Quyết định số 2213/2006/QĐ-UBND ngày 04/08/2006 Về xử lý thực bì bằng phương pháp đốtban hành bởi tỉnh Phú Thọ
- Số hiệu văn bản: 2213/2006/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Phú Thọ
- Ngày ban hành: 04-08-2006
- Ngày có hiệu lực: 14-08-2006
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 15-12-2019
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 4871 ngày (13 năm 4 tháng 6 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 15-12-2019
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2213/2006/QĐ-UBND | Việt Trì, ngày 4 tháng 8 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH XỬ LÝ THỰC BÌ BẰNG PHƯƠNG PHÁP ĐỐT
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật bảo vệ và phát triển rừng ngày 14/12/2004;
Căn cứ Nghị định số 09/2006/NĐ-CP ngày 16/01/2006 của Chính phủ Quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng;
Xét đề nghị của Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tại Văn bản số 119/KL-BVR ngày 20 tháng 7 năm 2006,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này “Quy định về xử lý thực bì bằng phương pháp đốt”.
Điều 2. Giao Chi cục Kiểm lâm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành, thị tổ chức chỉ đạo thực hiện quyết định này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan và các chủ rừng căn cứ Quyết định thi hành.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
XỬ LÝ THỰC BÌ BẰNG PHƯƠNG PHÁP ĐỐT
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2213/2006/QĐ-UBND ngày 04/8/2006 của ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh:
Quy định này quy định việc xử lý thực bì bằng phương pháp đốt đối với các hoạt động đốt thực bì để trồng rừng, để sản xuất nương rẫy, làm đường băng cản lửa, diễn tập chữa cháy rừng, dọn vệ sinh rừng, dọn vệ sinh ven đường bộ ở những nơi có rừng; trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành, các chủ rừng trong hoạt động xử lý thực bì bằng phương pháp đốt.
Điều 2. Đối tượng áp dụng:
Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân hoạt động, sinh sống trong rừng, ven rừng trên địa bàn tỉnh có chức năng, trách nhiệm hoạt động đốt thực bì để trồng rừng, sản xuất nương rẫy, làm đường băng cản lửa, diễn tập chữa cháy rừng, dọn vệ sinh rừng, dọn vệ sinh ven đường bộ ở những nơi có rừng.
Điều 3. Nghiêm cấm sử dụng lửa đốt thực bì trong các trường hợp sau:
- Khi chưa được phép của chính quyền xã sở tại (chưa có cam kết của chủ rừng với chính quyền xã sở tại).
- Khi thời tiết xuất hiện nắng trảng; gió nóng (gió Lào).
- Tại các khu vực gần kho, bãi gỗ, gần khu dân cư khi có cấp dự báo cháy rừng trên địa bàn từ cấp III đến cấp V.
- Trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt rừng đặc dụng, phân khu phòng hộ rất xung yếu.
Điều 4. Giải thích từ ngữ:
Trong quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1 - Thực bì (hay còn gọi là thảm thực vật) là các quần thể thực vật phủ trên mặt đất như một tấm thảm xanh.
2 - Xử lý thực bì là hoạt động phát, dọn lớp cây bụi, cỏ, dây leo trước khi trồng rừng, sản xuất nương rẫy, tạo điều kiện thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt.
3 - Xử lý thực bì bằng phương pháp đốt là hoạt động phát, dọn và dùng lửa để đốt thực bì sau khi thực bì đã được phơi khô.
4 - Chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng, giao đất để trồng rừng, công nhận quyền sử dụng rừng, công nhận quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng; nhận chuyển nhượng rừng từ chủ rừng khác.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 5. Kỹ thuật phát, dọn thực bì:
1 - Phát, dọn thực bì để trồng rừng và sản xuất nương rẫy: Thực bì được phát dọn trên diện tích đất chuẩn bị canh tác, sau đó được xếp thành các dải có chiều rộng 2 - 3 m, dải nọ cách dải kia 5 - 6 m, dải sát bìa rừng phải cách xa rừng từ 6 - 8 m.
2 - Phát, dọn thực bì trong diễn tập chữa cháy rừng: Kỹ thuật phát, dọn theo phương án đã được phê duyệt.
3 - Phát, dọn thực bì làm đường băng cản lửa: Thực bì được phát dọn toàn bộ trên diện tích đường băng cản lửa, sau đó được xếp thành những dải nhỏ vào giữa đường băng, dải nọ cách dải kia 5 - 6 m.
4 - Phát, dọn vệ sinh rừng và vệ sinh ven đường bộ ở những nơi có rừng: Thực bì được phát, dọn sau đó xếp thành các dải có chiều rộng 1 - 2 m, dải nọ cách dải kia 5 - 6 m và cách xa bìa rừng từ 6 - 8 m.
