Chỉ thị số 34/2005/CT-UBND ngày 05/12/2005 Chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 34/2005/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Quảng Bình
- Ngày ban hành: 05-12-2005
- Ngày có hiệu lực: 15-12-2005
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 14-01-2016
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 3682 ngày (10 năm 1 tháng 2 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 14-01-2016
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 34 /2005/CT-UBND | Đồng Hới, ngày 5 tháng 12 năm 2005 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH, TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG.
Thực hiện Luật Xây dựng và Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình, từ đầu năm 2005 đến nay Sở Xây dựng, các Sở có công trình xây dựng chuyên ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị tham gia hoạt động xây dựng đã có nhiều chuyển biến tích cực về công tác quản lý chất lượng các công trình xây dựng, nhiều công trình được hoàn thành có chất lượng cao, đưa vào sử dụng đúng tiến độ góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Tuy vậy, công tác quản lý chất lượng công trình của một số ngành, địa phương và nhiều chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế, nhà thầu xây dựng chưa được chú trọng đúng mức; tình trạng vi phạm các quy định về quản lý chất lượng công trình vẫn tiếp tục diễn ra phức tạp.
Qua đợt kiểm tra hơn 70 công trình xây dựng đang thi công ở các huyện, thành phố của Sở Xây dựng, cho thấy hầu hết các công trình đều có vi phạm các quy định của Nhà nước về chất lượng công trình ở mức độ khác nhau, các sai phạm điển hình như thi công sai thiết kế, sử dụng vật tư không đảm bảo chất lượng, thiếu biện pháp đảm bảo an toàn thi công, tiến độ công trình kéo dài... làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Kết quả thanh tra, kiểm tra một số dự án đầu tư xây dựng của Thanh tra tỉnh, các Ban ngành cho thấy tình trạng vi phạm về chất lượng công trình tương đối nhiều, như ở một số công trình của Dự án y tế nông thôn, Bệnh viện Việt Nam-CuBa, hạ tầng kỹ thuật thành phố Đồng Hới, kiên cố hoá trường học, lớp học, chất lượng thiết kế nhiều công trình còn thấp, năng lực quản lý dự án, giám sát của nhiều Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án còn yếu.
Hiện nay Luật Xây dựng và Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình đã quy định rõ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu khảo sát thiết kế, thi công đối với quá trình đầu tư nói chung và công tác quản lý chất lượng công trình nói riêng. UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 29/2005/QĐ-UB ngày 13/06/2005 về việc Quy định phân cấp thẩm định và phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình (hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình) thẩm định và phê duyệt quyết toán công trình xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách.
Nhằm thực hiện tốt các quy định của pháp luật về xây dựng và tạo sự chuyển biến tốt hơn về công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn, khắc phục tình trạng vi phạm và nâng cao chất lượng hiệu quả của các dự án đầu tư xây dựng, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
1. Giám đốc các Sở: Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Công nghiệp, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành có liên quan; UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện Luật Xây dựng và các văn bản pháp luật có liên quan;
2. Các Sở: Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Công nghiệp, UBND các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất việc tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng công trình đối với các công trình xây dựng chuyên ngành trên địa bàn, đặc biệt trong giai đoạn thi công và báo cáo định kỳ, đột xuất cho UBND tỉnh ( Qua Sở Xây dựng).
3. Các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong công tác quản lý chất lượng công trình đối với các công việc thiết kế, khảo sát, thi công công trình; đặc biệt đối với các công trình do ngân sách đầu tư, các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
4. Các huyện đã thành lập Trung tâm tư vấn thiết kế xây dựng, nếu không đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng về lập Dự án đầu tư xây dựng, khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng công trình theo quy định tại điều 48 Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07-02-2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình thì không được tiếp tục hoạt động khảo sát, lập dự án, thiết kế xây dựng công trình. Các Sở Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công nghiệp khi thẩm định thiết kế cơ sở và bản vẽ thi công phải kiểm tra chức danh chủ nhiệm đồ án, chủ trì thiết kế, chủ nhiệm khảo sát trong hồ sơ bản vẽ theo quy định tại điều 15 Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16-12-2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng. Kiên quyết loại bỏ các hồ sơ Dự án đầu tư, khảo sát, thiết kế xây dựng công trình do các tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện năng lực lập.
5. Trong quý IV năm 2005, Sở Nội vụ phối hợp với Sở Xây dựng hoàn thành việc tham mưu đề xuất Uỷ ban nhân dân tỉnh:
- Phương án sắp xếp lại, thành lập Ban quản lý dự án chuyên nghiệp và các Ban quản lý dự án khu vực đủ điều kiện năng lực thực hiện nhiệm vụ tư vấn quản lý dự án. Chấm dứt tình trạng các chủ đầu tư thành lập Ban quản lý dự án không đủ điều kiện năng lực hoạt động theo quy định.
- Thành lập Trung tâm kiểm định chất lượng công trình xây dựng.
6. Tăng cường công tác Thanh tra, kiểm tra phát hiện xử lý, xử phạt kịp thời, nghiêm minh các sai phạm về chất lượng công trình nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, chống thất thoát lãng phí, tham nhũng trong đầu tư xây dựng.
7. Giám đốc các Sở; Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm triển khai thực hiện tốt Chỉ thị này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc báo cáo về Uỷ ban nhân dân tỉnh để có hướng xử lý, giải quyết kịp thời. Sở Xây dựng có trách nhiệm phối hợp với các Sở có công trình xây dựng chuyên ngành để đôn đốc, theo dõi, hướng dẫn việc thực hiện Chỉ thị này, định kỳ hoặc đột xuất tổng hợp tình hình báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh.
Nơi nhận: | TM.ỦY BAN NHÂN DÂN |