễ cháy, nổ ngoài phạm vi bảo vệ công trình điện hoặc ngoài hành lang bảo vệ an toàn lưới điện vi phạm quy định về an toàn cháy, nổ, gây ảnh hưởng đến an toàn của công trình điện;

c) Làm lều, quán, nhà cửa hoặc các công trình khác gây ảnh hưởng đến việc thoát nước, che chắn cửa thông gió, cản trở đường vào trạm điện.

5. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Xếp, chứa các chất dễ cháy, nổ trong phạm vi bảo vệ công trình điện hoặc trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện;

b) Đốt rừng, đốt nương rẫy hoặc đốt các chất khác vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình điện và hành lang bảo vệ an toàn lưới điện;

c) Lợi dụng bộ phận, kết cấu công trình điện vào mục đích khác khi chưa được phép của đơn vị quản lý công trình điện có thẩm quyền;

d) Sử dụng những dụng cụ, phương tiện có độ cao vi phạm khoảng cách an toàn theo quy định của pháp luật về bảo vệ an toàn lưới điện cao áp;

đ) Tháo dỡ, tẩy xóa, che chắn gây hư hại các biển cấm, biển báo, tín hiệu an toàn điện ở cột điện, trong phạm vi bảo vệ công trình điện hoặc hành lang bảo vệ an toàn lưới điện, trạm điện, nhà máy điện;

e) Gây hư hại cột điện, dây điện, sứ cách điện, dây chống sét, dây tiếp đất, cáp điện và các bộ phận, kết cấu khác của công trình điện có điện áp dưới 1 kV.

6. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi gây hư hại cột điện, dây điện, sứ cách điện, dây chống sét, dây tiếp đất, cáp điện và các bộ phận, kết cấu khác của công trình điện có điện áp từ 1kV đến 110 kV.

7. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi gây hư hại cột điện, dây điện, sứ cách điện, dây chống sét, dây tiếp đất, dây néo, cáp điện và các bộ phận, kết cấu khác của công trình điện có điện áp trên 110 kV.

8. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Xây mới, nâng cấp, cải tạo nhà ở, làm lều, quán hoặc các công trình khác vi phạm các quy định về bảo vệ an toàn công trình điện và hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp;

b) Không đảm bảo các điều kiện về an toàn đối với nhà ở, công trình xây dựng hợp pháp được để lại trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp theo quy định;

c) Thi công công trình trong lòng đất hoặc nạo vét lòng sông, hồ thuộc hành lang bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan quản lý công trình điện;

d) Xả chất thải, nước thải có chất làm ăn mòn trong hành lang bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm;

đ) Nổ mìn vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình điện và hành lang bảo vệ an toàn lưới điện;

e) Không đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy định của pháp luật khi thiết kế, xây dựng, sửa chữa công trình điện;

g) Sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp không đúng quy định đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

9. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi đào hố, đóng cọc, thả neo tàu hoặc các hành vi khác vi phạm hành lang bảo vệ đường cáp điện ngầm đã đặt biển báo hoặc có dấu hiệu báo hiệu.

10. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi xây dựng bến cảng, làm nhà và các công trình khác trong phạm vi bảo vệ nhà máy điện hoặc hành lang bảo vệ đường cáp điện ngầm đã đặt biển báo hoặc có dấu hiệu báo hiệu.

11. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện dùng để vi phạm đối với các hành vi quy định tại khoản 2, khoản 3, điểm b khoản 4, điểm a, điểm d, và điểm e khoản 5, khoản 6, khoản 7, điểm c khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều này.

12. Ngoài các hình thức xử phạt chính và xử phạt bổ sung đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

a) Buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép đối với vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực quy định tại điểm b khoản 2, điểm c khoản 4, điểm c khoản 5, điểm a và điểm e khoản 8 và khoản 10 Điều này;

b) Buộc khôi phục tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm các quy định tại điểm c khoản 2, khoản 3, điểm c khoản 4, điểm c, điểm d và điểm e khoản 5, khoản 6, khoản 7 và khoản 10 Điều này.

Chương III

Điều 11. Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND các cấp

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực xảy ra tại địa phương thuộc phạm vi quản lý, cụ thể như sau:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 500.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực có giá trị đến 500.000 đồng;

d) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực gây ra.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 20.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực;

d) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực gây ra;

đ) Buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép hoặc sai phép vi phạm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực hoạt động điện lực.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 30.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng Giấy phép hoạt động điện lực do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực;

đ) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực gây ra;

e) Buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép hoặc sai phép vi phạm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực hoạt động điện lực.