Điều 6. Quy trình trước khi đốt thực bì:
Trước khi đốt thực bì ít nhất 5 ngày, chủ rừng phải ký cam kết với chính quyền xã sở tại. Bản cam kết phải được gửi ngay cho kiểm lâm địa bàn và trưởng khu hành chính để kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện.
Điều 7. Quy trình đốt thực bì:
1. Thời điểm đốt: Đốt lúc gió nhẹ, vào buổi sáng hoặc buổi chiều tối (Mùa hè đốt vào thời điểm từ 5 - 8 giờ và từ 16 - 18 giờ trong ngày; mùa đông đốt từ 6 - 9 giờ và từ 15 - 17 giờ trong ngày).
2. Kỹ thuật đốt:
- Đốt thực bì để trồng rừng và sản xuất nương rẫy: đốt lần lượt từng dải thực bì, thứ tự từ trên đỉnh đồi xuống chân đồi; nơi đất bằng thì đốt lần lượt từ dải vật liệu cuối chiều gió cho đến dải vật liệu cuối cùng.
- Đốt thực bì diễn tập chữa cháy rừng: theo phương án diễn tập đã được phê duyệt.
- Đốt vệ sinh rừng và vệ sinh ven đường: lợi dụng những chỗ trống trong rừng hay đưa ra bìa rừng để đốt.
- Đốt thực bì làm đường băng cản lửa: đốt lần lượt từng dải nhỏ, khống chế không cho ngọn lửa quá cao hoặc cháy lớn lan sang thực bì hai bên đường băng.
3. Tổ chức lực lượng, an toàn khi đốt thực bì:
Mọi trường hợp đốt thực bì, chủ rừng đều phải bố trí đủ lực lượng (có trang bị bảo hộ lao động cần thiết) đề phòng lửa cháy lan do gặp gió to, vượt tầm khống chế cho phép. Trong quá trình đốt thực bì phải bố trí lực lượng canh gác theo cự ly quy định 15 - 20 m có một người canh gác.
Điều 8. Quy trình sau khi đốt thực bì:
Sau khi đốt thực bì, chủ rừng có trách nhiệm kiểm tra lại toàn bộ hiện trường khu vực đốt thực bì đến khi lửa tắt hẳn mới rút lực lượng canh gác khỏi hiện trường.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9. Phân công trách nhiệm:
1. Chi cục Kiểm lâm:
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành, thị hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương, các chủ rừng thực hiện những quy định về xử lý thực bì bằng phương pháp đốt.
- Chỉ đạo lực lượng kiểm lâm địa bàn tham mưu giúp chính quyền cấp xã trong việc cho phép hay không cho phép các chủ rừng được xử lý thực bì bằng phương pháp đốt; tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện cam kết của các chủ rừng với chính quyền cấp xã về các quy định xử lý thực bì bằng phương pháp đốt; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về xử lý thực bì bằng phương pháp đốt và các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng.
2. Sở Nông nghiệp và PTNT:
- Phối hợp với Chi cục Kiểm lâm hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương, các chủ rừng thực hiện những quy định về xử lý thực bì bằng phương pháp đốt.
- Chỉ đạo các chương trình, dự án của ngành về lĩnh vực trồng rừng, bảo vệ rừng tuân thủ các quy định về xử lý thực bì bằng phương pháp đốt.
3. Chính quyền địa phương:
a - UBND các huyện, thành, thị;
- Chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn, UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng tác hại của cháy rừng, các quy định, quy trình xử lý thực bì bằng phương pháp đốt đến cơ sở để người dân biết, thực hiện.
- Chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn, UBND các xã, phường, thị trấn kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về xử lý thực bì bằng phương pháp đốt của các chủ rừng trên địa bàn.
b - UBND các xã, phường, thị trấn:
- Tổ chức ký cam kết với chủ rừng trên địa bàn quản lý về xử lý thực bì bằng phương pháp đốt; chỉ đạo công tác kiểm tra việc thực hiện cam kết của các chủ rừng về hoạt động đốt, dọn thực bì trên địa bàn.
- Phối hợp với lực lượng kiểm lâm địa bàn, các ngành chức năng ngăn ngừa, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm quy định về xử lý thực bì bằng phương pháp đốt và các vi phạm quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng.
4. Chủ rừng:
- Tổ chức thực hiện các quy định về xử lý thực bì bằng phương pháp đốt và các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng.
- Đôn đốc, nhắc nhở các cá nhân có liên quan trong phạm vi quản lý của mình thực hiện quy định về xử lý thực bì bằng phương pháp đốt.
Điều 10. Khen thưởng và xử lý vi phạm:
Tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng, phát hiện ngăn ngừa vi phạm trong việc xử lý thực bì bằng phương pháp đốt sẽ được khen thưởng theo quy định.
Tổ chức, cá nhân nào vi phạm quy định hiện hành của Nhà nước về phòng cháy chữa cháy rừng và nội dung bản quy định này tuỳ theo mức độ sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.